Roberta Malee Bassett là nhà lãnh đạo toàn cầu về giáo dục đại học tại Ngân hàng Thế giới. E-mail: rbassett@worldbank.org.
—
Tóm tắt
“Những người cầm lái” con thuyền giáo dục đại học nhận thấy họ đang bị chệch hướng một cách nguy hiểm và dường như mất kiểm soát trong giai đoạn đại dịch. Khi một chiếc xe bị mất lái, hành động cần thiết để lấy lại quyền kiểm soát là lái vào đường rẽ. Đối với các lãnh đạo giáo dục đại học trên toàn thế giới, buộc phải đi vào vào đường rẽ do ảnh hưởng của COVID-19 nghĩa là thừa nhận cuộc khủng hoảng đã đẩy giáo dục đại học chệch hướng, điều này dẫn đến nhu cầu đổi mới tư duy và tư duy mở để điều chỉnh hệ thống giáo dục và các tổ chức theo hướng mới.
—
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 từng đặt ra những thách thức to lớn trong ngắn hạn và dài hạn: nguồn lực giảm sút, những thách thức cá nhân và học thuật đối với các tổ chức và sinh viên,
những vấn đề nhân sự, áp lực lớn đè nặng lên toàn bộ hệ thống giáo dục đại học, và nhiều thách thức khác nữa. Viện dẫn câu nói nổi tiếng của Paul Romer (cựu Lãnh đạo Kinh tế của Ngân hàng Thế giới) vào năm 2004: “Khủng hoảng gây ra lãng phí đáng sợ”, và áp dụng những bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính hơn một thập kỷ trước, Ngân hàng Thế giới xem xét lại khung tư vấn chính sách của mình và xây dựng một công cụ cho phép các nhà hoạch định chính sách và các cố vấn tận dụng các cuộc khủng hoảng trong tương lai như những cơ hội tiềm năng để đánh giá và thực hiện cải cách. Tương tự như khi điều khiển ô tô trên con đường băng giá trơn trượt, những “người cầm lái” giáo dục đại học nhận thấy mình đang bị chệch hướng một cách nguy hiểm, dường như không thể kiểm soát, trong đại dịch COVID-19.
Khung tư vấn chính sách “CHÈO LÁI Giáo dục đại học: Hướng tới những Hệ thống linh hoạt dành cho tất cả” được Ngân hàng Thế giới ban hành năm 2021 là một công cụ giúp các quốc gia chèo lái lĩnh vực giáo dục đại học vào đường rẽ trong cơn bão COVID-19. Các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo học thuật cần hướng hệ thống giáo dục của mình, một cách có chủ đích, đến những mục tiêu chiến lược của quốc gia và của tổ chức, đặc biệt khi nhận thức được rằng những mục tiêu đó có thể đã bị ảnh hưởng do tác động của đại dịch đến các quá trình hoạt động (bao gồm, nhưng không giới hạn, tài chính, chất lượng , nhân sự, tuyển sinh và giữ chân sinh viên) và thậm chí có thể bị gián đoạn trong tương lai. Khung “CHÈO LÁI Giáo dục đại học” được xây dựng với 5 tính năng thiết yếu giúp tạo ra nền giáo dục đại học linh hoạt, hiệu quả và bền vững, đặc biệt trong môi trường hậu COVID-19.
Hệ thống đa dạng về mặt chiến lược
Hỗ trợ trợ mọi loại hình tổ chức giáo dục sau phổ thông, đảm bảo lộ trình đào tạo linh hoạt, đa khớp nối và đa dạng về hình thức, chức năng và sứ mệnh. Các quốc gia ở mọi trình độ phát triển kinh tế đều có thể hưởng lợi từ việc đảm bảo rằng giáo dục đại học cung cấp những lựa chọn học tập phù hợp với lợi ích của sinh viên cả về học thuật cũng như kết quả đầu ra. Hệ thống đa dạng giúp thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời, đào tạo và tái đào tạo theo những lộ trình linh hoạt, tạo cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp; hệ thống có khả năng thích ứng cao nhằm đáp ứng nhu cầu và cơ hội của người sử dụng lao động, xã hội và chính phủ. Điều này có nghĩa là có sự xuyên suốt từ lộ trình đào tạo đến các nhà cung cấp giáo dục, mô-đun hóa các nội dung đào tạo, và hệ thống tín chỉ lấy sinh viên làm trung tâm cho phép những lộ trình linh hoạt cũng như những chương trình cầu nối và cố vấn thúc đẩy giáo dục đại học, nhằm cung cấp cho tất cả sự khởi đầu và hỗ trợ đầy đủ.
Công nghệ
Được thiết kế và triển khai đúng định hướng và bình đẳng. Mặc dù công nghệ đã mang lại lợi ích ở nhiều quốc gia thông qua những khoản đầu tư lớn (thường rất tốn kém), chắc chắn việc áp dụng công nghệ một cách hiệu quả hiện đang là nền tảng chính của giáo dục đại học ở mọi nơi trên thế giới. Khai thác sức mạnh của công nghệ để nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu, đồng thời thừa nhận và chống lại tác động của sự gia tăng khoảng cách kỹ thuật số phải nằm trong chiến lược giáo dục đại học của mỗi quốc gia, để khai thác tối đa những kinh nghiệm và bài học có được trong đại dịch COVID-19.
Công bằng
Là cách tiếp cận phổ quát với lợi ích và cơ hội của giáo dục sau phổ thông trung học. Trong báo cáo “CHÈO LÁI Giáo dục đại học”, công bằng (như bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục đại học) thúc đẩy sự phát triển bền vững và tác động của kinh tế và xã hội. Mục tiêu công bằng thúc đẩy việc xây dựng những chính sách và văn hóa cho phép mọi thành viên được hưởng lợi và đóng góp cho môi trường học tập và cho các tổ chức giáo dục. Một khi kiến thức dẫn dắt sự phát triển kinh tế và nền giáo dục tiên tiến ngày càng mang lại nhiều lợi ích to lớn, công bằng và cơ hội tiếp cận (giáo dục đại học) phải là mối quan tâm chính của các bên liên quan giáo dục sau phổ thông trung học. Tiếp cận và
kiên trì theo đuổi giáo dục đại học là mối quan tâm toàn cầu và đòi hỏi sự cam kết lâu dài.
Hiệu quả
Để các nguồn lực được sử dụng đúng mục tiêu và hiệu quả, cần cải thiện hệ thống thông tin để sử dụng những bằng chứng và thông tin xác thực trong việc quản lý và củng cố các ngành, phân ngành và các tổ chức. Để đảm bảo hiệu quả của cả hoạt động và tài chính, các lãnh đạo giáo dục cần thiết lập những công cụ mạnh mẽ và dựa trên cơ sở dữ liệu trong hoạt động quản trị, tài chính và đảm bảo chất lượng; những công cụ này phải được thiết kế phù hợp với cuộc khủng hoảng hiện tại và tiềm ẩn trong tương lai. Về tài chính, hệ thống giáo dục và nhà trường cần đa dạng hóa nguồn tài trợ, giảm sự phụ thuộc vào một nguồn thu duy nhất như ngân sách chính phủ. Về đảm bảo chất lượng, để hoạt động kiểm định và vận hành của tổ chức thích nghi với hoàn cảnh mới – cần đảm bảo, một cách mềm dẻo, rằng những đổi mới trong giảng dạy được đánh giá và thích ứng nhanh chóng. Về quản trị, điều quan trọng là cần đảm bảo để các cơ quan quản lý cấp quốc gia (cơ quan lập pháp và giám sát cấp bộ) và cấp trường (hội đồng trường và cơ quan giám sát) được phát triển và vận hành theo cách thúc đẩy sự kết nối hiệu quả với những tác nhân bên ngoài và thế giới công việc, tạo điều kiện cho những đổi mới được nhanh chóng thử nghiệm và áp dụng chính thức.
Khả năng phục hồi
Là khả năng chống đỡ, phát triển và thực hiện những mục tiêu đã được thống nhất bất chấp nghịch cảnh, đồng thời vẫn duy trì sự cam kết với sứ mệnh và mục đích. Để không lãng phí những bài học kinh nghiệm từ khủng hoảng, các quốc gia và các tổ chức giáo dục cần nhìn nhận sự cần thiết của việc lập kế hoạch phục hồi, bằng cách xem xét những thành công và thất bại trong việc đối phó với COVID-19 ở cấp quốc gia và cấp thể chế, và phân tích những phương án có thể giúp giảm thiểu thất bại. Việc áp dụng chỉ báo mới này nhằm mục đích hướng sự quan tâm của giảng viên trở lại với giáo dục đại học nội địa, kỳ vọng họ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức chính phủ thay vì cạnh tranh toàn cầu bằng những xuất bản trên các tạp chí quốc tế. Sáng kiến này cũng đánh dấu sự thay đổi từ chiến lược hướng ngoại sang tiếp cận tương đối hướng nội. Điều quan trọng là, việc tái định hướng sẽ tạo ra tranh chấp giữa chương trình nghị sự toàn cầu và chương trình nội địa trong chính sách giáo dục đại học.
Kết luận
Việc áp dụng khung mô hình quản trị thích ứng khi thực hiện những chiến lược can thiệp phục hồi nhằm giải quyết những thách thức quan trọng trong ngắn hạn và dài hạn cho phép các nhà lãnh đạo giáo dục thiết lập những chuẩn mực vận hành, và cơ hội củng cố năng lực của tổ chức để tồn tại và phát triển trong giai đoạn khủng hoảng. Những vấn đề chính cần thừa nhận và giải quyết bao gồm thiếu hụt nguồn lực, những thách thức cá nhân và học thuật đối với giảng viên và sinh viên, nhu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng để hỗ trợ mô hình học tập hỗn hợp và đào tạo từ xa, du học giảm sút tạo áp lực buộc các cơ sở giáo dục đại học của khu vực và địa phương phải cải thiện, sự hoài nghi về tính bền vững của các mô hình tài trợ, nguồn tài trợ bảo đảm tính liên tục và vận hành hàng ngày của hoạt động nghiên cứu, v.v…