Giáo dục đại học ở châu Phi: Lĩnh vực phức tạp nhưng ít được nghiên cứu

Nelson Casimiro Zavale là Phó Giáo sư tại Đại học Eduardo Mondlane, Maputo, Mozambique; là cựu thành viên nhóm Nghiên cứu Humboldt tại Đại học INCHER, Kassel, Đức; và là thành viên nhóm Nghiên cứu Fulbright tại Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ. E-mail: nelson. casimiro.zavale@gmail.com.

Tóm tắt

Tương tự những nơi khác, giáo dục đại học ở châu Phi đã trở thành một lĩnh vực hoạt động phức tạp, nhưng hầu như chưa được nghiên cứu. Bài báo này trình bày những phát hiện chính của bài tổng quan hệ thống những nghiên cứu về giáo dục đại học ở châu Phi được xuất bản từ 1980 – 2019, và những ý kiến cho rằng có quá ít, một cách không tương xứng, những nghiên cứu về sự biến đổi của giáo dục đại học châu Phi – những thứ có thể có ý nghĩa quan trọng giúp hiểu rõ những tính năng và sự phát triển của giáo dục đại học và hướng dẫn các nhà hoạch định chính sách và các nhà thực hành.

Rõ ràng là giáo dục đại học (GDĐH) đã trở thành một ngành hoạt động phức tạp. Hầu như ở mọi nơi, các hệ thống GDĐH đều mở rộng và đa dạng hóa, ví dụ như số lượng các nhà cung cấp dịch vụ, chương trình học, đối tượng sinh viên, phân loại giảng viên và quản trị viên, các cơ cấu điều hành và quản trị, các nguồn tài trợ và các chức năng xã hội (ví dụ giáo dục, nghiên cứu, tiếp cận cộng đồng, đổi mới, khởi nghiệp và dịch chuyển xã hội). Sự phức tạp này biện minh cho nhu cầu thường xuyên tạo ra các kiến thức về hiện tượng xã hội của GDĐH.

Hệ thống GDĐH ở châu Phi cũng ngày càng phức tạp. Vào đầu những năm 1970, khi hầu hết các nước châu Phi giành được độc lập, tổng số các cơ sở GDĐH là 94, đào tạo khoảng 200.000 sinh viên. Bức tranh GDĐH khá khiêm tốn này đã thay đổi trong thời kỳ hậu thuộc địa, đặc biệt từ những năm 1990. Nếu như vào cuối những năm 1980, số lượng cơ sở GDĐH mới chỉ tăng thành 152, với khoảng 543.000 sinh viên; thì vào giữa những năm 2010, đã có hơn 1.600 cơ sở GDĐH với hơn 6 triệu sinh viên. Cập nhật số liệu thống kê tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau (đặc biệt là số liệu thống kê từ các bộ hoặc hội đồng quốc gia/ủy ban về GDĐH) chỉ ra rằng vào năm 2020 – 2021, châu Phi có hơn 5.400 cơ sở GDĐH thuộc các loại hình khác nhau (công lập và tư thục, đại học và phi đại học).

Sự gia tăng này đặc biệt được thúc đẩy bởi khu vực giáo dục đại học tư nhân. Vào đầu những năm 1990, chỉ 30 trong số 150 cơ sở GDĐH là tư nhân. Vào cuối những năm 2010, số lượng cơ sở GDĐH tư nhân tăng đáng kể. Các ước tính chỉ ra rằng 60% – 75% các cơ sở GDĐH hiện có ở châu Phi là tư thục. Đến năm 2020–2021, khoảng 4.100 cơ sở GDĐH trong số 5.400 – chiếm 76% – là tư thục. Những quốc gia như Cameroon, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ghana, Bờ Biển Ngà, Madagascar, Nigeria, Senegal và Uganda đều có trên 200 cơ sở GDĐH. Ví dụ, Cộng hòa Dân chủ Congo có 1.080 cơ sở GDĐH (tư thục chiếm 55%); Nigeria có hơn 500 cơ sở GDĐH (80% là tư thục); Cameroon có 270 cơ sở GDĐH (76% là tư thục). Sự gia tăng và đa dạng hóa các nhà cung cấp đã dẫn đến sự gia tăng số lượng sinh viên, từ khoảng 500.000 vào đầu những năm 1990 lên hơn 9 triệu vào năm 2021. Điều này thể hiện sự gia tăng tỷ lệ nhập học gộp từ khoảng 2% vào năm 1970 lên khoảng 10% trong những năm cuối của thập kỷ 2010. Tuy nhiên, châu Phi vẫn ở dưới mức trung bình của thế giới là 38% (theo khu vực: khoảng 70% ở Tây Âu, Bắc Mỹ và Châu Đại Dương, khoảng 50% ở châu Mỹ Latinh và 30% ở châu Á), và là khu vực thế giới duy nhất không có hệ thống GDĐH đại chúng. Sự mở rộng nhanh chóng này, từ cuối những năm 1990 trở đi, diễn ra trong bối cảnh định vị lại GDĐH để phù hợp với những nước có thu nhập thấp. Vào đầu những năm 1990, cộng đồng phát triển quốc tế coi GDHĐ là một thứ xa xỉ đối với những nước có thu nhập thấp, đặc biệt đối với châu Phi, vì tỷ lệ hoàn vốn xã hội được cho là thấp. Hãy nhớ lại lời khuyên mà Ngân hàng Thế giới đưa ra cho các hiệu trưởng người châu Phi, trong cuộc họp ở Harare năm 1986, rằng nên đóng cửa các trường đại học ở châu Phi và gửi sinh viên ra nước ngoài du học. Tình thế đó đã đảo ngược từ cuối những năm 1990 trở đi. Trong kỳ làm việc giữa năm 2000, Nhóm đặc nhiệm về Giáo dục và Xã hội cho học sinh trung học, được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới và UNESCO, đã xuất bản báo cáo “Giáo dục ở những nước đang phát triển: Nguy hiểm và Hứa hẹn”, trong đó GDĐH một lần nữa được chính thức thừa nhận là phù hợp để những quốc gia có thu nhập thấp hội nhập hoặc hưởng lợi từ nền kinh tế tri thức toàn cầu.

Kể từ đó, một số báo cáo (ví dụ như “Xây dựng các xã hội tri thức”, 2002; “Cải thiện Giáo dục đại học ở châu Phi cận Sahara: Những điều hiệu quả”, 2004;” Giáo dục Đại học và Phát triển kinh tế ở châu Phi”, 2006; “Tăng tốc bắt kịp: Giáo dục đại học vì sự Tăng trưởng ở châu Phi cận Sahara”, 2008) cũng được phát hành với lập luận tương tự, tức là giáo dục đại học lại trở thành quan trọng đối với châu Phi. Sự thay đổi này đã làm hồi sinh và góp công chính vào sự mở rộng nhanh chóng giáo dục đại học trên lục địa.

Giáo dục đại học châu Phi được nghiên cứu ở mức nào?

Như vậy, mặc dù bị tụt hậu nhưng các nước châu Phi cũng có hệ thống GDĐH phức tạp. Để đáp ứng được thách thức kép trong việc liên kết châu Phi với khoa học toàn cầu và giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội của địa phương, GDĐH cần nhiều nguồn lực và những cơ chế hướng dẫn tốt hơn, cũng cần chuyên môn và kiến thức cụ thể. Kể từ thời thuộc địa và trong suốt thời kỳ hậu thuộc địa, đã có những nghiên cứu về GDĐH ở châu Phi. Tuy nhiên, phần lớn những nghiên cứu đó hầu như không được xem xét một cách hệ thống. Điều này trái ngược với sự phân tích có hệ thống tình hình nghiên cứu về GDĐH ở cấp độ

toàn cầu, ở châu Âu và châu Á. Một nghiên cứu gần đây, được xuất bản trên tạp chí Giáo dục Đại học (ấn bản tháng 1/2022), đã cố gắng thu hẹp khoảng cách này bằng cách thực hiện đánh giá có hệ thống khoảng 6.500 bài báo và sách tập trung vào GDĐH châu Phi và được xuất bản từ năm 1980 – 2019.

Nghiên cứu này nêu bật 3 phát hiện chính. Thứ nhất, khoảng 95% những bài nghiên cứu nói trên được xuất bản từ những năm 2000 trở đi, cho thấy sự quan tâm mới, đặc biệt tương phản với những năm 1980, khi những chương trình tân khai phóng được điều chỉnh cấu trúc và phương pháp tiếp cận dựa vào tỷ suất sinh lợi tác động tiêu cực đến sự phát triển của GDĐH châu Phi và đến nghiên cứu về GDĐH. Không đáng ngạc nghiên khi giảng dạy và học tập được quan tâm nhiều nhất, vì hầu hết các cơ sở GDĐH châu Phi đều theo định hướng giảng dạy. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với việc kiểm tra các điều kiện giảng dạy và học tập trong các trường đại học ở châu Phi. Tương tự như vậy, thực tế là sự tham gia của xã hội vẫn ở trung tâm của sự chú ý suốt 4 thập kỷ từ 1980 – 2019 cho thấy rằng câu chuyện về sự liên quan của GDĐH đối với châu Phi vẫn chưa được giải quyết. Cuối cùng, sự xuất hiện của những chủ đề chính như công bằng trong tiếp cận, giới tính, quản trị cho thấy những mối quan tâm này thường đi kèm với sự mở rộng của GDĐH ở Châu Phi.

Thứ hai, nghiên cứu GDĐH châu Phi đề cập đến 4 chủ đề chính. 36% các ấn phẩm học thuật tập trung vào những khía cạnh khác nhau của việc dạy và học. Tiếp theo, khoảng 25% tập trung vào cách các cơ sở GDĐH bị thay đổi về cấu trúc bởi những yếu tố như công bằng trong tiếp cận, toàn cầu hóa, và tư nhân hóa GDĐH. Khoảng 25% tập trung vào nội dung tổ chức và quản trị nội bộ. Cuối cùng, khoảng 13% tập trung vào sự tham gia của xã hội.

Thứ ba, hầu hết các nước châu Phi đều rất ít hoặc chưa từng được nghiên cứu. 92% các ấn phẩm nhắm mục tiêu đến 9 quốc gia: Nam Phi (41%), Nigeria (18%), Ghana, Uganda và Ethiopia, mỗi nước 3%; Kenya, Tanzania và Zimbabwe, mỗi nước chiếm 2%. Trong số 45 quốc gia còn lại, 29 quốc gia gộp chung chiếm 8% các ấn phẩm và 16 chưa bao giờ được nghiên cứu, ngoại trừ có thể xuất hiện thoáng qua trong những nghiên cứu lục địa hoặc xuyên khu vực.

Không đáng ngạc nhiên khi những quốc gia được nghiên cứu nhiều nhất cũng là quê hương của hầu hết các học giả về GDĐH. Nam Phi là quê hương của 44% học giả, Nigeria chiếm 20%, Ghana và Uganda chiếm hơn 2% học giả. 22 quốc gia chiếm ít hơn 2% học giả, và không có học giả nào liên kết với các trường đại học từ 20 quốc gia châu Phi. Nam Phi chiếm ưu thế như một trọng tâm nghiên cứu và là quê hương của hầu hết các học giả. Nigeria đứng thứ hai, nhưng các học giả Nigeria chủ yếu xuất bản trên các tạp chí không chuyên và không được lập chỉ mục, và tập trung chủ yếu vào khoa học thư viện.

Kết luận, ngoại trừ Nam Phi, nghiên cứu về GDĐH ở châu Phi còn yếu, mặc dù một số cộng đồng đang nổi lên, đặc biệt là ở Tây, Đông và Nam Phi. Trước những thách thức xã hội của GDĐH, sự yếu kém về chuyên môn này sẽ gây ra nhiều lo ngại.