Patricio V. Langa là giáo sư ngành xã hội học và giáo dục đại học tại Đại học Western Cape, Nam Phi và Đại học Eduardo Mondlane, Mozambique, đồng thời là thành viên nghiên cứu nổi tiếng của DAAD tại Đại học Bonn, Đức. Email: planga@uwc.ac.za.
Tóm tắt: Bài báo này xem xét những quá trình khác biệt hóa và đa dạng hóa trong giáo dục đại học châu Phi và ý nghĩa của chúng đối với nghiên cứu và chính sách tiếp theo. Những quá trình này có lẽ nằm trong số những khái niệm được thiết lập tốt nhất giúp ta hiểu được sự thay đổi về mặt xã hội và tổ chức trong các hệ thống và cơ sở giáo dục đại học ở châu Phi. Được hình thành trên lý thuyết xã hội, những quá trình này làm sáng tỏ những thực tiễn phần lớn được ngầm hiểu, hơn là thực tiễn thể chế, xã hội hay chính sách của các bên liên quan khác nhau trong giáo dục đại học ở châu Phi, đồng thời định hướng sự thay đổi theo hướng tăng cường quản trị một cách dân chủ.
Ngoài một số ít trường hợp ngoại lệ – như Nam Phi và một số quốc gia Bắc Phi – hầu hết những quốc gia mới độc lập ở châu Phi thừa hưởng một trường đại học quốc gia duy nhất, hoặc chỉ một vài cơ sở giáo dục đại học (HEI) từ các chủ thuộc địa cũ của họ trong những năm 1960 và 1970. Sau khi độc lập và trong sáu thập kỷ tiếp theo, dù với tốc độ khác nhau, các hệ thống giáo dục đại học đã trải qua những thay đổi chưa từng có, đặc biệt được đánh dấu bằng việc thành lập các cơ sở giáo dục đại học mới.
Khác biệt hóa và đa dạng hóa dưới sự chỉ đạo của chính phủ
Trong khi thực hiện chủ quyền chính trị mới giành được, các chính phủ châu Phi cũng là động lực chính thúc đẩy việc gia tăng số lượng HEI, bằng những chính sách mở rộng cơ hội tiếp cận và gia nhập giáo dục đại học. Việc mở rộng này được thực hiện một cách thận trọng do nguồn lực hạn chế.
Những chính sách mở rộng này dự tính giáo dục đại học sẽ đóng vai trò là phương tiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội thông qua việc đào tạo nhân lực, chủ yếu để vận hành bộ máy nhà nước và chỉ đạo việc phát triển kinh tế thông qua cuộc cách mạng công nghiệp nhanh chóng – tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Từ mô hình đơn cấp/đơn thể chế hoàn toàn độc lập, nhiều hệ thống giáo dục đại học đã phát triển thành một nhóm gồm nhiều cơ sở giáo dục đại học khác nhau với mức độ đa dạng hóa thường là hạn chế về khóa học và chương trình đào tạo mà họ cung cấp.
Giữa những năm 1960 và 1980, các chính phủ quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo chính sách nhằm duy trì những trường đại học quốc gia và hình thành một vài cơ sở giáo dục đại học công lập mới, để phục vụ cho chương trình nghị sự phát triển quốc gia. Mặc dù không phải lúc nào cũng đặt ra mục tiêu rõ ràng, những chính sách quốc gia về khác biệt hóa và đa dạng hóa đã ảnh hưởng đến loại hình cơ sở giáo dục đại học sẽ được thiết lập, bao gồm cấu trúc, cơ quan quản lý, chương trình học và loại bằng cấp.
Cho đến cuối những năm 1980 – đây có thể coi là thời kỳ đầu tiên của những quốc gia châu Phi có chủ quyền về chính trị, những chính sách khác biệt hóa và đa dạng hóa này tuân theo chương trình nghị sự mang tính dân tộc chủ nghĩa của những quốc gia châu Phi mới độc lập.
Trong một số trường hợp, việc di cư ồ ạt của các học giả gần như đã khiến cho các cơ sở giáo dục đại học quốc gia đơn lẻ phải đóng cửa. Do đó, mặc dù cần mở rộng cơ hội tiếp cận và tham gia vào giáo dục đại học, việc thành lập các cơ sở giáo dục đại học mới không phải là một lựa chọn. Ngay sau đó vài thập kỷ, sự gia tăng về số lượng học sinh tốt nghiệp trung học, và năng lực hạn chế của chính phủ trong việc đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng tạo thành sức ép phải mở rộng cơ hội tiếp cận cùng với nhu cầu khác biệt hóa và đa dạng hóa giáo dục đại học.
Khủng hoảng tài chính và quyền tự trị sớm chấm dứt
Cuộc suy thoái tài chính trong những năm 1970, tình trạng thiếu dầu mỏ ở phương Tây và giá cả leo thang, đã ngăn cản việc mở rộng và gần như dẫn đến việc đóng cửa một vài cơ sở giáo dục đại học quốc gia đang hoạt động, do ngân sách quốc gia thâm hụt nghiêm trọng. Những năm 1980 chứng kiến nhiều quốc gia châu Phi đàm phán tham gia vào những chương trình tài chính hiệu chỉnh của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), không chỉ nhằm cứu vãn nền kinh tế đang sụp đổ của họ, mà còn để ngăn chặn việc đóng cửa các cơ sở giáo dục đại học công.
Do những chính sách thúc đẩy sự khác biệt và đa dạng hóa trong giáo dục đại học phải tuân theo những biện pháp kỷ luật tài khóa mà Ngân hàng Thế giới quy định, nên chủ quyền chính trị trong quản trị giáo dục đại học của các nước châu Phi chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Hầu như trong những năm 1980 và ba thập kỷ tiếp theo, WB đã “chỉ đạo” theo đúng nghĩa đen, khi trở thành bên liên quan chính, định hướng chính sách về khác biệt và đa dạng hóa trong giáo dục đại học châu Phi, dựa trên hệ tư tưởng tân tự do về thị trường tự do. Tư nhân hóa, tiếp theo là thị trường hóa và thương mại hóa, đã trở thành xu hướng của thời đại, trong quá trình dần biến giáo dục đại học thành một thứ hàng hóa – điều đã tạo ra một số bất mãn.
Theo WB, một mặt giáo dục đại học là hàng hóa tư nhân xa xỉ có tỷ lệ hoàn vốn xã hội quá thấp nên không thể biện minh cho đầu tư công. Mặt khác, nó tạo ra lợi nhuận tương đối cao cho những người hưởng lợi trực tiếp, điều này biện minh cho việc chia sẻ chi phí. Nói cách khác, tài trợ công cho sinh viên tư thục trong các trường công cũng giống như tài trợ cho giới thượng lưu bằng ngân sách công. Đối mặt với sự phản đối gay gắt của các vị hiệu trưởng dọa đóng cửa trường công, WB đã viện đến những chính sách quy định để tái cơ cấu giáo dục đại học theo logic cung và cầu theo định hướng thị trường hơn.
Sau gần sáu thập kỷ của thời kỳ hậu thuộc địa, có lý do để đặt câu hỏi: sự khác biệt và đa dạng hóa trong giáo dục đại học châu Phi đi về đâu?
Đi tìm quy tắc giải quyết
Sau gần sáu thập kỷ của thời kỳ hậu thuộc địa, có lý do để đặt câu hỏi: sự khác biệt và đa dạng hóa trong giáo dục đại học châu Phi đi về đâu? Có nhiều bằng chứng cho thấy giáo dục đại học châu Phi đã mở rộng, đã khác biệt và đa dạng hóa. Sự thay đổi này được thể hiện qua việc nhiều loại hình cơ sở giáo dục đại học khác nhau đã dần dần xuất hiện để đáp ứng những chiến lược quốc gia khác nhau nhằm tăng số lượng chương trình đào tạo, cung cấp nhiều loại kỹ năng và kiến thức đa dạng cho đông đảo sinh viên với những mối quan tâm và năng lực khác nhau.
Bên cạnh những thành công đó, một điều đáng chú ý là sự thiếu vắng những chính sách phối hợp quốc gia, khu vực và thậm chí toàn cầu để khuyến cáo về những quá trình khác biệt hóa chức năng bên trong và bên ngoài, chức năng thể chế và hệ thống giữa các cơ sở giáo dục đại học ở châu Phi. Xu hướng chiếm ưu thế là dựa vào chiến lược xây dựng thương hiệu và khác biệt về danh tiếng (dựa vào cách đặt tên), mà không dựa vào sự khác biệt về chức năng (liên quan đến những cơ sở giáo dục đại học thực hiện những chức năng khác nhau trong một hệ thống được điều phối và tích hợp).
Những phát triển hiện nay báo hiệu sự ra đời của nhiều lực lượng sẽ triển khai và thúc đẩy khác biệt hóa và đa dạng hóa trong các hệ thống giáo dục đại học châu Phi. Dù hàm ý hay rõ ràng, những lực lượng này sẽ điều khiển khác biệt hóa và đa dạng hóa theo hướng mở rộng phạm vi lựa chọn cho những đối tượng học sinh khác nhau, nâng cao hiệu quả cung cấp giáo dục và đưa thêm vào những bộ kỹ năng và năng lực có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Để kết luận, sau đây là một số xu thế thúc đẩy khác biệt hóa và đa dạng hóa (cần nghiên cứu thêm và có chính sách để có một danh sách toàn diện hơn). Thứ nhất, các bảng xếp hạng quốc tế đang thúc đẩy một số cơ sở giáo dục đại học ở châu Phi tìm cách làm khác so với xu hướng thống trị là hoạt động dựa vào giảng dạy và định hướng giảng dạy, bằng cách tìm kiếm một thị trường ngách và tạo hình ảnh khác biệt. Mặc dù có thể nói nhiều về những khiếm khuyết trong phương pháp luận này của họ, thứ hạng vẫn là động lực dẫn đến sự khác biệt.
Thứ hai là, quá trình theo đuổi để đạt được vị thế và hồ sơ chuyên sâu về nghiên cứu cũng như diễn ngôn toàn cầu về những sáng kiến xuất sắc trong nghiên cứu – cũng đang thúc đẩy sự khác biệt và đa dạng hóa thông qua những chương trình và hành động cụ thể của các bên liên quan, ví dụ: các trung tâm xuất sắc do WB tài trợ được điều phối bởi Hiệp hội các trường đại học châu Phi, và các Trung tâm Dịch vụ trao đổi học thuật của Đức (DAAD) cho chương trình tương lai châu Phi. Những trung tâm đó, đặc biệt là những trường đại học công lập quốc gia hàng đầu của châu Phi, đều đang tìm kiếm những thị trường ngách nghiên cứu để tạo sự khác biệt với phần lớn những cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục theo định hướng giảng dạy và lợi nhuận. Việc thành lập Liên minh các trường đại học nghiên cứu châu Phi (ARUA) là minh chứng về xu hướng này.
Cạnh tranh giành sinh viên cũng đang thúc đẩy sự khác biệt về danh tiếng – hơn là về chức năng, khi các cơ sở giáo dục đại học tư thục tập trung vào chiến lược tiếp thị và xây dựng thương hiệu của mình, bao gồm cả việc đưa ra những tuyên bố (không phải lúc nào cũng chính xác) về sự xuất sắc. Đặc biệt là, dù mới bắt đầu, quá trình quốc tế hóa – đưa tiếng Anh vào những quốc gia châu Phi không nói tiếng Anh như một phương tiện giảng dạy trong một số chương trình và khóa học để thu hút sinh viên quốc tế và tài trợ – là một xu hướng rất rõ khác ảnh hưởng đến việc đa dạng hóa chương trình. Cuối cùng, nền chính trị quốc gia cũng là một động lực tạo ra sự phân hóa và đa dạng hóa. Khi tranh cử, các chính trị gia đưa ra lời hứa hẹn mang giáo dục đại học đến cho cộng đồng của họ, điều này thường dẫn đến việc thành lập các cơ sở đào tạo mới – khác xa so với cách tiếp cận có tính phối hợp, tích hợp toàn hệ thống nhằm cung cấp một nền giáo dục đại học công bằng và bền vững.