Điều còn thiếu trong Lộ trình Tương lai của UNESCO: Sứ mệnh nghiên cứu của các trường đại học

Philip G. Altbach và Hans de Wit

Philip G. Altbach là Giáo sư nghiên cứu và thành viên xuất sắc, và Hans de Wit là Giáo sư danh dự và thành viên xuất sắc tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. Email: altbach@bc.edu và dewitj@bc.edu.

Bài báo này đã được đăng trên University World News, ngày 4/6/2022.

Tóm tắt

Lộ trình Tương lai của UNESCO năm 2022 đề cập rất ít đến nghiên cứu mặc dù đó là sứ mệnh trọng tâm của các trường đại học. Việc hầu hết các trường đại học tập trung chủ yếu vào giảng dạy và ứng dụng phục vụ xã hội và nền kinh tế là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, dù chỉ chiếm số ít trên toàn thế giới, các trường đại học chuyên sâu về nghiên cứu lại vô cùng quan trọng đối với khoa học và đổi mới toàn cầu. Chức năng và vai trò của những trường này không đáng bị UNESCO bỏ qua.

———

UNESCO có cho rằng sứ mệnh nghiên cứu truyền thống của các trường đại học vẫn phù hợp trong thế kỷ XXI không? Rõ ràng là không. “Vượt ra ngoài giới hạn: Cách thức mới để đổi mới giáo dục đại học” – bản Lộ

trình được công bố bởi Hội nghị Giáo dục Đại học Thế giới vừa kết thúc tại Barcelona, Tây Ban Nha – chỉ đề cập sơ qua và chủ yếu là gián tiếp đến sứ mệnh nghiên cứu. Hạ thấp, hoặc gần như hoàn toàn bỏ qua, vai trò của các trường đại học trong nghiên cứu là một sai lầm rất lớn, và không giúp ích cho khoa học, học thuật hay tương lai của giáo dục đại học. Lộ trình cũng không nói nhiều đến một số vấn đề trọng tâm khác của giáo dục đại học, trong đó có việc tài trợ cho doanh nghiệp học thuật và khu vực giáo dục đại học tư nhân đang phát triển. Một thiếu sót nữa là quốc tế hóa dù được nhắc đến, nhưng hầu như chỉ tập trung vào hoạt động du học, công nhận bằng cấp và quan hệ đối tác, mà không đề cập đến quốc tế hóa chương trình giảng dạy tại chỗ hoặc học tập toàn cầu cho tất cả mọi người. Nhấn mạnh giáo dục đại học như một lợi ích công và quyền con người nghe thì hay, nhưng có vẻ khá ngây thơ khi bỏ qua hai chủ đề chính: đại chúng hóa, dẫn đến sự gia tăng khu vực tư nhân; và nền kinh tế tri thức, một mặt dẫn đến gia tăng bất bình đẳng và mặt khác làm tăng nhu cầu nghiên cứu. Về mặt tích cực, nhiều điều khác được nhấn mạnh một cách hữu ích: tự do học thuật, tính bền vững, trải nghiệm học tập toàn diện của sinh viên, tính hòa nhập, tính đa dạng và những chủ đề quan trọng và đáng giá khác. Một điều tích cực nữa là Lộ trình kêu gọi nghiên cứu nhiều hơn và đổi mới giáo dục đại học gắn với phát triển năng lực.

UNESCO, và có lẽ cộng đồng giáo dục đại học toàn cầu nói chung, cần được nhắc nhở rằng nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản, là nhiệm vụ trọng tâm của các trường đại học kể từ khi thành lập Đại học Berlin năm 1810. Theo truyền thống, những chức năng cốt lõi của trường đại học hiện đại là giảng dạy, nghiên cứu và dịch vụ. UNESCO dường như đã quên mất tầm quan trọng của nghiên cứu. Điều này đặc biệt là vấn đề trong một thế giới lấy khoa học làm nền tảng của thế kỷ XXI, trong đó bao gồm vai trò trung tâm của trường đại học trong khoa học xã hội và nhân văn, chìa khóa để hiểu văn hóa và xã hội và cung cấp bối cảnh xã hội cho khoa học cứng.

Như Beyond Limits minh họa, trường đại học đương đại được yêu cầu đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn bao giờ hết, thường trong điều kiện nguồn lực ngày càng giảm. Các chính phủ, các phương tiện truyền thông và những giới khác liên tục yêu cầu giới học thuật “tự tái tạo” để phục vụ những mục đích đa dạng này, theo nhiều cách thức khiến cho một cơ sở đào tạo từng thành công đáng kể qua nhiều thế kỷ rời xa những trách nhiệm cốt lõi của mình. Bỏ qua tầm quan trọng của nghiên cứu trong tiến trình này là rất nguy hiểm: Những thách thức toàn cầu đang đe dọa xã hội của chúng ta, như được nhấn mạnh trong tuyên bố của UNESCO – trái lại, đang đòi hỏi tăng cường sự quan tâm và tăng nguồn lực dành cho nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu.

Tính phức tạp của chức năng nghiên cứu

Sự đóng góp của các trường đại học vào việc sản xuất nghiên cứu và sự tiến bộ khoa học và xã hội là không thể nghi ngờ, và có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu cơ bản. Một trong nhiều minh chứng về những đóng góp này là sự phát triển và tiến bộ của công nghệ vắc-xin mRNA, dẫn đến sự thành công nhanh chóng của vắc-xin COVID-19. Các nhà khoa học đoạt giải Nobel đã thực hiện nghiên cứu cơ bản ở các trường đại học và viện nghiên cứu – và khám phá của họ là cơ sở của công nghệ ứng dụng được sử dụng cho vắc-xin. Có thể liệt kê vô số những ví dụ khác nữa.

Hạ thấp, hoặc gần như hoàn toàn bỏ qua, vai trò của các trường đại học trong nghiên cứu là một sai lầm rất lớn, và không giúp ích cho khoa học, học thuật hay tương lai của giáo dục đại học.

Các trường đại học là lực lượng tiên phong trong nghiên cứu; nhưng, ở một số quốc gia, họ không phải là ngôi nhà nghiên cứu duy nhất. Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và một số quốc gia khác có những tổ chức nghiên cứu riêng biệt, được tài trợ công, đang ngày càng hợp tác hoặc thậm chí sáp nhập với các trường đại học. Trong thời đại đại chúng hóa, không phải trường đại học nào cũng tập trung vào nghiên cứu. Thật vậy, chỉ một số ít các trường đại học, phần lớn ở khu vực Bắc bán cầu, là những tổ chức nghiên cứu chuyên sâu. Hoa Kỳ có khoảng 300 trường đại học tham gia sâu vào nghiên cứu. Úc có “Nhóm Tám” là các trường đại học danh tiếng nhất chuyên sâu về nghiên cứu; và Vương quốc Anh có “Nhóm Russell”. Việc hầu hết các trường đại học và hầu hết các học viện tập trung chủ yếu vào giảng dạy và ứng dụng phục vụ xã hội và nền kinh tế là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, những trường đại học nghiên cứu chuyên sâu “đẳng cấp thế giới” – mặc dù chỉ là một thiểu số nhỏ – lại giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với khoa học và đổi mới toàn cầu. Chức năng và vai trò của họ trong hệ thống tri thức toàn cầu không đáng bị UNESCO hoàn toàn bỏ qua.

Vốn luôn chú trọng đến khu vực Nam bán cầu và vai trò của giáo dục trong phát triển kinh tế xã hội, UNESCO cũng cần chú ý đến vai trò của các trường đại học nghiên cứu và xây dựng năng lực nghiên cứu ở khu vực này, để phục vụ nhu cầu địa phương và phá vỡ sự thống trị của miền Bắc trong khía cạnh đó .

Các trường đại học nghiên cứu và nghiên cứu chuyên sâu có vai trò trọng yếu đối với giáo dục đại học và quyết định đối với tương lai của xã hội và sự tồn tại của hành tinh.