Lợi ích và giới hạn của Guanxi trong hợp tác nghiên cứu Mỹ-Trung

Morris Hsin-Mu Chen là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Arizona, Hoa Kỳ. Email: morrishchen@arizona.edu. John P. Haupt là Chuyên gia Nghiên cứu tại Đại học Arizona. Email: hauptj@arizona.edu. Die Hu là Nghiên cứu sinh hậu Tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc. Email: hudie311@gmail.com. Wen Wen là Phó Giáo sư tại Đại học Thanh Hoa. Email: wenwen@mail.tsinghua.edu.cn. Jenny J. Lee là Giáo sư tại Đại học Arizona. Email: jennylee@arizona.edu. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Khoa học Quốc gia: “Lý giải bản chất sự Hợp tác Nghiên cứu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về COVID-19”, Hợp đồng số #2129476.

Tóm tắt: Guanxi (Văn hóa Quan hệ) là một mạng lưới xã hội đặc trưng của văn hóa Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo tri thức, thúc đẩy các trải nghiệm hợp tác, và xử lý những thách thức trong một môi trường nghiên cứu mang nặng tính bảo mật, điều luôn xuất hiện trong mối quan hệ hợp tác nghiên cứu Mỹ-Trung.

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh vị trí siêu cường số một về kinh tế tri thức, việc hợp tác nghiên cứu ngày càng chịu sự chi phối bởi vấn đề chính trị và bảo mật. Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng các căng thẳng địa chính trị vốn có và dẫn đến sự kiểm soát gắt gao hơn từ phía chính phủ cùng các cơ sở liên quan đối với việc hợp tác quốc tế. Vì thế, chúng tôi quan tâm tới việc làm thế nào mà các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc đã có thể tiếp tục hợp tác trong việc nghiên cứu COVID-19. Các kết quả trắc lượng thư mục cho thấy đa số các bài báo khoa học hợp tác song phương Mỹ-Trung về chủ đề COVID-19 đều có sự tham gia của ít nhất một thành viên là nhà khoa học hoặc tác giả là người Mỹ gốc Trung. Kết quả khảo sát với cỡ mẫu cuối là 241 người tham gia (91 từ Mỹ, 150 từ Trung Quốc) cho thấy Guanxi – văn hóa quan hệ đặc thù của các nhà khoa học Trung Quốc – đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành kết nối mạng lưới, tăng hiệu suất kiến tạo tri thức, và ảnh hưởng tới trải nghiệm hợp tác trong bối cảnh đại dịch và cách các nhà khoa học xử lý các thách thức trong môi trường học thuật đặt nặng tính bảo mật giữa hai quốc gia.

Guanxi là khái niệm trong văn hóa Trung Quốc về một mạng lưới xã hội cùng chia sẻ chung nền tảng và trải nghiệm văn hóa. Nền tảng của mạng lưới quan hệ guanxi đến từ đơn vị cơ bản là mối quan hệ giữa hai cá nhân, được định nghĩa và hồi đáp bởi từng cá nhân, và tạo nên một mắt xích quan trọng tạo giúp hình thành mạng lưới quan hệ rộng hơn. Quan hệ kiểu Trung mang đặc trưng trái ngược với khái niệm về nguồn vốn xã hội và mạng lưới quan hệ kiểu phương Tây, vốn tập trung vào kết cấu mạng lưới, cũng như vị trí của từng cá nhân trong đó. Văn hóa Trung Quốc mang tính tập thể cao hơn, nên bất cứ người Trung Quốc muốn xây dựng mối quan hệ xã hội tốt (hoặc bất kỳ người nào nhận thức được và thực hành theo các nguyên tắc của guanxi) đều cần phải hành xử lý hài hòa đáp ứng mong muốn của những người xung quanh. Có nhiều cách phân loại quan hệ khác nhau, ví dụ như theo bối cảnh (gia đình, trường học, công sở, quê hương, v.v…) hoặc theo mục đích bản chất của mối quan hệ (ví dụ tình yêu thương, sự gắn kết, sự trao đổi tài nguyên). Các mối quan hệ sẽ tiến hóa theo thời gian, và các quy tắc ứng xử cũng như kết quả phát sinh sẽ tùy thuộc vào thời điểm và bối cảnh mà mối quan hệ được xét tới.

Guanxi thúc đẩy hợp tác Mỹ-Trung

Các nghiên cứu cho thấy dưới góc độ động lực hợp tác, yếu tố văn hóa-sắc tộc được các nhà khoa học Mỹ gốc Hoa và nhà khoa học Trung Quốc coi trọng hơn so với các nhà khoa học Trung Quốc hoạt động tại Mỹ khác. Mạng lưới quan hệ chung sắc tộc giúp họ tiếp cận được thông tin trực tiếp và các mẫu dễ dàng hơn và sớm nhất từ những ngày đầu đại dịch. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ ngay từ thời điểm bình thường trước khủng hoảng. Các nhà khoa học gốc Hoa hoạt động tại Trung Quốc đã tận dụng mối quan hệ với các đồng bào tại Mỹ để phát triển các mối quan hệ trong mạng lưới nghiên cứu toàn cầu và gia tăng số lượng báo cáo khoa học tại quê nhà. Mạng lưới quan hệ cũng khích lệ sự đóng góp của các nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa, những người đã hoàn thành một phần trong văn bằng của họ tại Trung Quốc nhằm hợp tác với những nhà khoa học tại nước này. Guanxi có thế mạnh là đánh vào cảm xúc, và chính khía cạnh cảm xúc quan trọng này đã giúp khơi gợi tiềm năng trao nhận cũng như khích lệ các nhà khoa học tham gia hợp tác quốc tế. Văn hóa này đã tạo ảnh hưởng lên các chuẩn mực xã hội, đề cao sự hồi đáp, ý thức nghĩa vụ và sự hài hòa trong dài hạn, giúp các nhà nghiên cứu Trung Quốc ở cả hai nước có thể vun đắp mối liên kết hợp tác ngày càng mạnh mẽ trong tương lai.

Guanxi mở đường tiếp cận đến các dự án nghiên cứu

Do phần lớn các ca bệnh cũng như nguồn dữ liệu nghiên cứu COVID-19 trong thời kỳ đầu đại dịch đều tập trung tại Trung Quốc, một số chuyên gia người Mỹ gốc Hoa đã tận dụng được các mối quan hệ để tiếp cận các thông tin quan trọng ví dụ như dữ liệu nghiên cứu, mẫu bệnh, báo cáo y tế, và nhiều hơn thế. Trong một trường hợp cụ thể, một chuyên gia người Mỹ gốc Hoa cho hay, mối quan hệ cũng như sự tín nhiệm sẵn có của ông với các đồng nghiệp người Hoa tại nhiều trung tâm dịch tễ địa phương đã giúp ông nắm được nhiều tin tức quan trọng. Những mối quan hệ này cũng cho phép ông thương lượng, vượt qua nhiều rào cản đến từ chính quyền và các bộ ngành, để được tiếp cận và nghiên cứu nhiều dữ liệu quan trọng liên quan đến COVID-19. Một trường hợp khác cho biết đã dùng mối quan hệ của mình để giúp một thành viên gia đình – người đã bị lây nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc để có thẻ được chữa trị – kết quả điều trị sau đó đã được vị chuyên gia này cùng các cộng sự công bố như một trong những mô hình điều trị COVID-19 đầu tiên thành công. Trong cả hai trường hợp nêu trên, thông qua các mối quan hệ gián tiếp như bạn bè chung, đồng nghiệp, hai chuyên gia người Mỹ gốc Hoa này đã tác động được đến những nhân vật có thẩm quyền để đạt được mục đích dù không trực tiếp quen biết họ.

 

Các chuyên gia tại Mỹ và Trung Quốc đều công nhận sự đồng nhất về mục tiêu nghiên cứu và sự tin tưởng là những động lực quan trọng nhất để thúc đẩy hợp tác nghiên cứu.

 

Guanxi là nền tảng xây dựng lòng tin

Các chuyên gia tại Mỹ và Trung Quốc đều công nhận sự đồng nhất về mục tiêu nghiên cứu và sự tin tưởng là những động lực quan trọng nhất để thúc đẩy hợp tác nghiên cứu. Họ cũng cho hay các mối quan hệ cộng tác hiện tại đều là với những người họ đã từng biết đến hoặc đã từng làm việc cùng trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Các chuyên gia Mỹ gốc Hoa cho biết các mối quan hệ của họ với các đồng nghiệp người Hoa đã được gây dựng từ trước đó và thường là trong các bối cảnh tại các môi trường chính quy – họ có thể từng là bạn học, đồng nghiệp, có chung thầy hướng dẫn hoặc từng gặp gỡ tại các hội thảo. Theo thời gian, các mối quan hệ này ngày một phát triển, đem về lợi ích về cả mặt chuyên môn cũng như học thuật, mang lại cho các bên cơ hội để có thể gia tăng số lần cộng tác. Xét tới tính chất nhạy cảm trong chính trị và mức độ cấp bách của việc nghiên cứu COVID-19, cũng như những hạn chế trong việc di chuyển từ quốc gia này tới quốc gia khác trong đại dịch, việc các nhà nghiên cứu tìm đến các mối quan hệ đáng tin cậy của bản thân là điều khá dễ hiểu. Các mối quan hệ, như một dạng đảm bảo tín nhiệm, vô cùng quan trọng trong việc giúp các chuyên gia gốc Hoa tại Mỹ và Trung Quốc vượt qua những trở ngại trong một môi trường nghiên cứu bị kiểm soát gắt gao.

Các giới hạn của Guanxi trong bối cảnh địa chính trị hiện tại

Hầu hết các nhà khoa học đều đã và đang chứng kiến những ảnh hưởng của địa chính trị lên môi trường khoa học. Thông điệp “tách chính trị ra khỏi khoa học” (“leave politics out of science”) đã được đưa ra liên tục dưới nhiều hình thức khác nhau. Không chỉ trong các dự án hiện tại, một số nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa đã chia sẻ những trải nghiệm liên quan. Họ phải hạn chế hoặc cắt đứt quan hệ với các đồng nghiệp Trung Quốc, hoặc bị cắt tài trợ từ chính phủ Hoa Kỳ, hoặc bị điều tra và cảnh cáo bởi các trường đại học nơi họ công tác. Các nhà khoa học Trung Quốc cũng gặp phải tình cảnh tương tự, khi họ phải đối mặt với sự xa lánh đến từ các đồng nghiệp người Mỹ, cũng như đối diện với việc thay đổi chính sách cho cấp đại học và cấp chính phủ tại Hoa Kỳ, dẫn tới hạn chế về mặt cộng tác và trao đổi. Những điều trên cho thấy những hạn chế khi sử dụng các mối quan hệ cá nhân. Việc này gần như không giúp ích gì khi các nhà khoa học muốn xử lý các vấn đề liên quan tới bối cảnh và chính sách cấp cơ sở.

Các kết luận của nghiên cứu này chỉ ra rằng văn hóa, biểu hiện qua hình thức quan hệ, không chỉ là một nền tảng hữu ích để phân tích và khuyến khích sự hình thành các mối liên kết giữa cộng đồng các nhà khoa học người Hoa tại Mỹ và Trung Quốc. Nó còn là một công cụ quan trọng giúp các nhà khoa học gốc Hoa tại Mỹ gia tăng nguồn lực và cải thiện năng suất làm việc. Đây là một kết luận quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ hợp tác Mỹ-Trung đang trên đà suy yếu cũng như việc Trung Quốc đang dần ngừng lệ thuộc vào các tạp chí khoa học SCI/SSCI. Các nghiên cứu sâu hơn có thể hướng đến việc khảo sát sự hình thành các mối quan hệ ở nhóm các nhà khoa học Trung Quốc để làm rõ tính ứng dụng của Guanxi lên các nhóm cộng đồng khác nhau. Các kết luận nghiên cứu cũng nhấn mạnh vào nhu cầu đảm bảo việc các sinh viên cũng như các học giả có thể làm việc trong môi trường quốc tế cởi mở, với các cơ hội hợp tác khoa học Mỹ-Trung, và duy trì sự ủng hộ cho việc hình thành các mối quan hệ xuyên biên giới giữa các nhà khoa học một cách dài hạn. Các mối liên kết thông qua môi trường giáo dục và các tổ chức chính quy là nền tảng quan trọng cho việc hình thành các mối quan hệ. Dù vậy, nhiều nhà khoa học người Mỹ được khảo sát đã cho hay lượng sinh viên theo học cũng như lượng giáo sư thỉnh giảng gốc Hoa tại nơi họ công tác hiện đang giảm mạnh. Việc mất đi hai nhóm đối tượng này vào tay các quốc gia khác không chỉ gây tác động tiêu cực lên quan hệ hợp tác Mỹ-Trung mà còn có thể gây những ảnh hưởng dài hạn đến khả năng xuất bản các nghiên cứu đột phá tầm cỡ thế giới ở cả hai nước.