Aliya Kuzhabekova, phó giáo sư và Botagoz Ispambetova nghiên cứu sinh tiến sỹ tại đại học Nazarbayev Kazakhstan. E-mails: Aliya.kuzhabekova@nu.edu.kz và Botagoz.ispambetova@nu.edu.kz.
Tóm tắt: Căn cứ kết quả phỏng vấn các sinh viên quốc tế du học bằng tiền nhà nước, bài viết này lập luận rằng lợi ích của việc dịch chuyển ngắn hạn không công bằng giữa hai bên tiếp nhận và phái cử.
Bài viết này nghiên cứu một hiện tượng ít được đề cập về dịch chuyển quốc tế ngắn hạn của giảng viên dưới góc độ quốc tế hóa trọng điểm. Bài viết sử dụng dữ liệu phỏng vấn các học giả Kazakhstan đã tham gia phát triển chuyên môn ngắn hạn ở nước ngoài. Dữ liệu cho thấy tính di động quốc tế và quốc tế hóa nói chung không như mong muốn: dịch chuyển học thuật mang lại lợi ích kinh tế và góp phần vào sứ mệnh xã hội trong việc phát triển nhận thức quốc tế và đào tạo người tốt nghiệp có năng lực liên văn hóa, cần thiết để thành công trong cạnh tranh toàn cầu. Ngược lại, nó lại góp phần tái tạo cấu trúc bất bình đẳng Bắc-Nam toàn cầu.
Quốc tế hoá ở Kazakhtan
Quốc tế hóa là cách tiếp cận chủ yếu cho công cuộc hiện đại hóa giáo dục đại học ở Kazakhstan. Kể từ khi độc lập, các nhà cải cách Kazakhstan đã nỗ lực thay đổi đất nước để không trở thành một thành viên câu lạc bộ phương Tây phát triển, cũng không phải là cựu thuộc địa Nam bán cầu, họ mong muốn trở thành một “con hổ châu Á” mới nổi. Họ đã triển khai một số sáng kiến nhằm nỗ lực hiện đại hóa giáo dục đại học và phát triển năng lực nghiên cứu.
Một trong những bước đầu tiên là cam kết với Quy trình Bologna, tạo điều kiện phát triển quan hệ đối tác quốc tế giữa các đại học Kazakhstan và châu Âu cũng như các chương trình trao đổi học thuật. Song song đó, chính phủ Kazakhstan cũng hào phóng ngân sách cho chương trình quốc gia về dịch chuyển quốc tế, đáng chú ý nhất là chương trình “Bolashak”, cấp học bổng du học tại các trường đại học hàng đầu ở nước ngoài. Ngoài Bolashak, chính phủ còn tài trợ dịch chuyển ngắn hạn ra nước ngoài cho giảng viên và sinh viên đại học. Khoản tài trợ được cấp trực tiếp cho người nhận, nhằm hỗ trợ phát triển nhận thức liên văn hóa của sinh viên và cải thiện kỹ năng giảng dạy, nghiên cứu và quản trị của đội ngũ giảng viên.
Dịch chuyển ngắn hạn của giảng viên được tính bằng ngày và tuần, không tính các loại hợp đồng làm việc dài hạn (tháng hoặc năm). Gần đây, ngân sách phân bổ cho đào tạo ngắn hạn đã tăng lên đáng kể so với ngân sách học bổng cho sinh viên quốc tế. Sự dịch chuyển giảng viên ngắn hạn là một chủ đề ít được thảo luận trong giới học thuật toàn cầu. Mặc dù có một số nghiên cứu về dịch chuyển học thuật nhưng lại không bàn về dịch chuyển ngắn hạn. Nghiên cứu gần đây của chúng tôi về sự dịch chuyển học giả Kazakhstan từng ra nước ngoài cho phép làm sáng tỏ vấn đề này.
Dịch chuyển ngắn hạn: những hiểu biết quan trọng từ Kazakhstan
Chúng tôi thực hiện 21 cuộc phỏng vấn với các học giả đại học Kazakhstan đã từng tham gia vào các chương trình dịch chuyển ngắn hạn. Họ là giảng viên có ít nhất một năm kinh nghiệm học thuật, từng ở nước ngoài từ 1 đến 9 tháng và về nước làm việc ở vị trí học thuật ít nhất 6 tháng. Hầu hết những người tham gia cho chuyên môn xã hội-nhân văn, và tất cả họ đều đến các nước thuộc Liên minh châu Âu.
Phân tích dữ liệu cho thấy hình thức dịch chuyển này mang lại lợi ích cho tất cả những người liên quan. Một số báo cáo rằng họ đạt được những kỹ năng giảng dạy và nghiên cứu mới, đồng thời phát triển được các mạng lưới hữu ích, giúp họ cải thiện hiệu suất khi trở về Kazakhstan. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy tính dịch chuyển chủ yếu mang lại lợi ích cho bên tiếp nhận dưới dạng doanh thu bằng tiền. Một khi khách học thuật đã được thu hút đến campus, họ không được quan tâm và hỗ trợ tốt như mong muốn, họ phải chi trả thêm nếu muốn tham gia các hoạt động trả phí, từ cố vấn, khóa học, đến hội nghị chuyên đề, hội thảo, và thường bị bỏ rơi trong campus.
Tuy nhiên, với rất ít sự hỗ trợ từ các trường chủ quản, các chương trình ngắn hạn hiếm khi mang lại cải thiện đáng kể về kỹ năng giảng dạy và nghiên cứu cho giảng viên.
Không có gì mới so với những phát hiện trong những khám phá quan trọng trước đây về quốc tế hóa, lợi ích chủ yếu dồn về phía các tổ chức chủ quản phía Bắc khi có thêm nguồn thu. Ngược lại, giảng viên, tổ chức giáo dục đại học, và quốc gia gửi đi coi việc dịch chuyển ngắn hạn là phương cách nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu cho cá nhân, tổ chức và quốc gia của họ, điều này rất cần thiết để thành công trong nền kinh tế tri thức. Tuy nhiên, với rất ít sự hỗ trợ từ các trường chủ quản, các chương trình ngắn hạn hiếm khi mang lại cải thiện đáng kể về kỹ năng giảng dạy và nghiên cứu cho giảng viên. Do đó, ít có tác dụng cho các tổ chức giáo dục đại học cũng như quốc gia phái cử. Tóm lại, những phát hiện trong nghiên cứu của chúng tôi về dịch chuyển giảng viên ngắn hạn phù hợp với những phát hiện chính từ các nghiên cứu khác về quốc tế hóa, theo nghĩa là hoạt động này góp phần tái tạo quyền bá chủ tri thức và sự thống trị học thuật của khu vực Bắc toàn cầu.
Đón tiếp những học giả ngắn hạn được thúc đẩy chủ yếu bởi động cơ lợi nhuận hơn là bởi sứ mệnh tân tự do, nhân văn của các trường đại học là kiến tạo và phổ biến tri thức, bao gồm việc trao đổi kiến thức đôi bên cùng có lợi. Theo báo cáo của những người tham gia nghiên cứu Kazakhstan, các tổ chức chủ quản thu một khoản tiền đáng kể từ các nhà tài trợ, chỉ cung cấp cho học giả Kazakhstan không gì khác hơn là trải nghiệm tham quan khuôn viên nhà trường châu Âu. Trải nghiệm này không yêu cầu thêm bất kỳ chi phí, công sức hoặc dịch vụ chuyên biệt nào. Những phát hiện về nền tảng tân tự do trong mối quan tâm của các tổ chức chủ nhà đối với sự dịch chuyển ngắn hạn phù hợp với quan sát bởi nhiều học giả khác – sự dịch chuyển “từ viện trợ sang thương mại” trong trao đổi giáo dục quốc tế. Họ lấy làm tiếc về sự suy giảm các sáng kiến của các tổ chức phương Bắc nhằm cung cấp hỗ trợ cho các quốc gia phương Nam, thay vào đó là các dự án và chương trình tìm kiếm lợi nhuận.
Từ nhận thức quan trọng đến các chính sách và thực tiễn công bằng trong dịch chuyển ngắn hạn
Các nhà hoạch định và thực thi chính sách giáo dục cần nhận ra rằng điều khiến cho sự trao đổi không công bằng này có thể xảy ra là do chuẩn hóa cạnh tranh toàn cầu trong giáo dục đại học, tái khẳng định quyền bá chủ văn hóa của Bắc bán cầu, đặt hệ thống giáo dục đại học ở các quốc gia Bắc bán cầu lên trên các nước phương Nam, làm suy thoái các đại học và học giả phương Nam, đưa họ vào tình trạng vô giá trị và hoàn toàn vô hình, đồng thời tạo ra cảm giác người phương Nam cần phải bắt kịp phương Bắc. Cơ chế này thể hiện rõ trong động cơ của các nhà tài trợ cho việc dịch chuyển ngắn hạn, trong cách lập kế hoạch và quản lý các chương trình tài trợ, trong cách các trường trong nước đối xử với các giảng viên trước và sau khi họ ở nước ngoài về, và trong cách họ được “phục vụ” tại trường chủ quản nước ngoài.
Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc dịch chuyển ngắn hạn, các nhà hoạch định chính sách và những người thực hiện trong lĩnh vực giáo dục quốc tế cần góp phần tạo ra sự giao tiếp cởi mở giữa các bên, hiểu rõ nhu cầu và mục tiêu của nhau khi tham gia vào chương trình này. Nói cách khác, các đối tác quốc tế cần hiểu bối cảnh và nhu cầu địa phương cũng như kỳ vọng và lợi ích của cá nhân, đồng thời đạt được thỏa thuận chung về mục tiêu của các sáng kiến dịch chuyển. Trong điều khoản tham chiếu của mình, cả chính phủ và các nhà tài trợ cho hoạt động dịch chuyển cần nêu rõ các yêu cầu đối với tổ chức chủ quản hoặc nhà thầu thiết kế và quản lý chương trình dịch chuyển ngắn hạn, thu hút tổ chức phái cử và cá nhân tham gia vào quá trình lập kế hoạch và quản lý các chương trình.