Quốc tế hóa đào tạo y tế: Những khái niệm và phương pháp tiếp cận hành động

Anette Wu

Anette Wu là Phó Giáo sư tại Trường đào tạo bác sĩ điều trị và phẫu thuật Vagelos, Đại học Columbia, Hoa Kỳ. Email: Aw2342@caa.columbia.edu.

Bài viết này dựa trên những phát hiện của bài báo https://link.springer. com/article/10.1007/s40670-022-01553-6#citeas.

Tóm tắt

Đại dịch COVID-19 khiến quốc tế hóa việc đào tạo y tế (IoME) trở nên cấp thiết. IoME là một quá trình tích hợp có chủ đích các khía cạnh quốc tế, liên văn hóa, hoặc toàn cầu vào đào tạo y tế. Những phương pháp tiếp cận sáng tạo và phù hợp được sử dụng trong IoME nhằm tăng cường hợp tác chăm sóc sức khỏe toàn cầu và cải thiện sức khỏe của mọi người trên toàn thế giới.

———

Đại dịch COVID-19 toàn cầu đã tạo cơ hội để quốc tế hóa đào tạo y tế (IoME – Internationalization Of Medical Education). IoME thúc đẩy sự hiểu biết về chăm sóc sức khỏe và hợp tác quốc tế, giảm thiểu chủ nghĩa dân tộc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và cải thiện một cách công bằng sức khỏe của tất cả mọi người trên toàn thế giới. Phù hợp với định nghĩa rộng hơn về quốc tế hóa giáo dục đại học, IoME có thể được mô tả chính xác nhất là quá trình tích hợp có chủ đích các khía cạnh quốc tế, liên văn hóa hoặc toàn cầu vào đào tạo y tế để nâng cao chất lượng và chuẩn bị cho tất cả sinh viên tốt nghiệp hành nghề chuyên nghiệp trong một thế giới toàn cầu hóa. Theo đó, các bác sĩ coi mình là một phần của cộng đồng y tế toàn thế giới và hợp tác để giải quyết những vấn đề chăm sóc sức khỏe. Mặc dù IoME là một hiện tượng toàn cầu, cho tới nay những hiểu biết và quan điểm của những nước ở Bắc bán cầu vẫn giữ vị trí thống trị truyền thống, và do đó chỉ giải quyết được một phạm vi hẹp những hoạt động diễn ra trên toàn cầu. Động lực thúc đẩy quốc tế hóa đào tạo y tế tập trung vào ba mô hình chính. Hai mô hình đầu tiên – thị trường và chuyển đổi xã hội – đều có những hạn chế.

Mô hình thị trường: Cạnh tranh là động lực quốc tế hóa

Lấy cạnh tranh làm trọng tâm, mô hình thị trường thường được áp dụng ở những nước thu nhập thấp và trung bình (LMIC – Low and Middle – Income Countries). Các quốc gia và tổ chức thường đặt mục tiêu cải thiện xếp hạng thế giới của họ trong khoa học và chăm sóc lâm sàng thông qua lăng kính của thế giới phương Tây. Cạnh tranh là một động lực để quốc tế hóa đạt những thành công tức thì và có thể đo lường được, nhưng luôn kèm theo rủi ro rằng một khi đạt được những mốc thành tích nhất định, sự quan tâm đến IoME sẽ mất đi. Mô hình này có đặc trưng là tư duy hướng nội của những hoạt động giáo dục, là thứ có thể thúc đẩy và chuyển biến thành chủ nghĩa dân tộc. Điều này cuối cùng làm tăng nguy cơ hình thành chủ nghĩa dân tộc trong chăm sóc sức khỏe, khi các quốc gia cố gắng cạnh tranh để giành vị trí lãnh đạo toàn cầu và không quan tâm đến mục tiêu cải thiện sức khỏe cho tất cả mọi người trên toàn thế giới. Ngoài ra, các thành viên sẽ quay lưng khi phát hiện ra một đối thủ cạnh tranh trên thị trường (quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong thời gian gần đây là một ví dụ). Do đó, mô hình thị trường thiếu sự bền vững và động lực của nó phản tác dụng với những gì IoME cố gắng đạt được.

Các bác sĩ coi mình là một phần của cộng đồng y tế toàn thế giới và hợp tác để giải quyết những vấn đề chăm sóc sức khỏe.

Mô hình chuyển đổi xã hội: Làm việc thiện

Mô hình chuyển đổi xã hội – chiếm ưu thế ở Bắc bán cầu và nhấn mạnh đến khía cạnh nhân đạo của IoME – bắt nguồn từ những giá trị vị tha và nhân ái. Mô hình này chủ yếu được thực hiện thông qua việc gửi sinh viên ra nước ngoài du học, đặc biệt là đến LMIC. Tuy nhiên, trong thực tế mô hình này chưa hiện thực được đầy đủ tầm nhìn về chuyển đổi xã hội của IoME. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự dịch chuyển một chiều, ngắn hạn của sinh viên đến các quốc gia LMIC, như đang được thực hiện ở Bắc bán cầu, vốn dĩ là không công bằng và không toàn diện trong nhiều khía cạnh. Nó có xu hướng tạo ra gánh nặng cho những nước sở tại có nguồn tài nguyên thấp và gây tranh cãi về mặt đạo đức khi sinh viên được gửi đến một môi trường đa dạng về văn hóa mà không được chuẩn bị phù hợp (ví dụ như khi sinh viên y khoa từ Bắc bán cầu tình nguyện làm việc trong những đơn vị chăm sóc trẻ sơ sinh ở châu Phi cận Sahara). Dường như trong các tài liệu hiện có vẫn thiếu báo cáo về tiếng nói của Nam bán cầu. Mô hình này chủ yếu phục vụ nhu cầu của sinh viên từ Bắc bán cầu, và các chương trình du học nói chung chỉ có thể được tiếp cận bởi một số ít sinh viên có đặc quyền tại một số cơ sở giáo dục được chọn. Những hạn chế nói trên loại trừ sự tham gia của phần lớn sinh viên và do đó không phù hợp với tầm nhìn về cơ hội tiếp cận đại chúng của giáo dục đại học. Hơn nữa, trong giai đoạn đại dịch và xung đột, những chương trình du học như vậy không phải là lựa chọn an toàn đối với sinh viên.

Mô hình khai phóng: Làm việc vì mục tiêu chung

Mô hình khai phóng, mô phỏng theo những lĩnh vực khác của giáo dục đại học, thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác quốc tế thông qua “ngoại giao mềm”. Sinh viên y khoa hành động như những đại sứ thiện chí (ví dụ thông qua chương trình Fulbright hoặc Rhodes). Tuy nhiên, những ấn phẩm hiện tại không đưa ra bằng chứng cho thấy mô hình này được áp dụng trong đào tạo y tế. Bị coi là sản phẩm phụ của hai mô hình được nhắc đến ở trên, nó hiếm khi được mô tả là động lực duy nhất hoặc thậm chí một phần của các hoạt động quốc tế. Do đó, trong mối liên quan đến mục đích quan trọng là toàn cầu hóa y học, nó chưa được đánh giá đầy đủ. Ở một số quốc gia, mô hình này ngày càng được tích hợp rộng rãi hơn (ví dụ thông qua chương trình Erasmus), nhưng cách tiếp cận đa phương đổi mới và công bằng về mặt xã hội – có tính đến nhu cầu của Nam bán cầu cũng như Bắc bán cầu, và cung cấp cho sinh viên một cái nhìn rộng hơn về chăm sóc sức khỏe – vẫn chỉ trong phạm vi hạn chế. Mặc dù mô hình khai phóng có thể không cho thấy hiệu quả tức thì đối với việc chăm sóc sức khỏe, nhưng trong tình hình hiện tại, với những xung đột đang diễn ra và chủ nghĩa dân tộc hình thành trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, những gì IoME đạt được thông qua mô hình khai phóng có thể tạo thuận lợi đáng kể để tăng cường hiểu biết quốc tế và thay đổi trong chăm sóc sức khỏe, và nên được triển khai rộng hơn.

Tiếp theo là gì?

Đại dịch COVID-19 nhắc nhở chúng ta rằng chủ nghĩa dân tộc trong chăm sóc sức khỏe gây cản trở đối với việc cải thiện sức khỏe cho tất cả mọi người trên toàn thế giới và ngăn cản chúng ta hành động cùng nhau như một cộng đồng y tế toàn cầu. Điều quan trọng là cần đào tạo ra những sinh viên tốt nghiệp biết suy nghĩ khác biệt. Các nhà giáo dục y tế cần nhìn những hoạt động quốc tế của họ qua một lăng kính khác, với mô hình khai phóng trong tâm trí và bằng cách giáo dục sinh viên của chúng ta trở thành những đại sứ và những bác sĩ công dân toàn cầu. Các định dạng của IoME cần ngày càng phù hợp với động lực này, và tích hợp có mục đích những hoạt động trong đó sinh viên có thể tham gia vào những chương trình trao đổi đa phương, học cách hiểu và tôn trọng việc thực hành y học ở những quốc gia khác với sự nhạy cảm về văn hóa, và cảm thấy mình là một phần của cộng đồng y tế toàn cầu, thay vì thống trị người khác bằng quan điểm – chủ yếu là phương Tây – của chính mình. Những hoạt động này có thể thực hiện trực tuyến, bao gồm trao đổi sinh viên quốc tế, chia sẻ đội ngũ giảng viên quốc tế và tài liệu giảng dạy chung, và cũng có thể được thực hiện thông qua những chương trình du học, trong đó sinh viên đóng vai trò là đại sứ của quốc gia của họ.

Những hoạt động trên phải là bình đẳng và kêu gọi sự tham gia của mọi sinh viên. Một bí quyết cơ bản của quốc tế hóa chương trình giảng dạy, và do đó của IoME, là thúc đẩy sự tiếp cận phổ cập những trải nghiệm và giáo dục quốc tế cho tất cả sinh viên. Chú trọng đến những hoạt động quốc tế “tại chỗ” là cách phản ánh tốt hơn những nguyên tắc của IoME thông qua phương pháp tiếp cận toàn diện, theo đó tất cả sinh viên – không phân biệt nền tảng kinh tế xã hội, trường đại học họ đang theo học, hoặc quốc gia xuất xứ – được tiếp cận với những kinh nghiệm và nội dung liên quan xa hơn biên giới quốc gia.

Kết luận

Đề cao chủ nghĩa dân tộc trong chăm sóc sức khỏe là gây tổn hại cho sức khỏe của tất cả mọi người trên toàn thế giới. Với sự hỗ trợ của IoME, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tự coi mình là một phần và đóng vai trò là thành viên của cộng đồng toàn cầu lớn hơn. Khi hợp tác chăm sóc sức khỏe quốc tế được thúc đẩy, chủ nghĩa dân tộc trong chăm sóc sức khỏe sẽ bị suy yếu và sức khỏe của tất cả mọi người trên toàn thế giới có thể được cải thiện.