Steven Brint là giáo sư xuất sắc (Distinguished Professor) về xã hội học và chính sách công tại Đại học California, Riverside, Hoa Kỳ, đồng thời là giám đốc Dự án Cao đẳng & Đại học 2000. Email: steven.brint@ucr.edu
Tóm tắt: Trong nỗ lực đối phó với những tiến bộ khoa học và công nghệ của Trung Quốc, Hoa Kỳ đã thông qua luật hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn và xác định những công nghệ tiên phong để đầu tư R&D. Đạo luật thành lập một Ban Giám Đốc mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những ứng dụng khoa học tại Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, và có thể bổ sung hàng chục tỷ USD tài trợ cho hai cơ quan khoa học Hoa Kỳ.
Chính sách Khoa học & Công nghệ (S&T) của Hoa Kỳ đã bị trì hoãn hơn một thập kỷ sau khi “Đạo luật America COMPETES” được phê duyệt lại vào năm 2010. Điều đó đã thay đổi vào tháng 8 năm 2022, khi Tổng thống Joseph R. Biden ký “Đạo luật Chips và Khoa học”.
Sự thay đổi hướng tới chính sách công nghiệp ở Hoa Kỳ
Dự luật dài 1000 trang cho phép chi mới 280 tỷ USD cho khoa học và công nghệ, một phần đáng kể trong số đó sẽ được dành cho nghiên cứu của các trường đại học. Dự luật này đáng chú ý cả về việc áp dụng chính sách công nghiệp một cách rõ ràng và vì mục đích rõ ràng của nó là chống lại những tiến bộ của Trung Quốc trong KH&CN.
Luật mới bác bỏ sự đồng thuận tân tự do theo định hướng thị trường đã thống trị ở Washington trong bốn thập kỷ. Kể từ cuối những năm 1970, các chính trị gia Mỹ vẫn sẵn lòng khuyến khích quan hệ đối tác KH&CN giữa ngành công nghiệp, chính phủ và giới học thuật, nhưng trừ ra một số ngoại lệ hiếm hoi, họ không thích “chọn người chiến thắng” thông qua những nguồn tài trợ được chỉ định cho những công nghệ tiên phong. Với việc “Đạo luật Chips và Khoa học” trở thành luật, điều đó hiện đã thay đổi.
Tác động chính xác đối với giáo dục đại học Hoa Kỳ vẫn chưa thể ước tính được. Nhưng các trường đại học nghiên cứu của Hoa Kỳ chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ nguồn tài trợ R&D liên quan đến gần hai chục công nghệ được dự luật chỉ định để phát triển thêm, bao gồm công nghệ truyền thông lượng tử, trí tuệ nhân tạo, người máy, năng lượng sạch, nghiên cứu biến đổi khí hậu, năng lượng sinh học và an ninh mạng. Luật này ủy quyền 81 tỷ USD cho Quỹ Khoa học Quốc gia (National Science Foundation – NSF) và thành lập một ban giám đốc mới tại NSF để đẩy nhanh nghiên cứu lấy-cảm-hứng-từ-sử-dụng (use-inspired) và phát triển công nghệ, đồng thời biến những phát hiện khoa học cơ bản thành ứng dụng thực tế. Văn phòng Khoa học tại Bộ Năng lượng cũng sẽ thấy ngân sách tăng lên đáng kể, một phần lớn trong số đó sẽ được rót vào R&D tại các trường đại học. Luật này cũng phân bổ hàng tỷ USD cho giáo dục STEM.
Dự luật dài 1000 trang cho phép chi mới 280 tỷ USD cho khoa học và công nghệ, một phần đáng kể trong số đó sẽ được dành cho nghiên cứu của các trường đại học.
Nếu khoản tài trợ ủy quyền được hiện thực hóa trong quy trình phân bổ của Quốc hội, ngân sách NSF sẽ tăng 8% trong năm tài chính tiếp theo và thêm 36 tỷ USD trong 5 năm. Văn phòng Khoa học tại Bộ Năng lượng dự kiến sẽ được tăng chi 30,5 tỷ USD so với cùng kỳ. Tác động đối với các trường đại học sẽ theo hai hướng: phần lớn nguồn tài trợ – tại thời điểm này không ai biết là bao nhiêu – sẽ dành cho những dự án nghiên cứu trong những lĩnh vực được chỉ định, và phần còn lại dành cho giáo dục STEM, bao gồm cả việc tăng học bổng nghiên cứu sau đại học, từ 2000 lên 3000 đô một năm.
Tuy nhiên, giáo dục đại học không phải là người chiến thắng lớn nhất trong đạo luật mới. Ngành công nghiệp bán dẫn là ngành nhận được khoản trợ cấp và tín dụng thuế trị giá 52 tỷ USD cho những nhà sản xuất có trụ sở tại Hoa Kỳ. Các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ đã coi các nhà sản xuất chip là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ vì những tấm silicon của họ giúp vận hành mọi thứ, từ ô tô, máy tính đến điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng. Tuy nhiên, các trường đại học cũng sẽ được hưởng lợi từ nguồn tài trợ cho bán dẫn. Khi những nhà sản xuất có trụ sở tại Hoa Kỳ tăng cường sản xuất, những trường đại học ở gần đó sẽ có động cơ bổ sung những chương trình đào tạo cần thiết cho lực lượng lao động mở rộng.
Vấn đề phân bổ
Sự sụp đổ của dự luật “Chips và Khoa học” dường như đã được định đoạt khi các thành viên hội nghị cố gắng dung hòa những khác biệt lớn giữa một bên là dự luật của Hạ viện khoán hầu hết việc ra quyết định cho các cơ quan khoa học Hoa Kỳ, và bên kia là dự luật của Thượng viện mang tính quy tắc hơn nhiều. Cuối cùng, hầu hết những điều khoản của dự luật Thượng viện đã thắng thế. Tuy nhiên, một số chính sách của Thượng viện nhằm kiểm soát hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ hoặc hạn chế ảnh hưởng của những công ty cụ thể của Trung Quốc đã được đưa vào dự luật mà Tổng thống Biden đã ký.
Mặc dù vậy, ý định chống lại Trung Quốc là rõ ràng. Nhà tài trợ hàng đầu cho dự luật của Đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ Todd Young của Indiana, cho biết dự luật sẽ “đặt nước Mỹ vào vị trí phát triển vượt trội, đổi mới vượt trội và cạnh tranh vượt trội so với kẻ thù địa chính trị hàng đầu của chúng ta.”
Không rõ liệu luật mới có đủ để hiện thực hóa dự đoán của Young hay không. Các ủy quyền tài trợ thường không được thực hiện bằng việc phân bổ USD tại Hoa Kỳ. Tài trợ chips dường như là chắc chắn, nhưng những ủy quyền khác có thể không. Ví dụ, một đánh giá của Văn phòng Trách nhiệm Giải trình Chính phủ đối với dự luật America COMPETES năm 2007 và việc tái ủy quyền năm 2010 cho thấy chỉ một trong số 28 chương trình mới trong những biện pháp đó được tài trợ và thực hiện đầy đủ.
Tài sản và thách thức của Trung Quốc
Cũng không nên đánh giá thấp những cam kết và động lực của Trung Quốc. Kể từ đầu thế kỷ 21, Trung Quốc đã bắt kịp và vượt qua Hoa Kỳ trong việc xuất bản các bài báo khoa học, và các nhà khoa học của họ đã bắt đầu cạnh tranh với Hoa Kỳ về tác động trích dẫn trung bình và 1% trích dẫn hàng đầu. Trong cùng thời gian, Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần đầu tư vào R&D, thu hẹp khoảng cách giữa tổng chi tiêu cho R&D của nước này và Mỹ.
Thông qua những khoản đầu tư này, nhà nước Trung Quốc đã tận dụng tài sản của mình để đạt được hoặc chia sẻ vai trò lãnh đạo toàn cầu trong những lĩnh vực như siêu máy tính, khoa học vật liệu, nghiên cứu tế bào gốc, năng lượng ít carbon và bền vững. Họ hiện đang có những bước tiến nhanh chóng trong trí tuệ nhân tạo. Tài sản của Trung Quốc bao gồm đầu tư công ngày càng tăng vào nghiên cứu và những trường đại học đẳng cấp thế giới; cạnh tranh giữa các thành phố và khu vực của Trung Quốc để đáp ứng và vượt những mục tiêu KH&CN của Ủy ban Trung ương; tốc độ dịch chuyển vốn đầu tư mạo hiểm cũng phù hợp với những ưu tiên KH&CN của nhà nước; những kỳ thi quốc gia có tính cạnh tranh cao giúp duy trì những trường đại học mạnh nhất đồng thời hướng nỗ lực của các gia đình vào sự thành công trong giáo dục; việc nhà nước và gia đình cùng khuyến khích con em học tập trong những lĩnh vực khoa học và kỹ thuật dẫn đến Trung Quốc có lợi thế gấp bốn lần về tỷ lệ tốt nghiệp giáo dục sau phổ thông trung học hàng năm trong những lĩnh vực STEM; và sự tái hòa nhập của công dân Trung Quốc được đào tạo ở nước ngoài thông qua những khuyến khích của nhà nước và những cơ hội nghiên cứu được cải thiện.
Những điểm yếu lâu dài tiềm ẩn trong hệ thống của Trung Quốc bao gồm sự hạn chế của chính phủ đối với quyền tự do ngôn luận, vốn là một trở ngại đối với sáng tạo khoa học; xu hướng kém hiệu quả và tham nhũng có thể là một bệnh đặc hữu của sự phát triển tư bản chủ nghĩa được chỉ đạo về mặt chính trị; và những mối quan hệ địa phương, quốc gia, đảng và mạng lưới phức tạp mà các nhà nghiên cứu khoa học phải thương lượng để thúc đẩy các dự án.
Trớ trêu thay, sáng kiến chính sách gần đây nhất của Trung Quốc, “Made in China 2025,” áp dụng nhiều thực tiễn được coi là thế mạnh truyền thống của Hoa Kỳ, bao gồm cách tiếp cận toàn diện đối với sản xuất công nghiệp tiên tiến và sử dụng nhiều cơ chế thị trường hơn – và điều này diễn ra đồng thời với việc chính sách của Hoa Kỳ bắt đầu phản ánh những thông lệ của Trung Quốc từ những thập kỷ trước bằng cách xác định những công nghệ tiên phong và thúc đẩy đầu tư nhà nước vào chúng.
Cách tiếp cận đặc biệt trong Liên minh châu Âu
Trong thập kỷ qua, châu Âu cũng đã chuyển sang hướng lập kế hoạch KH&CN do nhà nước chỉ đạo. Kế hoạch “Horizon Europe” cho giai đoạn 2021–2027 phân bổ gần 100 tỷ EUR nhằm thực hiện những mục tiêu KH&CN. So với kế hoạch của Hoa Kỳ và Trung Quốc, điều rất đáng chú ý là Liên minh châu Âu nhấn mạnh vào sự thích ứng xã hội và tính bền vững của môi trường. Phần lớn nhất của khoản tài trợ này – hơn một nửa tổng số – sẽ được dùng để hỗ trợ năm lĩnh vực nhiệm vụ: thích ứng với biến đổi khí hậu; duy trì các đại dương khỏe mạnh; phát triển thành phố thông minh; chữa bệnh ung thư; và duy trì sức khỏe của đất trồng và cung cấp thực phẩm.