Nguyễn Thị Hồng Đào
Nguyễn Thị Hồng Đào là nghiên cứu viên, đồng thời là Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED), Việt Nam. Email: nth.dao@IRED.edu.vn
Nền giáo dục đại học tư thục hiện tại của Việt Nam đã trải qua gần ba thập niên hình thành và phát triển với tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng về số lượng, từ con số chỉ có một cơ sở tư thục đào tạo bậc đại học được thành lập năm 1988, tăng lên 22 cơ sở vào năm 2000, 77 vào năm 2010 và 83 vào năm 2013. Giai đoạn 2005-2009 là giai đoạn chứng kiến sự tăng vọt gấp đôi số lượng các trường nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực được đào tạo bậc cao. Hiện nay, số lượng các trường đại học tư thục (ĐHTT) chiếm khoảng 20% tổng số các trường đại học với số lượng sinh viên chiếm 15% tổng số sinh viên cả nước. ĐHTT đóng vai trò ngày càng lớn trên phương diện chia sẻ trách nhiệm với các trường đại học công lập trong việc cung cấp cơ hội học đại học cho giới trẻ và vì vậy đã giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước dành cho giáo dục đại học (GDĐH).
Nhìn chung, các trường đại học tư thục tại Việt Nam (VN) chỉ mang tính chất hấp thu nhu cầu (demand-absorbing). So với các trường đại học công, các trường ĐHTT nhìn chung còn thu kém về quy mô cơ sở vật chất, quy mô đào tạo, đội ngũ giảng viên và chất lượng đào tạo. Các trường ĐHTT hiện đang phải đương đầu với nhiều thử thách về mặt xã hội và thể chế. Các vấn đề liên quan đến tổ chức, quản trị và chính sách được xem là gay gắt nhất, đang đe doạ sự tồn tại của các trường ĐHTT. Để tìm ra giải pháp thiết thực với độ tin cậy cao, một cuộc nghiên cứu tình huống đa địa điểm (multisite case study) mang tính định tính (qualitative) đã được thực hiện trong năm 2015 nhằmtìm hiểu kỹ các vấn đề về quản trị nội bộ và chính sách mà các cơ sở giáo dục ĐHTT đang phải đối mặt tại Việt Nam. Nghiên cứu đã vận dụng kỹ thuật phân tích tài liệu và phỏng vấn sâu các thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) và Ban Giám hiệu của bảy trường đại học tư thục trên khắp các địa bàn đại diện cho các vùng miền trong cả nước. Các trường được chọn nghiên cứu có đặc điểm lịch sử hình thành và phát triển, quy mô trường lớp, uy tín và chương trình đào tạo khác nhau. Mẫu nghiên cứu được chọn theo phương thức phân tầng điển hình, có chủ đích (typically stratified and purposive).
Căng thẳng trong nội bộ các trường
Giống như các trường ĐHTT khác trên thế giới, cơ cấu tổ chức cấp cao của các trường ĐHTT tại Việt Nam (VN) cũng bao gồm 2 thành phần chính cốt lõi – Hội đồng và Ban giám hiệu (đại diện là Hiệu trưởng). Nhưng quyền hạn và quan điểm của từng thành phần lại rất khác nhau giữa các nước. Tại VN, Hội đồng theo luật định được chính thức gọi là HĐQT với tên gọi và chức năng tương tự như HĐQT tại các doanh nghiệp. Các thành viên HĐQT đóng vai trò là nhà đầu tư, là chủ sở hữu và là cổ đông chi phối hoạt động của trường. Trong đại hội cổ đông, các thành viên này được luật cho phép có số phiếu biểu quyết tương ứng với mức tài chính đầu tư cho trường. Hiệu trưởng do HĐQT bầu có chức năng như nhà quản lý cao nhất chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động thường xuyên của trường. Tại VN, Hiệu trưởng có đóng góp ít hoặc không có đóng góp tài chính cho trường. Tại một số trường được chọn nghiên cứu, Hiệu trưởng cũng đồng thời là thành viên HĐQT với số phiếu biểu quyết tương ứng với số tiền đóng góp cho trường.
Nội dung phỏng vấn các thành viên HĐQT và Ban Giám hiệu đã cho thấy mối quan hệ căng thẳng giữa thành viên HĐQT và Hiệu trưởng trong quan điểm lãnh đạo và quản lý các trường ĐHTT. Hầu hết các thành viên HĐQT đều cho rằng trường nên được phát triển theo hướng vì lợi nhuận bởi chỉ có như vậy mới có thể thu hút thêm nguồn đầu tư cho trường; đồng thời có thể tăng khả năng thu hồi vốn cho các nhà đầu tư. Ngược lại, các Hiệu trưởng và một số ít các thành viên HĐQT muốn trường vận hành theo hướng vì mục đích công ích hay nói cách khác là không vì lợi nhuận.
Phân tích nội dung các văn bản pháp quy như các quyết định 61/2009/QĐ-TTg (2009), 58/2010/QĐ-TTg (2010) và 63/2011/QĐ-TTg (2011) của Thủ tướng chính phủ đã hé lộ nguyên nhân của mối quan hệ căng thẳng vừa nêu. Chính nội dung các quy định này đã vô hình trung làm bệ đỡ cho mục tiêu vì lợi nhuận của các trường ĐHTT. Nói cách khác, các quy định hiện hành của Nhà nước đã biến các trường ĐHTT đồng loạt thành loại hình trường ĐHTT vì lợi nhuận mặc dù trong chủ trương chung, Nhà nước khuyến khích phát triển loại hình ĐHTT không vì lợi nhuận. Chính sự mù mờ, “đánh lận” trong khái niệm về hai loại hình này đã dẫn đến sự tranh cãi giữa phía HĐQT và phía Hiệu trưởng về quan điểm lựa chọn mô hình phát triển trường. Cả hai phía đều cho rằng mình có cơ sở pháp lý để biện minh cho quan điểm lãnh đạo của phía mình.
Gần đây, để giải quyết mâu thuẫn này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg năm 2014 có hiệu lực thay thế các quy định trước đây. Nội dung Quyết định có đưa ra một số tiêu chí phân biệt hai loại hình ĐHTT không vì lợi nhuận và vì lợi nhuận trên phương diện cơ cấu tổ chức và phương thức sử dụng thu nhập. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được xem xét một cách thấu đáo và căn cơ hơn, đặc biệt trên phương diện bản chất cốt lõi trong chức năng, nhiệm vụ của HĐQT, trong cơ chế và phương thức quản trị và vận hành tài chính. Có một điều đáng lo ngại là quy định mới ban hành vẫn tiếp tục xác định quyền lợi tài chính và thẩm quyền của các nhà đầu tư đối với các hoạt động chính của trường. Các quyền và quyền lợi này tương tự cho các thành viên HĐQT tại các doanh nghiệp mặc dù nội dung Quy định có định ra mức cổ tức được hưởng không được quá lãi suất trái phiếu chính phủ (như quy định cụ thể tại Điều 32 của Quyết định số 70 năm 2014).
Hiện nay, số lượng các trường đại học tư thục (ĐHTT) chiếm khoảng 20% tổng số các trường đại học với số lượng sinh viên chiếm 15% tổng số sinh viên cả nước
Căng thẳng với bên ngoài
Thứ nhất, những người được phỏng vấn chia sẻ những khó khăn mà trường của họ phải trải qua trong thủ tục xin chủ trương, giấy phép thành lập trường bởi thủ tục hành chính quá rườm rà, phức tạp, tiêu tốn rất nhiều thời gian. Cơ sở đạo tạo của họ còn phải đương đầu với những quy định phi thực tế, khó thực hiện trong quy định về hạng mức tối thiểu diện tích đất, vốn điều lệ và trang thiết bị cho việc thành lập và vận hành 10 năm đầu của trường.
Thứ hai, tất cả những người được phỏng vấn đều phàn nàn trước thực trạng vẫn còn nhiều quy định cứng nhắc, cản trở tính tự chủ và tự do học thuật của các trường nói chung và của các giảng viên nói riêng. Một số ví dụ điển hình bao gồm quy định chung về điểm sàn tuyển sinh áp dụng cho tất cả các trường đại học; thủ tục xin phép Bộ Giáo dục – Đào tạo cho mở ngành đào tạo và đăng ký số lượng tuyển sinh cho từng ngành trong từng năm và chương trình khung dành cho các ngành đào tạo, trong đó số lượng tín chỉ các môn học liên quan đến chính trị và giáo dục quốc phòng bắt buộc chiếm tới 1/6 tổng số tín chỉ của mỗi ngành.
Thứ ba, phương thức, cường độ và thái độ quản lý của các cơ quan hữu quan đối với các trường luôn dao động – khi thì lỏng lẽo, khi thì nghiêm ngặt – chủ yếu phụ thuộc vào từng nhiệm kỳ lãnh đạo cấp cao tại địa phương. Hiệu trưởng, đồng thời là thành viên HĐQT của một trường được chọn nghiên cứu cho biết chính quyền địa phươngcác nhiệm kỳ trước hiếm khi thanh tra, kiểm tra các hoạt động của trường (hoạt động đào tạo, tài chính) nhưng chính quyền hiện tại thì ngược lại – liên tục thanh kiểm tra, giám sát.
Chính sách của nhà nước còn hạn chế và chưa công bằng
Nội dung và tinh thần của Luật Giáo dục năm 2005, Luật Giáo dục Đại học năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật khác vô hình trung đã loại các trường ĐHTT ra khỏi sự hỗ trợ tài chính của Nhà nước. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2008, Nhà nước đã khởi xướng chủ trương xã hội hoá, tức khuyến khích sự tham gia của các thành phần xã hội đối với các lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường. Các ưu đãi về giải phóng mặt bằng, trao quyền sử dụng đất lâu dài, thuế thu nhập và vay vốn đã được quy định áp dụng cho các cơ sở đào tạo đại học trong khu vực tư. Nhưng trên thực tế, việc được hưởng các ưu đãi nêu trên không được đồng đều giữa các trường tư thục bởi còn phụ thuộc rất lớn vào sự cam kết và khả năng nguồn lực của từng địa phương nơi trường toạ lạc. Trong khi đó, các trường công lập mặc nhiên được hưởng rất nhiều nguồn lực do Nhà nước hỗ trợ từ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, kinh phí hoạt động hàng năm, kinh phí nghiên cứu khoa học và học bổng dành cho giảng viên học tập nâng cao chuyên môn.
Về hỗ trợ cho sinh viên, hiện nay Nhà nước đang có duy nhất một chương trình cho vay ưu đãi thông qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội. Tuy nhiên, theo nhận định của những người được phỏng vấn thì hiệu quả của chính sách này không cao bởi số lượng mỗi suất cho vay còn khiêm tốn và trong nhiều trường hợp chính sách này được thực hiện tảng mạn và sai mục đích.
Khuyến nghị và kết luận
Những căng thẳng mang tính nội và ngoại trong quản trị các trường ĐHTT tại Việt Nam và chính sách Nhà nước còn hạn chế và thiếu tính công bằng đang đe doạ sự tồn tại và phát triển của các trường. Các vấn đề cấp thiết này cần phải sớm được giải quyết thông qua việc điều chỉnh, thay đổi cơ chế, chính sách của Nhà nước.
Để giải quyết vấn đề mâu thuẫn trong nội bộ tổ chức của các trường, thì hệ thống các khái niệm và tiêu chuẩn xác định rõ loại hình và phương thức tổ chức của hai loại hình trường ĐHTT không vì lợi nhuận và vì lợi nhuận cần phải được rạch ròi không những trên phương diện bản chất và quyền hạn của các thành phần lãnh đạo cấp cao trong cơ cấu tổ chức mà còn trên phương diện cơ chế quản trị tài chính.
Để giải quyết mối quan hệ căng thẳng giữa các trường với bên ngoài, cụ thể là với các cơ quan Nhà nước hữu quan thì vai trò chi phối và tập trung của Nhà nước cần phải thay đổi theo hướng tôn trọng quyền tự chủ, tự quyết định của các trường nhiều hơn; đồng thời, Nhà nước nên tập trung cho vai trò là cơ quan hỗ trợ, tạo điều kiện cho các trường thông qua công cụ chính sách.
Về mặt chính sách, một cơ chế cạnh tranh công bằng cần được xác lập ngay trong hoạt động cho vay vốn, cấp học bổng cho sinh viên, giảng viên và Nhà nước nên xem xét áp dụng chính sách cấp kinh phí hoạt động thường xuyên cho các trường, không phân biệt công hay tư mà chỉ cấp căn cứ trên hiệu quả hoạt động và nhu cầu chính đáng của từng trường. Chính sách miễn, giảm thuế thu nhập cho cá nhân, tổ chức có đóng góp tài chính cho các trường ĐHTT không vì lợi nhuận cũng nên được áp dụng để kích thích cá nhân và xã hội đóng góp nhiều hơn cho các trường thuộc loại hình trường này. Thiết nghĩ, nếu chính sách này được áp dụng thành công thì chắc chắn văn hoá hiến tặng sẽ sớm được hình thành và khi đó các nhà tài trợ cho các trường tư thục không vì lợi nhuận chắc hẳn sẽ không còn trông đợi vào nguồn thu nhập phân chia từ hoạt động có lãi của trường.