Fion Choon Boey Lim
Fion Choon Boey Lim là điều phối viên chất lượng giáo dục tại Victoria University College, Australia. E-mail: fion.lim@vu.edu.au
Trong thập kỷ qua, giáo dục xuyên quốc gia (Transnational Education – TNE) tại Trung Quốc thu hút nhiều sự chú ý. Tuy nhiên, các bài viết trong lĩnh vực này thường chỉ tập trung vào giáo dục bậc cao, đặc biệt là hợp tác đào tạo cấp bằng kép. Rất ít sự chú ý dành cho các hoạt động xuyên quốc gia ngày càng trở nên phổ biến trong các trường trung học Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, ba năm đầu của giáo dục trung học là bắt buộc. Giai đoạn tiếp theo (phổ thông cuối cấp) gồm ba năm học không bắt buộc. Kết thúc ba năm này, học sinh sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học Quốc gia – kỳ thi gaokao khét tiếng. Cả phụ huynh và học sinh đều căng thẳng trước kỳ thi này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tầng lớp trung lưu giàu có tăng lên và chính sách tự do hoá trong giáo dục trung học cho phép các trường hợp tác với nước ngoài khiến cho những hoạt động giáo dục xuyên quốc gia ở cấp trung học được triển khai rộng hơn. Một xu hướng hợp tác quốc tế đang gia tăng là đưa các chương trình đào tạo nước ngoài, thường là phương Tây, vào các trường trung học công lập hoặc tư thục Trung Quốc, như một bảo đảm cho việc học sinh sẽ nhận được bằng đại học nước ngoài sau này. Cho đến nay, có rất ít nghiên cứu, thảo luận, hoặc tranh luận về hoạt động giáo dục trung học xuyên quốc gia này. Tuy nhiên, trước sự gia tăng nhanh chóng của nó, có thể thấy trước là chính phủ Trung Quốc sẽ có những thay đổi trong các hình thức kiểm soát.
Sự gia tăng các chương trình quốc tế ở bậc trung học
Chương trình trung học nước ngoài không hoàn toàn mới ở Trung Quốc. Chương trình Tú tài quốc tế (International Baccalaureate – IB) đã được giảng dạy ở Trung Quốc từ năm 1991. Mặc dù những năm 1990 là giai đoạn bùng nổ khi Trung Quốc hiện đại mở cửa thị trường cho thương mại nước ngoài, giáo dục nước ngoài, đặc biệt là cấp trung học, vẫn được kiểm soát chặt chẽ và được coi là tương đối khó thâm nhập. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, ở bậc trung học của Trung Quốc, đã xuất hiện một xu hướng mới trong hợp tác với nước ngoài. Một số trường trung học hợp tác với các trường nước ngoài để cung cấp các chương trình dự bị đại học. Các chương trình cấp chứng chỉ GCE (General Certificate of Education) mức ‘O’ và ‘A’ của Cambridge International Examination, chương trình VCE của Úc, và một loạt các chương trình nền tảng khác nở rộ.
Nhiều học sinh tốt nghiệp các chương trình trung học nước ngoài dễ dàng nhập học các chương trình cấp bằng đại học quốc tế, dù ở Trung Quốc hay ở nước ngoài, và đó chính là mục tiêu mà các chương trình nước ngoài được thiết kế để chuẩn bị cho họ. Từ năm 2000, có hơn 100 trường học ở Trung Quốc phối hợp với tổ chức IB để cung cấp chương trình IB, và 72% học sinh tốt nghiệp chương trình IB từ năm 2002 đến 2012 đã được nhận vào một trong 500 trường đại học hàng đầu trên thế giới. Ít nhất 50 trường Trung Quốc đã được liệt kê trên trang web của Cambridge International Examination như những địa chỉ để học sinh lựa chọn nếu muốn vào các trường đại học ở Vương quốc Anh và những trường đại học khác trên thế giới công nhận kết quả GCE. Một số lượng lớn sinh viên Trung Quốc đã tìm được đường vào các trường đại học ở bang Victoria tại Australia thông qua trường quốc tế Haileybury ở Trung Quốc. Haileybury là một trường độc lập tại Melbourne và là một trong những trường tiên phong trong lĩnh vực này. Ở Trung Quốc, trường Haileybury được thành lập như một trường tư quốc tế, cung cấp Năm 7 theo chương trình VCE, và họ khẳng định nhiều học sinh tốt nghiệp trường này đã được nhập học vào các trường đại học hàng đầu tại Australia.
Một xu hướng hợp tác quốc tế đang gia tăng là đưa các chương trình đào tạo nước ngoài, thường là phương Tây, vào các trường trung học công lập hoặc tư thục Trung Quốc, như một bảo đảm cho việc học sinh sẽ nhận được bằng đại học nước ngoài sau này.
Có một số yếu tố thúc đẩy sự phát triển của hoạt động xuyên quốc gia ở bậc trung học tại Trung Quốc, trong đó có yếu tố là Bộ Giáo dục Trung Quốc chấp nhận chương trình quốc tế ở bậc trung học dễ dàng hơn so với các chương trình hợp tác Trung- nước ngoài. Không có hạn ngạch, cũng không có sự can thiệp của Uỷ ban Vật giá. Thực tế, để triển khai chương trình quốc tế ở bậc trung học cần chỉ sự chấp thuận của chính quyền tỉnh hoặc thành phố là đủ. Ngoài ra, sự gia tăng các chương trình này còn được củng cố bởi các liên kết thương mại ngày càng tăng giữa Trung Quốc với chính phủ nhiều nước khác.
Quản lý sự tăng trưởng và chất lượng: nhà cung cấp hãy coi chừng
Cho đến nay, có thể khẳng định rằng các hoạt động xuyên quốc gia ở bậc trung học tại Trung Quốc đã phát triển thịnh vượng trong môi trường kinh tế thị trường, nơi mà nhu cầu, giá cả và tăng trưởng đều được dẫn dắt bởi sự cạnh tranh. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, sự hợp tác Trung-nước ngoài trong chương trình giáo dục trung học có thể tăng trưởng nhanh và xa đến mức nào?
Hầu hết các hợp tác quốc tế tập trung ở các thành phố cấp 1 và cấp 2, đó là điều dễ hiểu vì đây là nơi tập trung phần lớn tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, học phí khá cao của các chương trình nước ngoài, đặc biệt là chương trình dự bị đại học, so với học phí của các trường phổ thông trung học tại địa phương là một trở ngại cho mức tăng trưởng. Học phí cho một năm học chương trình IB ở Thượng Hải có thể lên đến 280 ngàn tệ (tương đương 43 ngàn đô la Mỹ). Mức phí này vẫn là quá cao với nhiều phụ huynh.
Một cản trở nữa với sự tăng trưởng có lẽ là cảm giác miễn cưỡng của các bậc cha mẹ trước việc con cái họ từ bỏ quyền tham gia kỳ thi gaokao. Nhiều cha mẹ trung lưu chọn giải pháp gửi con vào các chương trình học quốc tế, ít căng thẳng và dọn sẵn con đường tốt hơn để đến với các trường đại học nước ngoài. Tuy nhiên, phần lớn các bậc cha mẹ Trung Quốc tiếp tục chọn cách tiếp cận ít rủi ro hơn, và hiển nhiên cũng nặng hơn – chương trình song ngữ – vừa theo học chương trình của Bộ Giáo dục, vừa theo học chương trình nước ngoài.
Tương lai của chương trình quốc tế trong giáo dục trung học Trung Quốc
Lịch sử cho thấy rằng trong giáo dục, phát triển nhanh mà thiếu giám sát chặt chẽ chất lượng chắc chắn sẽ dẫn đến thảm họa. Singapore, Malaysia, Hồng Kông, và Trung Quốc vẫn thắt chặt các quy trình đánh giá và phê duyệt của họ đối với các chương trình cấp bằng quốc tế và các nhà cung cấp giáo dục tư thục ở các thời kỳ khác nhau, đặc biệt là khi tăng trưởng vượt quá tầm kiểm soát về chất lượng. Lập luận rằng bản thân các trường đại học đã tự hình thành được cơ chế đảm bảo chất lượng vẫn không thuyết phục được các cơ quan đảm bảo chất lượng, và cũng không chứng minh được hiệu quả trong việc ngăn ngừa các chương trình chất lượng đáng ngờ như báo cáo ở các nước này cho thấy. Bởi vậy, không khó để dự đoán rằng, với sự ra đời của hệ thống đảm bảo chất lượng chặt chẽ của chính phủ Trung Quốc, nhiều khả năng sự tăng trưởng nhanh chóng của các chương trình đào tạo nước ngoài ở bậc trung học sẽ có một bước ngoặt trong tương lai không xa. Đến lúc đó, người ta sẽ phải đặt câu hỏi điều gì sẽ diễn ra với giáo dục xuyên quốc gia ở Trung Quốc: phải chăng các hoạt động giáo dục liên quốc gia sẽ dịch chuyển xuống các cấp thấp hơn trong “chuỗi cung ứng”, đầu tiên là xuống cấp tiểu học và sau đó đến các trường mầm non?