Sự phát triển của chính sách quản trị tiến sĩ: Ảnh hưởng ngày càng tăng của các tổ chức quốc tế

Teele Tõnismann là nhà nghiên cứu tại Laboratory of Interdisciplinary Studies on the Doctorate, Adoc Talent Management và là thành viên của Phòng thí nghiệm Khoa học xã hội về Chính trị (LaSSP), Sciences Po Toulouse, Pháp. Email: [email protected]. Matthieu Lafon là giám đốc Laboratory of Interdisciplinary Studies on the Doctorate, Adoc Talent Management, Pháp. Email: [email protected].

Tóm tắt: Gần đây, Liên minh châu Âu và OECD đã đưa ra một loạt các biện pháp sâu rộng nhằm thúc đẩy sự nghiệp nghiên cứu, bao gồm cả nghiên cứu sinh tiến sĩ. Các biện pháp này củng cố thẩm quyền của các tổ chức quốc tế thông qua các cơ chế luật mềm để gián tiếp tác động đến các chính sách giáo dục quốc gia có liên quan. Chúng cũng định hình lại khái niệm bằng tiến sĩ bằng cách lồng ghép nó vào diễn ngôn về khả năng cạnh tranh kinh tế. Điều này nhấn mạnh nhu cầu cấp bách phải đặt câu hỏi về kỳ vọng tiếp thị và giáo dục đối với bằng tiến sĩ.

 

Trong 20 năm qua, đặc biệt kể từ khi Quy trình Bologna ra đời, hệ thống giáo dục đại học 3 giai đoạn gồm cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ được áp dụng, các chính phủ đã dần dần tăng cường chú trọng vào giáo dục tiến sĩ, vốn trước đây chủ yếu được coi là lĩnh vực thuộc phạm vi của cộng đồng học thuật.

Tuy nhiên, còn có một xu hướng khác ít được ghi nhận rộng rãi hơn: sự nhấn mạnh ngày càng tăng vào đào tạo tiến sĩ trên bình diện quốc tế và toàn cầu, đáng chú ý là bởi các tổ chức quốc tế như Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét các sáng kiến chính sách gần đây từ các tổ chức quốc tế, và thấy rằng sự tham gia của các tổ chức đó trong việc định hình chiến lược nghề nghiệp nghiên cứu sẽ làm thay đổi khuôn khổ quản trị thể chế và bản chất của các chính sách đào tạo tiến sĩ.

Sự ra đời của các chính sách tiến sĩ trong chiến lược nghề nghiệp về nghiên cứu

Để nắm bắt đầy đủ tầm quan trọng của những diễn biến gần đây trong các tổ chức quốc tế, chúng ta cần xem xét lại quá trình giáo dục tiến sĩ lần đầu tiên được tích hợp vào lĩnh vực chính sách nghiên cứu.

Ví dụ về Ủy ban châu Âu (EC) là một ví dụ minh họa thuyết phục bởi vì nó cho thấy một quá trình chuyển đổi thể chế khá phức tạp kể từ đầu những năm 2000 trở đi.  Một mặt, vấn đề giáo dục tiến sĩ lần đầu tiên được chú trọng trên bình diện quốc tế trong bối cảnh Quy trình Bologna và Khu vực Giáo dục Đại học châu Âu được thành lập sau đó. Sáng kiến liên chính phủ được thảo luận sôi nổi, nhằm mục đích cải thiện hợp tác giữa các trường đại học, nâng cao chất lượng, thúc đẩy tính dịch chuyển và tăng khả năng tuyển dụng của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh mục tiêu tác động tích cực đến giáo dục tiến sĩ trong các lĩnh vực này, Quy trình Bologna cũng đóng góp vào chương trình nghị sự hiện đại hóa đại học, đáng chú ý là được EC thúc đẩy với tư cách là một trong những bên ký kết và là thành viên triển khai Quy trình Bologna.  Mặt khác, giáo dục tiến sĩ cũng nhận được động lực trong khuôn khổ chính sách của Khu vực Nghiên cứu châu Âu (ERA) – một sáng kiến chính sách được EC thành lập vào năm 2000 với mục tiêu biến châu Âu thành “nền kinh tế tri thức cạnh tranh nhất thế giới”. ERA hỗ trợ việc tạo điều kiện cho các chính sách nghiên cứu của EC tăng trưởng đáng kể, với nguồn tài trợ gia tăng, các công cụ cải tiến và trọng tâm chính sách mới về các thách thức xã hội và sự xuất sắc trong nghiên cứu. Những nỗ lực của EC nhằm thiết lập một thị trường chung nhấn mạnh đến nhu cầu tạo ra cách tiếp cận có tổ chức hơn đối với sự nghiệp nghiên cứu. Đáng chú ý, vào năm 2005, EC đã thông qua Hiến chương Nhà nghiên cứu châu Âu và Bộ Quy tắc về Tuyển dụng Nhà nghiên cứu. Mặc dù các nghiên cứu sinh vẫn được phân loại thành sinh viên (và do đó trở thành một phần của các chính sách công liên quan đến giáo dục đại học), hiện nay họ được chỉ định là “nhà nghiên mới vào nghề”, do đó có sự liên kết giữa các chính sách về sự nghiệp nghiên cứu với các chương trình đào tạo tiến sĩ.

Việc phân loại các ứng viên tiến sĩ là những nhà nghiên cứu mới bắt đầu sự nghiệp đã có tác động lớn đến việc quản trị chính sách tiến sĩ trong các tổ chức quốc tế, và các sáng kiến chính sách gần đây là một ví dụ điển hình cho tác động này.

Do đó, bằng việc công nhận công việc và địa vị của các nghiên cứu sinh, sự thay đổi phân loại này cho phép EC thiết lập quyền lực của mình trong lĩnh vực đào tạo tiến sĩ. Kể từ đó, EC đã liên tục đẩy mạnh việc tạo ra các chương trình tiến sĩ mới, các liên minh và tăng cường tính linh hoạt giữa các ngành trong nghiên cứu. Hành động này được thúc đẩy bởi các sáng kiến chính sách khác nhau, bao gồm cả những sáng kiến xuất phát từ Hiệp ước Lisbon năm 2009 quy định chính sách nghiên cứu là trách nhiệm chung giữa EU và các quốc gia thành viên, EC đã liên tục đẩy mạnh việc tạo ra các chương trình tiến sĩ mới, các liên minh và tăng cường tính linh hoạt giữa các ngành trong nghiên cứu.

Thị trường hóa bằng cấp tiến sĩ

Việc phân loại các ứng viên tiến sĩ là những nhà nghiên cứu mới bắt đầu sự nghiệp đã có tác động lớn đến việc quản trị chính sách tiến sĩ trong các tổ chức quốc tế, và các sáng kiến chính sách gần đây là một ví dụ điển hình cho tác động này.

Vào mùa hè năm 2023, EU và OECD đã cùng nhau đưa ra các biện pháp chính sách quan trọng liên quan đến việc thúc đẩy sự nghiệp nghiên cứu, bao gồm cả sự nghiệp của nghiên cứu sinh tiến sĩ. Thứ nhất, EC đề xuất một bộ các biện pháp toàn diện bao gồm đề xuất cho Hội đồng Khuyến nghị nhằm thiết lập một cơ cấu khuôn khổ chung cho sự nghiệp nghiên cứu tại châu Âu, Điều lệ mới cho Nhà nghiên cứu và Khung năng lực châu Âu dành cho Nhà nghiên cứu (ResearchComp), được thiết kế để tăng cường tính lưu động của các nhà nghiên cứu giữa các ngành. Thứ hai, trong một nỗ lực chung, OECD và EC đã trình bày một tài liệu phác thảo nguyên tắc nền tảng cho Trung tâm Quan sát Sự nghiệp Nghiên cứu và Đổi mới (ReICO) sắp tới, được bổ sung thêm bởi các khuyến nghị của OECD nhằm thúc đẩy các con đường nghề nghiệp đa dạng cho các nhà nghiên cứu tiến sĩ và sau tiến sĩ.

Vì vậy, các sáng kiến này được đóng khung trong logic thị trường (theo định hướng thị trường) và không chỉ đơn thuần là các khuôn khổ kỹ thuật để tinh chỉnh lộ trình nghề nghiệp tiến sĩ. Chúng còn giới thiệu một chiều nhận thức mới, hiệu chỉnh lại tri giác về bằng tiến sĩ trong phạm vi rộng hơn của giáo dục đại học và nghiên cứu.

 

Luật mềm và tác động đến các quốc gia

Cuối cùng, những thay đổi được mô tả ở trên cũng đặt ra câu hỏi về tác động của chúng đối với các chính sách quốc gia.

Tổng hợp lại, các khuyến nghị chính sách, công cụ chính sách (ResearchComp) và các công cụ so sánh (ReICO) có thể được xác định là các biện pháp “luật mềm”, một phương pháp quản trị thường được sử dụng trong các tổ chức quốc tế. Mục tiêu chính của phương pháp này là phổ biến các mục tiêu chính trị và nguyên tắc nhận thức chung, hơn là sự hòa hợp hoặc thực hiện tập trung các chính sách giống nhau. Do đó, chúng dựa nhiều vào việc noi gương và đánh giá ngang hàng hơn là các ràng buộc chính thức; chúng cho phép các quốc gia phản ứng khác nhau đối với các vấn đề chung. Dù vậy, theo hiểu biết của chúng tôi, các nghiên cứu cấp quốc gia điển hình về đào tạo tiến sĩ chỉ thỉnh thoảng thiết lập mối liên hệ với các chính sách đang phát triển ở cấp độ các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, đây là một vấn đề quan trọng, đặc biệt là khi xem xét các mô hình chính sách và văn hóa học thuật khác nhau trên cả EU và OECD.

Đánh giá hành động của các tổ chức quốc tế là điều quan trọng để hiểu được sự chuyển đổi cơ cấu quản trị của các chính sách đào tạo tiến sĩ, cũng bởi vì nó cho phép chúng ta tập trung vào vai trò đang thay đổi của quy trình đào tạo tiến sĩ – điều dường như đang diễn ra một cách kín đáo hơn đằng sau hậu trường của nhiều cuộc thảo luận công khai về sự nghiệp nghiên cứu.  Trong yêu cầu của thị trường việc làm nhằm nâng cao khả năng tuyển dụng, việc chỉ tập trung vào tính liên quan đến thị trường lao động cũng có thể hạn chế mục đích giáo dục, và vấn đề này thậm chí còn đang hiện diện trong các chương trình tiên tiến như tiến sĩ. Giáo dục toàn diện một mặt trang bị cho nghiên cứu sinh các kỹ năng chuyên môn hóa và khả năng thích ứng, mặt khác giúp đổi mới và đóng góp ý nghĩa cho xã hội. Vì vậy, giáo dục tiến sĩ cần đạt được sự cân bằng, tích hợp cả các kỹ năng thực tế, định hướng thị trường và nền tảng nhân văn. Cách tiếp cận này đảm bảo rằng sinh viên sau khi tốt nghiệp không chỉ được chuẩn bị cho thị trường lao động mà còn sở hữu tri thức uyên bác để vượt qua những thách thức của bối cảnh toàn cầu luôn thay đổi. Một nền giáo dục toàn diện như vậy mang lại lợi ích cho cá nhân, và cũng làm phong phú thêm xã hội, bằng cách đào tạo ra những chuyên gia cũng như học giả toàn diện và có nhận thức xã hội.