Donald A. Barclay
Donald A. Barclay là Phó giám đốc thư viện trường Đại học California, Merced. Địa chỉ: Merced, California 95.343, Hoa Kỳ, 95343. Email: dbarclay@ucmerced.edu
Thị trường in ấn tài liệu chuyên khảo học thuật – bức tường thành của ngành in với văn hoá “xuất bản hay là chết” – đang sụp đổ trên toàn thế giới. Doanh số của các tài liệu chuyên khảo học thuật dạng in ấn đã xuống thấp kỷ lục trong khi giá cho mỗi bản in lại đang ở mức cao kỷ lục.
Bán sách ảm đạm, giá tăng
Lĩnh vực nghiên cứu lịch sử – nơi vẫn dùng tài liệu bản in là chính – cung cấp một ví dụ về việc suy giảm lượng sách in bán ra. Năm 1980 một nhà xuất bản sách chuyên khảo học thuật có thể bán được 2000 bản in của bất kỳ tài liệu nghiên cứu lịch sử nào. Đến năm 1990 con số này đã giảm xuống còn 500 bản . Năm 2005 trung bình mỗi tài liệu lịch sử bán ra trên toàn thế giới chỉ được gần 200 bản in. Điều tương tự xảy ra với chuyên khảo in trong các lĩnh vực học thuật khác.
Các nhà xuất bản trên toàn thế giới đối phó với tình hình giảm doanh số in ấn tài liệu chuyên khảo học thuật bằng cách tăng giá. Cũng lấy lĩnh vực lịch sử làm ví dụ: năm 1980, giá trung bình cho một chuyên khảo lịch sử bìa cứng là 22,78 USD; năm 2010 giá này tăng gần gấp bốn lần thành 82,65 USD. Tương tự như vậy trong các lĩnh vực học thuật khác.
Thư viện học thuật trong cuộc khủng hoảng
Không đơn thuần là một sự bất thường hay một giai đoạn khó khăn nhất thời, những gì thế giới học thuật đang chứng kiến là sự sụp đổ của thị trường sách in. Nguyên nhân sâu xa cho sự sụp đổ này là các thư viện học thuật, kể cả các thư viện tương đối giàu có của Bắc Mỹ và châu Âu không còn khả năng mua sách in. Trong vài thập kỷ gần đây, khi các tạp chí xuất bản định kỳ liên tục tăng giá, thư viện các trường đại học – là các tổ chức mua tài liệu chuyên khảo học thuật với số lượng lớn – không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc giảm mua sách in chuyên khảo học thuật. Khoảng giữa những năm 1980, tỷ lệ chi của thư viện đại học cho tạp chí xuất bản theo kỳ so với sách chuyên khảo là khoảng 50/50. Đến năm 2011 tỷ lệ đó là 75/25.
Nhà xuất bản của các trường đại học trong cơn khủng hoảng
Trong thế giới tháp ngà hoàn hảo, người ta không cần tính toán khía cạnh kinh tế của việc in ấn các chuyên khảo học thuật. Suy cho cùng, các nhà xuất bản của trường đại học được thành lập với mục đích công bố các công trình nghiên cứu chứa đựng nhiều giá trị trí tuệ nhưng lại có ít hoặc hoàn toàn không có giá trị kinh tế. Chỉ khoảng 110 nhà xuất bản của các trường đại học Trung quốc và của vài trường rất lớn trên thế giới (như Cambridge University Press và Oxford University Press) hoạt động hiệu quả nhờ phát hành những tạp chí khoa học mang lại lợi nhuận cao. Phần lớn số còn lại không có lợi nhuận. Trong môi trường giáo dục đại học toàn cầu, khi nguồn kinh phí bao cấp cho các nhà xuất bản giảm dần hoặc hoàn toàn cạn kiệt, ban biên tập của các nhà xuất bản không còn lựa chọn nào khác ngoài cân nhắc kỹ triển vọng bán hàng trước khi chấp nhận in một bản thảo nào đó. Chúc bạn may mắn tìm được một nhà xuất bản sẵn sàng bỏ qua triển vọng bán hàng ảm đạm để chấp nhận xuất bản chuyên luận về mô hình sở hữu đất đai trong thế kỷ 12, triều đại Árpád.
Trong những lĩnh vực học thuật mà việc công bố công trình nghiên cứu được xem là tiêu chuẩn để cấp chứng nhận cho các học giả, sẽ rất khó phân định ranh giới đạo đức. Các tổ chức học thuật ở những lĩnh vực đó có ủng hộ, và cho phép thị trường quyết định học giả nào thành công hay thất bại không? Có nên buộc một nghiên cứu sinh ngành khoa học nhân văn lựa chọn một chủ đề luận án dựa trên triển vọng chủ đề đó được xuất bản thành sách và bán chạy, mà không phải trên giá trị chủ đề đó có thể đóng góp cho tri thức nhân loại?
Sự hứa hẹn của truy cập mở
Tin tốt là cái chết kinh tế lâm sàng của chuyên khảo học thuật bản in không đồng nghĩa với kết thúc nền học thuật. Một số nhà xuất bản học thuật hàng đầu đang từng bước thay đổi mô hình kinh tế, từ nền tảng in ấn sang kỹ thuật số, từ tập trung vào bán hàng sang truy cập mở.
Ví dụ, Stockholm University Press đang tích cực xuất bản các chuyên khảo học thuật truy cập mở đã được thẩm định kỹ. Sau khi chấp nhận một bản thảo, Stockholm University Press yêu cầu tác giả cuốn sách trả phí-xuất-bản-một-lần là 3250 bảng Anh để trang trải toàn bộ chi phí sản xuất, phân phối và tiếp thị. Tương tự như vậy, The University of California Press vừa công bố sẽ xuất bản 5 tên sách đầu tiên trong danh mục Sáng kiến Luminos. Danh mục Luminos gồm các chuyên khảo học thuật đã được thẩm định, biên tập nội dung; được xuất bản trước tiên ở dạng sách điện tử với truy cập mở; tuy nhiên vẫn có một số lượng sách in-theo-yêu-cầu cho những người yêu thích tài liệu bản in. Những nhà xuất bản áp dụng mô hình xuất bản tài liệu chuyên khảo học thuật truy cập mở còn bao gồm Amsterdam University Press, ANU Press (Đại học Quốc gia Úc), De Gruyter Open, CLASCO (Consejo Latinoamericano de Ciencias Sociales), OAPEN (Open Access Publishing in European Networks), Berlin Academic và vài nhà xuất bản khác nữa.
Tin tốt là cái chết kinh tế lâm sàng của chuyên khảo học thuật bản in không đồng nghĩa với kết thúc nền học thuật
Dựa trên mô hình kinh tế trong đó chi phí xuất bản được trả trước mà không phụ thuộc vào doanh thu bán hàng, chuyên khảo dạng kỹ thuật số truy cập mở không những có thể cứu nền học thuật khỏi sự lãng quên, mà còn đem đến nhiều lợi ích khác so với sách in: chuyên khảo kỹ thuật số truy cập mở có thể được sử dụng toàn bộ hoặc một phần như giáo trình học tập miễn phí cho sinh viên. Định dạng kỹ thuật số nới lỏng những hạn chế về số lượng trang và minh họa, đồng thời cho phép tác giả tích hợp vào chuyên khảo của họ những công cụ kỹ thuật số như biểu đồ thời gian, dữ liệu trực quan và video. Truy cập mở cũng có nghĩa là những chuyên khảo nghiên cứu các khu vực nghèo của thế giới có thể được hàng triệu người sống ở đó đọc – những người không đủ khả năng mua các chuyên khảo bản in đắt giá.
Truy cập mở có thể thất bại
Bất chấp các lợi thế rõ rệt, chuyên khảo học thuật truy cập mở vẫn có thể thất bại nếu những giảng viên cao cấp, những người có quyền quyết định lại từ chối áp dụng, triển khai mô hình này. Một số giảng viên, thường là trong các lĩnh vực học thuật truyền thống quen sử dụng chuyên khảo bản in, vẫn giữ thái độ hoài nghi với tài liệu truy cập mở; ngoài ra còn có những người xem thường hình thức bảo lãnh phí-xuất-bản-một-lần, họ đánh đồng những công trình truy cập mở xuất bản theo cách này với những ấn phẩm vanity-press (là loại ấn phẩm do tác giả tự bỏ tiền xuất bản, không được đánh giá cao vì không phải qua quy trình thẩm định và biên tập). Những người này coi mô hình truy cập mở cùng loại với các tệ nạn khác của nền giáo dục, như đạo văn và bằng cấp giả.
Chất lượng thẩm định và biên tập là một lập luận mạnh mẽ chống lại thái độ đánh đồng các chuyên khảo truy cập mở với các ấn phẩm vanity-press. Chuyên khảo truy cập mở xuất bản hợp pháp cũng phải trải qua một quá trình thẩm định và biên tập khắt khe như trong mô hình xuất bản truyền thống. Chất lượng thẩm định và biên tập, suy cho cùng, hoàn toàn không phụ thuộc vào giấy và mực in.
Một lập luận khác nữa chỉ ra sự khác biệt giữa chuyên khảo học thuật truy cập mở với các ấn phẩm vanity-press. Trừ một số ít ngoại lệ, các chuyên khảo học thuật thường được bảo lãnh xuất bản bằng cách này hoặc cách khác. Trong quá khứ, nhà xuất bản của các trường đại học trợ giá xuất bản cho phần lớn các chuyên khảo học thuật. Vì thế, lập luận cho rằng mô hình trợ cấp xuất bản các ấn phẩm chuyên khảo kiểu truyền thống có nền tảng đạo đức cao hơn so với các mô hình mới nổi của xuất bản truy cập mở là hoàn toàn giả dối.
Cuối cùng, nếu các lực lượng bảo thủ của nền giáo dục giết chết các chuyên khảo học thuật truy cập mở bằng cách từ chối thuê hoặc trả công cho các học giả xuất bản theo cách này, một hậu quả ngoài ý muốn sẽ là cái chết của cả nền chuyên khảo học thuật. Thật ngu ngốc khi nghĩ rằng việc ngăn chặn các chuyên khảo truy cập mở sẽ cứu vãn được ngành in. Thực tế là các nhà xuất bản học thuật, kể cả các nhà in phi lợi nhuận của các trường đại học không có khả năng chi tiền để xuất bản các loại sách mà các thư viện học thuật không đủ khả năng mua. Truy cập mở là một thay thế cho thị trường sách in sụp đổ. Nếu không có sự thay thế, việc sản xuất chắc chắn sẽ ngừng trệ, và các chuyên khảo học thuật sẽ trở thành di vật của quá khứ giống như các bản thảo trên giấy da thuộc được trưng bày trong tủ kính bảo tàng.