Christine Farrugia
Christine Farrugia là nghiên cứu viên cao cấp, phụ trách chương trình Open Doors tại Trung tâm Nghiên cứu và Tác động của du học, Viện Giáo dục Quốc tế, New York. E-mail: cfarrugia@iie.org.
Cơ hội để tìm được việc làm đang ngày càng được xem như một động lực quan trọng để sinh viên các nước trên thế giới ra nước ngoài học tập. Từ nhiều năm nay, chương trình Open Doors đã thống kê được số lượng ngày càng tăng các sinh viên Mỹ tham gia vào các chương trình đi làm, thực tập và tình nguyện ở nước ngoài. Trong năm học 2013-2014, đã có tổng cộng 41 ngàn sinh viên ra nước ngoài, một số nhận được tín chỉ học tập, số khác tìm kiếm cơ hội làm việc. Sinh viên quốc tế đánh giá cao kinh nghiệm làm việc trong quá trình học tập, năm học 2014-2015 hơn 12% của gần 1 triệu sinh viên quốc tế tại Mỹ tham gia chương trình thực tập tùy chọn (OPT – Optional Practical Training) dành cho sinh viên quốc tế đã tốt nghiệp một trường cao đẳng hoặc đại học của Mỹ. Gần đây, khi chương trình OPT nới rộng thời gian tham gia chương trình đối với sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) thì ngay lập tức số lượng sinh viên đăng ký tham gia và thời gian tham gia chương trình đã tăng đáng kể; điều này chứng tỏ tầm quan trọng của nội dung này đối với sinh viên quốc tế. Trong nhiều nước trên thế giới, như Canada, Đức, New Zealand hay Anh Quốc, chúng ta cũng nhận thấy những chính sách việc làm có tác động mạnh đến mức tăng giảm số lượng sinh viên quốc tế.
Việc làm trở nên hấp dẫn hơn đối với sinh viên quốc tế
Cơ hội làm việc là động lực lớn với sinh viên một số nước. Nhiều sinh viên coi công việc là cơ hội trải nghiệm sẽ giúp họ dễ dàng kiếm được việc khi về nước hoặc ở chính nước sở tại, một số khác, xuất phát từ những lý do kinh tế ở quê hương, cố gắng tận dụng các cơ hội làm việc có liên quan đến ngành học của họ ở nước ngoài.
Các sinh viên đến từ châu Á như Ấn Độ, Nepal, Đài Loan và Trung Quốc tham gia chương trình OPT khá nhiều. Sinh viên Ấn Độ thường đặc biệt quan tâm đến cơ hội được làm việc tại nước sở tại sau khi tốt nghiệp. Tại Mỹ, sinh viên Ấn Độ chiếm số lượng lớn nhất trong chương trình OPT, với 22% tổng số tham gia trong năm 2014- 2015. Trong khi đó, số lượng sinh viên Ấn Độ tại Anh giảm một cách đáng kể; nguyên nhân là chính sách hạn chế số lượng visa lao động cho sinh viên tốt nghiệp. Sau khi chính sách này có hiệu lực, số lượng sinh viên Ấn Độ tại Anh giảm gần 50% trong giai đoạn 2011 đến 2014; nhưng lại tăng 70% tại Australia và 37% tại Mỹ.
Trong khi nhiều sinh viên muốn có cơ hội được trải nghiệm nghề nghiệp trong quá trình học tập ở nước ngoài thì không phải mọi sinh viên đều tìm kiếm công việc sau khi tốt nghiệp. Brazil là một ví dụ. Chỉ có dưới 5% sinh viên người Brazil ở Mỹ tham gia chương trình OPT sau tốt nghiệp trong niên khóa 2014-2015, khoảng 12 ngàn tham gia vào các chương trình vừa học vừa thực tập tại Mỹ trong giai đoạn 2011-2015. Các nội dung đào tạo này được tích hợp vào Chương trình trao đổi khoa học (Scientific Mobility Program) do chính phủ Brazil tài trợ, và được xem như là thành tố quyết định trong quá trình đào tạo chuyên môn cũng như nghề nghiệp, cung cấp cho sinh viên Brazil cả kiến thức và kỹ năng thực tế. Với sinh viên từ một số nước khác, việc làm không đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập của họ. Ví dụ, trong chương trình OPT năm học 2014-2015 tại Mỹ, chỉ có 2% số sinh viên tham gia đến từ Ả rập Saudi và Kuwait. Mặc dù vậy, tỷ lệ tham gia thấp tại chương trình OPT này không phản ánh mức độ quan tâm của sinh viên đến cơ hội việc làm, nguyên nhân có thể là ở những điều kiện ràng buộc trong chương trình học bổng của chính phủ, chương trình này khuyến khích sinh viên về nước làm việc sau khi tốt nghiệp.
Quốc tịch của sinh viên không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến cơ hội tìm được công việc liên quan đến ngành học của họ. Một nghiên cứu đặc biệt – một phần của chương trình Generation Study Abroad – do Viện Giáo dục Quốc tế thực hiện trong nhóm sinh viên theo học các chương trình không công nhận tín chỉ ở Mỹ (sẽ xuất bản trong thời gian tới) cho thấy số lượng sinh viên nam tham gia các chương trình không được công nhận tín chỉ, như đi làm, thực tập và tình nguyện cao hơn một chút so với chương trình học có tín chỉ theo cách truyền thống.
Theo thống kê của Open Doors, có 40% sinh viên là nam giới, và sinh viên nam chiếm 35% tổng số sinh viên theo học các chương trình truyền thống cấp tín chỉ. Số lượng sinh viên nam học tập ở nước ngoài ít hơn sinh viên nữ ở cả hai hình thức học tập (cấp tín chỉ và không cấp tín chỉ), tuy nhiên tỷ lệ tham gia chương trình không cấp tín chỉ cao hơn chứng tỏ sinh viên nam có xu hướng tham gia các chương trình học tập mà họ thấy đem lại lợi ích cho nghề nghiệp tương lai thông qua trải nghiệm quốc tế.
Sinh viên quốc tế đánh giá cao kinh nghiệm làm việc trong quá trình học tập, năm học 2014-2015 hơn 12% của gần 1 triệu sinh viên quốc tế tại Mỹ tham gia chương trình thực tập tùy chọn (OPT) dành cho sinh viên quốc tế đã tốt nghiệp một trường cao đẳng hoặc đại học của Mỹ
Giá trị của kinh nghiệm làm việc quốc tế tích hợp với chương trình đào tạo
Tại Mỹ, kinh nghiệm thực tập và làm việc được thừa nhận là một thành tố quan trọng tạo nên một chương trình đào tạo tốt, và là cách giúp sinh viên có được kinh nghiệm và kỹ năng không có được khi học trên lớp. Thậm chí, một số chương trình đào tạo còn yêu cầu sinh viên hoàn thành một khóa thực tập như một phần bắt buộc của chương trình học, điều này cũng giúp sinh viên chuẩn bị tốt hơn cho công việc sau khi ra trường. Đối với sinh viên quốc tế, kinh nghiệm làm việc tại Mỹ cũng đem lại những lợi ích tương tự về mặt học thuật, đồng thời cung cấp cho họ những kỹ năng chuyên ngành cần thiết. Nhờ vậy, du học sinh có thể hòa nhập vào môi trường công việc tại nước sở tại, khi về nước hoặc ở một nước khác. Khi sinh quốc tế ở lại làm việc, họ đóng góp kỹ năng và kiến thức vào sự phát triển của đất nước đó. Ngay cả trong trường hợp sinh viên quốc tế chuyển sang làm việc ở một nước khác thì họ cũng góp phần tăng cường mối quan hệ giữa các nước trong lĩnh vực nghiên cứu và kinh doanh.
Ngày càng nhiều sinh viên tìm kiếm cơ hội thực tập và kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài nơi họ đang theo đuổi mục tiêu học tập. Các chương trình thực tập quốc tế có ý nghĩa quan trọng cho việc học tập của sinh viên, là giai đoạn thực tế để có được những kỹ năng quốc tế có ích cho công việc sau khi tốt nghiệp. Hồ sơ xin việc của một sinh viên tốt nghiệp ngành xã hội nhân văn ở Florence sẽ có giá trị hơn nếu bao gồm kinh nghiệm làm việc tại Honduras; hoặc những đóng góp vào chiến lược marketing cho một công ty ở Trung Quốc. Những trải nghiệm như vậy cung cấp cho sinh viên những kỹ năng mềm liên văn hoá và khả năng thích nghi với các môi trường học tập quốc tế khác nhau; ngoài ra còn rèn rũa những “kỹ năng cứng” giúp họ sau này dễ dàng hoà nhập với thị trường lao động.