Độc quyền thương mại hay nghiên cứu mở: Cơ sở hạ tầng tri thức quốc gia của Trung Quốc

Lijun Fan và Lili Yang

Lijun Fan là Nghiên cứu sinh tiến sĩ, và Lili Yang là Giáo sư trợ giảng tại Khoa Giáo dục, Đại học Hồng Kông, Trung Quốc. Email: fanlijun355@163.com và liliyang@hku.hk.

Tóm tắt

Phát triển cơ sở dữ liệu nghiên cứu là một con dao hai lưỡi. Cơ sở dữ liệu nghiên cứu có thể thúc đẩy trao đổi kiến thức, nhưng thực tiễn độc quyền/ độc tài về cơ sở dữ liệu đang dựng lên những bức tường ngăn. Lấy ví dụ là cơ sở dữ liệu nghiên cứu lớn nhất ở Trung Quốc – Cơ sở Hạ tầng Tri thức Quốc gia Trung Quốc, bài viết này thảo luận về sự tẩy chay ngày càng tăng chống lại tình trạng độc quyền thương mại về cơ sở dữ liệu nghiên cứu trong học thuật, và bàn về tương lai của nghiên cứu mở. Điều này đòi hỏi những nỗ lực phối hợp của toàn bộ cộng đồng nghiên cứu.

———

Nền học thuật thế kỷ XXI được đánh dấu bằng việc các cơ sở dữ liệu nghiên cứu học thuật được sử dụng rộng rãi và giữ vai trò thống trị trong xuất bản học thuật. Các nhà nghiên cứu nói tiếng Anh đều quen thuộc với những cơ sở dữ liệu chính, bao gồm Web of Science và Scopus. Ở nhiều khu vực/ quốc gia không nói tiếng Anh, những cơ sở dữ liệu bằng ngôn ngữ địa phương đã xuất hiện để phục vụ nhu cầu của các nhà nghiên cứu trong nước. Một ví dụ điển hình là Cơ sở Hạ tầng Tri thức Quốc gia Trung Quốc (CNKI – China National Knowledge Infrastructure), cơ sở dữ liệu nghiên cứu lớn nhất ở Trung Quốc.

Những cơ sở dữ liệu này đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy phổ biến kiến thức và trao đổi học thuật. Tuy nhiên, sự phát triển của chúng là một con dao hai lưỡi. Định giá thương mại cao và sự độc quyền/ độc tài đáng ngờ trong thực tế đang dựng lên bức tường ngăn giữa giới học thuật và công chúng, và chống lại nghiên cứu mở. Mặc dù những lời kêu gọi về nghiên cứu mở ngày càng rõ ràng và mạnh mẽ hơn trên toàn thế giới, nhiều nhân tố, cả trong và ngoài giới học thuật, đang gặp nhiều khó khăn để biến nó thành hiện thực. Bài viết này tập trung vào những nỗ lực ủng hộ nghiên cứu mở, chống lại sự thống trị của CNKI – đang diễn ra ở Trung Quốc; và thảo luận về những phương pháp tiếp cận có thể thúc đẩy nghiên cứu mở.

CNKI và sự thống trị của nó ở Trung Quốc

Là nền tảng thu thập và chia sẻ kiến thức lớn nhất ở Trung Quốc, CNKI đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của học thuật Trung Quốc. Được Đại học Thanh Hoa và doanh nghiệp trực thuộc đại học này – Công ty TNHH Tongfang – thành lập vào tháng 6/1999, nay là công ty nhà nước – CNKI có mục tiêu hỗ trợ đổi mới kiến thức, học tập và ứng dụng. CNKI được Chính phủ Trung ương Trung Quốc công nhận và hỗ trợ mạnh mẽ khi mới thành lập. Nó được coi là một dự án đổi mới quan trọng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ và được đưa vào Chương trình Ngọn đuốc Trung Quốc – một kế hoạch quốc gia nhằm phát triển ngành công nghệ cao của Trung Quốc. CNKI được chuyển đổi từ một tổ chức thuộc sở hữu nhà nước thành một công ty tư nhân vào năm 2014, và trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn do doanh nghiệp nhà nước kiểm soát vào năm 2019. Bất chấp nhiều lần chuyển đổi này, CNKI vẫn duy trì vị thế thống trị của mình trong lĩnh vực tài nguyên học thuật ở Trung Quốc. Mô hình hoạt động của CNKI là mua tài liệu học thuật (bao gồm các bài nghiên cứu, kỷ yếu, luận án và bản tin) từ các nhà xuất bản, tạp chí và trường đại học, đồng thời bán các sản phẩm tri thức kỹ thuật số thông qua đăng ký và các dịch vụ có liên quan. CNKI không xuất bản tạp chí hoặc công trình nghiên cứu.

Định giá thương mại cao và sự độc quyền/ độc tài đáng ngờ trong thực tế đang dựng lên bức tường ngăn giữa giới học thuật và công chúng, và chống lại nghiên cứu mở.

Tính đến năm 2022, CNKI bao gồm hơn 95% tổng số tài nguyên học thuật được xuất bản chính thức của Trung Quốc và hơn 200 triệu tài liệu tạp chí trong nước và quốc tế, khiến nó trở thành nền tảng thống trị trên thị trường tài nguyên học thuật Trung Quốc. Trang web của nó hiển thị cơ sở dữ liệu của hơn 1.600 khách hàng là tổ chức ở nước ngoài từ 60 quốc gia và khu vực, và 32.000 khách hàng tổ chức thuộc nhiều ngành công nghiệp khác nhau ở Trung Quốc đại lục. CNKI cũng tích cực tham gia đánh giá các tạp chí học thuật ở Trung Quốc. Hàng năm, nó xuất bản Báo cáo Thường niên về Yếu tố Tác động của các Tạp chí Học thuật Trung Quốc, báo cáo này thường được viện dẫn trong những tài liệu đánh giá về hiệu quả hoạt động của các tổ chức giáo dục đại học của Trung Quốc. Tất cả những thực tế này khiến CNKI trở thành một phần dường như không thể tách rời của nền học thuật Trung Quốc. Điều đáng chú ý là, sự phát triển của CNKI cũng là một dấu hiệu cho thấy xuất bản học thuật toàn cầu đã sử dụng nhiều ngôn ngữ hơn, điều này có lợi cho việc tăng cường tính đa dạng và công bằng trong nhận thức toàn cầu.

Tẩy chay CNKI ở Trung Quốc

Bất chấp sự thành công của CNKI, ngày càng có nhiều lo ngại về những hoạt động độc quyền của nó. Vào tháng 4/2022, Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS – Chinese Academy of Sciences), một tổ chức nghiên cứu hàng đầu ở Trung Quốc, đã thông báo quyết định chấm dứt đăng ký sử dụng CNKI và tìm kiếm cơ sở dữ liệu thay thế. Lý do chính đằng sau quyết định này là do CNKI yêu cầu tăng phí đăng ký. Theo Đại học Công nghệ Vũ Hán, nơi đã tạm ngừng đăng ký CNKI vào năm 2016, phí đăng ký sử dụng CNKI tăng 132,86% từ năm 2010 đến năm 2016. Doanh thu của CNKI cũng phản ánh sự tăng giá này. Báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty TNHH Tongfang cho thấy doanh thu của CNKI là 192 triệu USD, với tỷ suất lợi nhuận gộp là 53,35% (Tuy nhiên, doanh thu của CNKI là thấp so với các đối tác quốc tế, một dấu hiệu cho thấy mức lợi nhuận cao của các cơ sở dữ liệu nghiên cứu thương mại nói chung. Ví dụ vào năm 2019, công ty mẹ của Elsevier là RELX, điều hành một trong những cơ sở dữ liệu nghiên cứu lớn nhất bằng tiếng Anh, Scopus, có doanh thu 9,8 tỷ USD, so với doanh thu 149 triệu USD của CNKI. Nhưng sự khác biệt một phần có thể do Elsevier xuất bản các tạp chí, là thứ mang lại doanh thu đáng kể).

Một hòn đá ném xuống làm lan ra hàng ngàn gợn sóng. Ngay sau thông báo của CAS, mức phí sử dụng CNKI quá cao đã trở thành chủ đề nóng ở Trung Quốc, thu hút sự chỉ trích rộng rãi. Nó nhắc nhở công chúng về việc các tổ chức giáo dục đại học Trung Quốc, trong những năm gần đây, đã liên tục nỗ lực tẩy chay CNKI. Trong thập kỷ qua, ít nhất sáu trường đại học, bao gồm Đại học Bắc Kinh và Viện Công nghệ Vũ Hán, đã tạm ngừng đăng ký sử dụng CNKI. Nhưng không tổ chức nào tạm ngưng được lâu, tất cả đã nối lại sử dụng dịch vụ sau khi không tìm được giải pháp thay thế thích hợp.

Tuy nhiên, những nỗ lực này không hoàn toàn vô ích. Sau khi đàm phán, CNKI đồng ý giảm phí đăng ký cho một số tổ chức, mặc dù không đáng kể. Ví dụ: Đại học Nam Kinh đã giảm được 7.460 USD so với dự toán phí đăng ký năm 2022 là 161.136 USD. Vào tháng 5/2022, chính phủ Trung Quốc mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với CNKI. Trong khi cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành vào thời điểm viết bài này, hy vọng rằng sự chú ý của công chúng và cuộc điều tra sẽ mang lại những thay đổi và mở ra sân chơi cho những nhân tố mới.

Những nỗ lực này không chỉ diễn ra ở Trung Quốc. Vào tháng 1/2017, các trường đại học và tổ chức nghiên cứu của Đức đã chỉ trích chính sách định giá cao của Elsevier và tiến hành các vòng đàm phán với công ty này để giảm phí đăng ký. Vào tháng 6/2020, MIT chấm dứt đàm phán với Elsevier về một hợp đồng đăng ký tạp chí mới gồm khoảng 700 tạp chí, trị giá hơn 2,7 triệu USD.

Kêu gọi nghiên cứu mở: Lợi ích chung chống lại tìm kiếm lợi nhuận

Thực tế dai dẳng rằng các cơ sở dữ liệu nghiên cứu lớn trên toàn thế giới đang ở vị thế độc quyền/ độc tài – dẫn đến một câu hỏi thiết yếu: Tương lai của nghiên cứu mở là gì và làm thế nào để đạt được nó? Chúng tôi cho rằng trở ngại lớn đối với nghiên cứu mở là mâu thuẫn giữa bản chất lợi ích chung của tri thức và bản chất tìm kiếm lợi nhuận của các nhà xuất bản và cơ sở dữ liệu nghiên cứu thương mại.

Những lý lẽ ở trên cho thấy rằng nỗ lực riêng lẻ của các tổ chức thường dẫn đến thất bại. Như ý tưởng về lợi ích chung cho thấy, chỉ những nỗ lực chung của cả cộng đồng nghiên cứu mới có thể tạo ra sự khác biệt. Điều này kêu gọi tất cả các tổ chức và các nhà nghiên cứu chung tay thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức mở. Đã có nhiều nỗ lực lặp lại về vấn đề này. Ví dụ như sự xuất hiện của những nền tảng trao đổi học thuật mở và miễn phí, bao gồm ResearchGate, Tạp chí điện tử HighWire của Đại học Stanford và Kho Luận văn của Đại học Michigan chỉ ra những phương thức thay thế để bỏ qua những cơ sở dữ liệu nghiên cứu định giá cao. Tuy nhiên, những nền tảng như vậy có thể gặp vấn đề về bản quyền. Việc cần thiết là giải quyết những vấn đề như vậy. Ngoài ra, mặc dù ý tưởng lợi ích chung không nhất thiết đòi hỏi nhà nước tham gia, nó vẫn nằm trong quyền hạn xem xét của nhà nước để đấu tranh chống độc quyền và thúc đẩy lợi ích chung. Câu hỏi tiếp theo là nhà nước nên tham gia ở mức độ nào để duy trì một không gian nghiên cứu tự chủ.