Mở rộng tầm hiểu biết của chúng ta về “nhân lực học thuật quốc tế”: Quốc tịch là dấu ấn mới của sự đa dạng

Giulio Marini là Giảng viên tại Viện nghiên cứu xã hội, Khoa Giáo dục và Xã hội, Đại học College London, Vương quốc Anh. Email: g.marini@ucl.ac.uk.

Tóm tắt

Lực lượng học thuật quốc tế trong giáo dục đại học được coi là tín hiệu của sự hấp dẫn và thành công. Trong bài viết này, chúng tôi thảo luận về những phát hiện của một nghiên cứu gần đây về đội ngũ quốc tế đang làm việc tại Vương quốc Anh. Nhân lực quốc tế hiện đang tham gia vào mọi chức năng học thuật và những liên hệ rộng hơn của các trường đại học, điều này đặt ra vấn đề về sự thích nghi của họ. Quốc tịch dường như là một dấu ấn quan trọng và khác biệt của sự đa dạng.

Đội ngũ giảng viên quốc tế trong giáo dục đại học được coi là tín hiệu của sự hấp dẫn và thành công. Hệ thống nào càng thu hút được nhiều giảng viên quốc tế thì càng được coi là tốt. Vương quốc Anh là một trong những quốc gia hấp dẫn nhiều học giả quốc tế.

Thành công và hạn chế

Tỷ lệ giảng viên quốc tế ở Vương quốc Anh tăng lên liên tục trong những năm qua, đạt 23,4% tổng số giảng viên tương đương toàn thời gian vào năm 2020–2021. Sự tăng trưởng này vẫn tiếp tục bất chấp Brexit gây ra những hoài nghi về sức hấp dẫn của đất nước. Số lượng các học giả EU giảm đi trong những năm qua, nhưng số lượng giảng viên từ ngoài EU đang làm việc ở Vương quốc Anh vẫn nhiều hơn mức cần thiết để bù đắp cho sự sụt giảm đó. Tỷ lệ giảng viên quốc tế cũng có chiều hướng tăng lên trong thời gian tới vì tuổi trung bình của giảng viên người nước ngoài trẻ hơn các đồng nghiệp người Anh của họ. Ví dụ: Giảng viên quốc tế trong độ tuổi 31-35 – là độ tuổi điển hình gia nhập hệ thống học thuật – đại diện cho hơn 35% nhân lực quốc tế.

Các tài liệu nghiên cứu thường nhấn mạnh những lợi ích mà các hệ thống giáo dục đại học nhận được từ việc có thêm giảng viên quốc tế. Thu hút giảng viên quốc tế đã trở thành một vấn đề then chốt. Đó không chỉ là vấn đề cung cấp lao động có giá trị. Sử dụng một số lượng lớn và ngày càng tăng nhân lực quốc tế cũng là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu cao từ phía người sử dụng lao động. Ngày nay, các trường đại học ở Vương quốc Anh rất cần nhân lực quốc tế để vận hành.

Một hướng nghiên cứu khác về lực lượng học thuật quốc tế tập trung vào vấn đề thích nghi, giải quyết những khác biệt về văn hóa. Trong hướng nghiên cứu này, nhân lực quốc tế thường bị coi là nhóm thiểu số. Tuy nhiên, điều này không còn chính xác đối với những hệ thống giáo dục đại học rất thành công trong việc thu hút nhân lực quốc tế. Khi nhân lực quốc tế chiếm một tỷ lệ đáng kể trong lực lượng lao động, họ không còn là một nhóm thiểu số.

Trong bài viết này, chúng tôi thảo luận về những phát hiện của một nghiên cứu gần đây về nhân lực quốc tế làm việc ở Vương quốc Anh. Nghiên cứu này tìm hiểu về sự nghiệp của họ, giả định rằng khi nhân lực quốc tế chuyển từ một nhóm thiểu số nhỏ, ưu tú thành một tỷ lệ đáng kể trong lực lượng lao động, một điều gì đó có thể thay đổi. Ví dụ, nhân lực quốc tế trong các trường đại học của Vương quốc Anh không những được đánh giá là “tài năng” theo những tiêu chí nghiên cứu. Họ cũng đảm nhiệm những chức năng giảng dạy thiết yếu của những nhà cung cấp toàn cầu này. Nhân lực quốc tế không chỉ tập trung ở nhóm nghiên cứu viên sau tiến sĩ. Đội ngũ giảng viên quốc tế chuyên giảng dạy (một hướng sự nghiệp học thuật hình thành gần đây) đại diện cho khoảng 23% lực lượng giảng viên chuyên giảng dạy. Do đó, thiểu số quốc tế ưu tú chỉ làm công việc nghiên cứu đã trở thành quá khứ. Giảng viên quốc tế hiện thực hiện mọi chức năng học thuật và tham gia vào những liên hệ rộng hơn của tổ chức. Những thước đo nâng cao trong giảng dạy và những giải pháp tổ chức tạo ra cơ sở lý luận cho nghiên cứu về vấn đề thích nghi.

Những khía cạnh của sự thích nghi

Phần lớn các tài liệu và thực tiễn hiện có về sự thích nghi không giải thích được những bất ổn xuất phát từ thực tế là nhân lực quốc tế không phải là người bản xứ của hệ thống. Do đó, họ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu các tiêu chuẩn và kỳ vọng – rất nhiều điều trong số đó không được giải thích rõ trong quá trình đào tạo nhân viên, thử việc, tham vấn hoặc tương tự.

Nghiên cứu định tính theo chiều dọc gần đây đã xác định một số mâu thuẫn giữa những giả định của nhân viên quốc tế và bối cảnh của họ. Theo thời gian, đã diễn ra một quá trình đồng hóa, khi các nhân viên quốc tế, thông qua kinh nghiệm của chính họ, hiểu được điều gì là quan trọng và phù hợp, lý do đằng sau một số quy định và thông lệ, và cách thức để thông báo những hành động mà họ dự định thực hiện. Những mô hình thích nghi này cũng là sản phẩm phụ của một hệ thống đang mở rộng và cách thức nó được tổ chức và điều tiết – khiến vấn đề ngày càng trở nên bức thiết.

Về vấn đề này, sẽ hữu ích nếu liệt kê một số khía cạnh thích nghi được phân loại thông qua những phương pháp định tính. Thứ nhất, các thủ tục tiêu chuẩn hóa mới hoặc tăng cường dẫn đến sự thắt chặt cách thực hành quản lý. Thứ hai, so với nhiều quốc gia khác, ở Vương quốc Anh các chỉ số được chú ý nhiều hơn, đặc biệt trong giảng dạy. Thứ ba, các chỉ số luôn đi kèm với những thông lệ thường được ngầm hiểu, và ban đầu là khó hiểu đối với những nhân viên quốc tế mới vào nghề. Những khía cạnh thích nghi khác liên quan đến điều kiện tài trợ nghiên cứu; phong cách quản lý và quan hệ đồng nghiệp khác nhau, và mối quan hệ giữa các cơ quan phi học thuật và học thuật; những kỳ vọng khác nhau liên quan đến trách nhiệm giải trình; và cách thực hành đảm bảo chất lượng khác nhau.

Sự đa dạng

Có thể ngầm hiểu một ý nghĩa khác nữa là một hệ thống giáo dục đại học được quốc tế hóa cao, chẳng hạn như ở Vương quốc Anh, sẽ được hưởng lợi từ nhận thức rằng quốc tịch là một dấu hiệu quan trọng và khác biệt của sự đa dạng trong hệ thống. Đa dạng theo quốc tịch được cho là khác biệt so với những hình thức đa dạng khác. Diễn ngôn hiện tại về những chính sách chống phân biệt đối xử, chẳng hạn như vì khuynh hướng tình dục hoặc sắc tộc – thường được định hình trong một đất nước. Bản sắc dân tộc có thể đại diện cho một kiểu đa dạng bao trùm hơn – một kiểu ứng xử với văn hóa. Bằng chứng thực nghiệm xác nhận rằng kiểu đa dạng này có liên quan khi thảo luận về những người nỗ lực để thăng tiến trên những nấc thang học thuật, đặc biệt trong những năm kinh nghiệm chuyên môn đầu tiên của họ ở Vương quốc Anh.

Khái niệm “người lạ” của Simmel có thể giúp khái quát hóa cách hiểu khía cạnh đa dạng này. Đối với Simmel, “người lạ” là những người đang ở một nơi họ dự tính ở lại lâu dài, nhưng bị người dân địa phương xem như những kẻ ngoại lai. Họ vừa gần vừa xa, cùng lúc là một sự hiện diện ngoại sinh và mới, nhưng vẫn quen thuộc.

Bất chấp thực tế là người ta thường tin rằng giảng viên là những người cởi mở, toàn cầu, đa ngôn ngữ, dễ thích nghi và dễ chấp nhận thay đổi, những vấn đề thích nghi phát sinh từ nguyên nhân quốc tịch có thể xảy ra thường xuyên hơn dự kiến. Các chuẩn mực Merton gợi ý rằng có những giá trị chung mà bất kỳ giảng viên nào cũng đồng ý. Tuy nhiên, các hệ thống giáo dục đại học là khác nhau và những khác biệt này định hình cách thức giảng viên hiểu về vai trò của họ trong hệ thống. Do đó, nghiên cứu này có thể chỉ mới xem xét một phần của vấn đề này.

Giảng viên quốc tế thường mang đến những giả định ngầm khác nhau về mặt thực hành và kỳ vọng. Nghiên cứu này về những vấn đề thích nghi đưa ra một cách giải thích về những thất vọng đôi khi không đáng xảy ra, là thứ cản trở nhân lực quốc tế giải phóng tiềm năng của họ. Những hàm ý của nghiên cứu này liên quan đến bất kỳ nhà cung cấp giáo dục đại học nào thấy cần cân bằng giữa những khác biệt về văn hóa, kỳ vọng về sự mở cửa toàn cầu và việc thắt chặt thêm các thông lệ quản trị.