Quản trị thị trường và đại chúng hoá giáo dục đại học tại Ấn Độ

N.V.Varghese

N.V.Varghese là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách giáo dục đại học, Đại học Quốc gia về Kế hoạch và Quản trị giáo dục. New Delhi 110016, India. E-mail: nv.varghese@nuepa.org

Hệ thống giáo dục đại học tại Ấn Độ đang ở giai đoạn phục hồi. Khu vực này đã trải qua sự tăng trưởng chưa từng có tiền lệ trong thế kỷ này. Tỷ lệ tăng trưởng 2 con số trong thập kỷ vừa qua đã đưa giáo dục đại học vào giai đoạn đại chúng hoá. Với hơn 700 đại học, gần 37 ngàn trường cao đẳng, 1.4 triệu giáo viên và 31 triệu sinh viên, giáo dục đại học Ấn Độ là một hệ thống dành cho đại chúng, và là hệ thống lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

Những cuộc cải cách thân thiện với thị trường

Đại chúng hoá phản ánh sự thay đổi về chính sách công – từ hệ thống do nhà nước kiểm soát và tài trợ với tốc độ tăng trưởng chậm và mở rộng hạn chế – tới một hệ thống hoạt động theo các nguyên tắc của thị trường. Các chính sách tự do hoá trong kinh tế trong những năm 1990 khuyến khích sự du nhập của các động lực thị trường, các cuộc cải cách thân thiện với thị trường được đưa vào giáo dục đại học, kéo theo sự nở rộ của các trường tư và sự bùng nổ trong tuyển sinh tại Ấn Độ.

Khá kỳ lạ là trong khi các nền kinh tế trưởng thành dựa vào các trường công để đáp ứng nhu cầu của đại chúng về giáo dục đại học, các nền kinh tế ít phát triển hơn như Ấn Độ lại dựa vào thị trường. Tại thời điểm hiện nay, hơn ba phần năm tổng số sinh viên là thuộc về khu vực đại học tư.

Đại chúng hóa định hướng thị trường thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn các ngành học thân thiện thị trường, như các lĩnh vực kỹ thuật, nghề nghiệp và các lĩnh vực quản lý, dẫn đến sự mất cân bằng về ngành nghề.

Ban đầu, khu vực tư nhân tham gia vào giáo dục đại học theo hình thức chia xẻ chi phí với chính phủ. Giai đoạn tiếp theo chứng kiến sự xuất hiện của các trường tự chủ về tài chính và các trường có thu phí (loại phí sinh viên phải nộp trước khi nhập học tại một số trường đại học); tiếp đến là các tổ chức tư nhân được-coi-là-đại-học (một tình trạng đặc biệt mà cơ quan nhà nước tuy cấp phép nhưng không chính thức công nhận), và cuối cùng là hình thức trường đại học tư nhân trong thế kỷ này.

Đại chúng hoá và các đặc tính

Đại chúng hóa định hướng thị trường thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn các ngành học thân thiện thị trường như kỹ thuật, nghề nghiệp và các lĩnh vực quản lý, dẫn đến sự mất cân bằng về ngành nghề. Kết quả là gia tăng tỷ lệ thất nghiệp trong sinh viên tốt nghiệp thuộc nhóm này, kéo theo sự suy giảm nhu cầu đối với ngành học và sự đóng cửa một số đại học tư.

Đại chúng hoá thúc đẩy sự phát triển của các trường không-phải-đại-học và các chương trình cấp chứng chỉ. Khu vực không-phải-đại-học là khu vực tăng trưởng nhanh nhất, với số lượng tuyển sinh trong giai đoạn 2005-2012 tăng 23 lần, và thị phần trong tuyển sinh toàn hệ thống tăng 8 lần.

Giáo dục đại học Ấn Độ chủ yếu là ở bậc đại học, chiếm gần 80% tổng số tuyển sinh. Tỷ lệ tuyển sinh ở bậc sau đại học là thấp và tốc độ tăng trưởng của các chương trình nghiên cứu đang giảm đi. Xu hướng này dẫn đến sự thiếu hụt đội ngũ giảng viên trong tương lai, góp phần làm cả hệ thống thêm trì trệ.

Đại chúng hoá và bất bình đẳng

Đi kèm với quá trình đại chúng hoá giáo dục đại học tại Ấn Độ là sự bất bình đẳng dai dẳng, nếu không muốn nói là còn sâu sắc hơn. Mặc dù tỷ lệ học đại học tăng lên ở tất cả khu vực, ở tất cả các thành phần xã hội và các giới, tỷ lệ tăng trưởng này lại không đồng đều, dẫn đến bất bình đẳng nghiêm trọng. Ví dụ, giữa các năm 2002-2003 và 2011-2012, tỷ lệ tuyển sinh (GER) tăng gấp 3 lần tại một số bang, gấp 2 lần tại một số bang khác, nhưng lại ít hơn rất nhiều tại những nơi còn lại. Tỷ lệ tăng GER cao nhất là ở những bang nơi giáo dục đại học tư chiếm ưu thế, đồng thời lại góp phần nới rộng những khoảng cách giữa các bang.

Có sự chênh lệch đáng kể về số lượng tuyển sinh giữa các nhóm xã hội. Tuy nhiên, quá trình đại chúng hoá đem đến những lợi ích bình đẳng cho cả hai giới tính. Mặc dù bất bình đẳng vẫn tồn tại, sự chênh lệch giới tính trong tuyển sinh đại học đã thu hẹp lại. Thực tế, tại một số bang nơi tỷ lệ GER tương đối cao, chỉ số bình đẳng giới tính chỉ lớn hơn 1.

Đại chúng hoá và chất lượng

Đại chúng hoá đang làm chất lượng giáo dục đi xuống. Sự tăng trưởng bất chấp hậu quả của các đại học tư theo mô hình tự chủ tài chính dẫn đến sự bùng nổ các trường với cơ sở hạ tầng nghèo nàn, giảng viên kém chất lượng và không có cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu. Sau khi tiến hành những đánh giá hoạt động tại chỗ, một báo cáo của Uỷ ban đánh giá gần đây đã khuyến nghị đóng cửa 41 trường “được-coi-là-đại-học” vì chất lượng kém.

            Có sự chênh lệch đáng kể về số lượng tuyển sinh giữa các nhóm xã hội.

Ấn Độ đã thiết lập cơ chế đảm bảo chất lượng từ bên ngoài và bên trong. Vì việc kiểm định mới dừng ở mức tự nguyện, phần lớn các trường vẫn chưa được kiểm định. Ở hầu hết các trường, bộ phận kiểm định nội bộ hoạt động thiếu hiệu quả. Xu hướng này có thể thay đổi khi Uỷ ban Cấp ngân sách đại học mới đây đã đặt ra yêu cầu kiểm định như một điều kiện cần để được nhận tài trợ.

Xu hướng mới về chất lượng đang tác động đến số lượng tuyển sinh cho giáo dục đại học tại Ấn Độ. Số lượng tuyển sinh tại nhiều trường tư, đặc biệt các trường kỹ thuật và nghề nghiệp đang suy giảm vì chất lượng đào tạo thấp cũng như tỷ lệ thất nghiệp đáng kể của sinh viên tốt nghiệp.

Thách thức của quản trị và quản lý

Việc tồn tại quá nhiều cơ quan quyền lực và quy trình cấp phát kinh phí đã khiến cho công tác quản lý cả hệ thống và trong từng trường trở nên khó khăn. Việc tồn tại hệ thống các trường thành viên làm cho tình hình càng trở nên tệ hơn. Các trường đại học có trách nhiệm phát triển chương trình, giám sát chuẩn mực chất lượng, tiến hành kiểm tra và cấp bằng cho tất cả các khoa và trường thành viên. Số lượng các trường thành viên tại một số đại học quá lớn nên khó có được một hệ thống hướng dẫn đào tạo có ý nghĩa. Ấn Độ cần có kế hoạch để phát triển nhiều hơn các đại học cỡ nhỏ và các trường tự trị, đồng thời hạn chế số lượng trường thành viên.

Tự trị có ý nghĩa quan trọng đối với việc quản lý trường đại học một cách hiệu quả. Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như Học viện Công nghệ Ấn Độ IITs và Học viện Quản lý Ấn Độ IIMs, các đại học ở Ấn Độ chỉ tự trị một cách hình thức. Các đại học công hiện nay đang bị chính phủ quản lý và kiểm soát quá mức. Nhiều trường đói nguồn thu và chỉ sống nhờ vào sự thương hại của chính phủ. Đồng thời, các trường than phiền về việc họ nhận được nhiều chỉ đạo hơn là hỗ trợ tài chính từ chính quyền.

Rõ ràng rằng, mức độ tự trị phụ thuộc vào người đứng đầu tổ chức. Có cảm giác rằng sự sói mòn uy tín và mức độ tự trị của trường là kết quả của những tác động chính trị trong việc lựa chọn người đứng đầu tổ chức. Phần lớn các trường có bộ máy quản trị của họ, tuy nhiên, quá trình đề cử thành viên hội đồng quản trị không phải lúc nào cũng tránh được sự can thiệp từ bên ngoài.

Đôi khi, cho phép tự trị được xem như cái cớ để không tăng thêm hỗ trợ tài chính. Trong khi tự trị cho phép trường huy động các nguồn lực trong phạm vi rộng hơn, nguồn tài trợ chủ yếu từ phía chính phủ sẽ giúp trường ít bị tổn thương hơn và hoạt động hiệu quả hơn.

Kết luận

Ấn Độ vẫn phải tiếp tục mở rộng giáo dục đại học. Tỷ lệ tuyển sinh còn thấp, giáo dục trung học mở rộng và số lượng thanh thiếu niên tăng là mảnh đất màu mỡ cho phát triển giáo dục đại học. Vào những năm 2020, Ấn Độ sẽ là một trong các nước có dân số trẻ nhất, và có dân số ở độ tuổi học đại học lớn nhất thế giới. Phần lớn thanh niên sẽ sống ở khu vực thành thị và xuất thân từ các gia đình trung lưu có khả năng chi trả học phí. Điều này ngụ ý sự kết thúc của thời kỳ khi người học có rất ít lựa chọn do nguồn lực công hạn chế. Chúng ta có thể trông đợi những cuộc cải cách thân thiện với thị trường trong giáo dục đại học của Ấn Độ.

Những thách thức tương lai là ở việc mở rộng và nâng cao chất lượng một hệ thống đang chứa đựng những bất bình đẳng. Kinh nghiệm của Ấn Độ cho thấy trong khi các lực lượng thị trường có thể hữu ích để mở rộng giáo dục đại học, đặc biệt trong số những người có khả năng chi trả, thị trường có thể không phải là đồng minh đáng tin cậy nhất để giảm thiểu bất bình đẳng và nâng cao chất lượng. Do đó, chiến lược cho tương lai cần tập trung vào việc điều chỉnh hệ thống một cách hiệu quả để nâng cao chất lượng, và tập trung vào mục tiêu đảm bảo bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho những khu vực lạc hậu và các nhóm xã hội yếu thế.

(Bài viết này dựa trên bài: Varghese, N.V. 2015. Thách thức trong việc đại chúng hoá giáo dục đại học tại Ấn Độ. CPRHE Research Papers 1, New Delhi).