Cao đẳng cộng đồng ở Hoa Kỳ: đổi mới và ảnh hưởng

Richard R. Hopper là Trưởng ban Đối tác Cải cách Giáo dục Đại học USAID-Việt Nam, và là cựu Hiệu trưởng của Trường Cao đẳng Cộng đồng Kennebec Valley, Maine, Hoa Kỳ. Email: rick_hopper@post.harvard.edu.

Tóm tắt: Các trường cao đẳng cộng đồng ở Hoa Kỳ rất linh hoạt, nhanh nhẹn và dễ thích nghi. Một số đổi mới gần đây của họ là phát triển lực lượng lao động và những chứng chỉ vi mô; đa dạng hóa những thỏa thuận chia sẻ chi phí để phát triển chuyên môn; chuyển đổi giáo dục phục hồi truyền thống sang giáo dục phát triển; đơn giản hóa những rào cản hành chính để tăng tốc độ tốt nghiệp thông qua những lộ trình được hướng dẫn; và cấp tín chỉ đại học cho những học sinh trung học phổ thông tham gia những khóa học cấp đại học thông qua ghi danh kép và ghi danh đồng thời. Những đổi mới này đã ảnh hưởng đến khu vực đại học, khiến họ đón nhận những thay đổi tương tự.

Đôi khi, các trường cao đẳng cộng đồng được coi là nền tảng của toàn bộ nền giáo dục đại học Hoa Kỳ, và đôi khi bị coi là con ghẻ. Họ thường không được coi là người tạo ra xu hướng hay tạo ra sự thay đổi cho toàn bộ lĩnh vực giáo dục đại học. Khi sinh viên của họ chiếm khoảng 34% tổng số sinh viên đại học, đáng lẽ khu vực này phải là trọng tâm của bất kỳ phân tích nào về giáo dục đại học Hoa Kỳ nói chung. Vậy mà gần 1100 trường này chỉ được coi là một phần mở rộng của giáo dục trung học, đồng thời như một lựa chọn chi phí thấp cho hai năm đầu tiên của giáo dục đại học, và như một cơ chế cung cấp đáng tin cậy cho giáo dục và đào tạo nghề sau trung học (VET). Ngày nay, để đáp ứng và thích ứng với các sự kiện xã hội, kinh tế và chính trị, những tổ chức này đang thúc đẩy một số chuyển đổi quan trọng mà chúng ta nhận thấy trong giáo dục đại học tổng thể của Hoa Kỳ.

Nguồn gốc, sự hình thành của khu vực thực hành không tinh hoa

Vào đầu thế kỷ 20, ban đầu những trường cao đẳng tư nhân cung cấp bằng liên kết hai năm được coi là trường hoàn thiện kiến thức cho phụ nữ trẻ, hoặc là cơ hội chuyển tiếp sang các trường đại học bốn năm. Tuy nhiên, đến những năm 1950, nhờ có Đạo luật điều chỉnh quân nhân năm 1944 (G.I. Bill), chính phủ liên bang đã bồi hoàn học phí cho hàng nghìn binh sĩ trở về sau Thế chiến thứ hai. Để đáp ứng nhu cầu, số lượng các trường cao đẳng công lập hai năm đã mở rộng nhanh chóng, khiến khu vực công lập nhanh chóng lấn át khu vực tư nhân. Do đó, các trường cao đẳng cộng đồng công lập đã lớn mạnh và phát triển như những điểm tiếp cận mở cho giáo dục đại học, nghĩa là bất kỳ học sinh tốt nghiệp trung học nào cũng có thể (và cho đến nay vẫn có thể) được nhận vào học. Tóm lại, các trường cao đẳng cộng đồng của Hoa Kỳ đã phát triển một cách đáng ngưỡng mộ nhằm phục vụ nhu cầu địa phương mà không gặp phải rào cản nào của giới tinh hoa.

Các trường cao đẳng cộng đồng cũng khéo léo kết hợp giáo dục khai phóng với giáo dục nghề nghiệp và kỹ thuật, những thứ thường là nền tảng của giấy phép hành nghề cần thiết trong nhiều ngành kỹ thuật. Nhiều người trong cộng đồng nhận thấy chương trình đào tạo trong các trường cao đẳng cộng đồng có thời gian ngắn hơn và thường thiên về dạy nghề – phù hợp với họ hơn để nhanh chóng phát triển những kỹ năng cho việc làm hoặc chuyển tiếp. Mặc dù 80% sinh viên trong các trường cao đẳng cộng đồng nói rằng họ muốn chuyển tiếp lên đại học bốn năm, thực tế trung bình chỉ 30% làm như vậy. Khu vực giáo dục đại học này của Hoa Kỳ đã hoàn toàn đi theo hướng giáo dục người trưởng thành và phát triển lực lượng lao động trong khi vẫn duy trì trọng tâm cốt lõi là bình đẳng và tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học. Khu vực đại học đã cố gắng phát triển theo những cách tương tự, tham gia vào những nỗ lực tạo thêm cơ hội và xây dựng nền giáo dục dựa trên năng lực. Nhưng các trường cao đẳng cộng đồng đã chứng minh chính họ mới là phân khúc linh hoạt và dễ thích nghi nhất của giáo dục đại học Hoa Kỳ.

Nhấn mạnh vào những chương trình ngắn hơn (và ngắn hơn nữa)

Đã có sự tăng trưởng đáng kể về số lượng của những chương trình ngắn hạn, có tính ứng dụng, cấp tín chỉ tại các trường cao đẳng cộng đồng. Điều này bắt đầu với sự ra đời của những chứng chỉ chuyên môn một năm trong các lĩnh vực kỹ thuật. Chứng chỉ một năm như vậy thường đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính liên bang. Khi số lượng sinh viên theo học những chương trình bằng cấp của Hoa Kỳ giảm đi, số lượng những chương trình phát triển chuyên môn và đào tạo kỹ thuật không cấp bằng (không cấp tín chỉ) ngắn hơn nữa do các trường cao đẳng cộng đồng cung cấp cũng tăng lên rõ rệt. Vấn đề ở đây là sinh viên trong những chương trình không cấp bằng như vậy không đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính của liên bang. Sự xuất hiện của các chứng chỉ vi mô – hệ thống hóa và công nhận năng lực kỹ thuật thông qua những chương trình ngắn hạn không cấp bằng – đã dẫn đến việc trao tặng “huy hiệu”, bằng cách đó những người tham gia thể hiện được năng lực kỹ thuật sẽ được trao chứng chỉ hoặc “huy hiệu” để ghi nhận việc họ đạt được những kỹ năng và kiến thức cụ thể. Các trường đại học đang thúc đẩy các chứng chỉ vi mô, nhưng kém hiệu quả hơn so với khu vực cao đẳng cộng đồng.

Vì không đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính liên bang theo Tiêu đề IV của Hoa Kỳ, những chương trình này hoạt động hoàn toàn trên cơ sở thu hồi chi phí; những bên tham gia chia sẻ chi phí là chính quyền tiểu bang và ngành công nghiệp địa phương. Hiện đang có cuộc thảo luận ở cấp liên bang về việc mở rộng hỗ trợ tài chính cho sinh viên, trong đó bao gồm cả việc hoàn trả học phí cho những chương trình đào tạo không cấp bằng. Một cơ hội mở rộng trợ cấp sinh viên như vậy sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi, đưa những chương trình không cấp bằng và lực lượng lao động được cấp “huy hiệu” ra khỏi bóng tối, và quan trọng là xuất hiện trên bảng cân đối kế toán. Một số nhà hảo tâm có tầm nhìn đã nắm bắt được tầm quan trọng của việc phát triển lực lượng lao động phi tín chỉ, và đã cung cấp hỗ trợ tài chính quan trọng vào đúng thời điểm cần thiết. Nếu hoạt động quyên góp từ thiện cho việc đào tạo lực lượng lao động tăng lên, điều này có thể thay đổi bối cảnh phát triển nhân lực của Hoa Kỳ nhanh hơn so với chính phủ, cải thiện cơ hội sống và sinh kế trên toàn quốc cho nhiều thế hệ.

Các trường cao đẳng cộng đồng lấy sự bình đẳng làm cốt lõi, nhưng cũng nỗ lực gấp đôi để phá vỡ những rào cản đối với cơ hội tiếp cận giáo dục, khả năng chi trả, duy trì sinh viên, sự đa dạng chủng tộc và tỷ lệ tốt nghiệp.

Những điều quan trọng đối với cộng đồng

Trong khi những bảng xếp hạng gần đây bị lên án là đánh lừa hệ thống giáo dục đại học, có một bảng xếp hạng thực sự hữu ích: bảng xếp hạng của Viện Aspen về 120 trường cao đẳng cộng đồng hàng đầu của Hoa Kỳ. Bảng xếp hạng này được coi là hợp lý nhất vì nó tập trung vào dữ liệu có thể kiểm chứng về những vấn đề công bằng, cơ hội tiếp cận, duy trì số lượng sinh viên trong những chương trình cấp bằng, tỷ lệ tốt nghiệp và tỷ lệ chuyển tiếp lên các trường đại học bốn năm. Nhưng bảng xếp hạng này còn thiếu vắng những thước đo cạnh tranh chủ quan hơn thường được sử dụng trong những bảng xếp hạng khác nhau về các tổ chức đào tạo bốn năm, những thước đo này có xu hướng dựa vào những tiêu chí tuyển sinh mơ hồ, điểm kiểm tra, năng suất nghiên cứu và những yếu tố uy tín khác. Sự nhấn mạnh vào tính chất địa phương của các trường cao đẳng cộng đồng có nghĩa là ít sinh viên sẽ chọn một trường cao đẳng xa nhà, do đó, bảng xếp hạng của Viện Aspen về lĩnh vực này chủ yếu hữu ích như một cách giới thiệu những tổ chức nổi trội trong sứ mệnh bình đẳng rất cao quý của họ.

Các trường cao đẳng cộng đồng lấy sự bình đẳng làm cốt lõi, nhưng cũng nỗ lực gấp đôi để phá vỡ những rào cản đối với cơ hội tiếp cận giáo dục, khả năng chi trả, duy trì sinh viên, sự đa dạng chủng tộc và tỷ lệ tốt nghiệp. Họ quan tâm nhiều hơn đến việc chuẩn bị cho sinh viên có đủ kiến thức để chuyển tiếp lên đại học, bằng cách thay đổi những biện pháp can thiệp, chuyển từ giáo dục bổ sung cho những học sinh thiếu sự chuẩn bị sang tập trung vào giáo dục phát triển được cung cấp theo mô hình các học phần cốt lõi song hành với sự hỗ trợ học sinh trong suốt quá trình. Mục đích là để đảm bảo rằng, ngay từ khi bắt đầu quỹ đạo học tập, sinh viên đạt tiến bộ theo hướng sẽ có được bằng cấp, do đó rút ngắn thời gian để tốt nghiệp. Có bằng chứng rõ ràng rằng việc chuyển sang giáo dục phát triển những học phần cốt lõi này hiệu quả hơn. Khi các trường đại học hệ bốn năm cạnh tranh tuyển sinh với các trường cao đẳng cộng đồng, họ cũng thử nghiệm phương pháp giáo dục phát triển những học phần cốt lõi hiệu quả để tăng tỷ lệ tốt nghiệp; tuy nhiên, những thực tiễn như vậy có xu hướng làm xói mòn lớp vỏ quý giá của chủ nghĩa tinh hoa.

Đồng thời, các trường cao đẳng cộng đồng đang xem xét bên trong bộ máy quản trị của họ để xác định những chính sách và thông lệ nặng nề vốn đã gia tăng cả về số lượng và độ phức tạp; mục tiêu là xác định được hoạt động của tổ chức có thể gây ra những cản trở nào đối với việc ghi danh và sự tiến bộ của sinh viên. Điều này yêu cầu các tổ chức tiến hành đánh giá nội bộ thẳng thắn những yêu cầu nhập học, đăng ký và tốt nghiệp, để họ có thể làm rõ và đơn giản hóa những lộ trình nhằm hướng dẫn sinh viên đạt được mục tiêu học tập mà không bị cản trở bởi những thủ tục quan liêu, hay những “yêu cầu” rối rắm và những lộ trình vòng vèo để tốt nghiệp.

Khi số lượng tuyển sinh ở Hoa Kỳ bị giảm sút, các trường cao đẳng tìm kiếm những cách thức sáng tạo để đảo ngược xu hướng. Việc thu hút học sinh trung học tham gia trực tiếp vào những khóa học cấp đại học đã trở nên phổ biến, không chỉ như một công cụ tuyển sinh mà còn là một cách để những sinh viên tương lai tiết kiệm thời gian và tiền bạc để hoàn thành bằng cấp. Những chương trình ghi danh kép và ghi danh đồng thời cho học sinh trung học đang ngày càng gia tăng; những chương trình này thường được dán nhãn là chương trình “đại học sớm” hoặc “cầu nối”. Ngày nay, nhiều trường cao đẳng cộng đồng có số lượng đáng kể sinh viên theo học những chương trình ghi danh ký kép hoặc đồng thời, điều đó che giấu đi sự sụt giảm thực tế lớn hơn nhiều của số lượng sinh viên truyền thống. Ở một số bang, học sinh trung học có thể đăng ký kép miễn phí, về cơ bản là một nỗ lực (tốn kém) không được tài trợ. Những bang khác hoàn trả học phí và lệ phí của sinh viên đăng ký kép cho các trường cao đẳng, do đó hỗ trợ ngân sách của trường. Các trường đại học công lập và tư thục cũng lo ngại về số lượng tuyển sinh, nên hiện đang cố gắng cạnh tranh với các trường cao đẳng cộng đồng bằng cách khởi động và thúc đẩy những sáng kiến đại học sớm của riêng họ.

Các trường cao đẳng cộng đồng của Hoa Kỳ đã phát triển thành những tổ chức linh hoạt, nhanh nhẹn và được coi trọng, khi thực hiện công việc của một tổ chức địa phương. Những đổi mới gần đây của họ đảm bảo rằng khu vực này sẽ vẫn là bức tường thành chống lại sự bất bình đẳng, đồng thời củng cố những mục tiêu phát triển lực lượng lao động quan trọng của những cộng đồng đa dạng trên khắp đất nước rộng lớn này.