Sáng kiến xuất sắc tạo ra các đại học đẳng cấp quốc tế: hiệu quả hay không?

Jamil Salmi

Jamil Salmi là chuyên gia toàn cầu về giáo dục đại học. E-mail: jsalmi@tertiaryeducation.org. http://www.tertiaryeducation.org.  Bài viết này là bản tóm tắt một chương sách trong cuốn Hazelkorn, E. ed. (2016) – Xếp hạng toàn cầu và các vấn đề địa chính trị của giáo dục đại học. London, Routledge (2016). 

Nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển hoá để xây dựng các đại học “đẳng cấp quốc tế”, một số chính phủ như Trung Quốc, Đan Mạch, Pháp, Đức, Nhật, Nga, Hàn quốc và Tây Ban Nha đã triển khai các dự án có tên gọi “sáng kiến xuất sắc”, bao gồm việc đầu tư các khoản kinh phí lớn nhằm nâng cao thành tích của khối đại học tại các nước này. Mặc dù các chương trình này có tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới khởi động trong thập kỷ trước, thậm chí rất gần đây, chúng đã bắt đầu có tác động đáng kể đến những trường đại học tham gia chương trình. Vấn đề cấp bách đặt ra là đánh giá mức độ hiệu quả của các sáng kiến này và rút ra các bài học từ những kinh nghiệm đã và đang diễn ra.

Một điều khá chắc chắn là, năng suất khoa học của các trường đại học không thể cải thiện chỉ trong vài năm sau khi các chương trình sáng kiến xuất sắc được triển  khai

Trong khi những sáng kiến xuất sắc đầu tiên, đặc biệt tại Đông Á và các nước Bắc Âu, phản ánh một chính sách quốc gia dài hạn nhằm nâng cao sức ảnh hưởng của giáo dục đại học trong phát triển kinh tế, làn sóng gần đây nhất dường như lại được kích hoạt chủ yếu bởi các bảng xếp hạng đại học toàn cầu. Điều này chắc chắn đúng với trường hợp sáng kiến của Pháp vào năm 2012, trong đó giải pháp sáp nhập và liên minh được khuyến khích nhằm tăng thêm danh tiếng cho các trường đại học hàng đầu của nước này, hoặc dự án Học thuật Xuất sắc tại Nga năm 2013, đặt mục tiêu đưa 5 trường đại học vào TOP 100 các đại học toàn cầu vào năm 2020. Kết quả là, phần lớn các sáng kiến xuất sắc đều hướng tới mục tiêu đẩy mạnh quá trình quốc tế hoá nhằm thu hút tài năng học thuật đỉnh cao, từ đó tăng cường năng lực nghiên cứu của các trường đại học hàng đầu và giảm bớt tình trạng “hôn nhân cận huyết”.

Thách thức trong đánh giá các sáng kiến xuất sắc

Đo lường hiệu quả và tác động của các sáng kiến xuất sắc đối với các đại học được thụ hưởng chính sách không phải là nhiệm vụ dễ dàng bởi 2 lý do: thời gian và xác định mối liên hệ. Thứ nhất, phải mất nhiều năm để nâng hạng một trường đại học, tối thiểu từ 8 đến 10 năm. Vì nhiều sáng kiến xuất sắc còn khá mới, các nỗ lực đo đạc sự thành công trong phần lớn trường hợp là quá sớm. Một điều khá chắc chắn là, năng suất khoa học của các trường đại học không thể cải thiện chỉ trong vài năm sau khi các chương trình sáng kiến xuất sắc được triển  khai. Vì thế, một phân tích thấu đáo đòi hỏi một số lượng trường mẫu đủ lớn để so sánh các trường trong cùng một nước hoặc giữa các nước khác nhau, trong nhiều năm. Thách thức thứ hai liên quan đến việc xác định mối liên hệ. Ngay cả trong trường hợp số lượng mẫu đủ lớn để xác định được hệ số tương quan thì vẫn cần những đánh giá sâu hơn mới có thể xác minh được bằng cách nào các sáng kiến xuất sắc dẫn đến những thay đổi tích cực.

Mức độ ảnh hưởng của các sáng kiến xuất sắc gần đây vẫn chưa được phân tích nên việc so sánh kết quả các trường đại học hàng đầu trên Bảng xếp hạng ARWU (Bảng Thượng Hải) trong thập kỷ vừa qua (2004-2015) chỉ cung cấp được rất ít thông tin. Bốn quốc gia có tiến bộ đáng kể nhất là Trung Quốc (thêm 24 trường lọt vào tốp 500), Australia (thêm 5 trường), Ả rập Seut và Đài Loan (mỗi nước thêm 4 trường). Cả 4 quốc gia này đều có một hoặc hơn một sáng kiến xuất sắc, những dự án đã cung cấp nguồn kinh phí bền vững hỗ trợ các đại học hàng đầu.

Ở cuối danh sách là những “kẻ thua cuộc” Nhật và Hoa Kỳ, với 15 và 24 trường lần lượt rời khỏi tốp 500 vào năm 2014 so với xếp hạng 10 năm trước. Trường hợp của Hoa Kỳ khá thú vị là các trường công lập chiếm tỷ lệ cao hơn trong số các trường rớt khỏi bảng xếp hạng, điều này dường như khẳng định tác động tiêu cực của việc cắt giảm đầu tư công từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007.

Ở cấp trường, 5 trường tăng hạng nhanh nhất trong thập kỷ qua là Đại học Giao Thông Thượng Hải, Đại học Phúc Đán tại Trung Quốc, Đại học King Saud tại Ả rập Saudi, Đại học Aix-Marseille tại Pháp và Viện Công nghệ Technion tại Isarel – tất cả đều được nhận kinh phí từ các chương trình sáng kiến xuất sắc tại các quốc gia của họ.

Đã diễn ra những thay đổi tích cực nào?

Ngoài việc hỗ trợ các trường đại học trong mọi nỗ lực cải tiến của họ, nhiều sáng kiến xuất sắc còn cung cấp nguồn tài chính để xây dựng hàng loạt các trung tâm xuất sắc mới hoặc củng cố các trung tâm đang có, và tập trung chủ yếu vào các nghiên cứu liên ngành. Một nghiên cứu gần đây của OECD về các sáng kiến xuất sắc cho thấy một trong các lợi ích chính là các chương trình này cấp kinh phí cho các nghiên cứu cơ bản có tác động lớn và rủi ro cao, cũng như các nghiên cứu liên ngành và các nỗ lực hợp tác trong nghiên cứu.

Các sáng kiến xuất sắc thường đánh dấu những thay đổi triết lý quan trọng trong chính sách tài trợ của các quốc gia, đặc biệt tại Châu Âu. Ví dụ tại Pháp, Đức, Nga và Tây Ban Nha, nơi các đại học công vẫn được xem là hoạt động tốt như nhau, các sáng kiến xuất sắc đã dẫn đến một thay đổi mang tính nguyên tắc: từ mô hình cấp ngân sách đồng đều chuyển thành hình thức tài trợ khuyến khích cạnh tranh và dựa vào kết quả hoạt động.

Thực tế, quy trình lựa chọn các đại học và/hoặc các trung tâm xuất sắc được thụ hưởng chính sách có lẽ là yếu tố quan trọng nhất của các sáng kiến xuất sắc. Trong phần lớn trường hợp, cách tiếp cận của chính phủ là xem xét, đánh giá các trường đủ điều kiện thông qua một quá trình phản biện kỹ lưỡng để chọn ra các ứng viên tốt nhất. Quá trình đánh giá ngang hàng này do đội ngũ chuyên gia đánh giá, bao gồm các chuyên gia quốc gia và quốc tế thực hiện.

Cuộc cạnh tranh để giành được nguồn kinh phí tài trợ giữa các trường đại học ngày càng khốc liệt, vì vậy không thể bỏ qua tầm quan trọng của việc hợp tác. Thực tế cho thấy, các nhà khoa học đạt được hiệu quả cao nhất khi họ tham gia vào các dự án hợp tác ở cấp quốc gia và quốc tế. Ví dụ, chương trình xuất sắc tại Canada đã có những phối hợp thành công bất ngờ, là kết quả của quan hệ hợp tác đa phương giữa các trường đại học.

Một thành công khác của các sáng kiến xuât sắc là hình thành một thế hệ mới các nhà lãnh đạo đại học. Thay đổi thành công và nâng hạng đại học, mục tiêu mà các sáng kiến xuất sắc theo đuổi, đòi hỏi một  tầm nhìn táo bạo và năng lực thay đổi tư duy của cộng đồng học thuật trong quá trình tìm kiếm các giá trị học thuật xuất sắc.

Những rủi ro đi kèm các sáng kiến xuất sắc

Cùng lúc, các sáng kiến xuất sắc có thể  dẫn đến các hành vi tiêu cực và gây ra những hệ quả ngược. Các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo trường phải luôn ý thức về những rủi ro như tác động tiêu cực đối với chất lượng dạy và học khi phần lớn các sáng kiến xuất sắc quá chú trọng vào nghiên cứu; tiêu chí tuyển sinh cao hơn làm giảm bình đẳng trong cơ hội đối với sinh viên thuộc các thành phần xã hội chịu thiệt thòi; giảm tính đa dạng thể chế khi các trường đều có tham vọng trở thành đại học đẳng cấp quốc tế. Một thách thức khác mà các sáng kiến xuất sắc phải đối mặt là cơ chế quản trị chưa được cải cách phù hợp nên các trường vẫn bị ràng buộc bởi các quy định và hạn chế của dịch vụ công; những trường đại học tham gia vào các sáng kiến xuất sắc thường có xu hướng tạo những cơ chế song song để hình thành môi trường thuận lợi cho các nhà nghiên cứu hàng đầu của họ, với phòng thí nghiệm hiện đại và các trường đào tạo tiến sỹ theo mô hình Hoa Kỳ, hoạt động độc lập với những bộ phận khác của trường, và cũng không bị ảnh hưởng trong trường hợp kinh phí tài trợ thông qua các sáng kiến xuất sắc có thể thay đổi.