Douglas L. Robertson là Giáo sư về giáo dục đại học, Đại học Quốc tế Florida, Hoa Kỳ. Email: drobert@fiu.edu.
Nazgul Bayetova là Học giả xuất sắc sau tiến sĩ tại Đại học Quốc tế Florida. Email: nbaye001@fiu.edu.
—
Tóm tắt
Bài viết này mô tả 5 nghịch lý của hệ thống giáo dục đại học mới nổi ở Kazakhstan: chủ nghĩa dân tộc toàn cầu; kiểm soát sự phi điều tiết; “cho để được lợi”; chủ nghĩa cá nhân cộng đồng; và sụp đổ do phát triển. Để có nhiều thông tin phục vụ phân tích, chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu định tính chi tiết những bài phát biểu chính thức của Tổng thống Nursultan Nazarbayev (giai đoạn 1990–2019) và tài liệu chính sách của chính phủ của ông. Bài bình luận này được viết trong bối cảnh những cuộc nổi dậy gần đây ở Kazakhstan và cuộc chiến ở Ukraine.
—
Bài viết này thảo luận về hệ thống giáo dục đại học mới nổi của Kazakhstan. Để rõ ràng, chúng tôi không chắc liệu bài bình luận này có phản ánh đúng về quỹ đạo phát triển hay sự thay đổi của nó hay không.
Cộng hòa Kazakhstan độc lập ra đời năm 1991. Tổng thống đầu tiên là Nursultan Nazarbayev (24/4/1990 – 20/3/2019). Kế nhiệm ông ta là đồng minh của ông – Kassym-Jomart Tokayev. Nhiều người nghĩ rằng Nazarbayev vẫn đang điều hành đất nước. Vào 2/1/2022, “Tháng Giêng đẫm máu” nổ ra ở Kazakhstan, dưới hình thức những cuộc diễu hành và biểu tình đi kèm bạo lực liên quan trực tiếp đến quyết định tăng đáng kể giá khí đốt hóa lỏng trước đó một ngày, và nói chung bắt nguồn từ sự bất mãn với chính phủ và với nền kinh tế bất bình đẳng. Mười ngày sau, vào 11/1/2022, sau khi 227 người đã chết và gần 10.000 người bị bắt, Tokayev tuyên bố trật tự đã được khôi phục. Quân đội Nga xuất hiện trên đường phố khôi phục trật tự đó bằng vũ lực như một phần của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể giữa Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan. Ngay sau đó, vào 24/2/2022, Nga tấn công Ukraine. Khi chúng tôi viết bài này cuộc chiến vẫn tiếp tục. 19% dân số Kazakhstan là người gốc Nga và sống tập trung gần biên giới với nước Nga. Bảo vệ người gốc Nga là một trong những lý lẽ của chính phủ Nga biện minh cho việc tấn công Ukraine. Nhiều người Kazakhstan đang trong tình thế bấp bênh.
Trong bối cảnh này, bài viết của chúng tôi bàn về hệ thống giáo dục đại học mà Nazarbayev đã xây dựng ở Kazakhstan khi còn là tổng thống. Những bài phát biểu chính thức và tài liệu chính sách của Nazarbayev cho thấy 5 nghịch lý ảnh hưởng đến giáo dục đại học Kazakhstan trong giai đoạn bất ổn này.
Chủ nghĩa dân tộc toàn cầu
Nazarbayev muốn củng cố lòng tự hào dân tộc hướng nội bằng cách “hướng ngoại” tới quan hệ quốc tế. Tầm nhìn của Nazarbayev về việc phát triển hệ thống giáo dục đại học Kazakhstan hợp nhất với động lực này. Các nhà lãnh đạo Kazakhstan đã chọn sử dụng những lợi thế về tài nguyên, chẳng hạn như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên dồi dào, để tài trợ cho quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung kế hoạch hóa dựa vào tài nguyên sang nền kinh tế tri thức định hướng thị trường. Một yếu tố quan trọng trong chiến lược này là phát triển một hệ thống giáo dục đại học chất lượng cao, chịu ảnh hưởng của những tiêu chuẩn và thông lệ phương Tây. Chiếc vương miện ngọc của hệ thống này là Đại học Nazarbayev, được thành lập vào năm 2010, được hình dung là lá cờ đầu của giáo dục đại học quốc gia. Nazarbayev từng nói về tầm quan trọng của nó trong diễn văn tổng thống năm 2009 của mình “sự thành lập trường đại học mới là dự án quốc gia quan trọng nhất… [Dự án này] sẽ tác động đáng kể đến nhiều người dân Kazakhstan và sự phát triển xương sống của đất nước. Tôi tin rằng trường đại học mới… nên được tạo ra như một thương hiệu quốc gia, kết hợp hài hòa bản sắc của Kazakhstan với thực tiễn giáo dục quốc tế và khoa học kỹ thuật tốt nhất”. Hệ thống giáo dục đại học toàn cầu hóa của Kazakhstan sẽ thúc đẩy bản sắc riêng và niềm tự hào dân tộc, đặc biệt ở thế hệ trẻ – những người tham gia vào hệ thống và trực tiếp hưởng lợi từ nó.
Kiểm soát sự phi điều tiết
Chủ nghĩa toàn cầu được thúc đẩy bởi mô hình tân tự do chiếm ưu thế ở những quốc gia thu nhập cao, và định hình rõ ràng chính sách cho vay của những thực thể quốc tế đang tài trợ cho sự phát triển của Kazakhstan, chẳng hạn như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Trung Á. Quan điểm tân tự do cho rằng thế giới phải là một hệ thống thị trường và chuỗi cung ứng lớn, không bị điều tiết. Những nước phương Tây có thu nhập cao là mô hình thành công của chủ nghĩa tân tự do. Những quốc gia có thu nhập thấp có xu hướng áp dụng những chính sách thành công, và Nazarbayev có lý khi áp dụng mô hình giáo dục đại học của Hoa Kỳ nói riêng. Một nguyên lý tân tự do là tư nhân hóa, thể hiện dưới nhiều hình thức trong giáo dục đại học của Mỹ, có lẽ hình thức cơ bản nhất là các trường cao đẳng hoặc đại học tư thục. Ở Kazakhstan, 60 trường đại học tư thục mới đã được thành lập tại các thị trường đô thị lớn sau khi thực hiện Luật Giáo dục Đại học năm 1993. Mỗi tổ chức mới thành lập bắt buộc phải được Bộ Giáo dục & Khoa học cấp phép. Mặc dù có vẻ ngoài là một thị trường giáo dục đại học phi điều tiết, trên thực tế các quy định vẫn tồn tại thông qua cơ chế cấp phép và cơ chế tham nhũng.
“Cho để được lợi”
Trong diễn văn tổng thống năm 2005, Nazarbayev nhấn mạnh sự cần thiết hỗ trợ tài chính cho những sinh viên xuất sắc, khi nói “Chúng ta có nhiều chàng trai và cô gái tài năng, những người sẵn sàng và có thể trở thành kỹ sư hoặc nhà công nghệ. Thông qua những khoản tài trợ và tín dụng giáo dục, chính phủ sẽ giúp họ một cách rất thực tế. Tôi kêu gọi khu vực tư nhân tham gia tích cực vào sáng kiến này”. Cũng như trong giáo dục đại học tân tự do phương Tây, ngành công nghiệp tín dụng giáo dục nhanh chóng phát triển. Vào thời Xô Viết, giáo dục đại học là miễn phí. Trong mô hình tư nhân hóa thông thường, bạn phải trả tiền để được tự do lựa chọn. Chính phủ không tài trợ hoàn toàn chi phí giáo dục của cá nhân. Các công ty tín dụng tư nhân vì lợi nhuận sẽ lấp đầy khoảng trống này. Năm 2005, Nazarbayev cho phép tất cả các ngân hàng Kazakhstan cung cấp các khoản vay dành cho sinh viên, ngoại trừ Ngân hàng Nhà nước. Những khoản vay này được nhà nước bảo lãnh. Nghịch lý là, sinh viên có nhiều quyền tự do lựa chọn hơn, nhưng cũng bị những khoản nợ ràng buộc nhiều hơn.
Chủ nghĩa cá nhân cộng đồng
Chủ nghĩa tân tự do nhấn mạnh chủ nghĩa cá nhân, cạnh tranh và chế độ đãi ngộ nhân tài. Từ thời cổ đại, văn hóa Kazakhstan được tổ chức xung quanh gia đình và cộng đồng. Thời kỳ Xô Viết (1936–1991) củng cố khuynh hướng văn hóa này đối với chủ nghĩa tập thể. Dưới thời Nazarbayev, sự dịch chuyển sang nền kinh tế thị trường dẫn đến sự chuyển đổi sang chủ nghĩa cá nhân, như diễn văn tổng thống năm 1997 và 1998 cho thấy. Năm 1997, tổng thống nói “quan điểm thế giới gồm nhà nước và tập thể đã được thay thế bằng quan điểm tư nhân và cá nhân và điều này làm đảo ngược mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta”. Năm 1998, ông tuyên bố “trách nhiệm tập thể tương đương với không có trách nhiệm. Trách nhiệm tập thể là kẻ thù của trách nhiệm giải trình”. Ví dụ như trong giáo dục đại học, thay vì mỗi học kỳ các lứa sinh viên tham gia các khóa học giống nhau, các nhà hoạch định chính sách đã tạo cơ hội để sinh viên chọn “con đường học tập riêng”. Sự thay đổi này cho phép sinh viên hoàn thành các khóa học dựa trên sự lựa chọn cụ thể của họ và bằng cấp mong muốn, với mục đích phục vụ sự thịnh vượng của quốc gia (tập thể).
Sụp đổ do phát triển
Tầm nhìn của Nazarbayev tinh tế, chịu ảnh hưởng của phương Tây, có định hướng thị trường, và ông cho rằng người Kazakhstan sẽ trở thành nền tảng của nền kinh tế tri thức mới nổi của đất nước. Là một phần của việc xây dựng nguồn vốn con người này, chính phủ có khuynh hướng độc tài của Kazakhstan thành lập Chương trình học bổng Bolashak để gửi những sinh viên trẻ tài năng đến các trường đại học phương Tây. Nhưng nỗ lực này thực sự có thể phản tác dụng. Các trường đại học phương Tây coi trọng tư duy phản biện, là thứ có thể chống lại chính phủ Kazakhstan và phản đối tham nhũng và áp bức. Thông điệp nghịch lý cho các học giả và sinh viên đại học thuộc chương trình Bolashak là họ cần phát triển tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề để tạo ra của cải và nâng tầm Kazakhstan, nhưng không áp dụng những kỹ năng tương tự cho hệ thống chính trị xã hội đang phân phối quyền lực và sự giàu có.
Những sự kiện lớn, chẳng hạn như chiến tranh, làm lệch quỹ đạo phát triển của các quốc gia và khu vực. Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và chiến tranh nóng tiếp theo có thể gây ra những tác động hệ thống làm thay đổi đường hướng và những mô hình của hệ thống giáo dục đại học mới nổi ở Kazakhstan mà chúng tôi đề cập đến trong bài viết này. Thật khó tin rằng một sự xáo trộn lớn như vậy sẽ không xảy ra. Và, như chúng tôi đã nói, khó hình dung kết cục của nó.