Giáo dục đại học Trung Quốc sẽ gặp khó khăn khi tách khỏi phương Tây

Philip G. Altbach là giáo sư nghiên cứu và thành viên ưu tú, còn Hans de Wit là giáo sư danh dự và thành viên ưu tú tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Đại học Boston, Hoa Kỳ. Email: altbach@bc.edu và dewitj@bc.edu. Bài viết này là phiên bản cập nhật những đóng góp của các tác giả cho University World News, số 707, ngày 6 tháng 9 năm 2022.

Tóm tắt: Trung Quốc đang vướng vào cuộc xung đột địa chính trị với phương Tây, đặc biệt là với Hoa Kỳ, và điều này tác động đáng kể đến giáo dục đại học Trung Quốc. Hợp tác nghiên cứu sẽ giảm. Các Viện Khổng Tử do Trung Quốc tài trợ đã bị đóng cửa. Ngay cả ở Trung Quốc, các trường đại học cũng phải chịu nhiều hạn chế hơn. Phải chăng cuộc “chiến tranh lạnh về học thuật” mới giữa Trung Quốc và phương Tây đang dần hiện ra?

Quan hệ học thuật giữa Trung Quốc và Thế giới phương Tây đang xấu đi. Trong khi Trung Quốc chỉ trích các đối tác phương Tây áp đặt giá trị của họ thì chính phủ và các trường đại học ở những nước đó lại trở nên hoài nghi hơn về cách thức mà chính quyền Trung Quốc kiểm soát hợp tác học thuật và tư duy phản biện, và về việc Trung Quốc sử dụng hợp tác một chiều vì lợi ích riêng của mình. Sự căng thẳng ngày càng gia tăng này có thể gây ra những tác động tiêu cực nào đến giáo dục đại học của Trung Quốc?

Thực tế nội bộ và vị thế địa chính trị của Trung Quốc đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013, các mối quan hệ đối ngoại của Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn ở khu vực châu Á và trên toàn cầu, và việc quản lý nội bộ của nước này cũng mang tính kiểm soát hơn. Gần đây nhất, “vấn đề Đài Loan” lâu năm đã trở nên trầm trọng hơn bởi những chuyến thăm của lãnh đạo quốc hội Nancy Pelosi và những quan chức Hoa Kỳ khác. Ngoài ra, thái độ của Trung Quốc liên quan đến những nước láng giềng trực tiếp (Indonesia, Philippines, Việt Nam và những nước khác) đã khiến nhiều quốc gia thay đổi quan điểm từ sẵn sàng chấp nhận vai trò lãnh đạo thương mại và chính trị của Trung Quốc sang thái độ hoài nghi đáng kể và sự phản đối ngày càng tăng.

Việc Trung Quốc đại lục “tiếp quản” Hồng Kông, vi phạm vào cam kết “một quốc gia, hai chế độ” đã gây ra tác động to lớn. Phản ứng ở Đài Loan, nơi mà sự ủng hộ hợp tác với đại lục hầu như đã biến mất và thay vào đó là sự sợ hãi và chống đối, là rõ ràng nhất trong khía cạnh này. Nhiều nước hiện nay coi Sáng kiến Vành đai & Con đường trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc là một loại chủ nghĩa thực dân mới nhằm ràng buộc các quốc gia đối tác với Trung Quốc thông qua những khoản nợ khổng lồ và những dự án cơ sở hạ tầng đáng ngờ. Những chính sách hà khắc và không bền vững về lâu dài của Trung Quốc liên quan đến COVID-19 đã tạo ra nhiều vấn đề đối với nền kinh tế, với chuỗi cung ứng toàn cầu và dân số Trung Quốc – và làm suy giảm số lượng sinh viên quốc tế của Trung Quốc.

Dư luận ở Trung Quốc đại lục, nếu có thể đánh giá điều này bằng phương tiện truyền thông xã hội, đã chuyển sang khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa – với nhiều người yêu cầu một cuộc xâm lược Đài Loan. Thậm chí ngay cả những cơ quan kiểm duyệt luôn hoạt động hiệu quả của chính phủ cũng phải giảm nhiệt Internet. Tháng 8 năm 2022 trên tờ New York Times xuất hiện bài báo với quan điểm khiến nhiều người bất ngờ “Vì sao người dân Trung Quốc không còn ngưỡng mộ Mỹ nữa?” của Wang Wen, trước đây là biên tập viên Thời báo Toàn cầu. Những sự kiện chống người châu Á xảy ra ở các nước phương Tây được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc.

 

“Chủ nghĩa hoài nghi Trung Quốc” đã lan truyền rộng trong một khoảng thời gian dài ở Hoa Kỳ và ngày càng tăng ở những nước phương Tây khác, và hiện đang phát triển mạnh mẽ.

Chủ nghĩa hoài nghi Trung quốc

“Chủ nghĩa hoài nghi Trung Quốc” đã lan truyền rộng trong một khoảng thời gian dài ở Hoa Kỳ và ngày càng tăng ở những nước phương Tây khác, và hiện đang phát triển mạnh mẽ. Hầu hết các Viện Khổng Tử của Trung Quốc – từng lên đến con số 118 ở Hoa Kỳ vào thời kỳ đỉnh cao và chỉ còn 14 viện vào tháng 6 năm 2021 – đã biến mất khỏi phần lớn Hoa Kỳ và châu Âu; ở Hoa Kỳ vì lý do địa chính trị và bị nghi làm gián điệp nhiều hơn, còn ở những nơi khác chủ yếu vì những lo ngại về tự do học thuật.

Những hạn chế của chính phủ và những hành động pháp lý liên quan đến hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ ngày càng rõ ràng. Một số nhà nghiên cứu nổi tiếng có liên hệ với Trung Quốc (cả người gốc Hoa và những người khác) đã bị đưa ra xét xử. Đạo luật CHIPS, mới được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua, cung cấp 280 tỷ USD để củng cố ngành công nghiệp công nghệ Hoa Kỳ, có trọng tâm công khai chống Trung Quốc (xem thêm “Đạo luật “Chips và Khoa học” của Hoa Kỳ đưa ra chính sách công nghiệp nhằm đối phó với Trung Quốc”, Steven Brint, cũng trong số tạp chí này). Mọi hợp tác với Trung Quốc sẽ bị gạt khỏi danh sách nhận tài trợ từ khoản 52 tỷ USD dành cho nghiên cứu, phần lớn trong số đó sẽ được chuyển đến các trường đại học Hoa Kỳ, khiến các trường càng thận trọng hơn khi hợp tác với các đối tác Trung Quốc.

Ở châu Âu và Úc, chính phủ và các tổ chức giáo dục đại học ngày càng lo ngại về mối liên hệ với Trung Quốc. Ví dụ, ở Hà Lan, bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa và Khoa học đã tuyên bố rằng an ninh quốc gia quan trọng hơn tự do học thuật và quốc gia này sẽ áp đặt những quy định nghiêm ngặt về cách thức các cơ sở giáo dục đại học đảm bảo và giám sát chặt chẽ việc tuân thủ. Vào tháng 3 năm 2022, tại Úc, Ủy ban liên tịch của quốc hội về tình báo và an ninh đã công bố một báo cáo có tiêu đề Báo cáo điều tra về những rủi ro an ninh quốc gia có ảnh hưởng tới lĩnh vực nghiên cứu và giáo dục đại học Úc , với những khuyến nghị cần kiểm soát và giám sát nhiều hơn. Những nước khác và Ủy ban châu Âu cũng làm theo cách này của Úc. An ninh tri thức đã trở thành một vấn đề quan trọng đối với Hoa Kỳ, Úc, Ủy ban châu Âu và các nước thành viên cũng như các trường đại học của họ.

Tác động học thuật

Các trường đại học, có lẽ đặc biệt là ở Hoa Kỳ, và ngày càng nhiều trường ở khối Anh ngữ và châu Âu, sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Không còn nghi ngờ gì, thực tế địa chính trị hiện tại – sẽ chỉ xấu đi trong tương lai gần – đang tạo ra những vấn đề chưa từng có. Về cơ bản, đã có sự rạn nứt trong những mối liên kết sâu sắc được hình thành qua hơn nửa thế kỷ giữa nền khoa học và giáo dục đại học Trung Quốc và hệ thống phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Tương lai của luồng du học sinh từ Trung Quốc sang phương Tây hơi khó dự đoán, nhưng rất có thể con số đó sẽ giảm (xem Qiang Zha, “Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ vị trí hàng đầu trên thị trường giáo dục quốc tế hay không?” trong IHE số #112). Thậm chí trước cuộc khủng hoảng hiện nay cũng đã có thể thấy rõ sự bùng nổ của những thập kỷ gần đây sắp kết thúc. Suy giảm sẽ diễn ra từ từ và tác động sẽ khác nhau tùy từng quốc gia và tùy từng (loại) thể chế. Điều này sẽ có những tác động tích cực liên quan theo cách khiến các quốc gia và các cơ sở đào tạo ít phụ thuộc hơn vào nguồn thu từ sinh viên Trung Quốc và tạo ra sự đa dạng hơn. Tác động tiêu cực sẽ cảm nhận thấy ở bậc sau đại học và đặc biệt là ở bậc tiến sĩ, nơi sinh viên Trung Quốc hiện diện với số lượng lớn và xuất sắc trong hầu hết các ngành, cũng như trong hợp tác nghiên cứu và đổi mới. Hợp tác giữa các trường đại học với nhau sẽ ít hơn và công việc nghiên cứu với các đồng nghiệp Trung Quốc cũng giảm bớt. Như đã lưu ý, sự giám sát của các cơ quan chính phủ sẽ có mặt ở khắp nơi.

Một số nhà phân tích lập luận rằng những căng thẳng địa chính trị hiện nay giữa phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, và Trung Quốc là kết quả của sự thống trị kiêu ngạo của phương Tây. Chúng tôi không phủ nhận rằng đây thực sự là một yếu tố quan trọng, nhưng trong những căng thẳng kiểu này, cả hai bên đều có lỗi và đều bị ảnh hưởng.

Tác động đối với Trung Quốc

Đối với Trung Quốc, tác động sẽ rất đáng kể. Tiến bộ trong học thuật của Trung Quốc rất ấn tượng và chất lượng của những trường đại học hàng đầu của nước này ở đẳng cấp thế giới . Tuy nhiên, nghiên cứu, và đặc biệt là văn hóa đổi mới, vẫn tụt hậu so với các trường của phương Tây. Việc giảm bớt những liên hệ học thuật sẽ rất bất lợi. Sinh viên Trung Quốc sẽ có ít cơ hội du học hơn. Tương lai của nhiều phân hiệu đào tạo của phương Tây đang hoạt động tại Trung Quốc sẽ không chắc chắn, và số lượng học giả và các nhà nghiên cứu phương Tây sẵn sàng làm việc tại Trung Quốc sẽ giảm đi.

Các trường đại học Trung Quốc đã dành nhiều nỗ lực để thúc đẩy những kỹ năng tư duy phản biện, thiết lập một số chương trình đào tạo khai phóng và nói chung nhấn mạnh vào sự đổi mới. Với sự tăng cường những khóa học chính trị chính thống và mở rộng việc kiểm soát từ bên ngoài, bầu không khí trong học thuật Trung Quốc chắc chắn sẽ thay đổi.

Những điều chắc chắn và những câu hỏi

Chúng ta đang ở giữa một sự thay đổi lớn trong mối quan hệ của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Những chính sách nội bộ của Trung Quốc ngày càng mang tính dân tộc chủ nghĩa và những quan hệ đối ngoại của nước này ngày càng quyết đoán. Những thực tế này sẽ tác động đến các mối quan hệ giáo dục đại học cũng như đến chất lượng giáo dục và nghiên cứu của Trung Quốc.

Trung Quốc đã hưởng lợi rất nhiều từ việc mở cửa ra thế giới, từ hợp tác nghiên cứu với các đối tác phương Tây và từ nền giáo dục mà nhiều sinh viên của họ nhận được khi du học ở nước ngoài. Trong những năm tới, hoạt động R&D sẽ gặp trở ngại nghiêm trọng do bị cô lập và hạn chế quyền tự do học thuật.

Một số điều vẫn còn chưa rõ. Liệu có xảy ra một cuộc “chiến tranh lạnh về học thuật” toàn diện giữa phương Tây và Trung Quốc, khiến trở lại với bầu không khí của thời kỳ hậu Thế chiến thứ hai, khi giữa phương Tây và Liên Xô chỉ có những liên hệ tối thiểu về khoa học và trí tuệ? Liệu Nga có tham gia vào hệ thống khoa học do Trung Quốc dẫn dắt? Nam bán cầu sẽ phản ứng thế nào? Ấn Độ – hệ thống giáo dục đại học lớn thứ hai thế giới – có giữ một vai trò nào trong đó? Liệu tình hình có được cải thiện sau khi ông Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là nhà lãnh đạo Trung Quốc vào tháng 11 năm 2022?

Có rất nhiều câu hỏi, nhưng rõ ràng là Trung Quốc đang giữ một vai trò nhạy cảm trên thế giới, và giáo dục đại học và khoa học sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, trên toàn cầu, và chắc chắn là ở Trung Quốc.