Các trường cao đẳng và đại học dành cho người Mỹ gốc Phi có lịch sử lâu đời là thiết yếu và giá trị đối với Hoa Kỳ

 

James V. Koch là giáo sư danh dự ngành kinh tế và chủ tịch danh dự tại Đại học Old Dominion, Hoa Kỳ. Email: jkoch@odu.edu. Omari H. Swinton là giáo sư và trưởng khoa Kinh tế tại Đại học Howard, Hoa Kỳ. Email: oswinton@howard.edu.

Tóm tắt: Dù các trường cao đẳng và đại học của người Mỹ gốc Phi (HBCUs) ít được công nhận ở Hoa Kỳ và quốc tế, nhưng các phân tích thực nghiệm nghiêm ngặt cho thấy rằng trong bối cảnh của họ, các cơ sở này đã hoạt động ở hiệu suất rất cao. Đây là phân tích thực nghiệm toàn diện đầu tiên được tiến hành để kiểm tra hiệu quả hoạt động của các HBCU.

HBCU là những chữ viết tắt quen thuộc trong cộng đồng người da màu, gồm 47,3 triệu thành viên tại Hoa Kỳ. HBCU là viết tắt của “Historically Black College and University”, một nhóm gồm hơn 100 cơ sở giáo dục ở Hoa Kỳ, hiện có khoảng 280 ngàn sinh viên theo học. Việc gom các cơ sở giáo dục cho riêng người da màu thành một nhóm có thể được coi là một sự bất thường đối với một số người, nhưng thực ra các trường đại học dành riêng cho một chủng tộc hay sắc tộc là một hiện tượng tương đối phổ biến trên thế giới. Chúng tồn tại ở nhiều quốc gia và phục vụ nhiều nhóm chủng tộc khác nhau, bao gồm người Hồi giáo, người Do Thái, người Kurd và người Uzbek.

Những người Mỹ không phải gốc Phi có nhận thức rất mơ hồ về sự tồn tại, mục đích và thành tựu của các HBCU, và không chỉ như vậy, phần còn lại của thế giới cũng gần như không biết đến sự tồn tại của họ. Cuốn sách “Vital and Valuable” (Trọng yếu và Quý giá – Nhà xuất bản Đại học Columbia, 2023) được xuất bản để bổ sung những thông tin nhằm lấp đầy sự thiếu hụt kiến thức này. Cuốn sách cung cấp các sự thật, đúc kết từ các bằng chứng đã qua thực nghiệm, được thu thập từ nhiều mẫu nghiên cứu, bao gồm hơn 700 trường cao đẳng và đại học ở Mỹ,  cùng với hơn 60 HBCU. Cuốn sách cũng so sánh tình hình và hiệu suất của các HBCU so với các trường đại học khác (ví dụ như các trường đại học hàng đầu của bang). Quy trình này sẽ giúp chúng ta đánh giá được thành tựu của các HBCU trong tương quan với bối cảnh của họ. Đây là phân tích thực nghiệm toàn diện đầu tiên về các HBCU đã từng được thực hiện.

Lược sử

Các HBCU đã tồn tại trước thời kỳ Nội chiến Hoa Kỳ. Đó là thời kỳ mà những người Mỹ gốc Phi đều ở trong tình trạng hoặc là nô lệ, hoặc nếu là người tự do thì cũng chỉ có thể được một số ít trường đại học cho phép nhập học. Sau Nội chiến, nhiều tiểu bang ở miền Nam Hoa Kỳ đã phản ứng lại điều này bằng cách thành lập các HBCU với các nguyên tắc thể hiện sự phân biệt chủng tộc một cách rõ ràng. Một phán quyết mang tính ảnh hưởng lớn của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ năm 1896 đã chấp thuận sự sắp xếp này bằng cách tuyên bố rằng việc cung cấp cơ sở vật chất và dịch vụ “riêng biệt nhưng bình đẳng” là được chấp nhận; tuy nhiên, không có bất cứ bang nào có HBCU tiệm cận được đến các tiêu chuẩn này. Mãi đến năm 1965, các HBCU mới được chính phủ Hoa Kỳ công nhận là một nhóm cơ sở giáo dục riêng biệt.

 

Nguồn nhân tài của HBCU

Các trường HBCU được biết đến rộng rãi với việc đào tạo ra những sinh viên tốt nghiệp nổi tiếng và thành công vượt trội, từ Mục sư – Tiến sĩ Martin Luther King (Trường Morehouse) đến Oprah Winfrey (Trường Đại học Tennessee State). Các trường HBCU đã đào tạo khoảng 3/4 trong tổng số bác sĩ, giáo sư và sĩ quan quân đội người da màu ở Hoa Kỳ. Các trường này cung cấp và duy trì một nguồn nhân tài quan trọng cho sự phát triển của cộng đồng người da màu và cũng như toàn Hoa Kỳ nói chung.

Có một số ý kiến chỉ trích các HBCU vì họ đã không đạt được tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp cao hơn hiện tại. Tuy nhiên, một trong những phát hiện quan trọng nhất của nghiên cứu được nhắc tới đã chứng minh rằng kết luận này phản ánh việc sử dụng tiêu chuẩn đo lường không phù hợp. Khi xem xét các khác biệt về nền tảng gia đình và nền tảng học vấn của sinh viên đến từ các HBCU, người ta thấy rằng một HBCU điển hình có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp cao hơn so với một trường nằm ngoài nhóm HBCU điển hình. Giả sử như một sinh viên tương lai đến từ một gia đình có thu nhập hàng năm là 30 ngàn USD và có điểm SAT là 950. Liệu có loại hình tổ chức giáo dục nào có khả năng cung cấp cho sinh viên này môi trường và sự hỗ trợ tốt nhất để giúp họ tốt nghiệp? Câu trả lời là: một HBCU. Khi tính đến thu nhập gia đình và điểm SAT, chúng ta thấy rằng khả năng sinh viên này tốt nghiệp từ một HBCU điển hình cao hơn so với một trường nằm ngoài nhóm HBCU tương đương.

 

Các trường HBCU được biết đến rộng rãi với việc đào tạo ra những sinh viên tốt nghiệp nổi tiếng và thành công vượt trội, từ Mục sư – Tiến sĩ Martin Luther King (Trường Morehouse) đến Oprah Winfrey (Trường Đại học Tennessee State).

 

 

Cung ứng cho sự phát triển kinh tế

Các HBCU rất xuất sắc trong việc cải thiện điều kiện kinh tế cho các sinh viên của mình. Trên thực tế, điều này đã được thể hiện bởi khả năng nâng sinh viên từ nhóm thu nhập thấp nhất lên nhóm thu nhập cao thứ 4 hoặc thứ 5. Hãy xem xét ví dụ là Trường Đại học Florida A&M, một trường thuộc nhóm HBCU. Vào đầu thế kỷ 21, nơi này có 39,8% lượng sinh viên đến từ các hộ gia đình có thu nhập được xếp vào một trong hai nhóm thu nhập thấp nhất ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 15 năm, 47,6% số sinh viên này đã có mức thu nhập nằm trong hai nhóm có thu nhập cao nhất. Điều này đặc biệt đáng chú ý vì nó xảy ra trong một xã hội đang ngày càng có sự phân tầng, cả về kinh tế và lẫn xã hội.

 

Các cơ sở HBCU đang trở nên đa dạng hơn

Khoảng 78% sinh viên HBCU tự tuyên bố rằng họ là người da đen. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên gốc Tây Ban Nha và gốc Á theo học tại HBCU đã tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua. Hơn 1/4 số sinh viên tại các HBCU như Cao đẳng Talladega ở Alabama và Đại học Prairie View A&M ở Texas là người gốc Tây Ban Nha. Ngoài ra, một số HBCU (ví dụ như Đại học Morgan State ở Baltimore, Maryland và Đại học Howard ở Washington, DC) có tuyển sinh một số lượng đáng kể sinh viên quốc tế. Họ là những người ưa chuộng môi trường đa văn hóa của các tổ chức giáo dục này.

 

Các cơ sở HBCU là “điểm đến lý tưởng”

Ảnh hưởng của các HBCU đối với xã hội Hoa Kỳ kéo dài đến tận sau khi sinh viên tốt nghiệp và có việc làm. Các HBCU là trụ cột xã hội, kinh tế và văn hóa trong cộng đồng của họ, và các sự kiện của họ (ví dụ như các trận đấu bóng đá) đôi khi thu hút tới hơn 50 ngàn khán giả.

Từ góc độ lịch sử, các HBCU thường là nơi mang lại cơ hội duy nhất cho người Mỹ da màu để họ có thể tiếp cận nền giáo dục đại học. Ngày nay, điều này vẫn có thể đang là thực tế. Tỷ lệ sinh viên da màu theo học tại các trường đại học nổi tiếng của Mỹ thường rất thấp – chỉ khoảng 2% tại Đại học Colorado, 4% tại Đại học Michigan ở Ann Arbor và 5% tại Virginia Tech. Các trường đại học không thuộc HBCU có thể đã bắt đầu đưa ra các cơ hội cho người Mỹ da đen, nhưng vẫn còn khá nhiều hạn chế.

 

Các thách thức

Có một số thách thức sẽ ảnh hưởng đến tương lai của các HBCU. Một trong số đó là sự sụt giảm số lượng học sinh trung học tốt nghiệp ở Hoa Kỳ, thường được biết tới với cái tên là hiện tượng “enrollment cliff” (sự xuống dốc trong số lượng tuyển sinh), bắt đầu từ năm 2026 và được dự đoán sẽ kéo dài hơn một thập kỷ. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng tuyển sinh đại học vốn đã khó khăn: số lượng sinh viên đăng ký học đại học ở Hoa Kỳ đã giảm trong 11 năm liên tiếp. Thách thức về nhân khẩu học này có thể sẽ buộc một số HBCU phải đóng cửa, cụ thể là các trường nhỏ hơn ở các vùng nông thôn vốn phụ thuộc vào nguồn tài trợ cá nhân. Điều này sẽ tạo ra một thay đổi không thể đảo ngược. Việc một HBCU giải thể là một mất mát không thể bù đắp, giống như việc một loài có nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn biến mất. Mỗi khi một HBCU biến mất, họ sẽ không bao giờ có thể quay trở lại hoạt động.

Một thách thức khác đối với các trường thuộc nhóm HBCU là việc họ chi tiêu quá nhiều cho các công việc hành chính, đến mức gây mất cân bằng cho cả hệ thống quản lý. Không ít các HBCU có bộ máy hành chính tương đối cồng kềnh, và điều này làm giảm ngân sách dành cho các hoạt động quan trọng khác như giảng dạy và nghiên cứu. Tình trạng này một phần phản ánh thực tế là các HBCU nói chung có quy mô nhỏ hơn các trường đại học khác và do đó không thể tận dụng được khả năng tiết kiệm chi phí nhờ quy mô, mà các trường đại học khác thường được hưởng vì có quy mô lớn hơn.

Tổng kết

HBCU là một phân khúc giáo dục đại học độc đáo của Hoa Kỳ, bất kể khi họ được nhìn nhận từ góc độ quốc gia hay toàn cầu. Tuy vậy, họ thường không được biết tới, hoặc nếu có thì hiểu biết về họ vẫn còn nhiều sai lệch.