Kinh nghiệm học tiến sĩ ở Trung Quốc có ảnh hưởng đến thực tiễn học thuật ở châu Phi không?

Natasha Robinson là thành viên ESRC – Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ trong Khoa Giáo dục, Đại học Oxford, Vương quốc Anh. Email: : natasha.robinson@edu.ox.ac.uk.

David Mills là Phó Giám đốc của Trung vtâm Toàn cầu Giáo dục Đại học, cũng thuộc Khoa Giáo dục. E-mail: david.mills@education.ox.ac.uk.

Tóm tắt

Trong 5 năm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, số lượng nghiên cứu sinh tiến sĩ người châu Phi ở Trung Quốc tăng gấp đôi thành 8.000, thường là được chính phủ Trung Quốc tài trợ học bổng. Nhiều người có kế hoạch sau khi tốt nghiệp sẽ về nước làm việc ở những vị trí trước đây trong các trường đại học châu Phi. Liệu những trải nghiệm học tập này có ảnh hưởng đến văn hóa nghiên cứu, hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ, và đến xuất bản học thuật trong các trường đại học châu Phi hay không?

Năm 2001, Diễn đàn về Hợp tác Trung Quốc – châu Phi (FOCAC) được thành lập để thúc đẩy tương tác kinh tế, chính trị và phát triển của Trung Quốc với châu Phi. Là công cụ quyền lực mềm chính của Trung Quốc ở châu Phi, các hội nghị cấp bộ trưởng, được tổ chức ba năm một lần, được sử dụng để công bố những thỏa thuận song phương lớn và những sáng kiến chính sách liên quan đến thương mại, tài chính, y tế, an ninh, phát triển và giáo dục. Trung Quốc ngày càng tập trung nhiều vào sự trao đổi “người với người”, đưa ra những cơ hội trao đổi giáo dục và đào tạo dành cho sinh viên và chuyên gia châu Phi ở mọi cấp độ.

Hội nghị thượng đỉnh FOCAC 2018 hứa hẹn 50.000 cơ hội đào tạo và 50.000 học bổng dành cho các nước châu Phi từ năm 2019 – 2021. Trong cùng năm, tổng số sinh viên châu Phi ở Trung Quốc khoảng 80.000, trong đó 8.000 là nghiên cứu sinh tiến sĩ, hơn 2.000 được chính phủ Trung Quốc tài trợ hoàn toàn. Năm 2020, Financial Times thông báo rằng Trung Quốc cấp nhiều học bổng đại học cho sinh viên châu Phi hơn tất cả các chính phủ hàng đầu của phương Tây gộp lại.

Luồng du học và di cư theo hướng Nam sang Đông này cho thấy tỷ lệ đăng ký học tiến sĩ của châu Phi ngày càng tăng. Ví dụ, vào năm 2018, có 800 người Ghana đăng ký học Tiến sĩ ở Trung Quốc, và 2.200 người Ghana đăng ký học tiến sĩ ở Ghana. Chúng tôi trò chuyện với một học giả người Ghana, ông cho biết 3 trong số 10 đồng nghiệp trong khoa của ông là tiến sĩ được đào tạo ở Trung Quốc. Đối với một số người, Trung Quốc là lựa chọn duy nhất sau khi đơn đăng ký học của họ không được những quốc gia khác chấp nhận; đối với những người khác, lời đề nghị một vị trí làm việc có thể khiến họ thay đổi dự định ban đầu.

Việc nhiều người quyết định theo đuổi chương trình đào tạo tiến sĩ ở Trung Quốc – dù đôi khi không được mang theo vợ hoặc chồng và con cái – phản ánh tình trạng thiếu kinh phí và năng lực đào tạo tiến sĩ của các trường đại học ở nhiều nước châu Phi. Chính sách quan tâm đến việc tăng cường trình độ nghiên cứu của giảng viên đại học đã thúc đẩy số lượng đăng ký tiến sĩ ngày càng tăng. Giảng viên cần “nâng cấp” để đủ điều kiện thăng tiến thành giảng viên cao cấp. Việc thiếu các học bổng trong nước hoặc sự tài trợ của trường chủ quản đồng nghĩa với việc nhiều người theo học bán thời gian trong khi vẫn tiếp tục giảng dạy; và những nước như Tanzania thì thiếu người đủ năng lực để hướng dẫn cho số lượng ứng viên nghiên cứu sinh tiến sĩ ngày càng tăng. Trong khi đó, những đề nghị công việc cho các nghiên cứu sinh tiến sĩ, nhiều thời gian dành cho nghiên cứu, và cơ sở hạ tầng nghiên cứu được trang bị đầy đủ tại các trường đại học Trung Quốc lại rất hấp dẫn.

Hợp tác xuất bản châu Phi – Trung Quốc

Liệu những kinh nghiệm có được trong quá trình học tập nghiên cứu tại Trung Quốc có ảnh hưởng đến văn hóa hướng dẫn nghiên cứu và xuất bản học thuật ở châu Phi hay không? Chúng tôi xác định 3 quốc gia Ethiopia, Ghana và Tanzania có quan hệ lịch sử với Trung Quốc và được Trung Quốc cấp số lượng lớn học bổng. Sử dụng phương pháp lấy mẫu phi xác suất và mạng xã hội, chúng tôi đã phỏng vấn trực tuyến 10 người Ethiopia, 10 người Ghana và 6 người Tanzania – những người đang là nghiên cứu sinh hoặc mới tốt nghiệp tiến sĩ tại các trường đại học của Trung Quốc. Trong số 26 người, một số đang giảng dạy trong các trường đại học ở đất nước họ và hy vọng sẽ “nâng cấp” để được thăng chức, những người khác đã rời bỏ công việc giảng dạy và một số ít chưa bao giờ giảng dạy. Hầu hết đều đang nghiên cứu về khoa học đời sống và vật liệu, hoặc từng nghiên cứu về giáo dục và quản lý. Không ai nghiên cứu trong các ngành khoa học nhân văn.

Khi một loạt đề tài nghiên cứu được đề xuất, một số người nắm lấy cơ hội học tập ở Trung Quốc sau một số lần đơn xin học bổng vào các trường đại học Âu Mỹ của họ bị từ chối. Khi họ đến Trung Quốc, hầu hết đều bị ấn tượng bởi thực tiễn đào tạo và hướng dẫn nghiên cứu của Trung Quốc. So với các trường đại học tại quê nhà của họ, những người hướng dẫn tại đây rất dễ tiếp cận và sẵn lòng hỗ trợ. Các giáo sư thành lập các nhóm nghiên cứu gắn kết, họ sẽ gặp nhau hàng tuần để chia sẻ tiến độ và thảo luận về các vấn đề. Một trong những kết quả của sự hợp tác như vậy là số lượng lớn các bài báo đồng tác giả. Như một người được phỏng vấn nhớ lại, các đồng nghiệp trong cùng nhóm với anh ấy “rất hào hứng, bởi vì hầu hết đều muốn có tên trong các ấn phẩm”.

Một số trường đại học đặt ra yêu cầu tốt nghiệp là có bài công bố trên những tạp chí được lập chỉ mục trong Chỉ số Trích dẫn Khoa học ưu tú (SCI). Có nhiều câu chuyện về những nghiên cứu sinh đã hoàn thành chương trình nghiên cứu tiến sĩ của họ nhưng không có bài xuất bản trên những tạp chí “phù hợp”, và phải rời Trung Quốc mà không tốt nghiệp. Số lượng những ấn phẩm SCI được yêu cầu rất đa dạng, và một số người tuyên bố rằng những người hướng dẫn của họ đã chuyển những đề tài mục tiêu cho những sinh viên tài năng để “ép ra ”nhiều ấn phẩm hơn. Mặt khác, một số nghiên cứu sinh gặp khó khăn khi người hướng dẫn nói được rất ít tiếng Anh, trong khi những nghiên cứu sinh khác phải mất một năm hoặc hơn để học tiếng Quan Thoại. Một trường đại học đã thông báo rằng họ cấp học bổng cho sinh viên quốc tế một phần là để thúc đẩy việc xuất bản các ấn phẩm bằng tiếng Anh của trường.

Áp lực phải xuất bản để tốt nghiệp đã gây ra hậu quả lớn. Một người tham gia phỏng vấn đã thừa nhận từng gửi cùng một bài báo đến nhiều tạp chí, vì lo sợ sẽ bị từ chối. Một người khác cáo buộc người hướng dẫn đã đánh cắp nghiên cứu của anh ta. Nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ người châu Phi cũng kể về những trường hợp phân biệt chủng tộc, chủ yếu từ những cộng đồng lớn hơn, nhưng đôi khi từ chính trường đại học. Bất chấp những thách thức này, hầu như không ai trong số những người được chúng tôi phỏng vấn tỏ ra hối tiếc vì đã học tập ở Trung Quốc. Họ tốt nghiệp chương trình tiến sĩ và có một số nghiên cứu được công bố, khiến họ trở thành những ứng cử viên hấp dẫn cho những công việc học thuật khi, hoặc nếu, họ về nước.

Định hình tương lai của nghiên cứu và xuất bản học thuật ở châu Phi

Những người trả lời phỏng vấn cho biết thái độ của họ đối với nghiên cứu và xuất bản học thuật đã thay đổi nhiều sau những trải nghiệm học tập của họ ở Trung Quốc. Nhận thức được giá trị của viêc công bố trên những tạp chí được lập chỉ mục SCI, chúng được coi là “đáng công chờ đợi” để đáp ứng yêu cầu của bài đánh giá ngang hàng kèm theo. Ngược lại, một người tham gia phỏng vấn phàn nàn rằng những đồng nghiệp được đào tạo ở Ghana không thể phân biệt cái gọi là tạp chí “săn mồi” với tạp chí “chất lượng”. Anh ta hy vọng sẽ thay đổi điều này khi tự mình làm công việc hướng dẫn nghiên cứu và bằng cách yêu cầu những nghiên cứu sinh người Ghana do anh ta hướng dẫn xuất bản trên những tạp chí SCI trước khi tốt nghiệp. Anh ta đã học được điều đó bằng cách đồng xuất bản với thầy giáo hướng dẫn người Trung Quốc – cách giúp anh ta “có thời gian để hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ hơn mà vẫn không ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu của chính mình.”

Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao văn hóa hợp tác nghiên cứu, khi có nhiều áp lực. Rebecca gần đây trở về Ghana sau khi hoàn thành nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Trung Quốc và đang phát triển một chiến lược nghiên cứu cho bộ phận của mình. “Chúng tôi đang đề xuất tổ chức hội thảo hàng tuần, đề xuất thành lập những nhóm nghiên cứu và chúng tôi khuyến khích sự hợp tác cả bên trong và bên ngoài”. Afework cũng có tham vọng làm những điều tương tự “khi về nước”, anh mô tả tầm nhìn về “một trung tâm nghiên cứu có ảnh hưởng không chỉ ở Ethiopia, mà trên khắp châu Phi. Sáng kiến này xuất hiện sau khi tôi đến Trung Quốc và thấy được rất nhiều điều”

Tương lai của chương trình học bổng này đang rất bấp bênh. Chính sách không COVID của Trung Quốc khiến sinh viên quốc tế hầu như không thể đến Trung Quốc. Những người trở về châu Phi trong đại dịch bị mắc kẹt trong một tình trạng lấp lửng không được hỗ trợ tài chính; học bổng tiến sĩ của họ không trả chi phí sinh hoạt khi họ không cư trú tại Trung Quốc. Những người vẫn đang ở Trung Quốc cho biết việc di chuyển ngày càng bị hạn chế chặt hơn. Thông cáo FOCAC năm 2021 phản ánh sự không chắc chắn này: Mặc dù từ “đào tạo” được đề cập nhiều lần, nhưng không có cam kết nào về các học bổng tiến sĩ tiếp theo. Trong khi đó, lực lượng các nhà nghiên cứu được đào tạo tại Trung Quốc đang định hình tương lai của thực tiễn học thuật châu Phi.