Murod Ismailov, James Harry Morris và Carole Faucher
Murod Ismailov là Giáo sư trợ giảng tại Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Tsukuba, Nhật Bản. E-mail: Ismailov.murod.gm@u.tsukuba.ac.jp.
James Harry Morris là Giáo sư trợ giảng tại Viện Nghiên cứu nâng cao, Đại học Waseda, Nhật Bản. E-mail: morrisjamesharry@gmail.com.
Carole Faucher là Giáo sư tại Viện Giáo dục, Cộng đồng và Xã hội, Đại học Edinburgh, Vương quốc Anh. Email: carole.faucher@ed.ac.uk.
Tóm tắt
Du học xuyên quốc gia được coi là yếu tố quan trọng của quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học. Một khu vực thường bị bỏ qua trong những cuộc tranh luận về chủ đề này là Trung Âu Á. Trong bài phân tích này, chúng tôi đưa ra quan điểm rằng, không giống những nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác, quốc tế hóa giáo dục đại học ở khu vực này phụ thuộc vào một cấu hình phức tạp gồm các lực lượng thị trường, hiện đại hóa, và hệ tư tưởng.
———
Với tổng dân số gần 100 triệu người (trong đó hơn 60% dưới 25 tuổi), các quốc gia Trung Âu Á – Armenia, Azerbaijan, Georgia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan – cho thấy một trường hợp độc nhất vô nhị về quốc tế hóa giáo dục đại học (GDĐH).
Con đường đầy chông gai
Sau khi rời khỏi Khối phía Đông do Moscow thống trị vào đầu những năm 1990, những quốc gia này có cách tiếp cận chính sách quốc tế hóa khác nhau: Một số tích cực mở rộng các chương trình trao đổi đại học với các trường đại học phương Tây (như Georgia và Kyrgyzstan), một số mở rộng quan hệ với các trường đại học Nga (như Armenia và Tajikistan), và một số tạm dừng hoàn toàn những hoạt động như vậy (như Turkmenistan).
Không giống các nước cộng hòa Baltic thuộc Liên Xô cũ như Estonia, Latvia và Lithuania – những nước đã tham gia Liên minh châu Âu vào năm 2004 và tích hợp vào khuôn khổ Bologna nội vùng của liên minh, con đường hội nhập với các hệ thống giáo dục quốc tế trở nên chông gai đối với những nước cộng hòa Nam Caucasus và Trung Á. Quá trình này có thể được giải thích thông qua “bộ ba” lực lượng thị trường, hiện đại hóa và hệ tư tưởng.
Lực lượng thị trường
Khi xem xét việc tăng cường quan hệ và hình thành liên minh với các trường đại học ở nước ngoài để cung cấp cơ hội tiếp xúc quốc tế cho sinh viên và giảng viên của mình, các trường đại học mới ở khu vực này áp dụng những mô hình phát triển tương tự như các tổ chức kinh doanh. Không giống các trường đại học công lập thông thường, những tổ chức này tìm cách cải thiện những kỹ năng cứng, mềm và đa văn hóa cho sinh viên của mình. Ví dụ Đại học TEAM ở Uzbekistan, được thành lập bởi một nhóm các doanh nhân địa phương hợp tác học thuật với Đại học London South Bank, hứa hẹn cung cấp một chương trình đào tạo trên nền tảng thực hành, yêu cầu cao về học thuật, và phù hợp về mặt xã hội. Một trường tư thục khác, Đại học Kỹ thuật Kazakhstan- Anh, được thành lập tại Almaty với sự hợp tác của Đại học Luân Đôn và Trường Kinh tế & Khoa học Chính trị Luân Đôn – tuyên bố rằng nền giáo dục đẳng cấp thế giới sẽ giúp sinh viên của họ cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, thể hiện qua việc họ sẽ được nhận vào những công ty đa quốc gia và những trường đại học hàng đầu thế giới.
Một yếu tố thúc đẩy quan trọng khác khuyến khích liên kết với các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài là giữ chân những nhân tài hàng đầu ở trong nước và ngăn tình trạng chảy máu chất xám. Một ví dụ là Đại học Nazarbayev và đối tác của họ là Đại học Cambridge và Đại học Quốc gia Singapore. Chương trình học bổng quốc gia Bolashak ít đầu tư cho sinh viên ra nước ngoài du học, mà đầu tư nhiều hơn cho những sinh viên đang theo học tại Đại học Nazarbayev.
Khu vực này đang chứng kiến sự tăng trưởng chậm nhưng ổn định của các trường, chẳng hạn như Đại học Alterbridge và Đại học Châu Âu ở Georgia, đang tìm cách định vị đất nước họ như những nền kinh tế tri thức quốc tế đáng tin cậy và sử dụng các trường đại học làm phương tiện để thực hiện những mục tiêu xây dựng đất nước. Điểm chung của những trường đại học này là đưa ra một chiến lược mới – đào tạo sinh viên đủ năng lực đón nhận công việc tương lai trong môi trường làm việc quốc tế phát triển nhanh, có tính cạnh tranh cao. Việc tập trung vào giáo dục đại học quốc tế sẽ giúp những trường đại học này nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế theo quy mô của họ, và mang lại nguồn tài chính để phát triển trong tương lai. Những trường đại học này được các cơ quan chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư công nhận cũng là một dấu hiệu cho thấy xu hướng thị trường hóa giáo dục trong khu vực.
Đang chuẩn hóa?
Tính minh bạch và tính liêm chính học thuật thường được coi là đương nhiên trong các trường đại học phương Tây. Những giá trị này hình thành chậm chạp, đặc biệt ở những nước Xô Viết trước đây. Mặc dù tham nhũng trong giáo dục đại học có nhiều hình thức biểu hiện khác nhau, trong bối cảnh Trung Âu Á, nó thường được nhận diện dưới dạng những khoản tiền mờ ám để đổi lấy lợi ích học tập giữa một số giảng viên, sinh viên và nhà quản lý. Bắt nguồn sâu xa từ hệ thống quản lý yếu kém kiểu Liên Xô, và do thiếu nguồn tài chính dành cho việc khuyến khích chất lượng giảng dạy và tính minh bạch, tham nhũng tiếp tục tồn tại đến hôm nay và rất phổ biến trong các trường đại học do chính phủ điều hành.
Tham nhũng liên quan thế nào đến quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học? Các nhà hiện đại hóa của khu vực ngày càng nhận thức rõ rằng chỉ mức lương cao cho giảng viên hoặc các cáo buộc hình sự đối với những hành vi sai trái không thể ngăn chặn tham nhũng, và rằng vấn đề cần được giải quyết theo những cách mới. Một cách tiếp cận mà các chính phủ dường như đang thực hiện là hỗ trợ thành lập các phân hiệu đại học nước ngoài. Đây thường là những tổ chức được quản lý, hoặc đồng quản lý bởi những người nước ngoài được trả lương cao. Chỉ riêng Uzbekistan đã mời hàng chục trường đại học khác nhau mở các học xá vệ tinh, bao gồm Đại học Westminster, Đại học Inha, Đại học Webster, Đại học Bách khoa Torino, Đại học Quản lý Singapore, và những trường khác. Tầm nhìn dài hạn là nội địa hóa những thực tiễn tốt nhất liên quan đến tính liêm chính học thuật và tính minh bạch mà những trường đại học này có, và áp dụng những bài học này để cuối cùng hiện đại hóa toàn bộ hệ sinh thái giáo dục. Một điều kiện thuận lợi khác nữa để nội địa hóa những phương pháp hay nhất là thông qua hoạt động trao đổi giảng viên và sinh viên thường xuyên với các trường nước ngoài. Trong khi một số trường đại học, chẳng hạn như Đại học Tự do Kazakh – Mỹ, khuyến khích đối thoại cởi mở hoặc thực hiện những kế hoạch hành động có mục tiêu xóa bỏ tham nhũng trong giáo dục đại học, phương pháp tiếp cận nội địa hóa được thực hiện bởi một số chính phủ – nuôi dưỡng văn hóa học thuật liêm chính – có thể hiệu quả hơn về lâu dài.
Bất kỳ cuộc thảo luận nào về sự chuyển đổi thời hậu Xô Viết, kể cả trong giáo dục đại học, sẽ là không đầy đủ nếu không đề cập đến chủ đề về quyền bá chủ và hệ tư tưởng.
Cùng nhau phát triển… đơn độc: Vì sao Ukraine lại quan trọng?
Bất kỳ cuộc thảo luận nào về sự chuyển đổi thời hậu Xô Viết, kể cả trong giáo dục đại học, sẽ là không đầy đủ nếu không đề cập đến chủ đề về quyền bá chủ và hệ tư tưởng. Nếu gạt vấn đề sản lượng thương mại sang một bên, rất lâu sau khi Liên Xô tan rã, Điện Kremlin tiếp tục duy trì ảnh hưởng của họ trong khu vực bằng cách tạo ra những cơ sở đại học chung ở khắp khu vực Trung Âu Á. Một số ví dụ bao gồm Đại học Slavonic Nga – Tajik, Đại học Xlavơ Kyrgyzstan – Nga, Đại học Nga – Armenia, và chi nhánh mới thành lập của Đại học MGIMO ở Uzbekistan. Mặc dù những dự án này về mặt kỹ thuật có thể đại diện cho các trường hợp quốc tế hóa, chúng không giúp ích cho quá trình hiện đại hóa hệ sinh thái giáo dục quốc gia hoặc thúc đẩy giáo dục đại học quốc tế, bởi vì chúng được bôi trơn về mặt chính trị và nhằm mục đích củng cố quyền bá chủ chính trị và ý thức hệ trong khu vực.
Trong bối cảnh Nga gây hấn với Ukraine vào năm 2022, và ở mức độ ít hơn, nhưng không phải là không đáng kể, nếu tính đến nhận xét của Tổng thống Belarus về khả năng các nước cộng hòa Trung Á gia nhập Liên minh Nga – Armenia (tức là một phiên bản Liên Xô hiện đại), các quốc gia trong khu vực sẽ cân nhắc kỹ lưỡng về hậu quả dài hạn của quá trình “quốc tế hóa giáo dục” do Nga dẫn dắt. Do một phần hiểu được những mối nguy hiểm này từ rất lâu trước cuộc xâm lược của Nga năm 2022, và phần khác được thúc đẩy bởi những xu hướng rộng lớn hơn của dân chủ hóa, đa nguyên hóa và hiện đại hóa theo hướng thị trường, một số chính quyền đang cho phép thành lập song song những thể chế kiểu phương Tây. Những ví dụ về Học viện OSCE ở Bishkek, Đại học Trung Á Hoa Kỳ, Đại học Kazakh – Mỹ và Đại học Georgia – Mỹ cho thấy cuộc tranh luận về quốc tế hóa ở khu vực Trung Âu Á không thể tách rời khỏi những tuyên ngôn về hệ tư tưởng và quyền bá chủ.
Tóm lại, tương lai của giáo dục đại học quốc tế ở Trung Âu Á dường như vẫn phụ thuộc nhiều vào bộ ba ảnh hưởng phức tạp: các lực lượng thị trường, hiện đại hóa và hệ tư tưởng. Do các nước ở khu vực Trung Âu Á có nhiều điểm tương đồng đáng kể về lịch sử/ chính trị và kinh tế xã hội, luận điểm về “bộ ba ảnh hưởng” này giúp hiểu được định hướng tương lai của giáo dục đại học liên quốc gia trong khu vực.