Sinh viên du học, cơ hội và tính tự nguyện di cư: Một cách tiếp cận khái niệm mới

Sinh viên du học, cơ hội và tính tự nguyện di cư: một cách tiếp cận khái niệm mới

Lisa Ruth Brunner, Bernhard Streitwieser, and Rajika Bhandari

Lisa Ruth Brunner là nghiên cứu viên sau tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Di cư tại Đại học British Columbia, Canada. E-mail: [email protected]. Bernhard Streitwieser là phó giáo sư về giáo dục quốc tế và các vấn đề quốc tế tại Graduate School of Education and Human Development, George Washington University, Hoa Kỳ, đồng thời là giám đốc GW’s Refugee Educational Advancement Laboratory. E-mail: [email protected]. Rajika Bhandari là người sáng lập Rajika Bhandari Advisors, Hoa Kỳ. Email: [email protected].

Tóm tắt: Trong bối cảnh giáo dục đại học, vấn đề nhập cư và di cư ngày càng đan xen phức tạp, chúng ta cần một cách thức mới để phân tích việc dịch chuyển của sinh viên quốc tế (International Student Mobility – ISM). Việc “giải mã” sự phức tạp của ISM làm sáng tỏ hai chuỗi liên tục giao thoa chính: thứ nhất, quyền tự do dịch chuyển và thứ hai, cơ hội thông qua việc du học. Việc nhìn nhận sự hợp lưu này không chỉ giúp giải thích rõ hơn quá trình tái tạo, khuếch đại, tan rã và tái cấu trúc các đặc quyền trong giáo dục quốc tế, mà còn nhấn mạnh đến nhu cầu nhìn nhận về những sinh viên có hoàn cảnh dịch chuyển bất đắc dĩ, như tị nạn và buộc phải di cư.

Sinh viên quốc tế thường được coi là một nhóm tương đối đồng nhất, với những động lực và trải nghiệm giống nhau giữa các thành viên trong nhóm. Tuy nhiên, sự thay đổi các tương tác giữa giáo dục đại học, du học và di cư/nhập cư buộc chúng ta phải suy nghĩ lại cách tiếp cận lỗi thời này.

Cùng với việc hệ thống giáo dục đại học ở các nước Bắc bán cầu ngày càng phụ thuộc vào học phí của sinh viên quốc tế, và chính phủ các nước này coi sinh viên quốc tế là những “người nhập cư lý tưởng”, giáo dục đại học hiện đang gắn chặt với mối liên hệ sâu sắc giữa giáo dục và nhập cư, hay còn gọi là “giáo dục di cư” (edugration). Các cơ sở giáo dục đại học cũng cung cấp những lộ trình toàn cầu cho chương trình bảo vệ người tị nạn, đây là một trọng tâm ngày càng tăng của Công ước Toàn cầu về Người tị nạn của Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR). Những thay đổi này cùng với các yếu tố khác đặt ra những hàm ý quan trọng đối với nghiên cứu liên ngành về dịch chuyển của sinh viên quốc tế (International Student Mobility – ISM).

Cùng với việc hệ thống giáo dục đại học ở các nước Bắc bán cầu ngày càng phụ thuộc vào học phí của sinh viên quốc tế, và chính phủ các nước này coi sinh viên quốc tế là những “người nhập cư lý tưởng”, giáo dục đại học hiện đang gắn chặt với mối liên hệ sâu sắc giữa giáo dục và nhập cư, hay còn gọi là “giáo dục di cư” (edugration).

Sự “lộn xộn” của sinh viên quốc tế

Dịch chuyển sinh viên quốc tế ISM đề cập đến sự dịch chuyển vật lý của cá nhân nhằm theo đuổi chương trình học tại một quốc gia khác. Trong khi ISM trước đây thường bị bỏ qua trong các nghiên cứu về di cư và được lý thuyết hóa không đầy đủ hoặc tiếp cận thiếu thận trọng trong lĩnh vực giáo dục quốc tế, thì hiện nay điều này đã trở thành chủ đề then chốt trong cả hai lĩnh vực trên. Những hiểu biết quan trọng gần đây tiết lộ sự phức tạp và thách thức liên quan đến việc nghiên cứu vấn đề. Sự thay đổi của công nghệ, quá trình hội nhập khu vực và cơ cấu đối tác hiện nay khiến việc xác định ai được coi là sinh viên du học quốc tế trở nên phức tạp hơn. Việc ưu tiên nghiên cứu về tính lưu động quốc tế so với tính lưu động nội quốc đặt ra câu hỏi về sự khác biệt giữa việc vượt biên, thường là những quốc gia từng là thuộc địa. Những động lực và trải nghiệm đa dạng của ISM thách thức việc tạo ra phân loại đơn giản. Đồng tình với Hans de Wit khi ông chỉ trích sự “cẩu thả rắc rối” liên quan đến thuật ngữ “quốc tế hóa”, chúng tôi cho rằng ISM cũng gặp phải những vấn đề “rối rắm” liên quan đến nhau trong các lĩnh vực này.

“Thuật ngữ rối rắm”

Thuật ngữ có ý nghĩa chi phối trong việc tổ chức và truyền đạt các giá trị. Các thuật ngữ liên quan đến ISM không chỉ được sử dụng không nhất quán mà còn che mờ đi sự phức tạp và các mối quan hệ quyền lực vốn có trong di cư/nhập cư. Ví dụ, khi “giáo dục di cư” (edugration) mở rộng, việc phân biệt giữa “sinh viên”, “người di cư” và “người nhập cư” quốc tế ngày càng trở nên khó khăn. Định nghĩa pháp lý về “người tị nạn” theo quan điểm của Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR), với định hướng lấy châu Âu làm trọng tâm (Eurocentric) và có thể coi là lỗi thời, cũng ngày càng bị chỉ trích vì phục vụ cho nhu cầu của các quốc gia hơn là nhu cầu của những người bị buộc di cư. Bên cạnh đó, định nghĩa này còn loại trừ một phạm vi rộng lớn hơn của các hình thức di chuyển vì mục tiêu an toàn, ví dụ như việc di dời do khủng hoảng khí hậu.

Dữ liệu lộn xộn

Dữ liệu liên quan đến ISM giữa các quốc gia có sự khác biệt lớn. Các danh mục có thể bị trộn lẫn, gây khó khăn cho việc so sánh quốc tế và tranh luận công khai. Bên cạnh đó, dữ liệu này cũng thường không đầy đủ. Ví dụ, việc thiếu hụt số liệu về sự chuyển đổi của sinh viên quốc tế sang thường trú nhân cản trở việc hiểu biết về mô hình “giáo dục di cư” (edugration). Trong khi đó, sinh viên tị nạn theo học thường không được tính là sinh viên quốc tế, dẫn đến việc họ được thống kê riêng biệt.

Thực hành thiếu tính hệ thống

Các cơ sở giáo dục đại học thường phân loại các nhóm sinh viên quốc tế theo một cách thô sơ để phục vụ việc đánh giá học phí, xét duyệt học bổng và các mục đích hành chính khác. Sinh viên “nội địa” có nguồn gốc di cư bị tách biệt tùy ý khỏi sinh viên quốc tế. Trong khi đó, những sinh viên không giấy tờ, không quốc tịch, thành viên của các dân tộc bản địa có lãnh thổ xuyên biên giới, hoặc những nhóm khó phân loại khác, đang đặt ra thách thức cho sự phân chia rạch ròi giữa sinh viên nội địa và quốc tế. Mặt khác, những người xin tị nạn và người tị nạn tái định cư gần đây có thể được coi là sinh viên “nội địa”, nhưng họ lại cần các dịch vụ dành cho sinh viên “quốc tế”, điều này càng làm phức tạp thêm công tác sinh viên và mô hình tài trợ.

Hình thái khái niệm của ISM

Chúng tôi tin rằng sự “rối rắm” này một phần là do thiếu một cách tiếp cận phân tích sắc thái đối với mối liên kết giữa ISM và di cư. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đề xuất một lý thuyết mới về ISM dựa trên hai khái niệm chính.

Được trình bày bởi Bernhard Streitwieser, phân loại này chia Hoạt động Giáo dục Quốc tế thành 3 nhóm riêng biệt. Nhóm thứ nhất là “tính lưu động vì sự khai sáng”, hay giáo dục quốc tế tự nguyện. Nhóm thứ hai là “tính lưu động vì cơ hội”, hay giáo dục quốc tế do di cư kinh tế thúc đẩy. Nhóm thứ ba được gọi là “tính lưu động vì sự sinh tồn”, hay giáo dục quốc tế diễn ra do bị buộc phải di cư.

Cách tiếp cận thứ hai, do Marta Bivand Erdal và Ceri Oeppen trình bày, định vị di cư do ép buộc và tự nguyện là một phổ thay vì chỉ là 2 lựa chọn đối lập.

Dựa trên những khái niệm này, chúng ta xác định được 2 yếu tố cấu trúc của ISM: thứ nhất, quyền tự do di chuyển, giải quyết tính tự nguyện của tính di chuyển; và thứ hai, là mức độ tác động của việc di chuyển tới chính cơ hội di chuyển.

Quyền quyết định di chuyển

Trong nghiên cứu di cư, quyền tự do di chuyển thường được coi là ranh giới rõ ràng: người tị nạn buộc phải di cư, trong khi sinh viên quốc tế có quyền tự quyết. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tính tự nguyện du học trong lĩnh vực ISM cần được hiểu như một phổ bao gồm nhiều mức độ tự do khác nhau. Điều quan trọng là chúng ta cần đảm bảo trong các phân tích về ISM bao gồm cả sinh viên tị nạn, di cư cưỡng ép và những sinh viên bị di dời. Bên cạnh đó, cần phải công nhận tác động của các thế lực lịch sử và hiện đại của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa tư bản lên ISM, cũng như ảnh hưởng của chúng lên tính tự nguyện của việc di cư.

Cơ hội thông qua di chuyển

ISM thường được thảo luận và sử dụng như một công cụ dựa trên lợi ích kinh tế của cá nhân. Tuy nhiên, những khái niệm thông thường được sử dụng quá thường xuyên trong các cuộc thảo luận về ISM chẳng hạn như tính lưu động hướng thượng (upward mobility) và lý thuyết về vốn của Bourdieu (Bourdieusian capital theory), vẫn còn quá đơn giản. Chúng tôi đề xuất việc nhìn nhận cơ hội thông qua ISM như một phổ, do đó tạo ra không gian cho nhiều mức độ và cơ hội tiềm năng khác nhau, cả về giáo dục hoặc các lĩnh vực khác. Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải công nhận cách thức hoạt động tương đối của ISM, nơi các dấu hiệu xã hội không phải là tĩnh mà được tái xuất thông qua tính động, và khái niệm “cơ hội” phụ thuộc nhiều vào bối cảnh.

Giao điểm quyền tự do dịch chuyển và cơ hội

Trong việc tái khái niệm của chúng tôi, ISM được cấu trúc bởi sự giao thoa của hai phổ này: quyền tự do di chuyển và cơ hội. Nói cách khác, phổ “quyền tự do di chuyển” giao thoa với phổ “cơ hội thông qua di chuyển” theo những cách quan trọng và khác nhau, tạo ra một tập hợp rộng hơn các hình thức có thể của ISM.

Ví dụ, trong trường hợp tính lưu động tín chỉ ngang bằng (horizontal credit mobility), nơi sinh viên trao đổi giữa các tổ chức giáo dục có thứ hạng tương đương ở các quốc gia có GDP tương tự, việc tham gia vào hoạt động học tập quốc tế có thể tương đối tùy chọn và tác động của nó đến cơ hội cũng tương đối hạn chế. Vốn hiểu biết xã hội hoặc văn hóa của sinh viên có thể tăng lên, nhưng việc tham gia vào môi trường quốc tế của họ là tự nguyện. Tuy nhiên, trong “edugration” (di cư học vấn), di cư trở thành một hình thức đặc biệt của tính lưu động xã hội thông qua việc tiếp cận các thị trường lao động mới và quyền cư trú thường trú. Quyền tự do di chuyển của sinh viên bị hạn chế hơn do nền kinh tế quốc gia không đồng đều, và tác động của việc di chuyển đến cơ hội của họ có thể đáng kể hơn. Cuối cùng, trong ISM bị ép buộc, sinh viên tị nạn du học với lý do bắt buộc hoặc để thoát khỏi sự ngược đãi, trong khi việc du học có thể ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội của họ.

Khi quan sát các mô hình rộng lớn về mối liên hệ giữa quyền tự do du học và cơ hội này, điều cốt yếu trong việc tái khái niệm của chúng tôi là sự thừa nhận rằng các biến thể của cá nhân và tình huống sẽ luôn diễn ra, do đó chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét quyền tự do du học và cơ hội trên các phổ giao thoa.

Những điều cần thay đổi

Khi chức năng xã hội của ISM thay đổi theo mối tương quan với di cư toàn cầu, cả các học giả và những người thực hành đều cần suy nghĩ lại các công cụ khái niệm mà họ sử dụng để giải quyết nay đã trở thành một tập hợp thuật ngữ, dữ liệu và thực tiễn ngày càng rối rắm. Việc suy nghĩ lại ngụ ý rằng các nhà cung cấp ISM, cũng giống như chúng ta không thể cho rằng ISM luôn đi kèm với tính lưu động hướng thượng.