Yi Li, Qi Wang và Lizhou Wang
Yi Li là Phó Giáo sư về các vấn đề sinh viên và là Cố vấn có chứng nhận tại Đại học Giao thông Thượng Hải (SJTU), Trung Quốc. Email: lily_gse@ sjtu.edu.cn.
Qi Wang là Cộng tác viên nghiên cứu tại Trường Giáo dục, SJTU, và là nghiên cứu viên tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE), Boston College, Hoa Kỳ. Email: qwmichelle@gmail.com.
Lizhou Wang là Học viên tiến sĩ tại CIHE, Boston College. Email: wangliz@bc.edu.
Tóm tắt
Trong 2 thập kỷ qua, sức khỏe tinh thần của sinh viên các trường đại học đã trở thành một vấn đề ngày càng được công chúng Trung Quốc quan tâm. Các trường đại học đã và đang thúc đẩy giáo dục và những dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho sinh viên. Một thông báo gần đây từ Bộ Giáo dục nhắc lại tầm quan trọng của giáo dục về sức khỏe tinh thần và quảng bá những khóa học này như một học phần cốt lõi đối với tất cả sinh viên. Bài viết này đánh giá những chiến lược, thách thức và tác động liên quan đến việc tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần của sinh viên tại các trường đại học Trung Quốc.
———
Trong 2 thập kỷ qua, sức khỏe tinh thần của sinh viên đại học đã trở thành một vấn đề ngày càng được công chúng quan tâm trong xã hội Trung Quốc đang thay đổi nhanh chóng. Những đợt phong tỏa toàn bộ khuôn viên trường diễn ra liên tục và trong thời gian đại dịch làm tăng thêm cảnh báo về tình trạng sức khỏe của sinh viên. Nhiều trường đại học Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy giáo dục về sức khỏe tinh thần và cung cấp dịch vụ tư vấn rộng rãi cho sinh viên của mình. Vào tháng 7 năm 2021, Bộ Giáo dục (MOE) đã nhắc lại tầm quan trọng của vấn đề này trong một thông báo có tiêu đề “Sáng kiến tăng cường sức khỏe tinh thần cho sinh viên” và yêu cầu triển khai các khóa học về sức khỏe tinh thần cho tất cả sinh viên đại học. Mặc dù có sự thúc đẩy mạnh mẽ về chính sách từ trên xuống và những nỗ lực ở cấp trường đại học và cấp khoa, thực tế vẫn tồn tại nhiều thách thức.
Giáo dục sức khỏe tinh thần trong các trường đại học Trung Quốc
Ở Trung Quốc, sinh viên đại học được coi là “nhóm dễ bị tổn thương”, dễ gặp những vấn đề về sức khỏe tinh thần. Các nghiên cứu phát hiện ra rằng trầm cảm và lo lắng rất phổ biến trong sinh viên đại học Trung Quốc, và sức khỏe tinh thần của họ được coi là có nguy cơ bị tổn thương cao hơn so với những nhóm cư dân khác nói chung. Một phân tích tổng hợp của 113 nghiên cứu, chủ yếu được thực hiện từ năm 2005 đến năm 2020, 9 nghiên cứu trước năm 2004, ước tính tỷ lệ trầm cảm chung của sinh viên đại học Trung Quốc là 28,4% (n = 185.787, với 95% có khoảng tin cậy từ 25,7% đến 31,2%). Báo cáo của một nghiên cứu khác được thực hiện vào năm 2020 cho thấy 41,1% sinh viên đại học ở Trung Quốc (n = 89.588) đã trải qua những triệu chứng lo lắng trong thời gian bùng phát COVID-19. Nghiên cứu cho rằng tình trạng phiền muộn và rối loạn tinh thần của sinh viên liên quan đến những yếu tố khác nhau ở cấp độ cá nhân (tính cách, quan hệ với mọi người, chiến lược đối phó không hiệu quả), ở cấp độ gia đình (sống xa nhà giữa nhiều thay đổi trong cuộc sống, phải nuôi dạy con cái), ở cấp độ trường học (căng thẳng trong học tập, lo lắng về việc làm trong tương lai và lập kế hoạch nghề nghiệp, kỳ vọng thành tích), và ở cấp độ xã hội (những thay đổi mạnh mẽ trong xã hội, văn hóa và kinh tế; sự cạnh tranh khốc liệt).
Để đối phó với những vấn đề này, cả chính phủ Trung Quốc và các trường đại học đã nỗ lực thúc đẩy cải thiện sức khỏe tinh thần của sinh viên kể từ đầu những năm 1990. Trong ba thập kỷ qua, một loạt những văn bản chính sách của chính phủ đã được ban hành để mở rộng và làm chi tiết hơn cải cách giáo dục về sức khỏe tinh thần và điều chỉnh các mục tiêu, phương pháp tiếp cận và chương trình giảng dạy liên quan. Để đáp ứng nhu cầu sức khỏe tinh thần của sinh viên, mô hình làm việc “bốn trong một” hiện đang được áp dụng tại các trường đại học Trung Quốc để tích hợp việc dạy và học môn học về sức khỏe tinh thần, thực hành, dịch vụ tư vấn cũng như ngăn ngừa và can thiệp khủng hoảng. Ngoài ra, MOE ủng hộ tăng cường vai trò của việc giảng dạy và hướng dẫn trên lớp trong việc phát triển giáo dục về sức khỏe tinh thần.
Tương tự nhiều hệ thống giáo dục đại học khác trên thế giới, dịch vụ và giáo dục về sức khỏe tinh thần là một phần không thể thiếu trong giáo dục đại học ở Trung Quốc. Dịch vụ và giáo dục sức khỏe tinh thần thường được tổ chức và quản lý bởi phòng/ ban công tác sinh viên. Một đặc điểm đáng chú ý của giáo dục sức khỏe tinh thần ở Trung Quốc là tập trung vào việc nuôi dưỡng “con người toàn diện” (quanren). Những khóa học và dịch vụ giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về những vấn đề sức khỏe tinh thần, cải thiện chiến lược đối phó của họ trong trường hợp khủng hoảng sức khỏe tinh thần, và hướng dẫn họ thiết kế con đường phát triển của riêng mình và chuẩn bị đối mặt với những thách thức trong một thế giới ngày càng phức tạp. Về cơ bản, giáo dục sức khỏe tinh thần – bổ sung cho giáo dục đạo đức và giáo dục công dân – cần trang bị cho sinh viên những giá trị đạo đức, kỹ năng trí tuệ, năng lực thể chất, cũng như thẩm mỹ, vốn được coi là giá trị cốt lõi của giáo dục đại học Trung Quốc.
Những thách thức trong việc thúc đẩy giáo dục sức khỏe tinh thần
Một trong những thách thức lớn nhất là đảm bảo đủ số lượng giảng viên có trình độ để cung cấp các dịch vụ và giáo dục về sức khỏe tinh thần. Một tài liệu chính sách năm 2018 của MOE yêu cầu giảng viên phải có nền tảng tư vấn và trình độ chuyên môn cao hơn, và tỷ lệ giảng viên – sinh viên trong giáo dục sức khỏe tinh thần không dưới 1:4000, với ít nhất 2 giảng viên toàn thời gian tại mỗi trường đại học. Tuy nhiên, trong thực tế, trình độ chuyên môn của người hướng dẫn khóa học và cố vấn rất khác nhau giữa các trường đại học. Do số lượng sinh viên quá lớn, các trường đại học vẫn đang thiếu những giảng viên và cố vấn đủ năng lực cung cấp chương trình giáo dục và dịch vụ tư vấn sức khỏe tinh thần cho toàn trường. Hiện tại, hầu hết các cố vấn và người hướng dẫn khóa học được tuyển dụng bán thời gian từ những bộ phận khác trong trường đại học và không nhất thiết phải có nền tảng kiến thức về sức khỏe tinh thần hoặc khoa học hành vi.
Thách thức lớn thứ hai liên quan đến xu hướng không tìm kiếm sự giúp đỡ trong giới sinh viên. Điều này chủ yếu liên quan đến việc sinh viên không được giáo dục về sức khỏe tinh thần một cách hệ thống, do đó thiếu hiểu biết và nhận thức về các bệnh tinh thần, điều có thể dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị chậm trễ. Sự lưỡng lự của sinh viên, nếu không muốn nói là phản kháng, liên quan đến chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp cũng còn do sự kỳ thị văn hóa, vốn coi sức khỏe tinh thần và những vấn đề liên quan là điều đáng xấu hổ. Sinh viên còn lo ngại về việc có thể gặp bất lợi trong học tập và phát triển nghề nghiệp nếu họ thừa nhận bị hoặc được chẩn đoán có vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Trong những thập kỷ qua, Trung Quốc đã áp dụng nhiều chiến lược khác nhau để giải quyết những thách thức này, bao gồm đa dạng hóa dịch vụ và giáo dục về sức khỏe tinh thần, tăng số lượng cố vấn và giảng viên được đào tạo chuyên nghiệp, đồng thời đào tạo tại chỗ cho đội ngũ giảng viên về sức khỏe thể chất và tinh thần của sinh viên. Ngoài ra, trong những năm gần đây, MOE khuyến khích cung cấp những khóa học về sức khỏe tinh thần bắt buộc cho tất cả sinh viên đại học để nâng cao nhận thức và hiểu biết về sức khỏe tinh thần.
Để hiệu quả, giáo dục sức khỏe tinh thần nên tập trung vào sinh viên và hiểu được nguyên nhân và gốc rễ của những vấn đề khiến họ lo lắng.
Cung cấp những khóa học bắt buộc về sức khỏe tinh thần
Trung Quốc được cho là một trong những hệ thống giáo dục đại học đầu tiên cung cấp những khóa học về sức khỏe tinh thần như một học phần bắt buộc (bao gồm 2 tín chỉ với 32 – 36 giờ học) cho tất cả sinh viên đại học. Dựa trên thông tin từ MOE vào tháng 11/2021, hơn 2.000 trong số 2.738 cơ sở giáo dục đại học thông thường (HEI) ở Trung Quốc hiện đang cung cấp những khóa học về sức khỏe tinh thần như một học phần bắt buộc. Trong số những cơ sở giáo dục đại học này, hơn 1.600 cơ sở còn cung cấp những khóa học tự chọn trong những lĩnh vực liên quan.
Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn đầu, những đánh giá và nghiên cứu ban đầu cho thấy sau khi tham gia những khóa học bắt buộc này, đa số sinh viên nhận thấy họ được trang bị kiến thức cơ bản và hiểu biết về sức khỏe tinh thần, điều này nâng cao nhận thức của họ về những vấn đề và thách thức có thể xảy ra. Do đó, họ sẵn sàng tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia, và những kỹ năng giao tiếp cũng như chiến lược đối phó với căng thẳng và cảm xúc của họ được cải thiện ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn những câu hỏi và sự hoài nghi về hiệu quả của các học phần của khóa học và dịch vụ sức khỏe tinh thần nói chung. Đặc biệt, nội dung khóa học không hoàn toàn cập nhật để đáp ứng nhu cầu và vấn đề thực tế của sinh viên đại học, và việc giảng dạy phần lớn theo kiểu “một khuôn mẫu chung cho mọi đối tượng” và không đi vào chiều sâu, một phần do quy mô lớp học quá lớn.
Để hiệu quả hơn, giáo dục sức khỏe tinh thần nên tập trung vào sinh viên và hiểu được nguyên nhân và gốc rễ của những vấn đề khiến họ lo lắng. Các nhà giáo dục cần hiểu rằng sinh viên bị tác động mạnh mẽ từ sự bấp bênh mà họ phải đối mặt liên quan đến triển vọng tương lai của họ, trong bối cảnh kinh tế xã hội của đất nước phát triển nhanh chóng. Trong hai năm qua, đại dịch COVID-19 chắc chắn đã gây căng thẳng và ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của sinh viên đại học. Các nhà giáo dục cần giữ thái độ cởi mở, thấu hiểu nhu cầu của sinh viên, đặt ra mục tiêu rõ ràng và khai thác những phương pháp giảng dạy sáng tạo và nghiêm túc để cung cấp dịch vụ và giáo dục về sức khỏe tinh thần.