Phân hiệu quốc tế các trường đại học: Hiện tượng mới

Kevin Kinser và Jason E. Lane

Giáo sư Kevin Kinser là chủ tịch của Cục Quản lý giáo dục và nghiên cứu chính sách, và là đồng giám đốc của CBERT- Nhóm Nghiên cứu Giáo dục Xuyên biên giới có trụ sở tại Đại học bang New York (State University of New York – SUNY) tại Albany. Email: kinser@albany.edu. Jason E. Lane là trợ lý cao cấp và Phó hiệu trưởng về đào tạo, là giám đốc chiến lược tại SUNY và là đồng giám đốc của CBERT thuộc SUNY, Albany. E-mail: Jason.lane@suny.edu. IHE thường xuyên xuất bản các bài báo của nhóm nghiên cứu giáo dục này. Xem http://www.cbert.org.

Phân hiệu quốc tế của các trường đại học (International branch campuses, viết tắt là IBC) là một xu hướng lớn trong giáo dục đại học xuyên quốc gia hoặc xuyên biên giới, khi các trường đại học hiện diện về mặt vật lý ở nhiều quốc gia. Từ năm 2009, Nhóm Nghiên cứu Giáo dục Xuyên biên giới CBERT (Cross Border Education Research Team) tại Đại học bang New York, Albany đã theo dõi sự phát triển của các tổ chức này trên toàn thế giới. Trong thực tế, các IBC đang ngày một trưởng thành hơn.

Hiếm khi nào văn hóa học tập hoặc các hình thức cách tân lại dễ dàng chuyển đổi từ nền văn hoá một thể chế sang bức tranh nhiều màu sắc của giáo dục đại học quốc tế như vậy; dựa trên những kết quả nghiên cứu, chúng tôi đã xác định được ba lĩnh vực làm nổi bật vai trò mới của các IBC trên toàn thế giới và những thay đổi trong điều kiện hoạt động của các IBC.

Tăng trưởng và đa dạng hóa
Ngoại trừ một số trường hợp tai tiếng như Đại học bang Michigan ở Dubai và Đại học New South Wales tại Singapore, tình trạng chung của thị trường IBC toàn cầu là lành mạnh và đang trên đà phát triển. Theo Báo cáo của CBERT, cuối năm 2015 đã có 230 IBC đi vào hoạt động. Báo cáo của Tổ chức Quan sát Giáo dục đại học Không biên giới (Observatory for Borderless Higher Education) đánh giá mức tăng trưởng này là 44% so với 160 IBC được thành lập vào năm 2009. Đây là mức tăng trưởng đáng kể nhưng không phải không có thất bại. Cũng theo số liệu của của CBERT, ít nhất 27 IBC đã đóng cửa. Con số này chiếm khoảng hơn 10% tổng số các IBC hiện đang hoạt động. Nếu tính đến một thực tế là các tổ chức này khởi sự hoạt động của mình giống như các công ty kinh doanh mới thành lập thì tỷ lệ thất bại như vậy không đáng ngạc nhiên. Thực ra, tỷ lệ đó là rất thấp nếu so sánh với tỷ lệ thất bại lên đến 90% trong ba năm đầu của các công ty hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Một số phân hiệu đã khá thành công. Trong khi hầu hết các IBC vẫn còn nhỏ và tập trung vào một số lĩnh vực văn bằng thích hợp với thị trường; nhu cầu hiện nay đủ để duy trì quy mô hoạt động lớn hơn. Hiện nay ít nhất 25 IBC có trên 2000 sinh viên. Những phân hiệu lớn nhất là Xi’an Jiaotong của Đại học Liverpool (Trung Quốc), Đại học Monash (Malaysia), và Royal Melbourne Institute of Technology – RMIT (Việt Nam), mỗi phân hiệu này có hơn 6000 sinh viên. Ngay cả những nơi không phải là địa bàn trọng điểm của các IBC thì việc tuyển sinh cũng khá thành công, chẳng hạn như Đại học Quốc tế Westminster ở Uzbekistan và Viện Công nghệ Georgia ở Pháp.

Dữ liệu của CBERT cũng cho thấy sự đa dạng hóa nhập khẩu và xuất khẩu giáo dục. Hiện nay, có 32 quốc gia xuất khẩu giáo dục sang 75 quốc gia, và các dòng chảy không chỉ theo hướng Tây-Đông và Bắc-Nam. Trong thực tế, Nga là nước xuất khẩu lớn giáo dục thứ ba, đầu tư cho 20 phân hiệu đại học nước ngoài. Ngay cả Mỹ hiện nay đã thiết lập được năm IBC, và ít nhất hai phân hiệu đang trong quá trình thành lập.

Phát triển các mối quan hệ với chính phủ chủ nhà

Các IBC lâu đời nhất, như phân hiệu của Đại học bang Florida, Đại học Johns Hopkins và Đại học Webster, có xu hướng đi theo mô hình công ty con hoàn toàn thuộc sở hữu của công ty mẹ, và hoạt động độc lập mà không chịu sự điều tiết từ nước chủ nhà. Tuy nhiên thời gian gần đây, sự tham gia của chính phủ chủ nhà đã trở nên phổ biến với nhiều hình thức khác nhau.

Ngày nay hiếm có việc chính phủ nước sở tại không can thiệp vào hoạt động của các IBC theo một cách nào đó. Nhưng thực tế họ dễ dàng chấp nhận mọi hình thức từ tự do kinh doanh cho đến các mô hình hoạt động mang tính kế hoạch hoá cao. Ví dụ như Dubai, một trong những nhà nhập khẩu IBC lớn nhất, đã thông qua cách tiếp cận thị trường tự do để phát triển IBC. Chính phủ Dubai trong khi mong muốn thu hút nhiều IBC để giáo dục số lượng lớn dân nhập cư của mình, lại hầu như không yêu cầu một kế hoạch đào tạo nào; các IBC được phép lựa chọn và phát triển mô hình hoạt động phù hợp và tự đối mặt với may rủi của thị trường.

Quốc gia Qatar láng giềng có chiến lược tiếp cận tập trung hơn. Chính phủ lựa chọn các tổ chức học thuật để hợp tác, xác định những chương trình đào tạo phù hợp, và cung cấp những khoản kinh phí đáng kể cho đầu tư và chi phí điều hành.

Trung Quốc áp dụng một cách tiếp cận khác nữa. Tất cả các IBC được tổ chức theo hình thức đối tác Trung quốc – nước ngoài, trong đó đối tác Trung Quốc giữ vai trò lãnh đạo. Các phân hiệu mới được Đại học Duke và Đại học New York thành lập là một ví dụ; đó là những cơ sở được công nhận là trường đại học Trung Quốc mới, và được coi là thực thể độc lập trong hệ thống giáo dục Trung Quốc.

Chúng tôi cũng nhận thấy những phức tạp ngày càng tăng mà các tổ chức đảm bảo chất lượng quốc gia gặp phải khi đánh giá hoạt động giáo dục xuyên quốc gia. Một số nhận thức được tính chất khác biệt của các IBC và đang thay đổi chính sách và thủ tục của họ cho phù hợp xu hướng độc đáo này.

Thúc đẩy việc đảm bảo chất lượng

Chính phủ các nước và các trường đại học đã làm nhiều việc để cải thiện cơ chế đảm bảo chất lượng của IBC. Trong nhiều trường hợp, các IBC có nghĩa vụ phải cung cấp chương trình học tương đương với chương trình đang thực hiện ở trường mẹ. Trường Đại học bang Florida và Đại học bang New York cương quyết yêu cầu các chương trình học tập tại IBC phải là chương trình của trường mẹ và phải được phê duyệt theo quy trình tương tự. Tuy nhiên, một số trường đại học và nước chủ nhà đã bắt đầu nhận thấy các phân hiệu có bản sắc riêng, và không nhất thiết như một tổ chức con phải tuân thủ tuyệt đối mô hình ở tổ chức mẹ. Phân hiệu của Đại học Nottingham tại Malaysia và Trung Quốc có các chương trình học thuật lớn, đủ năng lực xây dựng chương trình đào tạo mới, khác với những gì đang diễn ra ở trường mẹ. Đại học New York và Đại học Webster đã thúc đẩy một mô hình, trong đó mỗi địa điểm được coi là một phần của một trường đại học toàn cầu, làm giảm bớt, thậm chí xoá bỏ ý niệm phân biệt trường mẹ và phân hiệu.

Chúng tôi cũng nhận thấy những phức tạp ngày càng tăng mà các tổ chức đảm bảo chất lượng quốc gia gặp phải khi đánh giá hoạt động giáo dục xuyên quốc gia. Một số nhận thức được tính chất khác biệt của các IBC và đã bắt đầu thay đổi chính sách và thủ tục của họ cho phù hợp xu hướng độc đáo này. Dubai thành lập một hệ thống đảm bảo chất lượng mới, một Hội đồng đảm bảo chất lượng giáo dục đại học quốc tế, để đảm bảo các IBC có chất lượng đào tạo tương đương với trường mẹ. Những hệ thống giáo dục khác, ví dụ ở Đài Loan, thừa nhận đánh giá chất lượng của các Tổ chức đảm bảo chất lượng nước ngoài có giá trị tương đương như đánh giá của các tổ chức chủ nhà. Tương tự như vậy, hiện nay các trường đại học mẹ đã có những hoạt động tích cực vượt ra ngoài sự may rủi hay các mối quan hệ cá nhân đặc trưng cho thế hệ IBC đầu tiên. Kết quả là các nhà lãnh đạo IBC hiếm khi rơi vào thế bị động, hoạt động tốt hơn, mô hình tài chính và chiến lược được thiết kế hướng đến sự phát triển bền vững. Ở những nơi chúng ta từng nhìn thấy các thông báo mời chào thành lập cơ sở đào tạo mới cho 10 ngàn sinh viên trong thời hạn năm năm, kế hoạch mở rộng có tính toán đang được dần dần triển khai.

Kết luận

Xem xét xu hướng phát triển của các phân hiệu trường đại học cho phép chúng ta rút ra vài kết luận. Thứ nhất, giáo dục đại học xuyên biên giới không còn là bất thường. Xu hướng này nên được coi là một lựa chọn tất yếu và quan trọng cho hệ thống giáo dục đại học của các quốc gia. Thứ hai, cấu trúc đại học và hệ thống quản lý đang thích ứng với các hình thức giáo dục mới; hình thức mới cũng dần thích ứng với hệ thống. Sự thích nghi này là một quá trình tương tác; chúng ta không nên mong đợi nhìn thấy một bức tranh tĩnh. Thứ ba, chiến lược quốc gia liên quan đến các IBC cần phải được nhìn nhận nghiêm túc như một sự thể hiện chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực giáo dục. Điều này có nghĩa là những rủi ro chính trị cần được cân nhắc bên cạnh những rủi ro học thuật. Quy định có thể thay đổi một cách nhanh chóng để đáp ứng mối quan tâm của địa phương, và các trường đại học nước ngoài có thể đột nhiên thấy người bảo trợ của mình không còn quyền lực. Thứ tư, hội nhập sâu hơn của các IBC vào các hệ thống quản lý quốc gia đặt ra câu hỏi vốn rất phổ biến ở phương Tây về quyền bảo đảm tự do học thuật ở nước sở tại. Thường thì bản thân định nghĩa về tự do học thuật cũng là vấn đề tranh cãi, vì các nước đang xem tự do chính trị khác với tự do giảng dạy và nghiên cứu của các học giả trong các phân hiệu đại học do nước ngoài hậu thuẫn. Điều quan trọng là các trường đại học nước ngoài và chính phủ nước chủ nhà thống nhất được những điểm chung của hai hệ thống khác nhau, và chúng ta nên mong đợi sự thỏa hiệp và tạo điều kiện để cùng phát triển hơn là buộc một bên phải phục tùng quan điểm của bên thắng thế.

Cuối cùng, cách các nước ứng xử với việc nhập khẩu các tổ chức giáo dục nước ngoài đã cung cấp một cái nhìn sâu sắc về triết lý giáo dục và quản lý của họ, cũng như cung cấp bài học về cách thức đối diện với các hình thức quốc tế hoá khác.