Liệu Pháp có thể chấm dứt sự phân biệt giữa Grandes Écoles và đại học không?

Christine Musselin là Giáo sư nghiên cứu CNRS tại Centre de Sociologie des Organisations, Viện Khoa học Chính trị Paris (Sciences Po), Pháp. Email: christine.musselin@sciencespo.fr.

X: @MusselinC

 

Tóm tắt: Bài báo này mô tả lịch sử phát triển và sự phân chia giữa các Grandes Écoles (trường đại học chuyên ngành) và các trường đại học tổng hợp ở Pháp. Trước tiên, bài báo cho chúng ta thấy việc khi các trường đại học tổng hợp đã áp dụng các chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp, thì các Grandes Écoles lại đang dần “đại học hóa”. Hơn nữa, trong những năm gần đây, các chính sách nhằm mục đích chuyển đổi nền giáo dục đại học Pháp đã dẫn đến một số sáp nhập giữa các trường đại học tổng hợp và các Grandes Écoles. Mặc dù vậy, sự phân chia giữa hai phân khúc đào tạo này vẫn còn đáng kể.

Sự phân chia giữa Grandes Écoles (trường đại học đào tạo một chuyên ngành) và các trường đại học tổng hợp (đào tạo nhiều chuyên ngành) là một đặc điểm đặc thù của nền giáo dục đại học Pháp. Sự phân chia này bắt đầu từ thời kỳ quân chủ với sự thành lập của École des Ponts et Chaussées (trường cầu đường, 1747) và École des Mines (trường mỏ, 1783). Nó phát triển mạnh hơn dưới thời Cách mạng Pháp khi các trường đại học tổng hợp bị o ép và những người cách mạng lựa chọn thành lập các trường đại học mới (ví dụ như École Polytechnique hoặc École Normale Supérieure). Các khoa đại học tổng hợp sau đó được tái lập bởi Napoleon, nhưng hệ thống các Grandes Écoles tiếp tục phát triển và có được vai trò danh giá trong việc đào tạo giới tinh hoa về trí tuệ, kinh tế và hành chính của Pháp. Trong khi đó, các trường đại học tổng hợp tiếp nhận phần lớn sinh viên nhưng đào tạo ra các nhà quản lý cấp trung, giáo viên và học giả.

Điều này đã bị chỉ trích nhiều lần, nhưng hai mô hình giáo dục này vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Tuy nhiên, hai xu hướng quan trọng đã diễn ra, giúp các trường đại học và các Grandes Écoles xích lại gần nhau hơn. Nhưng liệu sự phân chia này có sắp biến mất?

 

Sự phân chia giữa Grandes Écoles (trường đại học đào tạo một chuyên ngành) và các trường đại học tổng hợp (đào tạo nhiều chuyên ngành) là một đặc điểm đặc thù của nền giáo dục đại học Pháp.

 

“Đại học hóa” các Grandes Écoles và “chuyên nghiệp hóa” các trường đại học tổng hợp sau những năm 1980

Hai quá trình khác nhau đã thu hẹp khoảng cách giữa hai mô hình giáo dục về mặt chương trình giảng dạy, hoạt động và cả đội ngũ giảng viên.

Quá trình thứ nhất liên quan đến chính sách do chính phủ khởi xướng từ giữa những năm 1970 nhằm “chuyên nghiệp hóa” chương trình giảng dạy đại học, nghĩa là phát triển các chương trình hướng đến nghề nghiệp. Kỳ vọng về năng lực của các trường đại học trong việc chuẩn bị sinh viên cho thị trường lao động đã tăng lên, các bằng cấp “chuyên nghiệp” cụ thể đã được tạo ra ở tất cả các cấp (cử nhân và thạc sĩ), và các chương trình thực tập tại các công ty đã được phát triển. Trong những năm gần đây, khái niệm học nghề cũng đã được đưa vào các trường đại học Pháp.

Diễn ra song song với xu hướng này, từ giữa những năm 1980, các trường kinh doanh danh tiếng nhất đã trải qua một sự chuyển đổi quan trọng. Học theo các đối tác quốc tế, họ đã thành lập các cơ sở đào tạo ở nước ngoài, cố gắng thu hút sinh viên quốc tế và tìm kiếm các chứng nhận quốc tế như AACSB, AMBA và Equis châu Âu. Nhưng để đạt được những chứng nhận này, họ phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nội bộ và tuân theo mô hình do các tổ chức chứng nhận đưa ra. Điều này đòi hỏi việc tuyển sinh một lượng sinh viên quốc tế, đồng thời cũng cần xây dựng một đội ngũ giảng viên quốc tế có bằng tiến sĩ. Họ ngừng việc tuyển dụng sinh viên cũ tốt nghiệp tại trường làm giáo sư chính thức và tìm kiếm những ứng viên có hồ sơ học thuật ấn tượng hơn: những người có bằng tiến sĩ với thành tích xuất bản đáng kể. Một số trường kinh doanh thậm chí bắt đầu cấp bằng tiến sĩ của riêng họ và nghiên cứu trở thành ưu tiên hàng đầu. Do đó, họ đã áp dụng các tiêu chuẩn giống như đại học nhiều hơn. Các trường kỹ thuật sau đó cũng bắt đầu hướng đến quốc tế và hiện nay cũng đang đi theo hướng này.

Quá trình Bologna càng làm nổi bật xu hướng hội tụ này: kể từ đó, bằng cấp do các Grandes Écoles cấp được gọi là “bằng thạc sĩ”, giống như bằng cấp cuối cùng do các trường đại học cấp.

 

Những làn sóng đổi mới trong 20 năm qua

Từ năm 2005, một quá trình chuyển đổi mang tính cấu trúc hơn đã được tiến hành. Mục đích là tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ giữa hai mô hình (đại học và grandes écoles) bằng cách thành lập các tổ chức liên kết tại địa phương, nơi các trường đại học và các grandes écoles có thể hợp tác. Do đó, luật năm 2005 được ban hành nhằm tạo khả năng thành lập các PRES (Pôles de Recherche et d’Enseignement Supérieur), là các tổ hợp nghiên cứu và giáo dục đại học, nơi các thành viên có thể phát triển và quản lý các phòng thí nghiệm chung, các chương trình giảng dạy chung, cấp bằng tiến sĩ chung và chia sẻ việc quản lý một số năng lực của họ. Đến đầu năm 2010, có khoảng 20 PRES ở Pháp, tuy nhiên các thành viên không đóng góp nhiều cho hệ thống mới này này cũng như các dự án chung vẫn còn khá hiếm.

Để thúc đẩy các PRES, chính phủ đã quyết định chỉ các PRES mới được nộp hồ sơ xin cấp vốn Idex – chương trình tuyển chọn khắt khe được tổ chức lần đầu tiên trong khuôn khổ Sáng kiến Pháp về Khung xuất sắc vào năm 2010 và 2011, sau đó là năm 2016 và 2017. Sau các lần xin cấp vốn năm 2010 và 2011, 8 PRES (Bordeaux, Marseille, Strasbourg, Toulouse và 4 PRES ở hoặc xung quanh Paris) đã được lựa chọn và nhận thêm tài trợ. Nếu được đánh giá tích cực sau 4 năm, họ sẽ được xác nhận là Idex (các tổ chức xuất sắc) và được phân bổ nguồn tài trợ vĩnh viễn để duy trì ngân sách hoạt động.

Kết quả của các đợt xin cấp vốn cho thấy quá trình này còn tỏ ra phức tạp hơn đối với các PRES ngay cả so với các trường đại học và cả các grandes écoles. Ngoại trừ 2 PRES, tất cả các PRES khác đều không vượt qua được vòng xin cấp vốn năm 2010 và 2011, hoặc bị mất nguồn tài trợ Idex sau khi được đánh giá lại sau 4 năm (Toulouse và một PRES khác ở Paris). Hơn nữa, ngoại trừ một trường hợp ngoại lệ, tất cả các tổ hợp nghiên cứu được xác nhận là Idex đều đã trải qua quá trình sáp nhập giữa 2 hoặc 3 trường đại học thành viên trong 4 năm đầu tiên. Bằng cách bắt chước mô hình thành công (sao chép các đơn vị chiến thắng), nhiều trường đại học khác ở Pháp cũng đã sáp nhập sau những đợt xin cấp vốn đầu tiên, nhưng không có trường hợp sáp nhập nào giữa các grandes écoles.

Điều này đã thay đổi vào năm 2018. Cho đến thời điểm này, điều lệ của tất cả các cơ sở giáo dục đại học Pháp được phép gọi là “universités” phải tuân theo các quy tắc do Luật Đại học quy định. Nhưng vào tháng 12 năm 2018, Bộ đã ban hành một thông tư cho phép các trường đại học được tự nguyện tách khỏi Luật Đại học đã được thông qua vào năm 2013. Các trường có thể trở thành EPE (cơ sở thí nghiệm công lập) và tự xác định quy chế riêng cho mình. Thông tư cũng nêu rõ trường hợp EPE là kết quả của việc sáp nhập giữa các trường đại học và các grandes écoles, thì các grandes écoles này có thể giữ nguyên tư cách pháp lý. Điều này mở ra cánh cửa cho một giai đoạn sáp nhập mới bao gồm cả một số grandes écoles. Bên cạnh các sáp nhập đã hoàn thành, điều này đã thực sự làm thay đổi đáng kể bức tranh giáo dục đại học của Pháp.

 

Đây là một cuộc cách mạng? Có lẽ là không!

Như vậy, đây là một bước đi quan trọng và đầy hứa hẹn… nếu những “đám cưới” (sáp nhập) gần đây này được duy trì. Nhưng liệu nước Pháp cuối cùng đã thoát khỏi con đường lệ thuộc tồn tại từ năm 1747?

Đây dường như là điều chắc chắn, và không chỉ vì khả năng các EPE tan rã. Thứ nhất, khi các grandes écoles danh tiếng nhất quyết định tham gia vào các EPE, họ sẽ chọn tham gia vào một EPE không có trường đại học tổng hợp. Ví dụ, École Polytechnique – ngôi trường hàng đầu – đã thành lập một EPE bao gồm 5 grandes écoles.

Hơn nữa, cạnh tranh thu hút sinh viên giữa hai mô hình đại học chưa bao giờ gay gắt đến như vậy. Nhiều grandes écoles gần đây đã triển khai chương trình cử nhân 4 năm, cho phép học sinh vào trường trực tiếp sau khi tốt nghiệp tú tài (baccalauréat) thay vì phải trải qua kỳ thi tuyển sinh khắt khe sau 2 năm ôn luyện. Một số sinh viên cử nhân này sau đó có thể tham gia các chương trình thạc sĩ của các grandes écoles. Do đó, các trường này đã có thể tăng số lượng sinh viên cũng như doanh thu từ học phí. Năm nay, tỷ lệ sinh viên theo học tại khối tư thục đã lên tới 25% trong khi lần đầu tiên chứng kiến sự suy giảm về số lượng sinh viên của các trường đại học.

Mặc dù  tiềm năng nghiên cứu chủ yếu tập trung ở các trường đại học tổng hợp tuy nhiên, chúng vẫn tỏ ra kém uy tín hơn trong suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh hay học sinh, cũng như trong suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách và công chức cấp cao Pháp. Như vậy, sự phân chia giữa grandes écoles/đại học đã bị lung lay nhưng vẫn tồn tại dai dẳng.