Futao Huang và Gerard A. Postiglione
Futao Huang là Giáo sư tại Viện nghiên cứu Giáo dục đại học thuộc Đại học Hiroshima, Nhật Bản. E-mail: futao@hiroshima-u.ac.jp.
Gerard A. Postiglione là cựu Giáo sư và hiện là Giáo sư danh dự tại Đại học Hồng Kông, Trung Quốc. Email: gerry.hku@gmail.com.
Tóm tắt
Trung Quốc đang cân nhắc liệu các bảng xếp hạng đại học toàn cầu còn phù hợp với những điều kiện quốc gia và đặc điểm thể chế của các trường đại học Trung Quốc hay không. Ba trường đại học hàng đầu đã chọn không tham gia xếp hạng. Tuy nhiên, không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy đây là một phần của xu hướng rộng lớn hơn. Các bảng xếp hạng phương Tây vẫn được coi trọng và được sử dụng như một phương tiện để thu hút nhân tài cấp cao và tạo nên thương hiệu đẳng cấp thế giới cho nhiều trường đại học và ngành học của Trung Quốc.
———-
Gần đây, việc Đại học Lan Châu, Đại học Nam Kinh và Đại học Nhân dân ở Trung Quốc rút khỏi những bảng xếp hạng lớn trên toàn cầu đã thu hút sự chú ý lớn cả trong và ngoài nước. Người ta không thể không đặt câu hỏi liệu việc rút lui này có phải là một phần của xu hướng lớn hơn dẫn đến phản ứng dây chuyền trong các trường đại học Trung Quốc hay không? Nhiều nhà quản lý đại học, nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách tự hỏi sự việc này có thể gợi ý điều gì? Liệu việc rút khỏi các bảng xếp hạng trường đại học và tình trạng hiện tại của hoạt động xếp hạng có phản ánh chiến lược của chính phủ nhằm xác định lại khái niệm về trường đại học đẳng cấp thế giới và ngành học đẳng cấp thế giới, và nâng tầm ảnh hưởng toàn cầu của các trường đại học Trung Quốc hay không? Họ cũng tự hỏi liệu động thái này có thể là cơ sở để thiết lập những chỉ số mới nhằm đánh giá những trường đại học và ngành học nào của Trung Quốc nên được chọn vào vòng tiếp theo của Dự án kép Đại học Đẳng cấp Thế giới và Ngành học Đẳng cấp Thế giới (sáng kiến xuất sắc mới nhất của Trung Quốc đặt mục tiêu chuyển hơn 40 trường đại học ưu tú của Trung Quốc thành những trường đại học hạng nhất toàn cầu, và hơn 100 ngành học thành những ngành học hạng nhất toàn cầu vào năm 2050).
Lý do rút khỏi các bảng xếp hạng
Các trường đại học Trung Quốc có nhiều lý do chính đáng để rút khỏi các bảng xếp hạng toàn cầu hiện tại. Thứ nhất, những quy tắc xếp hạng chất lượng các trường đại học và các ngành học được xây dựng mà không xem xét đến thực tế và điều kiện quốc gia của Trung Quốc. Trong chuyến thăm Đại học Nhân dân vào tháng 4/2022, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói rõ rằng việc xây dựng các trường đại học đẳng cấp thế giới của Trung Quốc không thể chỉ lấy các trường đại học nước ngoài làm tiêu chuẩn. Thay vì như vậy, khi xây dựng những trường đại học đẳng cấp thế giới nên tính đến cách thức chúng bén rễ ở Trung Quốc.
Thứ hai, sự chênh lệch cực đoan giữa các bảng xếp hạng đại học khác nhau thường bị chỉ trích bởi những người đứng đầu các trường đại học và thành viên giới học thuật. Sự chênh lệch không giải thích được này khiến người ta hoài nghi về tính khách quan khoa học, cũng như độ tin cậy của các bảng xếp hạng ngang hàng. Ví dụ, Đại học Nam Kinh được xếp hạng thứ 135 trong Xếp hạng của US News & World Report, thứ 105 trong Xếp hạng Giáo dục Đại học của Times, và thứ 131 trong QS vào năm 2022. Sự chênh lệch tương tự cũng xảy ra với hai trường còn lại trong số ba trường quyết định không tham gia xếp hạng.
Thứ ba, không giống những trường đại học hàng đầu Trung Quốc khác như Đại học Phúc Đán, Đại học Bắc Kinh, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Thanh Hoa và Đại học Chiết Giang, những tiến bộ của Đại học Lan Châu, Đại học Nam Kinh và Đại học Nhân dân trong hai thập kỷ qua đã không giúp họ bước lên được vị trí cao hơn trong các bảng xếp hạng. Ba trường đại học này rút khỏi bảng xếp hạng rất có thể là cách tốt nhất để tránh gây ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần của cán bộ giảng viên và khiến danh tiếng tổ chức của họ bị hoen ố trong mắt gia đình của sinh viên.
Cuối cùng, thứ hạng thế giới hiện tại của ba trường đại học này đang làm giảm uy tín học thuật mà họ có được trong hệ thống quốc gia – là nơi phản ánh sức mạnh thực sự và uy tín toàn cầu của họ.
Các trường đại học Trung Quốc có nhiều lý do chính đáng để rút khỏi các bảng xếp hạng toàn cầu hiện tại.
Ví dụ, Đại học Nhân dân Trung Quốc là trường đại học đầu tiên do Đảng Cộng sản trực tiếp xây dựng trong thời kỳ thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Được mô phỏng theo các đối tác Liên Xô trong giai đoạn hợp tác Trung – Xô vào những năm 1950, trường tiếp tục là một trong những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc.
Danh tiếng của trường và điểm tuyển sinh đầu vào được coi là chỉ kém Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh. Xếp hạng của nó trong top 500 không mang lại thêm giá trị nào. Do tập trung vào các ngành khoa học xã hội và nhân văn, trường này đạt điểm thấp hơn trong chỉ số về sinh viên nước ngoài và chỉ số về các học giả và các ấn phẩm tạp chí quốc tế. Tương tự, Đại học Lan Châu là một trong những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc kể từ những năm 1990, nhưng chỉ đạt thứ hạng đáng buồn là thứ 559 trong bảng Xếp hạng US News & World Report, và ở trong nhóm thứ hạng từ 751 – 800 của QS vào năm 2022. Đại học Lan Châu nằm ở khu vực phía Tây Bắc kém phát triển về kinh tế khiến trường khó thu hút số lượng lớn sinh viên và giảng viên nước ngoài đến đây, do đó không tạo được nhiều danh tiếng và ảnh hưởng quốc tế, điều này làm giảm hiệu suất trong những chỉ số xếp hạng liên quan. Không phải là điều khó hiểu khi ba trường đại học này nhận thấy việc cung cấp dữ liệu cho các công ty xếp hạng mang lại cho họ rất ít lợi ích, ngoài tác động tiêu cực.
Điều đáng chú ý là không trường đại học nào của Trung Quốc nói rằng họ sẽ từ chối xếp hạng theo bảng Xếp hạng Học thuật Các trường Đại học Thế giới (ARWU) có trụ sở tại Thượng Hải. ARWU nổi tiếng vì sử dụng những chỉ số khách quan nhất thu được từ dữ liệu của bên thứ ba, mà không phải trực tiếp từ các trường đại học. Điều đó khiến chúng ít bị tác động bởi những tổ chức đánh giá ngang hàng, những nơi có thể – cố ý hoặc vô tình – có những đánh giá tùy tiện về các trường đại học của Trung Quốc. Có vị thế ngang bằng với QS và Times Higher Education, ARWU được các nhà nghiên cứu Trung Quốc tạo ra và thành lập vào năm 1998, ngay sau khi Chủ tịch Giang Trạch Dân tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ xây dựng những trường đại học đẳng cấp thế giới. Hơn nữa, theo Bảng Xếp hạng “Những trường đại học Trung Quốc tốt nhất” của chính Trung Quốc, các trường Đại học Nam Kinh, Đại học Nhân dân và Đại học Lan Châu lần lượt được xếp ở vị trí thứ 5, 18 và 40 vào năm 2022. Điều này trái ngược với vị trí của họ trong các bảng xếp hạng phương Tây.
Giá trị của xếp hạng trong thực tế
Rất khó để dự đoán liệu những trường đại học Trung Quốc khác có áp dụng cách tiếp cận tương tự vào thời điểm bài báo này xuất hiện hay không. Ngoại trừ một bản tin gần đây chỉ ra rằng hiệu trưởng của Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nam, một trường đại học công lập cấp tỉnh, sẽ không cung cấp dữ liệu cho các công ty xếp hạng đại học toàn cầu, chưa có trường đại học Trung Quốc nào khác làm theo. Thay vào đó, trong thực tế, thứ hạng toàn cầu vẫn được sử dụng như một chỉ số quan trọng đối với các trường đại học Trung Quốc.
Thứ hạng cao có thể tác động tích cực đến việc tuyển dụng nhân tài cấp cao, bao gồm các nhà nghiên cứu sau tiến sĩ và các học giả trẻ có bằng tiến sĩ từ nước ngoài. Sinh viên tốt nghiệp từ những trường đại học được xếp hạng uy tín có cơ hội việc làm tốt hơn và có cơ hội học tập nâng cao. Điều này không chỉ đúng với những trường quốc gia hàng đầu như Đại học Phúc Đán, Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Chiết Giang. Ngày càng nhiều trường đại học cấp tỉnh hàng đầu nhấn mạnh rằng ứng viên cho những vị trí nghiên cứu sau tiến sĩ và phó giáo sư cần có bằng tiến sĩ từ các trường đại học hàng đầu trong và ngoài nước. Ví dụ, thông báo tuyển dụng giảng viên trẻ cho Trường Đại học Sư phạm của Đại học Quảng Châu nói rằng chỉ những người có bằng tiến sĩ từ 200 trường đại học nước ngoài hàng đầu mới được đăng ký những chương trình hỗ trợ đặc biệt và những chương trình tài trợ theo chỉ định. Thành phố Thượng Hải đang cung cấp dịch vụ thường trú và bảo hiểm xã hội cho cán bộ giảng viên được cử đi du học, nhưng chỉ dành cho những người tốt nghiệp từ 500 trường đại học hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng của U.S. News & World Report, Times Higher Education, QS và ARWU.
Tóm lại, vào thời điểm quan trọng trong định vị quốc tế của Trung Quốc, sự tăng hạng của các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc trong các bảng xếp hạng toàn cầu đi kèm với sự không hài lòng ngày càng tăng do những tác động tiêu cực gây ra bởi các tổ chức xếp hạng. Điều này dẫn đến một câu hỏi về tính hữu ích của các bảng xếp hạng và sự thiếu căn cứ của chúng về các trường đại học Trung Quốc. Ngày càng có nhiều tranh luận về những quy tắc xếp hạng đại học, sự khác biệt cơ bản giữa giáo dục đại học phương Tây và Trung Quốc, và cách thức tận dụng ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc và các trường đại học Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến khi có một giải pháp thay thế tốt hơn so với hiện trạng của các bảng xếp hạng phương Tây, các bảng xếp hạng vẫn có giá trị trong việc thu hút nhân tài cấp cao, không chỉ từ các trường đại học nước ngoài, mà cả từ các cơ sở đào tạo bậc cao trong nước. Có một điều chắc chắn là, mặc dù vẫn là một nguồn tham khảo hữu ích và giúp Trung Quốc xây dựng các trường đại học và các ngành học xuất sắc, trong những năm tới, các bảng xếp hạng sẽ không còn được chú ý nhiều như trong quá khứ.