Quốc tế hoá giáo dục đại học và ưu việt của cộng đồng hải ngoại

Fazal Rizvi là giáo sư danh dự tại Đại học Melbourne, Úc, và Đại học Illinois ở Urbana Champaign, Hoa Kỳ. Email: frizvi@unimelb.edu.au.

Tóm tắt: Trong chính sách quốc tế hóa, nhiều trường đại học bắt đầu tăng cường phát triển chiến lược liên quan đến cộng đồng hải ngoại nhằm khai thác lợi thế đa dạng văn hoá và những liên hệ xuyên quốc gia của sinh viên và giảng viên quốc tế. Bài báo này cho thấy cách thức các trường đại học hiểu và triển khai những chiến lược này nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Sự dịch chuyển quốc tế của sinh viên và giảng viên làm thay đổi nhân khẩu học của các tổ chức giáo dục đại học (HEI) ở nhiều nơi trên thế giới, dẫn đến việc hình thành những mạng lưới xuyên quốc gia trở thành đặc tính then chốt trong chính sách quốc tế hoá của họ. Các trường đại học ngày càng nhận ra những mạng lưới xuyên quốc gia đem lại nhiều lợi ích giúp các trường đạt được những mục tiêu chiến lược. Nhận thức được vai trò quan trọng của giảng viên và sinh viên quốc tế trong những hệ thống quan hệ xuyên quốc gia phức tạp, họ bắt đầu xem xét việc khai thác tiềm năng của những mối quan hệ này để gia tăng lợi ích. Kết quả là, trường đại học trở thành một nơi quan trọng hình thành và phát triển cộng đồng di cư mới.

Thay đổi ý nghĩa của từ Người di cư”

Trong khi quan niệm truyền thống về cộng đồng người di cư thường bao hàm sự đau khổ, mất mát và là nạn nhân; và chủ yếu đề cập đến những cộng đồng lưu vong; ý nghĩa của từ này gần đây đã mở rộng hơn nhiều. Nhìn chung, ngày nay di trở thành một trải nghiệm xuyên quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa đương đại, sự hấp dẫn của khái niệm cộng đồng người di cư là hoàn toàn dễ hiểu vì nó không còn chỉ đề cập đến sắc tộc và di cư nữa, mà ngày càng gợi sự liên tưởng đến các mạng lưới xuyên quốc gia thuộc nhiều loại hình khác nhau. Nó nhấn mạnh đến tính đa dạng và năng động của những cộng đồng khác nhau, khả năng hội nhập đồng thời ở nhiều nơi, cũng như khả năng thiết lập và duy trì hệ thống liên kết, tương tác và trao đổi xuyên quốc gia. Nó cũng bao hàm quyền lựa chọn của một người khi quyết định trở thành thành viên của cộng đồng hải ngoại, như một cách để duy trì và khai thác những mối liên kết đang có với những người khác, miễn là chúng được nhìn nhận là có chung nguồn gốc và lợi ích.

Trong thế giới hiện đại, sinh sống ở nước ngoài không có nghĩa là từ bỏ truyền thống và sự kết nối mà là tiếp thu cái mới và tận dụng lợi thế của mạng lưới xuyên quốc gia. Từ quan điểm này, là thành viên của một cộng đồng người di cư, được rèn luyện thông qua những hoạt động xuyên biên giới – trở thành một lợi thế, bởi vì mạng lưới xuyên quốc gia là nguồn cung cấp các cơ hội kinh doanh và lợi thế chính trị, trong phạm vi một quốc gia cụ thể và cả toàn cầu.

 Ưu thế của cộng đồng hải ngoại

Nhận thức này cũng thâm nhập vào lĩnh vực giáo dục đại học, đặc biệt là dưới ánh sáng của khái niệm tân tự do mới về quốc tế hóa, khái niệm này thúc đẩy sự phát triển cũng như giải phóng một nền văn hóa theo chủ nghĩa kinh doanh cạnh tranh toàn cầu nhằm thu hút sinh viên quốc tế. Để tuyển sinh, một công nghệ quản trị được hình thành, gồm một số quy tắc hoạt động kết hợp với kiến thức về các phân khúc thị trường, cũng như một ngôn ngữ biểu tượng về những lợi ích đặc biệt của quốc tế hóa. Khi phát triển những chiến lược tuyển sinh, người ta ngày càng cho rằng sự hiểu biết của sinh viên và giảng viên quốc tế về thị trường giáo dục địa phương là hữu ích nhất. Do đó, các trường đại học đã bắt đầu thúc đẩy cái mà đôi khi được gọi là “chiến lược cộng đồng hải ngoại”

Đối với những quốc gia ở Nam bán cầu, những chiến lược cộng đồng hải ngoại như vậy không phải là mới. Họ từ lâu đã theo đuổi những nỗ lực khai thác kiến thức và kỹ năng của những công dân của họ đang sống và làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chiến lược cộng đồng hải ngoại cũng trở nên phổ biến trong những hệ thống giáo dục đại học lâu đời hơn, chẳng hạn như Úc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, dù cách tiếp cận của họ phức tạp hơn, không tập trung quá nhiều vào khát vọng phát triển kinh tế quốc gia mà là nỗ lực tái định vị bản thân trong một thị trường giáo dục đại học toàn cầu ngày càng cạnh tranh gay gắt.

 

Các trường đại học đã bắt đầu thúc đẩy cái mà đôi khi được gọi là “chiến lược cộng đồng hải ngoại”.

 

Khi sinh viên quốc tế trở thành một nguồn doanh thu chính, đồng thời thị trường lao động học thuật trở nên toàn cầu hóa, các cơ sở giáo dục đại học ở Bắc bán cầu bắt đầu xem xét những cách thức khai thác lợi ích từ cộng đồng giảng viên và sinh viên có nhiều mối liên kết dân tộc và quốc gia. Những đại học hàng đầu đã chính thức huy động các nhà nghiên cứu, các học giả hải ngoại, nhằm tạo ra mạng lưới tri thức toàn cầu; kích hoạt những học giả có nhiều liên kết dân tộc để thúc đẩy chương trình nghị sự chiến lược của họ, bao gồm cả nỗ lực tuyển dụng những nhà nghiên cứu có tay nghề cao từ khắp nơi trên thế giới. Họ đề cao tầm quan trọng của mạng lưới nghiên cứu của các cộng đồng hải ngoại trong sáng tạo kiến thức, ứng dụng và thương mại hóa.

Trong lĩnh vực giảng dạy, chiến lược cộng đồng hải ngoại tập trung vào xây dựng những mô hình liên kết học thuật, như thúc đẩy trao đổi sinh viên/ giảng viên. Sinh viên và giảng viên quốc tế được xem là những “người môi giới tri thức” tiềm năng, có khả năng tạo ra những liên kết xuyên biên giới văn hóa và quốc gia, tận dụng một cách hữu hiệu những cơ hội do toàn cầu hóa mang lại.

Huy động cộng đồng hải ngoại

Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, các trường đại học không thể đơn giản cho rằng đã có sẵn những cộng đồng như vậy, với nguồn lực dễ dàng khai thác và những người sẵn sàng làm môi giới tri thức. Nhiều công việc cần thực hiện để tập hợp những người có nguồn gốc và lợi ích khác nhau để phục vụ cho những mục tiêu chiến lược. Do đó giờ đây nhiều trường đại học tiếp cận các học giả hải ngoại, khuyến khích, bồi dưỡng và hỗ trợ để họ sẵn sàng thực hiện chức năng môi giới. Một số tỏ ra miễn cưỡng, nhưng nhiều sinh viên và học giả quốc tế nhận thấy giá trị to lớn của chiến lược cộng đồng hải ngoại. Họ sẵn sàng tham gia tích cực vào việc hình thành cộng đồng hải ngoại mới không chỉ vì lợi ích của các tổ chức, mà còn của chính họ.

Theo nghĩa này, lợi ích của các tổ chức giáo dục đại học và của sinh viên quốc tế được hoà làm một, như được chứng minh trong nghiên cứu của tôi về sinh viên quốc tế Trung Quốc và Ấn Độ ở Úc. Nhiều sinh viên quốc tế, đặc biệt những sinh viên theo học ngành kinh doanh tại các trường đại học Úc tin rằng khả năng kết nối xuyên quốc gia nhờ “lợi thế của cộng đồng hải ngoại” giúp họ đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Úc và cho quê hương. Họ tin rằng lợi thế này bao gồm kỹ năng ngôn ngữ, kiến thức văn hóa và mạng lưới cộng đồng sắc tộc trên toàn cầu. Họ nhấn mạnh rằng sự hiểu biết về nhiều thị trường khiến họ hữu ích đối với cộng đồng đang toàn cầu hóa, đồng thời sáng tạo, linh hoạt và dám nghĩ dám làm hơn.

Do đó, ý nghĩa của toàn cầu hóa – hiện nay tập trung chủ yếu vào việc củng cố chính sách quốc tế hóa giáo dục đại học, phù hợp với sự hiểu biết mới về cộng đồng hải ngoại. Quan điểm mới này phù hợp với những nỗ lực của các tổ chức giáo dục đại học nhằm quốc tế hóa chương trình đào tạo, với mục tiêu chuẩn bị cho sinh viên đáp ứng những yêu cầu thay đổi của nền kinh tế liên tục biến động do ảnh hưởng của chuyển đổi số và chủ nghĩa tư bản toàn cầu; thúc đẩy họ phát triển thái độ tích cực trước sự cạnh tranh toàn cầu.

Với góc nhìn này, có thể xem giáo dục đại học quốc tế là nơi lý tưởng để nuôi dưỡng mạng lưới hải ngoại, khuyến khích sinh viên phát triển nhận thức và năng lực cần thiết để tham gia vào mạng lưới kinh tế toàn cầu một cách hữu hiệu. Xu thế đổi mới, tinh thần dám nghĩ dám làm, và chủ nghĩa kinh doanh phù hợp với quan điểm tân tự do về toàn cầu hóa có ý nghĩa sâu sắc đối với đa số sinh viên quốc tế, nhiều người trong số họ coi giáo dục đại học là khoản đầu tư vào vốn nhân lực. Trong môi trường đại học, họ học cách nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng và duy trì những kết nối xuyên quốc gia, hình thành lợi thế mạng lưới xuyên quốc gia.