Thi tuyển sinh đại học chung ở Ấn Độ

Emon Nandi

Emon Nandi là Nghiên cứu viên sau tiến sĩ chương trình Fulbright – Nehru, là Cộng tác viên của Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE), Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: nandi.emon@gmail.com.

Tóm tắt

Chính sách giáo dục quốc gia 2020 ủng hộ những cải cách triệt để trong giáo dục đại học của Ấn Độ. Việc triển khai Thi Tuyển sinh Đại học chung vào các trường đại học trung ương là một trong những biện pháp như vậy: được kỳ vọng tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí của sinh viên, và giải quyết được vấn đề các trường đại học và cao đẳng đặt ra mức sàn điểm chuẩn (trúng tuyển) quá cao. Nhưng điều đó có thể dẫn đến sự gia tăng các lò luyện thi, hạn chế cơ hội tiếp cận của sinh viên từ những tầng lớp xã hội dễ bị tổn thương. Và cũng có thể hạn chế quyền tự chủ của các trường đại học trong việc lựa chọn sinh viên, và làm xói mòn sự đa dạng

———

Chính sách Giáo dục Quốc gia (NEP) 2020 báo hiệu một sự chuyển đổi lớn trong giáo dục đại học Ấn Độ thông qua các điều chỉnh lớn, và bằng cách thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục. Theo sau NEP 2020, Ủy ban Tài trợ Hợp nhất (UGC – University Grants Commission) đã khởi xướng những cải cách quan trọng có tác động lâu dài đến sinh viên, giảng viên và các cơ sở giáo dục. Việc triển khai Thi Tuyển sinh Đại học chung (CUET – Common University Entrance Test) áp dụng cho các chương trình đại học và sau đại học trong các trường đại học là một trong những biện pháp như vậy. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với quyền tiếp cận, chất lượng và sự đa dạng ở một quốc gia liên bang cực kỳ đa dạng như Ấn Độ. Kỳ thi tuyển sinh sau trung học phổ thông được xem là quan trọng và đang gây tranh cãi ở khắp nơi. Do đó, cuộc tranh luận hiện nay ở Ấn Độ còn có ý nghĩa toàn cầu.

CUET là gì?

Các trường đại học trung ương (central university) ở Ấn Độ được chính phủ trung ương tài trợ và trực thuộc sự quản lý của Bộ Giáo dục. Hiện cả nước có 54 trường đại học trực thuộc trung ương. Thông thường, các trường đại học và cao đẳng tuyển sinh dựa trên điểm số của kỳ thi tiêu chuẩn cuối lớp 12, hoặc thông qua kỳ thi đầu vào do các trường thực hiện. CUET tìm cách thay đổi quy trình tuyển sinh hiện tại bằng cách thực hiện một kỳ thi đầu vào chung cho các chương trình học của bất kỳ trường đại học nào trên toàn quốc muốn tham gia. Đó là một bài kiểm tra trên máy tính bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm trong 3 phần (ngôn ngữ, môn học cụ thể, và tổng quát), được thực hiện bằng 13 ngôn ngữ.

Vào năm 2021, UGC khuyến khích tất cả các trường đại học trung ương áp dụng Bài thi đầu vào các trường Đại học Trung ương (CUCET – Central University Common Entrance Test) để tuyển sinh vào các chương trình đại học và sau đại học. Việc thực hiện thử nghiệm được giao cho Vụ Khảo thí, một cơ quan độc lập trực thuộc Bộ Giáo dục. Tuy nhiên, năm ngoái chỉ có 14 trường đại học trung ương quyết định áp dụng CUCET. Năm nay, UGC yêu cầu tất cả các trường đại học trung ương triển khai CUCET và khuyến khích những trường đại học khác cũng áp dụng hệ thống này. Do đó, kỳ thi hiện được đổi tên thành Thi Tuyển sinh Đại học chung (CUET – Common University Entrance Test). Cuối cùng, 12 trường đại học tiểu bang, 11 trường (được coi là) đại học và 19 trường đại học tư thục đã áp dụng CUET để tuyển sinh vào các chương trình đại học. Đến tháng 5/2022, 1.151.319 thí sinh đã đăng ký thi CUET cho năm học 2022 – 2023. Việc đăng ký áp dụng CUET để tuyển sinh sau đại học cũng đang diễn ra tại thời điểm bài báo này đang được thực hiện.

Những tác động tích cực tiềm năng

UGC lập luận rằng CUET sẽ mang lại lợi ích to lớn cho sinh viên, cho phép họ thực hiện chỉ một bài kiểm tra để tìm kiếm cơ hội trúng tuyển vào bất kỳ chương trình học nào tại những trường đại học tham gia hệ thống này. Trước đây, sinh viên phải đăng ký riêng lẻ vào từng trường đại học và từng trường cao đẳng trực thuộc đại học. Họ phải trả lệ phí cho mỗi nơi họ đăng ký và tham gia vào nhiều kỳ thi. CUET sẽ giúp họ tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc.

Ngoài ra, CUET sẽ giải quyết được vấn đề khác biệt trong cách chấm điểm ở một số khu vực và hội đồng quốc gia giáo dục phổ thông. Ở Ấn Độ, kỳ thi tiêu chuẩn lớp 12 được tiến hành bởi một số hội đồng có hệ thống chấm điểm rất khác nhau. Để tạo lợi thế cho học sinh của mình, một số hội đồng thường nâng điểm trong bài kiểm tra cuối kỳ. Kết quả là, trong những năm gần đây điểm trúng tuyển vào các chương trình UG, đặc biệt tại những trường uy tín, được quy định ở mức rất cao. Ví dụ, vào năm 2021, Hindu College trực thuộc Đại học Delhi chỉ tuyển vào chương trình cử nhân kinh tế những thí sinh đạt tối thiểu 99% tổng điểm của kỳ thi tiêu chuẩn lớp 12. Tương tự, một trường cao đẳng khác, Miranda House, chỉ tuyển những thí sinh đạt tối thiểu 99,25% tổng điểm vào ngành khoa học chính trị. Hệ thống tuyển chọn cao bất thường này chắc chắn là bất công đối với những thí sinh đến từ những hội đồng có hệ thống chấm điểm nghiêm ngặt. Tuy nhiên, những trường đại học tham gia vào CUET vẫn có thể đặt ra yêu cầu mức điểm tối thiểu của kỳ thi tiêu chuẩn lớp 12 như một điều kiện cần.

Hơn nữa, CUET cho phép thí sinh đăng ký bất ngành học nào, mà không phụ thuộc vào việc họ học những môn nào ở cấp trung học phổ thông. Tuy nhiên, việc thí sinh đủ điều kiện vào học hay không lại do các trường đại học quy định. CUET cũng tạo thêm cơ hội cho những thí sinh không đạt thành tích tốt trong kỳ thi tiêu chuẩn lớp 12. Vì không có quy định mức điểm tối thiểu để tham gia CUET, giờ đây họ có thể tìm kiếm cơ hội để vào những trường đại học họ muốn dựa trên điểm CUET.

CUET nhiều khả năng dẫn đến sự xuất hiện như nấm của các lò luyện thi, như đã từng xảy ra với các kỳ thi cấp quốc gia khác.

Sự hoài nghi

Có một vài vấn đề liên quan khiến cộng đồng học thuật hoài nghi về hiệu quả của CUET. Thứ nhất, các trường đại học Ấn Độ rất khác nhau về lịch sử, danh tiếng, chất lượng, quy mô, ngành học, mục tiêu và kế hoạch của họ. Cho đến nay, các trường đại học và các khoa tương ứng của họ có quyền tự chủ đặt ra những tiêu chí tuyển sinh riêng hướng đến những năng lực cụ thể mà họ muốn thấy ở sinh viên. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những ngành thuộc khoa học xã hội và nhân văn mà các trung tâm hoặc trường học có thể có những cách tiếp cận rất khác nhau. Do đó, CUET khiến họ bị hạn chế quyền tự quyết trong việc tuyển chọn những sinh viên phù hợp nhất với những ngành học của họ.

Thứ hai, CUET nhiều khả năng dẫn đến sự xuất hiện như nấm của các lò luyện thi, như đã từng xảy ra với các kỳ thi cấp quốc gia khác. Ở Ấn Độ, hơn 1/5 tổng số học sinh ở tất cả các cấp học chọn học thêm ở những cơ sở giáo dục bên ngoài. Hiện tượng này được gọi là “giáo dục ăn theo”, được vận hành song song với hệ thống giáo dục chính thức. Xu hướng học sinh tìm đến những lò luyện thi tư nhân tăng lên đáng kể ở cấp trung học phổ thông, nhằm chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học cấp quốc gia vào những chương trình kỹ thuật và y tế. Do đó, CUET cũng được cho là sẽ dẫn đến sự xuất hiện như nấm các cơ sở tư nhân luyện thi vào các chương trình học chung chung. Một số tổ chức đã bắt đầu quảng cáo về những dịch vụ luyện thi CUET của họ chỉ một ngày sau khi nó được UGC chính thức công bố. Liên quan đến những kỳ thi quốc gia khác, tình trạng này có thể là một trở ngại đối với học sinh xuất thân từ những thành phần kinh tế xã hội dễ bị tổn thương, những người không đủ khả năng trả tiền để học thêm.

Thứ ba, CUET làm suy yếu vai trò của giáo dục nhà trường ở cấp phổ thông trung học, vì kết quả của kỳ thi hội đồng tiêu chuẩn lớp 12 không còn được sử dụng để tuyển sinh vào các chương trình đại học. Tuy nhiên, điểm thi tiêu chuẩn lớp 12 vẫn được sử dụng để xét tuyển vào những trường khác ngoài 66 trường đại học đã chọn CUET. Nhưng UGC cuối cùng đã yêu cầu tất cả các trường đại học áp dụng CUET. Động thái này làm hạn chế vai trò của giáo dục phổ thông trung học trong việc định hình con đường nghề nghiệp tương lai của học sinh. UGC lập luận rằng CUET phản ánh mối tương quan cao giữa điểm tiêu chuẩn lớp 12 và điểm CUET. Nhưng CUET được xây dựng dựa trên chương trình do Hội đồng Nghiên cứu và Đào tạo Giáo dục Quốc gia thiết kế, được hầu hết các hội đồng quốc gia tuân theo. Trong khi các hội đồng phổ thông trung học khu vực tuân theo một chương trình giảng dạy khác, và điều này khiến cho học sinh của họ khó đạt điểm cao trong CUET.

Kết luận

Ở nhiều quốc gia, thi tuyển sinh đại học cấp quốc gia là điều kiện tiên quyết để tiếp cận giáo dục đại học. Những thách thức độc đáo mà nó đặt ra ở Ấn Độ có nguồn gốc từ hệ thống giáo dục thuộc địa định hướng thi cử. Với sự cách biệt trong kỹ thuật số và bất bình đẳng trong điều kiện xã hội của Ấn Độ, một bài thi tiêu chuẩn hóa dựa trên máy tính chỉ bao gồm những câu hỏi trắc nghiệm sẽ hạn chế khả năng tư duy và chia sẻ quan điểm của học sinh. Sự cào bằng này làm xói mòn tính đa dạng của các cơ sở giáo dục đại học. Thay vì triển khai một kỳ thi tiêu chuẩn trên toàn quốc vào lúc này, tập trung vào việc cải thiện chất lượng và cơ hội tiếp cận các trường phổ thông và các cơ sở giáo dục đại học công lập có thể là một cách tiếp cận tốt hơn để cải thiện hệ thống giáo dục Ấn Độ.