Marcelo Rabossi là Giáo sư lĩnh vực giáo dục tại Đại học Torcuato Di Tella, Buenos Aires, Argentina. Email: mrabossi@utdt.edu.
Tóm tắt: Việc đắc cử của Javier Milei, một người ngưỡng mộ các nhà lý luận theo chủ nghĩa tự do như Murray Rothbard hay Friedrich Hayek, vào vị trí Tổng thống Argentina dấy lên nhiều câu hỏi. Ví dụ, liệu quan điểm thị trường tự do gần như hoàn toàn dựa trên kinh tế của ông có thể cung cấp giải pháp cho cuộc khủng hoảng giáo dục hiện tại, với tỷ lệ 4/10 sinh viên đại học bỏ học trong năm đầu tiên? Tương tự, liệu tầm nhìn tư nhân hóa của ông có ảnh hưởng đến việc tài trợ công cho hệ thống khoa học và các trường đại học quốc gia hay không?
Được đánh dấu bằng lạm phát tràn lan, chỉ riêng trong năm 2023 đã tăng vọt lên 211,4% cùng với ngưỡng nghèo được đặt ở mức 40,1%, người Argentina đã tìm kiếm sự thay đổi triệt để. Do đó, có thể cho rằng việc Javier Milei lên làm Tổng thống Argentina, với tư cách là một nhà kinh tế nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, bằng cách đưa ra những lời khuyên không chính thống để chấm dứt lạm phát và nghèo đói ở quốc gia này, có thể là một hành động của sự thất vọng sau nhiều thập kỷ trì trệ kinh tế và nghèo đói hơn là một quyết định dựa hoàn toàn vào sự tin tưởng và lý trí.
Điểm yếu chính trị và tư duy vô định trong giáo dục
Năm 2021, Javier Milei thành lập đảng “Tự do Tiến lên” (“La Libertad Avanza” – LLA), một liên minh các đảng phái chính trị nhỏ theo chủ nghĩa tự do. Hai năm sau, ông trở thành Tổng thống mới của Argentina. Sự thăng tiến nhanh chóng này có một điểm yếu, vì LLA là thiểu số trong cả hai viện lập pháp, nên điều này buộc họ phải liên tục đàm phán với phe đối lập. Về giáo dục, Milei nhậm chức mà không có bất kỳ chuyên gia hàng đầu nào trong lĩnh vực này ở bên cạnh. Do đó, trong tháng đầu tiên của chính quyền, các đội ngũ kỹ thuật có thành viên không nhất thiết phải phù hợp với chủ nghĩa tự do cực hữu của Milei đã bắt đầu được thành lập. Điều này có thể gợi ý về hướng giáo dục mà ông có thể thực hiện trong nhiệm kỳ của mình.
Milei và cuộc đụng độ với thực tế
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, Javier Milei đã ủng hộ việc tài trợ giáo dục thông qua hệ thống voucher. Tuy nhiên, điều mỉa mai là chính Bộ trưởng Giáo dục đã đặt câu hỏi về nguồn tài trợ này trước khi được bổ nhiệm. Một điểm đặc biệt khác của chiến dịch tranh cử Tổng thống là việc công bố các khoản phí tại các trường đại học quốc gia. Tóm lại, điều này có nghĩa là cắt giảm quyền được tiếp cận miễn phí vào giáo dục đại học. Argentina có 67 trường đại học công lập, với gần 2,2 triệu sinh viên theo học (chiếm 80% tổng số sinh viên trong hệ thống). Các trường đại học quốc gia chỉ thu học phí cho giáo dục đại học trong một số giai đoạn tương đối ngắn. Giai đoạn đầu tiên là từ năm 1980 đến 1983, trong thời kỳ độc tài quân sự ở Argentina. Giai đoạn thứ hai là từ năm 1995 đến 2015, trong thời kỳ chính quyền Menem, với 3 nhiệm kỳ Tổng thống Kirchner, khi mỗi trường đại học được tự do quyết định một cách độc lập. Từ năm 1949, Argentina đã cho phép việc tiếp cận miễn phí vào giáo dục đại học. Quyết định này được tái khẳng định vào cuối năm 2015, với việc sửa đổi một điều khoản trong luật giáo dục đại học được ban hành năm 1995. Đáng chú ý là từ năm 1995 đến 2015, rất ít trường đại học chọn thu học phí, điều này chứng tỏ sự phản đối văn hóa đối với việc tư nhân hóa giáo dục đại học.
Mặc dù sau đó Tổng thống Milei đã làm rõ rằng chính sách thu học phí sẽ không được thực thi chỉ trong ngắn hạn, một dự luật được trình lên quốc hội đề xuất thu học phí đối với sinh viên nước ngoài không cư trú. Vào thời điểm viết bài này, vẫn chưa chắc chắn liệu dự luật đó có được thông qua ở lưỡng viện hay không. Tuy nhiên, các trường đại học có thể từ chối tuân thủ do họ có tư cách là các thực thể tự trị. Các trường đại học quốc gia thường có nguy cơ nổi loạn, điều này cho thấy cuộc đấu tranh quyền lực giữa nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học.
Một thay đổi khác có thể ảnh hưởng gián tiếp đến giáo dục đại học được thể hiện trong ý tưởng thực hiện các kỳ thi tốt nghiệp trung học. Kể từ năm 1983, chỉ với một vài ngoại lệ, việc nhập học vào các trường đại học quốc gia là miễn phí và không yêu cầu bất kỳ kỳ thi đầu vào nào, mặc dù nhiều cơ sở yêu cầu các khóa học bổ túc bắt buộc trong năm đầu tiên. Đã có một cuộc thảo luận công khai về sự cần thiết của các kỳ thi đầu vào cho việc nhập học đại học. Các cuộc đàm phán hiện tại trong quốc hội với phe đối lập đã làm rõ rằng điều này sẽ không xảy ra, và việc nhập học sẽ vẫn tiếp tục là miễn phí.
Một thay đổi khác có thể ảnh hưởng gián tiếp đến giáo dục đại học được thể hiện trong ý tưởng thực hiện các kỳ thi tốt nghiệp trung học.
Argentina kêu gọi sự thay đổi để đưa các mục tiêu phát triển trở lại đúng quỹ đạo.
Mặc dù Milei khẳng định rằng sự can thiệp ngày càng tăng của nhà nước vào các vấn đề kinh tế và tư nhân của người dân là nguyên nhân dẫn đến sự nghèo nàn của đất nước, quan điểm này thực sự khá là đơn giản hóa. Vấn đề cơ bản không phải là quy mô của nhà nước mà là liệu chính phủ có đủ nguồn lực tài chính để tự tài trợ hay không. Và liệu các nguồn lực sẵn có có được phân bổ đúng cách, hiệu quả, để đảm bảo cung cấp các hàng hóa như “công lý”, y tế và giáo dục, khi mà thị trường không thể đưa ra các giải pháp phù hợp hơn. Thực tế ở Argentina lại chứng minh ngược lại. Chi tiêu nhiều hơn những gì thu được từ thuế. Argentina cần tài trợ liên tục cho các khoản thâm hụt ngân sách của mình bằng cách in tiền, gây ra tình trạng lạm phát nhiệm trọng. Ngoài ra, việc thành lập 23 trường đại học quốc gia trong giai đoạn 16 năm (2007-2023), nhiều trong số đó không có logic chiến lược và chỉ dựa trên lý do chính trị, cho thấy sự thiếu hợp lý đã tồn tại trong một thời gian dài.
Cắt giảm ngân sách lớn và mối đe dọa đối với hệ thống đại học công lập
Nhằm mục đích giảm thâm hụt ngân sách bằng chiến lược gây sốc, trong 2 tháng đầu tiên, Chính phủ mới đã thực hiện chính sách cắt giảm chi tiêu công chưa từng có. Thực tế, theo dữ liệu từ văn phòng ngân sách của quốc hội quốc gia, các khoản chuyển ngân của nhà nước đến các trường đại học quốc gia chỉ trong tháng 1 năm 2024 đã giảm 16,5%. Tương tự, số lượng học bổng dành cho sinh viên cũng đã bị giảm. Điều này đã khiến một số trường đại học tuyên bố rằng nếu việc giảm nguồn vốn hiện tại tiếp tục, họ sẽ chỉ có thể hoạt động không quá bốn tháng. Hơn nữa, một số trường đã bắt đầu giảm số lượng sinh viên nhập học. Đó là trường hợp của các trường Đại học Quốc gia Quilmes, General Sarmiento và Hurlingham. Việc cắt giảm ngân sách mạnh đối với hệ thống đại học công lập đã dẫn đến một cuộc đình công toàn diện của giáo viên vào giữa tháng 3 năm 2024, do mức lương thực tế của họ giảm gần 50% từ tháng 12 năm 2023 đến tháng 3 năm 2024.
Cùng với xu hướng đó, cam kết giảm chi tiêu công bằng mọi giá của chính phủ hiện tại được thể hiện qua việc tạm dừng mở cửa năm trường đại học quốc gia mới được tuyên bố bởi một đạo luật của quốc hội vào tháng 9 năm 2023. Theo chính phủ, mục tiêu là xác định liệu tất cả các thủ tục hành chính có được thực hiện đúng hay không. Thực tế vẫn là nhiều cơ sở được tạo ra trong 15 năm qua được coi là phản ứng cho các nhu cầu chính trị hơn là các nhu cầu thực tế.
Kết luận
Một mặt, việc Tổng thống Milei hoan nghênh các đề xuất cụ thể để thảo luận và cân nhắc tương lai của Argentina cũng như vai trò của các trường đại học trong chương trình phát triển mới là một dấu hiệu tích cực. Mặt khác, sự ám ảnh của ông với việc giảm chi tiêu công mà không xem xét đến nhu cầu của những người dân dễ bị tổn thương nhất có thể làm gia tăng xung đột xã hội. Tương tự, việc cắt giảm thêm các quỹ vốn đã ít ỏi dành cho nghiên cứu và phát triển – Argentina chỉ đầu tư 0,6% GDP – có nghĩa là sẽ đặt sự phát triển tương lai của đất nước vào rủi ro, mặc dù đúng là cần có sự hợp lý hóa chi tiêu dựa trên cái nhìn chiến lược về phân bổ tài chính. Dù sao đi nữa, có thể hy vọng rằng, phe đối lập sẽ nghiêm túc hướng đến đối thoại trong quốc hội, và xã hội với quan điểm bảo thủ về vai trò công cộng và sự quan trọng của giáo dục sẽ ngăn chính phủ mới dẫn dắt đất nước theo hướng cực đoan, quên đi vai trò xã hội của nhà nước.