Venezuela: các trường đại học đối mặt nguy cơ sụp đổ trong một đất nước vỡ nợ

Juan Carlos Navarro là chuyên gia quốc tế về giáo dục đại học, là cựu giáo sư tại một số trường đại học Venezuela, và là cựu thành viên quốc gia của Hội đồng Giáo dục ở Venezuela. Email: Juancnm2020@yahoo.com.

Tóm tắt: Suy thoái kinh tế sâu sắc và cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài ở Venezuela đã tác động tiêu cực đến các cơ sở giáo dục đại học. Đặc biệt là những trường đại học công lập truyền thống chủ chốt đã phải trả giá đắt vì cố gắng bảo vệ những giá trị dân chủ và tự do học thuật; họ bị chính phủ cắt giảm ngân sách. Trong bối cảnh chảy máu chất xám trầm trọng và khó khăn về chính trị và kinh tế, cũng có một số dấu hiệu tích cực cho phép họ hy vọng, nhưng vẫn khó thấy trước sự hồi phục.

Venezuela đã xuất hiện trên các tiêu đề báo lớn trong một thời gian khá dài cùng với diễn biến liên tiếp của một số sự kiện khá cực đoan. Trong vòng vài năm, hơn 6 triệu người – trong tổng số 30 triệu dân – đã rời khỏi đất nước. Không dưới 85% dân số sống ở mức nghèo đói, theo ước tính của các tổ chức quốc tế vào năm 2018. Siêu lạm phát diễn ra liên tục trong nhiều năm. Chính phủ Venezuela không được công nhận bởi hầu hết các nền dân chủ tự do trên thế giới, bao gồm cả các nước Mỹ La-tinh. Ước tính GDP chỉ ra đây là một trong những nền kinh tế có kỷ lục suy thoái nhanh nhất. Danh sách này có thể còn dài hơn nữa. Tác động tổng hợp của những diễn biến như vậy đã khiến quốc gia này bị những tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Hòa bình và OECD liệt kê vào danh sách một số ít những quốc gia vỡ nợ hoặc trên bờ vực phá sản.

Sự kết hợp tai hại giữa suy thoái kinh tế và xã hội, cũng như xung đột chính trị, đã tác động nghiêm trọng, mặc dù ít được nhắc đến hơn, đến các cơ sở giáo dục đại học.

Mức độ sâu sắc của cuộc khủng hoảng trong giáo dục đại học Venezuela

Rất khó để có được những thông tin hệ thống về tất cả các khía cạnh xã hội của Venezuela. Chính phủ đã ngừng công bố các chỉ số kinh tế và xã hội cơ bản trong hơn một thập kỷ. Nhưng một số dữ liệu thay thế có thể được xem là bằng chứng về những tác động như vậy. Một ước tính hoàn toàn đáng tin cậy, của vài năm trước, có thể xác nhận rằng hơn một nửa những nhà nghiên cứu khoa học – khi đó đang làm việc ở Venezuela, đại đa số trong các trường đại học – đã di cư sang những quốc gia khác. Một báo cáo độc lập khác khẳng định rằng vào năm 2018, 40% tổng số giảng viên của các trường đại học công lập đã di cư ra nước ngoài hoặc chuyển sang các trường tư thục. Mặc dù không có con số ước tính gần đây hơn, nhiều khả năng tình hình còn trở nên tồi tệ hơn, vì mức lương trung bình hàng tháng của một giáo sư đại học trong các trường đại học công lập là 15 USD vào năm 2020. Theo một tài liệu chính thức hiếm hoi của chính phủ năm 2022, tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục đại học công lập (bao gồm các trường đại học và các học viện kỹ thuật đào tạo chương trình ngắn hạn) của năm 2018 giảm 25% so với mức cao nhất vào năm 2008, bất chấp thực tế là chính sách xem tăng cường giáo dục đại học là ưu tiên hàng đầu.

Những chỉ số như đề cập ở trên không nói lên điều gì khác ngoài sự sụp đổ của giáo dục đại học công lập ở Venezuela. Những trường đại học công lập truyền thống chính, Universidad Central de Venezuela (UCV), Universidad del Zulia (LUZ), Universidad Simón Bolívar (USB), Universidad de Los Andes (ULA) và những trường khác trong nhiều năm vẫn là đối tượng mục tiêu bị cắt giảm phân bổ ngân sách, trong khi chính quyền ưu ái một loạt những trường đại học đại chúng mới được thành lập bởi chính quyền Chavez kế tiếp, có trên 100 ngàn sinh viên. Dưới sự bảo trợ của sáng kiến ​​của chính phủ được gọi là Misión Sucre, những trường mới này được thành lập mà ít quan tâm đến các tiêu chuẩn học thuật nhưng được tài trợ hào phóng, trong khi những viên ngọc quý của giáo dục đại học trong nước, nơi có tỷ lệ nghiên cứu STEM áp đảo – đang bị từ chối cấp nguồn lực. Tuyển sinh tổng thể tăng trưởng nhanh chóng từ năm 2005 đến 2012, chỉ giảm đi sau khi những trường đại học mới bộc lộ những điểm yếu của họ trong tư cách là phương tiện cho thị trường lao động, và các trường đại học công lập đã giảm bớt hoạt động đào tạo do thiếu kinh phí và tình trạng chảy máu chất xám diễn ra ồ ạt.

 

Những chỉ số như đề cập ở trên không nói lên điều gì khác ngoài sự sụp đổ của giáo dục đại học công lập ở Venezuela.

 

Ngoài việc mất đi một lượng lớn giảng viên quan trọng như đã đề cập ở trên, hậu quả của cuộc khủng hoảng là sự hủy hoại của cơ sở hạ tầng vật chất và sự xuống cấp nghiêm trọng của hoạt động giảng dạy và nghiên cứu: Trước đây cũng chỉ có vài trường đại học của Venezuela lọt được vào bảng xếp hạng THE, nhưng trường duy nhất còn trụ lại trong lần xếp hạng mới nhất (2021), ULA – đã mất khoảng 400 bậc trong bốn năm qua. Cũng trường đại học này gần đây trở thành tiêu đề của một bài báo trên tờ The New Yorker, “Già nua và bị bỏ rơi trong một Venezuela phá sản” (Aging and Abandoned in Venezuela’s Failed State), kèm những bức ảnh về những giáo sư cao cấp tiều tụy mà lương và lương hưu chỉ tạm đủ để họ mua thực phẩm.

Nguồn gốc chính trị của cuộc khủng hoảng

Nhìn từ bên ngoài, thật khó hiểu vì sao mà những tài sản học thuật có giá trị cao lại có thể bị phá hủy đến mức như vậy. Với những người trong cuộc ở Venezuela, lời giải thích rất rõ ràng. Trong giai đoạn đầu của chính quyền Chavez thứ nhất (bắt đầu từ sau cuộc bầu cử quốc gia, trong tháng 12 năm 1998), các trường đại học nổi lên như nguồn kháng cự trước sự hình thành dần dần chế độ độc tài. Năm 2007, Hugo Chavez triển khai cuộc trưng cầu dân ý quốc gia về cải cách hiến pháp. Chính phủ đã thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý, và sinh viên đại học dẫn đầu chiến dịch vận động chống lại cuộc cải cách. Sau đó, họ tiếp tục dẫn đầu các cuộc biểu tình đường phố trên toàn quốc phản đối chính quyền Maduro vào năm 2014 và 2017. Đồng thời với những diễn biến đó, lực lượng giảng viên, mặc dù không tham gia vào hoạt động chống đối chế độ cũng thể hiện rõ ràng sự bất đồng với những kế hoạch của chính phủ, và họ bầu chọn một cách có hệ thống những trường đại học cam kết bảo vệ tự do học thuật và độc lập chính trị, và không được các cơ quan chính phủ ủng hộ. Trong khi đó, phản ứng của chế độ là coi những trường đại học chủ chốt là một bộ phận của phe đối lập, và vì thế bắt đầu cắt ngân sách tài trợ. Sự bế tắc này vẫn tiếp tục cho đến hôm nay.

Như vậy, các trường đại học Venezuela đã phải trả một giá rất đắt cho việc bảo vệ quyền tự chủ của trường, bảo vệ tự do học thuật và dân chủ.

Lý do để hy vọng

Tuy nhiên, bất chấp mọi khó khăn, các trường đại học công lập vẫn mở cửa, mặc dù đầu ra của họ là sinh viên tốt nghiệp và kết quả nghiên cứu không còn được như trước đây, và họ đã phải đóng cửa khá nhiều chương trình ở bậc đại học và sau đại học. Hầu hết các trường vẫn duy trì sự độc lập về chính trị, tức là tự chủ và tự quản về mặt học thuật. Cho đến nay, mục tiêu tổng thể của chế độ là nắm quyền kiểm soát các thể chế chính – đã tỏ ra khó thành công. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu sống ở nước ngoài, một số người trong đó đang làm việc tại những phòng thí nghiệm nghiên cứu cấp cao nhất trên thế giới, đã kết nối với các đồng nghiệp ở quê hương, và từ xa hỗ trợ cho việc đào tạo và nghiên cứu nâng cao.

Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, một số trường đại học tư thục vẫn duy trì được năng lực tài chính và học thuật của mình thông qua sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các nhà tài trợ tư nhân, mà không từ bỏ quan điểm tự chủ. Như trường hợp những trường tư thục hàng đầu như Đại học Công giáo Andrés Bello (UCAB) hay Đại học Metropolitan ở Caracas (UNIMET), họ đã chủ động thích nghi với môi trường đầy thách thức bằng cách tìm cách giữ chân nhân tài học thuật; tuyển sinh và hỗ trợ tài chính với số lượng lớn hơn bao giờ hết những sinh viên cần hỗ trợ; đa dạng hóa các liên minh quốc tế; và tăng cường mối liên hệ với cộng đồng của họ thông qua những chương trình sáng tạo dành cho các trường K-12, với những đối tượng sinh viên phi truyền thống và những nhà đầu tư trẻ tuổi. Ở một mức độ nào đó, họ cũng lấp đầy khoảng trống trong số liệu thống kê công khai bằng cách trở thành một nguồn thông tin hệ thống quan trọng về tình hình đất nước thông qua các cuộc điều tra xã hội, kinh tế và chính trị.

Tóm lại, sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng và sự thụt lùi về dân chủ ở Venezuela đã có tác động rất tiêu cực đến giáo dục đại học, làm tổn hại nghiêm trọng đến năng lực của quốc gia trong việc đối mặt với những thách thức phát triển. Điều này xảy ra vào thời điểm mà nguồn nhân lực tiên tiến được coi là quan trọng hơn bao giờ hết để đảm bảo cho kinh tế tăng trưởng, đổi mới, có thể phục hồi khi đối mặt với những trường hợp khẩn cấp – chẳng hạn như đại dịch gần đây; và đảm bảo cơ hội bình đẳng cho những thế hệ mới. Trong khi trên khắp thế giới đang diễn ra những cuộc thảo luận sôi nổi về tương lai của giáo dục đại học trong thời đại kỹ thuật số sau những thách thức do đại dịch gây ra, hầu như không ai từ những trường đại học công lập lớn của Venezuela có thời gian hoặc nguồn lực để tham gia; điều này tiếp tục khuếch đại khoảng cách giữa họ với các trường đại học ở những quốc gia khác.

Phục hồi sẽ không nhanh chóng hoặc dễ dàng. Thật không may, không có dấu hiệu nào cho thấy nó đã bắt đầu, hoặc chính quyền Maduro hiện tại có bất kỳ kế hoạch nào khác ngoài việc duy trì đường lối hiện tại.