Công bằng và hòa nhập trong giáo dục đại học

Jamil Salmi là giáo sư danh dự về chính sách giáo dục đại học, Đại học Diego Portales, Chile; và là nghiên cứu viên tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. Email: jsalmi@tertiaryeducation.org. Bài viết này dựa trên một báo cáo chuẩn bị cho Hội nghị Giáo dục Đại học Thế giới lần thứ ba của UNESCO, tháng 5 năm 2022, Barcelona, Tây Ban Nha.

Tóm tắt: Trên khắp thế giới, nhiều thanh niên phải đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn ngoài tầm kiểm soát của chính họ do bị phân biệt đối xử vì lý do chủng tộc, giới tính, khuynh hướng tình dục, nguồn gốc địa lý, hoàn cảnh kinh tế xã hội hoặc những lý do khác. Những điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ hội tiếp cận giáo dục đại học và khả năng tốt nghiệp của họ. Bài viết này xem xét phạm vi chênh lệch, đánh giá tác động của COVID-19 đến sự công bằng, và phác họa những yếu tố chính của những chính sách thúc đẩy công bằng hiệu quả ở cấp quốc gia và cấp trường.

Bất chấp giáo dục đại học đã mở rộng ngoạn mục ở nhiều nơi trên hành tinh trong 60 năm qua, những chênh lệch nghiêm trọng vẫn tồn tại. Sinh viên xuất thân từ những tầng lớp giàu có hơn trong xã hội vẫn chiếm một tỷ lệ cao không tương xứng trong giáo dục đại học. Giữa các nhóm dân cư và các xã hội vẫn tồn tại sự bất bình đẳng và chênh lệch về cấu trúc, thường là do những chuẩn mực phân biệt đối xử tồn tại từ lâu liên quan đến tầng lớp kinh tế, giới tính, đặc thù dân tộc thiểu số, ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa, cũng như tình trạng khuyết tật. Ngay cả khi tiếp cận được giáo dục đại học, sinh viên từ những nhóm thiểu số và bị gạt ra bên lề thường có tỷ lệ hoàn thành chương trình học thấp hơn. Họ thường bị đẩy vào những cơ sở giáo dục đại học kém uy tín hơn, và kết quả là chỉ có những lựa chọn trong thị trường lao động chất lượng thấp.

Nguồn gốc của bất bình đẳng

Trên khắp thế giới, nhiều trẻ em phải đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn ngoài tầm kiểm soát của chúng – do bị phân biệt đối xử vì lý do chủng tộc, giới tính, khuynh hướng tình dục, nguồn gốc địa lý, hoàn cảnh kinh tế xã hội hoặc những lý do khác. Những điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ hội đến trường, đến quá trình học tập liên tục và khả năng hoàn thành giáo dục trung học. Ở cấp đại học, những người trẻ tuổi gặp phải những rào cản khác, như chi phí trực tiếp cho học tập quá cao, thiếu kỹ năng xã hội, thiếu sự chuẩn bị cho học tập, động lực thấp và không tiếp cận được thông tin về triển vọng thị trường lao động. Đạt được sự công bằng và hòa nhập cao hơn trong giáo dục đại học là một nhu cầu đáp ứng yêu cầu mạnh mẽ về công bằng xã hội, như thể hiện trong mục tiêu 4.3 của các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Phạm vi chênh lệch

Những nỗ lực nhằm đo lường sự công bằng trong giáo dục đại học giả định rằng tỷ lệ tham gia giáo dục đại học của những nhóm mục tiêu phải tương đương với tỷ lệ của họ trong tổng dân số. Tuy nhiên, trên thực tế, việc lựa chọn những chỉ số để đo lường sự chênh lệch trong giáo dục đại học bị ảnh hưởng nặng nề bởi dữ liệu sẵn có dùng cho việc phân tích thực trạng của từng nhóm. Những cuộc khảo sát hộ gia đình ở 64 quốc gia cho thấy khoảng cách lớn giữa tỷ lệ tham gia giáo dục đại học của các nhóm thu nhập ở tất cả các bậc học, từ những quốc gia nghèo nhất có tỷ lệ tham gia thấp nhất đến những quốc gia có tỷ lệ tham gia trung bình cao hơn nhiều.

 

Những nỗ lực nhằm đo lường sự công bằng trong giáo dục đại học giả định rằng tỷ lệ tham gia giáo dục đại học của những nhóm mục tiêu phải tương đương với tỷ lệ của họ trong tổng dân số.

 

Cân bằng giới trong giáo dục đại học đã được cải thiện đáng kể trong hai thập kỷ qua. Ngày nay, nữ sinh chiếm số đông trong sinh viên đại học ở hầu hết các quốc gia, ngoại trừ Nam Á và châu Phi cận Sahara. Trên khắp châu Phi cận Sahara, nữ sinh chỉ chiếm 42,3% tổng số sinh viên. Ở Nam Á, tỷ lệ này là 47%. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng giới đáng kể vẫn tồn tại trong các tổ chức và chương trình STEM. Dữ liệu từ 18 quốc gia trên khắp thế giới cho thấy tỷ lệ nữ sinh tốt nghiệp ngành STEM dao động từ mức thấp là 11% ở Thụy Sĩ đến mức cao 47% ở Argentina.

Có ít dữ liệu hơn để đánh giá sự khác biệt trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học giữa các nhóm thiểu số về sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo. Ở những nơi có dữ liệu, có thể thấy sự chênh lệch lớn. Ví dụ, ở Nam Phi, mặc dù tổng số ghi danh vào giáo dục đại học tăng lên, nhưng chưa đến một phần năm người Nam Phi da đen tham gia giáo dục đại học so với 55% ở người da trắng. Tương tự, ở Việt Nam, tỷ lệ nhập học đại học của nhóm dân số đông nhất là người Kinh/ Hoa cao gấp bốn lần so với tỷ lệ nhập học của những nhóm dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa của đất nước. Trong số hơn 82 triệu người tị nạn trên thế giới, UNHCR ước tính rằng chỉ có khoảng 5% trong độ tuổi được tiếp cận với giáo dục đại học, trong khi con số nhập học so sánh của giáo dục tiểu học và trung học lần lượt là 68% và 34%.

Người khuyết tật – thường được gọi là “thiểu số vô hình” – cũng ít có đại diện trong giáo dục đại học. Ví dụ ở Thái Lan, chưa đến 1% thanh niên khuyết tật được tiếp cận giáo dục đại học. Ở Nam Phi, họ chiếm 0,6% tổng số đăng ký, so với tỷ lệ khuyết tật ước tính là 3,5% trong nhóm tuổi tương ứng.

Ngoài ra, điều quan trọng cần lưu ý là mức độ giao thoa cao giữa những khía cạnh này vì sự chênh lệch giữa các nhóm mục tiêu thường có tác động chồng chéo và tích lũy. Phân biệt đối xử về giới có xu hướng tác động mạnh hơn đến nữ sinh thuộc nhóm thu nhập thấp. Ví dụ, ở Peru và Mexico, nơi tỷ lệ nữ sinh nhập học thấp hơn nam sinh — trái ngược với xu hướng chung ở châu Mỹ La-tinh — sự khác biệt giữa nữ sinh có thu nhập thấp và nữ sinh có thu nhập cao là rất lớn. Ở Peru, tỷ lệ nhập học của nữ sinh thuộc nhóm nghèo nhất và giàu nhất lần lượt là 13,3 và 24,9%; ở Mexico, tỷ lệ này là 9,1% và 37,4%. Một số nghiên cứu đã ghi nhận mối liên quan chặt chẽ giữa nghèo đói, dân tộc và nông thôn ở Bắc và Nam Mỹ, cũng như ở Úc và New Zealand. Tương tự như vậy, nghèo đói làm tăng thêm những trở ngại mà người khuyết tật gặp phải, tỷ lệ nữ sinh khuyết tật tham gia vào giáo dục đại học hoặc hoàn thành các chương trình bằng cấp thấp hơn so với tỷ lệ tham gia của nam sinh khuyết tật.

Tác động của COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, các cơ sở giáo dục đại học và sinh viên phải trải qua sự gián đoạn chưa từng có và những thách thức mới. Nguồn tài chính bị cắt giảm nghiêm trọng, khoảng cách kỹ thuật số và sự thiếu chuẩn bị của người hướng dẫn làm trầm trọng thêm sự chênh lệch về cơ hội tiếp cận và thành công, đồng thời gây ra nỗi đau về mặt cảm xúc và xã hội, đặc biệt ở những sinh viên dễ bị tổn thương. Do đó, các quốc gia và nhà trường cần nỗ lực nhiều hơn nhằm loại bỏ các rào cản để người học từ những nhóm thiểu số có thể tham gia vào giáo dục đại học có chất lượng.

Chính sách thúc đẩy bình đẳng

Hệ sinh thái giáo dục đại học bao gồm những yếu tố chính ảnh hưởng trực tiếp đến tính công bằng và kết quả ở bất kỳ quốc gia nào, đó là: chính sách tuyển sinh; các chương trình chuyển tiếp; khung đảm bảo chất lượng; trợ cấp của chính phủ cho các trường và cho sinh viên; học phí và hỗ trợ tài chính. Nhà nước có thể xác định những chính sách và biện pháp nhằm cải thiện sự công bằng trong giáo dục đại học theo tất cả những yếu tố này.

Trong các tổ chức giáo dục đại học, một số biện pháp có thể giúp thúc đẩy cơ hội tiếp cận và thành công của sinh viên từ những nhóm mục tiêu khác nhau: những hoạt động tiếp cận cộng đồng; chính sách xét tuyển có mục tiêu; những chương trình giữ chân người học và hỗ trợ tài chính bổ sung.

Để đạt hiệu quả, những chính sách thúc đẩy công bằng phải được xác định một cách toàn diện, nghĩa là cân nhắc cả khía cạnh tài chính và phi tiền tệ, điều phối những hành động ở cấp quốc gia và cấp nhà trường theo cách bổ sung cho nhau, và coi việc hoàn thành chương trình học quan trọng ngang bằng với cơ hội tiếp cận là khía cạnh vẫn được chú ý nhiều hơn theo truyền thống. Tầm nhìn dài hạn là chìa khóa để đảm bảo tính liên tục và nhất quán của những chính sách thúc đẩy bình đẳng hiệu quả, đòi hỏi các hệ thống thông tin được thiết lập tốt để xác định những nhóm mục tiêu, đo lường khoảng cách bất bình đẳng và đánh giá sự tiến bộ liên quan đến cơ hội tiếp cận và tốt nghiệp.

Bảy mươi năm trước, Tawney đã viết về sự bình đẳng trong cơ hội như là “sự lịch sự xấc xược của lời mời dành cho những vị khách không được hoan nghênh, với sự tin chắc rằng hoàn cảnh sẽ ngăn họ nhận lời”. Ngày nay, sự công bằng trong cơ hội tiếp cận và thành công ở bậc đại học không còn được coi là một thứ xa xỉ hay chỉ là suy nghĩ đến sau. Đạt được sự hòa nhập nhiều hơn trong giáo dục đại học là một nhu cầu đáp ứng yêu cầu mạnh mẽ về công bằng xã hội. Hệ thống giáo dục đại học trong đó cơ hội được phân bổ đồng đều là cơ sở cho sự phát triển bền vững và xây dựng xã hội công bằng và dân chủ.