Ba mươi năm chuyển đổi trong giáo dục đại học thời hậu Xô Viết: kết quả và bài học

Anna Smolentseva là nghiên cứu sinh tại Khoa Xã hội học, Đại học Cambridge, Vương quốc Anh. Email: asmolentseva@yahoo.com. Bài viết này nhằm phục vụ hội nghị Thế hệ Tiếp theo: Những phản ánh và viễn cảnh tương lai của giáo dục đại học ở Liên Xô cũ, được tổ chức bởi UNESCO IESALC và Đại học nghiên cứu Quốc gia, Trường đại học Kinh tế (Moscow) vào ngày 14 và 15 tháng 2 năm 2022.

Tóm tắt: Bài viết này cung cấp một cái nhìn tổng quan về những chuyển đổi của giáo dục đại học ở 15 nước hậu Xô Viết kể từ năm 1991. Chuyển đổi hậu Xô Viết là một phần của sự thay đổi toàn cầu theo hướng đề cao lợi ích/giá trị cá nhân hơn lợi ích/giá trị tập thể, và trật tự của nền kinh tế tự nhiên và tự phát hơn mệnh lệnh chính trị. Những biến đổi tân tự do đã góp phần gây ra bất bình đẳng xã hội trong những quốc gia và hệ thống giáo dục đại học hậu Xô Viết. Việc thương mại hóa tri thức đã làm xói mòn giá trị nội tại của nó.

Sau khi Nga bắt đầu cuộc chiến toàn diện ở Ukraine, rõ ràng là chúng ta cần phản ánh nhiều hơn về bản chất, kết quả và bài học của những chuyển đổi thời hậu Xô Viết. Giáo dục đại học chỉ là một phần của bức tranh; nó không giải thích mọi thứ, cũng không độc lập với các thể chế xã hội và chính trị khác. Nhưng vì nó liên quan đến kiến thức, chuẩn mực và giá trị xã hội, hiểu rõ những đóng góp của nó cho xã hội là điều vô cùng quan trọng. Bài viết này thảo luận về những chuyển đổi chính trong giáo dục đại học ở thời kỳ hậu Xô Viết, và vì sao những phát triển này vẫn hạn chế sự đóng góp tiềm năng của giáo dục đại học cho các xã hội hậu Xô Viết, mặc dù số lượng sinh viên gia nhập giáo dục đại học đều tăng lên ở tất cả 15 quốc gia của khu vực này.

Sự phủ nhận Liên Xô và sự phát triển của tân tự do

Sự trỗi dậy toàn cầu của chủ nghĩa tân tự do và quá trình gỡ bỏ dần dần hệ thống Xô Viết bắt đầu gần như cùng một lúc, vào những năm 1980. Những nhà lãnh đạo thời kỳ cuối của Liên Xô đã cố gắng áp dụng tự do hóa chính trị và kinh tế và cơ chế thị trường. Những cải cách tân tự do thời hậu Xô Viết được xây dựng trên cơ sở di sản của Liên Xô thời kỳ cuối này.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, các cá nhân tân tự do xuất hiện – làm việc vì bản thân và gia đình, tập trung cho bản thân, tự do lựa chọn trong vai trò người tiêu dùng, đầu tư vào giáo dục đại học của mình, và lựa chọn giáo dục đại học và con đường sự nghiệp của mình dựa trên nhận thức về kết quả thị trường lao động. Tài trợ công giảm, cơ chế thị trường và cạnh tranh là một phần của mô hình tân tự do được áp dụng ở nhiều mức độ khác nhau ở hầu hết các nước hậu Xô Viết. Những cải cách trong giáo dục đại học diễn ra cùng với nhiều cải cách kinh tế xã hội khác với chi phí nhân lực cao, và liên quan đến bất ổn chính trị và xung đột quân sự.

Chuyển đổi cấp hệ thống

Ba mươi năm chuyển đổi ở các nước hậu Xô Viết đã định hình 15 hệ thống giáo dục đại học quốc gia chính thức khác nhau. Tất cả 15 hệ thống đều phát triển từ cùng một mô hình của Liên Xô khiến số lượng các loại hình trường đại học và tham vọng tạo danh tiếng bị hạn chế. Sự giải phóng những thị trường cạnh tranh theo vị thế trong những năm 1990 đã giúp củng cố lợi thế của những tổ chức giáo dục vốn đã mạnh từ trước, và làm tăng khoảng cách giữa những tổ chức cấp cao nhất và cấp thấp nhất. Theo nghĩa đó – về mặt phân tầng thể chế – những hệ thống hậu Xô Viết trở thành tương tự như những hệ thống thị trường hóa khác.

Nhà nước tiếp tục định hình sự khác biệt, cả theo chiều dọc và chiều ngang: các hệ thống phân loại trường đại học; hệ thống bằng cấp; phân loại các nhà cung cấp; xếp hạng đại học; sự trực thuộc theo khu vực; tài trợ theo kết quả hoạt động; và phân loại sinh viên bằng một kỳ thi tuyển sinh chung toàn quốc và những biện pháp khác. Duy trì hoặc giảm phân cấp hệ thống cũng là một lựa chọn chính trị, và vì hầu hết những quốc gia này bác bỏ lý tưởng bình đẳng của Liên Xô, không có bất kỳ cam kết chính sách nào nhằm khắc phục bất bình đẳng xã hội. Ở một số quốc gia, tỷ lệ tham gia nói chung và sự tham gia của giới nữ vào giáo dục đại học giảm so với thời kỳ Xô Viết.

 

Thị trường hóa diễn ra phần lớn trong khu vực công vẫn chiếm ưu thế và góp phần gây ra sự bất bình đẳng trong hệ thống, không chỉ ở cấp độ thể chế, mà còn bên trong mỗi cơ sở giáo dục.

 

Chuyển đổi ở cấp độ thể chế

Thị trường hóa diễn ra phần lớn trong khu vực công vẫn chiếm ưu thế và góp phần gây ra sự bất bình đẳng trong hệ thống, không chỉ ở cấp độ thể chế, mà còn bên trong mỗi cơ sở giáo dục. Cái gọi là mô hình hai hệ học phí phân chia số lượng đăng ký ở mỗi cơ sở công thành những phân khúc do nhà nước tài trợ và tư nhân tài trợ. Sự thay đổi từ giáo dục đại học miễn phí trong thời Liên Xô sang giáo dục đại học thu phí bắt nguồn từ thời kỳ cuối của Liên Xô. Điều này giúp giải thích vì sao tất cả 15 quốc gia đều áp dụng cùng một mô hình. Ở 13 quốc gia, một nửa số sinh viên hoặc hơn thế trong khu vực công phải trả học phí (ở Armenia, Georgia và Cộng hòa Kyrgyzstan, tỷ lệ sinh viên trả phí cao hơn 80%). Những sinh viên khác trong khu vực công được nhà nước tài trợ học phí. Không giống những mô hình tài trợ khác trên thế giới, hệ thống này không áp dụng những quy tắc giống nhau cho tất cả sinh viên, mà duy trì tiêu chuẩn kép về giá trị xã hội (tiền bạc/công trạng).

Mặc dù tiền có ý nghĩa quyết định, nhưng nó hợp pháp hóa và nuôi dưỡng sự bất bình đẳng. Điều đặc trưng của các xã hội hậu Xô Viết là hệ thống này hầu như chưa bao giờ bị hoài nghi. Nó tái tạo sự phân chia văn hóa giữa một bên là những giá trị của Liên Xô coi giáo dục đại học là lợi ích công và cam kết thực hiện chủ nghĩa bình đẳng, và bên kia là những ý tưởng hậu Xô Viết coi giáo dục đại học là lợi ích cá nhân, là sự lựa chọn của người tiêu dùng, và bình thường hóa bất bình đẳng. Nhưng ở bất cứ nơi nào nhà nước can thiệp, nó có thể giảm bất bình đẳng nội tại; như ở Estonia, nơi hệ thống học phí kép đã bị hủy bỏ vào năm 2012 đối với sinh viên theo tiến độ học tập bình thường.

Mục đích của giáo dục đại học

Cải cách tân tự do đã trở thành nền tảng cho việc tái tập trung giáo dục đại học vào nhu cầu của thị trường lao động và kết quả đầu ra. Đối với các hệ thống hậu Xô Viết, việc “dạy nghề hóa” như vậy dễ dàng được áp dụng hơn vì nó lặp lại định hướng của Liên Xô là đáp ứng những nhu cầu của kinh tế quốc gia. Hệ thống của Liên Xô coi giáo dục đại học là một công cụ để phát triển cả xã hội và kinh tế, đào tạo nhân lực cho nền kinh tế quốc dân và hình thành một tập thể mới vì lợi ích của chủ nghĩa xã hội, một xã hội bình đẳng không có bóc lột.

Cố gắng vượt qua những định kiến của Liên Xô, Perestroika nhấn mạnh giá trị nội tại của giáo dục đại học là sự phát triển toàn diện của nhân cách, ưu tiên những mục đích nhân văn của giáo dục. Dựa trên lý thuyết về vốn con người và ảo tưởng tân tự do, giáo dục đại học thời hậu Xô Viết tự thu hẹp chức năng chỉ còn là công cụ để phát triển kinh tế. Nó tập trung vào thị trường lao động và năng lực phù hợp với yêu cầu của công việc, nhưng lúc này là vì lợi ích cá nhân, không phải vì lợi ích tập thể.

Thương mại hóa kiến thức

Có lẽ quan trọng hơn, thị trường hóa đã ảnh hưởng đến cốt lõi của giáo dục đại học là kiến thức – thứ đã đánh mất giá trị nội tại của nó. Tri thức trở thành hàng hóa, trong nhiều hình thức khác nhau. Trong trường hợp thiếu vốn, nó được mô tả là “đa dạng hóa nguồn vốn”, tất cả những gì giáo dục đại học có thể làm là bán “kiến thức”. Ở đây, mô hình “trường đại học doanh nghiệp” rất tiện dụng để đảm bảo rằng nhà nước không phải làm bất cứ điều gì và các tổ chức giáo dục sẽ phải tự tìm nguồn thu, điều mà họ đã làm. Những dạng “kiến thức” đầu tiên được bán là bằng cấp giáo dục đại học, được hỗ trợ bởi mô hình hai hệ học phí.

Tình trạng những thí sinh không đạt chuẩn trong kỳ thi tuyển sinh quốc gia vẫn được nhập học nếu trả học phí – đã hợp pháp hóa sự kém xuất sắc trong giáo dục đại học. Nó góp phần tạo ra cách nhìn sai lệch rằng giáo dục đại học chỉ là một thứ hàng hóa để mua bán, không có giá trị nội tại, hơn là thể hiện sự chiến thắng của quyền tự do lựa chọn của cá nhân. Đối với nghề hàn lâm, vốn bị hủy hoại bởi mức lương thấp trong nhiều thập kỷ, sự bấp bênh, địa vị xã hội thấp, và sự phân tầng – việc thương mại hóa tri thức dẫn đến xói mòn cốt lõi học thuật của giáo dục đại học. Điều này dẫn đến xu hướng ưu tiên tri thức ứng dụng, nghiên cứu ứng dụng và công việc tư vấn, để bổ sung cho ngân sách công thấp.

Thương mại hóa cũng tạo điều kiện phát triển cho một thị trường đáp ứng những nhu cầu đa dạng về các công trình học thuật, bao gồm luận án tiến sĩ, khóa luận của sinh viên và bài báo cho các tạp chí. Mọi thứ trở thành để mua bán. Những giá trị học thuật và tự do học thuật vốn chưa từng mạnh mẽ hay có nền tảng vững chắc trong thời kỳ hậu Xô Viết – ngày càng bị suy yếu bởi những áp lực chính trị bên ngoài.

Đóng góp của giáo dục đại học cho xã hội và những hạn chế của nó

Phần cay đắng của kinh nghiệm hậu Xô Viết là khi bắt đầu cải cách người ta đã biết về bản chất và tác động của thị trường hóa và thương mại hóa giáo dục đại học; điều này đã được nhiều tài liệu quốc tế đề cập đến. Chuyển đổi thời hậu Xô Viết là một phần của sự thay đổi toàn cầu đề cao lợi ích/giá trị cá nhân hơn lợi ích/giá trị tập thể, và đề cao một trật tự kinh tế tự nhiên và tự phát hơn hành động chính trị.

Trong khi giáo dục đại học đã mở rộng trong 30 năm qua và chúng ta đã thấy một số ví dụ tốt về phát triển thể chế giáo dục đại học, những đóng góp của giáo dục đại học cho xã hội chỉ có thể được coi là thành công nếu được thực hiện ở cấp hệ thống và cấp toàn cầu. Điều đó đã không diễn ra. Sự cạnh tranh, sự tôn sùng quan điểm tân tự do đã chia rẽ và làm chệch hướng các học giả, sinh viên, tổ chức, hệ thống quốc gia, chính trị gia, quốc gia và xã hội khỏi sự hợp sức nhằm đạt được những mục tiêu chung như hòa bình, giải quyết khủng hoảng khí hậu, xử lý đại dịch, theo đuổi công lý và những vấn đề khác. Điều đó nên và có thể thay đổi.