Sự phân chia Hồi giáo – thế tục tại các trường đại học ở Tunisia

Amanda tho Seeth

Amanda tho Seeth đang làm tiến sĩ tại Viện Khoa học Chính trị, Đại học Marburg, Đức. E-mail: Amanda.tho.Seeth@gmx.de

Năm năm sau khi nhà độc tài Ben Aliregime bị lật đổ vào tháng Giêng năm 2011, Tunisia vẫn bị cuốn vào cuộc chiến dành vị thế giữa những người theo chủ nghĩa thế tục và các lực lượng Hồi giáo (thế tục – secularist – là chủ nghĩa tách nhà nước khỏi tôn giáo – ND). Trong thời đại dân chủ, lòng mộ đạo ngày càng tăng của người Hồi giáo đã dẫn đến các tranh luận về chính trị xã hội và thách thức hình ảnh thế tục mang tính truyền thống của Tunisia. Sự phân chia Hồi giáo và thế tục cũng diễn ra mạnh mẽ trong các trường đại học. Sau nhiều thập kỷ tôn giáo và chính trị hóa bị cấm đoán, môi trường đại học ngày nay đã chuyển thành nơi của những bất đồng chính kiến và sân chơi của các nhà hoạt động xã hội.

Những người Hồi giáo thống trị Hội đồng trường đại học

Đầu tư công tăng cao trong hệ thống giáo dục đại học từ năm 1970 và sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ – thông qua việc sử dụng tiếng Pháp làm ngôn ngữ giảng dạy và giao tiếp trong công việc, cùng với việc tham gia vào tiến trình Bologna châu Âu kể từ năm 2006 – đã góp phần làm cho các trường đại học Tunisia trở nên có tiếng trong khu vực Ả Rập. Hơn nữa, sự sụp đổ của chế độ chuyên chế đã dẫn tới một loạt cải cách dân chủ trong các cơ sở đại học ở Tunisia. Lực lượng giữ trật tự trong đại học, vốn có mặt ở khắp nơi cho đến lúc đó, ngay lập tức rút khỏi các học xá. Chính phủ lâm thời cũng nhanh chóng khởi xướng những thay đổi lớn về pháp lý trong Luật giáo dục đại học, với những điểm mới là Hội đồng Dân chủ Học thuật bầu ra trưởng khoa và giám đốc ba năm một lần, và các Hội đồng Dân chủ Nhà trường bầu ra Hiệu trưởng. Các trường đại học Tunisia đi tiên phong trên nhiều khía cạnh, tuy nhiên kể từ khi dân chủ hóa, nơi đây đã trở thành các điểm xung đột giữa lực lượng Hồi giáo và phe thế tục, đặc biệt là trong cộng đồng sinh viên.

Sinh viên Tunisia được phân thành 2 phe: Tổ chức cánh tả là Générale des Étudiants de Tunisie (UGET), và Liên minh đối lập là Générale Tunisienne des Étudiants (UGTE), một tổ chức sinh viên Hồi giáo có quan hệ với đảng Hồi giáo Ennahda. Cả UGTE và Ennahda đều bị cấm hoạt động trước thời kỳ dân chủ hóa, nhưng hiện tại các tổ chức này trở thành những nhân tố chính trị mạnh mẽ và đang giữ vai trò định hình đời sống đại học trong tương lai. Lần đầu tiên, UGTE đã đánh bại UGET trong cuộc bầu cử các Hội đồng Nhà trường hàng năm vào tháng 11 năm 2015. Những người Hồi giáo chiếm 224 (42%) trong tổng số 528 ghế, trong khi đó UGET, vốn vẫn thống trị các Hội đồng Nhà trường trước đó, bị giảm còn 110 ghế, còn lại 114 ghế bỏ trống.

Hội đồng trường gồm Hiệu trưởng, các trưởng khoa và đại diện sinh viên. Hội đồng trường quản lý các công việc nội bộ của nhà trường như chương trình học, hoạch định nguồn nhân lực hoặc hợp tác bên ngoài. Sự hiện diện áp đảo của đại diện sinh viên Hồi giáo tại các học xá dẫn đến những thay đổi trong chương trình giảng dạy, đưa thêm những quy định khắt khe về phân biệt giới tính và trang phục, hoặc hợp tác chặt chẽ hơn với các nhà trường đại học quốc tế bảo thủ ở các quốc gia Vùng Vịnh.

Sự sụp đổ của chế độ chuyên chế đã dẫn tới một loạt cải cách dân chủ trong các cơ sở đại học ở Tunisia

Việc phân chia quyền lực trong hội đồng trường đại học được cho là phản ánh những xu hướng chính trị xã hội rộng hơn, cho nên chiến thắng của UGTE được bình luận trên phương tiện truyền thông như một dấu hiệu hỗ trợ vị thế của đảng Ennahda trong quốc hội. Ennahda đã dẫn đầu chính phủ lâm thời quốc gia từ 2011 đến 2014, nhưng sau cuộc bầu cử quốc hội năm 2014 đảng này trở thành lực lượng đứng thứ hai sau đảng thế tục NidaaTounes. Trong nội các được hình thành vào tháng Hai năm 2015, Ennahda đóng một vai trò thứ yếu và chỉ kiểm soát Bộ Việc làm và Dạy nghề. Tuy nhiên, kể từ tháng 11 năm 2015, Ennahda lại chiếm đa số ghế trong quốc hội khi 31 thành viên của NidaaTounes rời quốc hội do mâu thuẫn trong đảng. Điều này kết hợp với sự yếu kém của đảng thế tục cầm quyền và chiến thắng của lực lượng Hồi giáo trong các hội đồng các trường đại học – có thể làm gia tăng và củng cố quyền lực Hồi giáo trong giới chính trị và học thuật trong những năm sắp tới.

Bạo lực của tổ chức Hồi giáo Salafist tại Học xá

Trong khi kế hoạch của UGTE và Ennahda về việc Hồi giáo hóa các trường đại học vẫn chưa được rõ nét, phân cách giữa những người thế tục và các nhóm Hồi giáo bạo lực, đặc biệt là tổ chức Salafist Ansar al-Sharia – trở nên quyết liệt và ảnh hưởng rõ rệt hơn đến các học xá. Trường hợp nổi bật nhất kích động nổi dậy bạo lực của tổ chức Hồi giáo cấp tiến Salafists là Sự kiện Manouba xảy ra tại trường đại học Manouba. Lệnh cấm che mặt trong học xá đã gây ra các cuộc biểu tình bạo lực Salafist trong suốt các năm 2011-2012. Trong quá trình xung đột, Habib Kazdaghli, trưởng Khoa Nhân văn đã bị tấn công và bị bắt làm con tin. Kazdaghli trở thành tâm điểm bất mãn của tổ chức Salafist vì ông là chuyên gia lâu năm về lịch sử phong phú của người Do Thái Tunisia. Hiện nay, Kazdaghli đang được cảnh sát bảo vệ.

Các nhà hoạt động Salafist cũng đổi cờ Tunisia tại Đại học Manouba thành cờ đen mô tả tín ngưỡng Hồi giáo – một biểu tượng của Salafist. Sinh viên Khaoula Rachidi đã bị đánh đập khi cô leo lên cột cờ và giật bỏ lá cờ màu đen. Nhà nước Tunisia đã vinh danh sự dũng cảm của người phụ nữ trẻ bằng một lễ tiếp đón tại văn phòng Tổng thống Moncef Marzouki. Tuy nhiên, trong suốt quá trình xung đột tại Đại học Manouba, Bộ Giáo dục Đại học và Khoa học, khi đó do Ennahda đứng đầu, đã lùi bước một cách rõ rệt. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học và Khoa học Moncef ben Salem khi đó còn công khai sỉ nhục cuộc xung đột, và tháng 9 năm 2012 đã tuyên bố rằng, việc đeo mạng che mặt tại các trường đại học là hợp pháp. Ngoài ra, có tin đồn rằng các thành viên của UGTE và Ennahda đã tham gia ngay từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình chống lại lệnh cấm đeo mạng che mặt.

Giữa khủng bố và cải cách

Sự ra đời của hệ thống chính trị dân chủ ở Tunisia đã biến nước này thành kẻ thù tư tưởng và là mục tiêu tấn công khủng bố thường xuyên của Nhà nước Hồi giáo (IS). Việc chính phủ thông qua tình trạng khẩn cấp và ra các lệnh giới nghiêm vì lý do an ninh đã ảnh hưởng đến hoạt động đại học Tunisia, các lớp học buổi tối là tạm thời bị hủy bỏ, sinh viên không thể hoàn tất được các yêu cầu của khóa học.

Mặc dù sinh viên Tunisia nói chung được đào tạo tốt, thị trường việc làm trong nước không đủ sức tiếp nhận tất cả sinh viên tốt nghiệp đại học. Cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra và tỷ lệ thất nghiệp cao được xem là nguyên nhân của việc IS – theo số liệu hiện có – đang tuyển dụng được nhiều thành viên tại Tunisia hơn bất kỳ nước nào khác. Những cuộc biểu tình và tuyệt thực tại học xá – đặc biệt là bởi các sinh viên cánh tả có liên kết với UGET – chống lại tương lai u ám khi tốt nghiệp đại học, là những hiện tượng phổ biến kể từ khi nền dân chủ ra đời.

Tuy nhiên, chính phủ nắm quyền trong tiến trình dân chủ hóa đã đặt nhiều hy vọng vào vai trò của giáo dục đại học đối với sự phát triển chính trị, xã hội và kinh tế của đất nước. Điều này được mô tả trong “Hoạch định chiến lược về cải cách giáo dục đại học và khoa học giai đoạn 2015-2025”. Hoạch định chiến lược này có mục đích kết nối tốt hơn các trường đại học với thị trường việc làm, và xem các trường đại học tự trị là động lực trung tâm để dân chủ hóa cộng đồng các địa phương.