Suy nghĩ lại về học phí quốc tế và quan hệ đối tác toàn cầu

Adam Habib là giám đốc Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi (SOAS), Đại học London, Vương quốc Anh. Email: ah130@soas.ac.uk.

Tóm tắt: Mọi người đều công nhận rằng ở một số quốc gia mức học phí đối với sinh viên quốc tế là quá cao. Liệu chúng ta có cần suy nghĩ xem việc này sẽ gây ra những hậu quả nào cho thế giới hay không? Mô hình kinh doanh dịch vụ này cũng đang tác động tiêu cực đến năng lực con người và năng lực thể chế ở những nước có thu nhập thấp bằng cách đẩy nhanh tình trạng chảy máu chất xám. Điều quan trọng lúc này là nhận thức về trách nhiệm tập thể trước vấn đề này, để đảm bảo tính pháp lý của mỗi trường và toàn bộ hệ thống đại học.

Tại Hội nghị các trường đại học ở Vương quốc Anh vào tháng 9 năm 2022, đã có cuộc thảo luận nhóm bao gồm các chuyên gia đến từ Úc, Canada và Vương quốc Anh, những người đã phản ánh về vấn đề tài chính và chi phí tăng vọt của giáo dục đại học cũng như tầm quan trọng của việc cân nhắc lại sự trộn lẫn học phí thu từ sinh viên với hỗ trợ của nhà nước. Ngoài ra còn có những đề xuất có giá trị về cải cách chế độ chi trả cho những sinh viên tốt nghiệp đã vay vốn để học đại học.

Một mô hình hoạt động được xây dựng trên sự bóc lột

Trong suốt cuộc tranh luận, đã có sự thừa nhận rằng trong phương trình tài chính gánh nặng chi phí của giáo dục đại học trông cậy quá nhiều vào yếu tố học phí, và hầu hết những người tham gia đều đồng ý rằng cần xem xét lại nhằm cân bằng phương trình theo hướng hỗ trợ của nhà nước nhiều hơn cho các trường đại học. Nhưng tôi cũng đề xuất cân nhắc kỹ hơn về học phí quốc tế như một phần của việc xem xét cân bằng tài chính của giáo dục đại học. Xét cho cùng, mọi người đều thừa nhận rằng mức học phí đặt ra cho sinh viên quốc tế là quá cao. Trong trường hợp của một trường đại học ở Vương quốc Anh – Đại học SOAS ở London – chi phí thực tế để cấp bằng tiến sĩ được tính toán vào khoảng 4600 GBP mỗi năm cho mỗi sinh viên. SOAS thu học phí từ mỗi sinh viên quốc tế khoảng 20 ngàn GBP, nghĩa là cao hơn chi phí thực tế khoảng 400%. Phần cộng thêm vào giá vốn quá mức này sẽ không được chấp nhận ở hầu hết các công ty tư nhân. Vì sao các trường đại học công lập có thể đặt ra những khoản phí cao như vậy khi họ vẫn tuyên bố đang thực hiện dịch vụ công, và thực hiện nhiệm vụ công bằng xã hội?

Sự phản hồi thật thú vị. Hầu hết các đại biểu đều lảng tránh câu hỏi hoặc biện minh cho mô hình kinh doanh dịch vụ này bằng lý lẽ sinh viên bị thu hút bởi thương hiệu nghiên cứu của các trường đại học ở Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Úc và Canada. Đây là lý lẽ phổ biến biện minh cho việc thu học phí cao từ sinh viên quốc tế, nhưng có rất ít bằng chứng thực tế được cung cấp để hỗ trợ cho khẳng định này.

Những quốc gia này có những trường đại học nghiên cứu lớn không? Hiển nhiên là có! Đây có phải là động lực để sinh viên quốc tế đến những quốc gia này không? Chắc là không. Động lực chính là mong muốn tiếp cận thị trường việc làm toàn cầu thông qua bằng cấp nhận được ở những quốc gia này. Sự bất bình đẳng mới là động lực thúc đẩy hiệu quả du học quốc tế.

Hậu quả cho thế giới của chúng ta

Một hiệu trưởng trong số các đại biểu lập luận rằng chi phí giáo dục đại học cao hơn nhiều so với tài trợ công và so với học phí thu từ sinh viên trong nước ở Vương quốc Anh. Ông cho rằng học phí quốc tế cao hơn là cần thiết để các trường đại học Vương quốc Anh có thể tồn tại được về mặt tài chính. Ông ta đã xác nhận thành lời sự đồng thuận ngầm của hầu hết các đại biểu tại hội nghị: hãy giữ nguyên các khoản học phí quốc tế cao như hiện tại.

 

Việc các giám đốc điều hành của trường đại học chấp nhận quan điểm rằng những quyết định quản lý được điều chỉnh bởi môi trường chính sách hiện tại – về cơ bản là một sự đối phó.

 

Điều này là do mô hình kinh doanh nền tảng của giáo dục đại học ở Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Úc và Canada có cốt lõi là trợ cấp chéo kép. Thứ nhất, hoạt động nghiên cứu được trợ cấp chéo đáng kể nhờ nguồn thu từ việc dạy và học. Thứ hai, bản thân chi phí của tổ chức dạy và học được trợ cấp chéo bởi những khoản phí khổng lồ thu từ sinh viên quốc tế tại các trường đại học ở những nước nói tiếng Anh. Nếu không có điều này, hầu hết các trường đại học này sẽ không hòa vốn được. Mô hình hoạt động này đang ngày càng được củng cố và mở rộng bởi cả chính sách của chính phủ và sự chấp thuận của ban điều hành trường đại học. Tại Vương quốc Anh, với sự thúc đẩy của Bộ Thương mại & Công nghiệp (Department of Trade & Industry – DTI), tuyển sinh sinh viên quốc tế vào các trường đại học đã tăng từ 480 ngàn lên hơn 600 ngàn. Một báo cáo của Viện Chính sách Giáo dục Đại học (Higher Education Policy Institute – HEPI) về tuyển sinh đã coi đây là một dạng hàng hóa không được chuẩn hóa, với thu nhập khoảng 28 tỷ GBP mang lại lợi ích cho các thị trấn và cộng đồng trên khắp đất nước. Mặc dù đây là một sự điều chỉnh cần thiết trước việc cánh hữu gieo rắc nỗi sợ hãi nhằm vận động hành lang chống lại sự nhập cư ở Vương quốc Anh, nhưng chẳng lẽ chúng ta không cần suy nghĩ kỹ về hậu quả của mô hình hoạt động này đối với thế giới hay sao?

Mô hình hoạt động này đang tác động tiêu cực đến năng lực con người và năng lực thể chế ở những quốc gia có thu nhập thấp bằng cách đẩy nhanh tình trạng chảy máu chất xám, chắc chắn phát sinh từ việc tập trung tuyển sinh giới trẻ từ những nơi này. Nó cũng đang gây nguy hiểm cho khả năng phối hợp giải quyết những thách thức xuyên quốc gia của thời điểm lịch sử này, chẳng hạn như đại dịch, biến đổi khí hậu, di cư, nghèo đói và phân cực chính trị và xã hội. Những thách thức này đòi hỏi triển khai khoa học và công nghệ toàn cầu cũng như phát triển tri thức địa phương. Điều này đòi hỏi sự phối hợp giữa các hệ thống tri thức trên toàn thế giới, là việc không thể làm được chỉ thông qua mô hình toàn cầu của nền giáo dục đại học được tổ chức chủ yếu xung quanh việc hình thành những khu vực giảng dạy, học tập và nghiên cứu ở phương Bắc. Những trường đại học này đang theo đuổi một cách hiệu quả những chiến lược tài chính ngắn hạn có thể ảnh hưởng đến tương lai dài hạn chung của cộng đồng toàn cầu.

Áp dụng chủ nghĩa thực dụng triệt để

Sự thừa nhận này không nhất thiết dẫn đến lập trường cánh hữu, chống nhập cư và theo chủ nghĩa Sô-vanh quốc gia. Cũng không nhất thiết dẫn đến việc chấp nhận một cách hiểu phi thực tế về những gì là được phép trong một môi trường chính sách hạn chế và bất lợi do những chính phủ bảo thủ quản lý. Việc các giám đốc điều hành của trường đại học chấp nhận quan điểm rằng những quyết định quản lý được điều chỉnh bởi môi trường chính sách hiện tại – về cơ bản là một sự đối phó. Đúng là có những ràng buộc, nhưng những người điều hành trường đại học cũng có quyền tự chủ tương đối có thể làm giảm thiểu những khía cạnh tồi tệ thái quá của mô hình hoạt động mang tính bóc lột thực sự này.

Về mặt học phí, điều này sẽ liên quan đến sự thừa nhận rằng có những động cơ chính sách mang tính hệ thống buộc các trường đại học phải thu học phí quốc tế quá cao. Nhưng cũng cần có sự cam kết làm những gì có thể trong giới hạn của chúng ta để giảm thiểu hậu quả. Ít nhất, vấn đề học phí quốc tế cần được nêu ra như một phần của cuộc thảo luận rộng hơn về tài chính của các trường đại học. Điều này sẽ cho phép các giám đốc điều hành của trường đại học suy nghĩ thấu đáo về thách thức này. Liệu có thể đặt ra những mức học phí khác nhau cho sinh viên được chính phủ tài trợ so với sinh viên được gia đình hỗ trợ chi phí học tập hay không? Sinh viên từ những quốc gia khác nhau có nên chịu những mức học phí khác nhau hay không? Bởi vì chính phủ Trung Quốc, Qatar và Ả Rập Saudi có những chương trình học bổng hào phóng dành cho sinh viên của họ đi du học nước ngoài, liệu có thể thu học phí cao hơn từ những sinh viên đó hay không?

Liên quan đến nhu cầu tạo điều kiện để các hệ thống tri thức tương tác với nhau, liệu có thể hình thành quan hệ đối tác giáo dục xuyên quốc gia giữa các trường đại học ở miền Bắc và miền Nam hay không? Điều này sẽ phải được thực hiện cẩn trọng và chú ý đến những cơ chế đảm bảo chất lượng của cả hai bên. Nhưng nó có thể dẫn đến những chương trình học thuật đồng phát triển, đồng giảng dạy và đồng công nhận – có thể giúp giảm bớt số lượng sinh viên có nhu cầu du học nước ngoài để lấy bằng đại học chỉ để tiếp cận được thị trường việc làm toàn cầu. Điều này còn đem đến một lợi ích khác nữa là cung cấp cho sinh viên tốt nghiệp kiến thức và kỹ năng xuất sắc không chỉ về mặt học thuật mà còn phù hợp với hoàn cảnh. Nhờ chi phí lao động giảm do chia sẻ công việc học thuật, những chương trình này có thể được duy trì với mức phí thấp hơn.

Một số đề xuất ủng hộ ở đây có thể chỉ là giải pháp từng phần đòi hỏi cân nhắc kỹ hơn. Và có thể có những khả năng khác chưa được xem xét. Nhưng điều cấp bách là thừa nhận trách nhiệm tập thể trước vấn đề liên quan đến mô hình hoạt động đắt đỏ và mang tính bóc lột trong giáo dục đại học ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada và Úc.

Thừa nhận trách nhiệm tập thể sẽ chứng minh rằng các trường đại học nhận ra vấn đề và đang làm hết sức có thể trong những hạn chế mà họ phải đối mặt. Điều này rất quan trọng đối với tính pháp lý của các trường và của toàn bộ hệ thống đại học. Lãnh đạo các trường đại học không thể viện dẫn công bằng xã hội cho sinh viên trong nước mà không làm như vậy cho sinh viên quốc tế. Tương tự như vậy, họ không thể nói về tầm quan trọng của việc giải quyết những thách thức toàn cầu như đại dịch và biến đổi khí hậu, trong khi vẫn áp dụng những mô hình kinh doanh làm suy yếu năng lực tập thể để giải quyết những cuộc khủng hoảng này. Các nhà lãnh đạo đại học cần đối mặt với thách thức đạo đức trong những lựa chọn của mình, và bắt đầu từ việc đưa ra những mô hình hoạt động tốt hơn có thể triển khai được rộng rãi khi hoàn cảnh chính trị thay đổi.