Thierry M. Luescher là Giám đốc nghiên cứu về giáo dục sau phổ thông, làm việc tại Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Con người, và là Phó giáo sư liên kết về giáo dục đại học tại Đại học Free State (UFS), Nam Phi. Email: tluescher@hsrc.ac.za.
Didem Turkoglu là Trợ lý giáo sư tại Đại học Kadir Has, Thổ Nhĩ Kỳ và liên kết với Đại học New York Abu Dhabi với tư cách là Phó Tiến sĩ tại Khoa Khoa học Xã hội. Email: didem.turkoglu@khas.edu.tr.
—
Tóm tắt
Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến những thay đổi sâu rộng trong giáo dục đại học trên toàn cầu, nhưng phong trào sinh viên vẫn tiếp tục là một động lực cần được tính đến. Những mối quan tâm chính của sinh viên vẫn là vấn đề tài trợ cho sinh viên; bình đẳng, công bằng xã hội và chống phân biệt đối xử; quyền tự do chính trị và dân chủ; và bình đẳng giới. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất gây ra sự phản kháng lại là đại dịch. Gần đây trong những yêu sách đưa ra còn có thêm nội dung về biến đổi khí hậu, tự do học thuật và cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.
—
Ngay trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, các nhà hoạt động sinh viên vẫn kiên trì thúc đẩy sự thay đổi. Thực tế, đại dịch đã đổ thêm dầu vào lửa. Những bất bình và sự cam kết từng thúc đẩy sinh viên hành động chính trị từ trước khi đại dịch xảy ra tiếp tục thôi thúc họ xuống đường và bày tỏ sự phản kháng trên các nền tảng truyền thông xã hội vào năm 2020 và 2021. Nhưng nguyên nhân lớn nhất gây ra sự chống đối ở những thời điểm khác nhau vẫn là đại dịch.
Tổng quan về phong trào sinh viên trên thế giới
Để có cái nhìn tổng quan về phong trào sinh viên trên toàn thế giới trong đại dịch, chúng tôi đã tìm kiếm và phân tích tất cả những bài báo đề cập đến sự phản kháng được đăng trên University World News (UWN) từ tháng 2/2020 – tháng 3/2022. Theo đó, có 210 tin tức về sự phản kháng của sinh viên diễn ra ở 55 quốc gia và tất cả các khu vực trên thế giới. Mặc dù những dữ liệu này được trình bày trên UWV theo hình thức tin tức giật gân, trong phạm vi mục đích của bài viết này, chúng vẫn cung cấp cho chúng ta một điểm khởi đầu hữu ích để tìm hiểu sâu hơn.
Trong số 210 tin tức, những khu vực được UWN đề cập đến nhiều nhất là châu Á và châu Phi (lần lượt là 75 và 72); tiếp theo là châu Âu (34) và Bắc Mỹ (14); còn Nam Mỹ, Trung Đông và Úc – mỗi khu vực đều có dưới 10 tin tức về biểu tình của sinh viên. Về quốc gia, 1/3 các bài báo là về sự phản kháng của sinh viên đến từ 6 quốc gia: Nam Phi (14), Hoa Kỳ (12), Thổ Nhĩ Kỳ (11), Zimbabwe (11), Pakistan (10) và Thái Lan (10). Ngoài ra, Hong Kong tiếp tục được nhắc đến nhiều lần bất chấp phong trào sinh viên bị đàn áp sau đợt phản kháng năm 2019.
Nguyên nhân phản kháng và những sự kiện nổi bật
Trên quy mô toàn cầu, sự bất bình cụ thể đối với giáo dục đại học hoặc những mối lo ngại rộng hơn về mặt xã hội, kinh tế xã hội và chính trị đều thu hút sự chú ý của các nhà hoạt động sinh viên trong thời gian đại dịch. Mối quan tâm hàng đầu vẫn là sự hỗ trợ tài chính cho sinh viên, học bổng và cơ hội tiếp cận giáo dục đại học với giá cả phải chăng; sự bình đẳng và công bằng xã hội; và cơ hội việc làm. Phản đối chính phủ phi dân chủ và đảo chính; chống lại tình trạng thiếu tự do chính trị và dân chủ; ủng hộ bình đẳng giới; và phản đối phân biệt chủng tộc, bạo lực giới tính và phân biệt đối xử LGBTIQ cũng nằm trong những mối quan tâm cấp bách của sinh viên. Đa số những điều này làm bùng phát những cuộc biểu tình ở mọi khu vực trên thế giới vào năm 2020 và 2021.
Tại Nam Phi, nơi được UWN đưa tin nhiều nhất về sự phản kháng của sinh viên, đứng đầu danh sách những nguyên nhân dẫn đến biểu tình vẫn là vấn đề tài chính sinh viên, mức chi phí cho giáo dục đại học quá cao đối với sinh viên thuộc tầng lớp lao động, và tình trạng bị loại trừ vì lý do tài chính. Sau khi những cuộc biểu tình #FeesMustFall (yêu cầu giảm học phí) trên toàn quốc vào năm 2015–2016 (và kể từ đó đã có thêm nhiều tiếng vang được bản địa hóa) đạt được thành công trong việc mở rộng hỗ trợ tài chính một cách đáng kể cho sinh viên, khoản nợ lịch sử của sinh viên lại trở thành chủ đề tâm điểm. Sự bất hợp lý của kế hoạch quốc gia về hỗ trợ tài chính cho sinh viên cũng tiếp tục gây lo ngại cho hàng trăm nghìn sinh viên. Do đó, sự phản kháng ở Nam Phi tiếp tục đi theo xu hướng có từ trước đại dịch.
Vụ một sĩ quan cảnh sát ở Minneapolis sát hại George Floyd đã gây ra làn sóng phản đối gay gắt trên khắp các bang của Hoa Kỳ và vượt ra ngoài biên giới, và dấy lên một làn sóng biểu tình rộng khắp. Hàng nghìn sinh viên tham gia biểu tình cùng các thành viên cộng đồng trên đường phố khắp đất nước và ở những nơi khác trên thế giới từ tháng 5/2020 – tháng 6/2020, phản đối phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát. Bên cạnh những cuộc biểu tình Black Lives Matter, sinh viên tiếp tục nhắm vào những di sản phân biệt chủng tộc tại nơi họ học, chẳng hạn như những tòa nhà được đặt theo tên của các chủ sở hữu nô lệ hoặc trường đại học được đặt theo tên của tướng lĩnh quân đội liên bang. Phải tiếp tục làm việc và điều kiện làm việc của những sinh viên vừa học vừa làm trong thời gian đại dịch, vấn đề nhà ở, và chi phí đại học tăng cao cũng là những bất bình chính của sinh viên. Tóm lại, chúng tôi quan sát thấy những xu hướng phản đối có từ trước đại dịch của sinh viên ở Hoa Kỳ vẫn tiếp tục: chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và cải thiện tài chính cho giáo dục đại học.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, làn sóng biểu tình lớn nhất của sinh viên bùng phát để phản đối việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdoğan bổ nhiệm những người có liên hệ chặt chẽ với đảng cầm quyền làm hiệu trưởng các trường đại học công lập mới, bắt đầu với hiệu trưởng trường Đại học Boğaziçi ở Istanbul và tiếp theo là những cuộc bổ nhiệm ở Ankara. Giảng viên và cựu sinh viên cũng tham gia các cuộc biểu tình của sinh viên. Việc bổ nhiệm này bị nhiều người cho là vi phạm quyền tự chủ của trường đại học. Việc sử dụng quá mức lực lượng cảnh sát để chống lại người biểu tình thậm chí còn gây ra nhiều cuộc biểu tình hơn trên khắp đất nước thể hiện tình đoàn kết với sinh viên. Giá thuê nhà tăng cao dẫn đến một làn sóng phản đối khác; sinh viên tổ chức biểu tình ngồi trong công viên ở những thành phố lớn và tuần hành phản đối. Về mặt này, trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy thêm hai xu hướng dẫn dắt phong trào sinh viên toàn cầu: tự do học thuật và mối quan tâm kinh tế.
COVID-19 – nguồn gốc của sự bất bình
Mặc dù những nguyên nhân có từ trước đại dịch vẫn tiếp tục gây ra phản kháng trên toàn cầu, lý do phổ biến nhất trong năm 2020 và 2021 chính là đại dịch, những biện pháp liên quan đến đại dịch và việc các chính phủ sử dụng đại dịch như một cái cớ để thông qua những biện pháp khắc nghiệt và đàn áp biểu tình. Ngoài sự phản đối những biện pháp y tế công cộng hạn chế tụ tập công khai, các cuộc biểu tình cũng được kích hoạt bởi những tác động gián tiếp của đại dịch: áp lực kinh tế và chiến thuật đàn áp mới của chính phủ. Rõ ràng là đại dịch đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên toàn cầu và trong nước. Những lo ngại về khó khăn tài chính cũng là một động lực quan trọng để phản kháng. Sinh viên yêu cầu bãi bỏ việc tăng học phí, hoàn lại lệ phí, trả học bổng, khôi phục lại những chương trình đào tạo đã bị hủy bỏ, hỗ trợ tiền thuê nhà, v.v… Những cuộc biểu tình như vậy diễn ra ở một loạt quốc gia từ Kenya đến Indonesia, Ireland đến Nam Phi, Puerto Rico đến Brazil.
Trong giai đoạn 2020–2021, những thách thức mà đại dịch mang lại cho giáo dục đại học, cách thức phản ứng của chính phủ và các tổ chức, và sự bất mãn của sinh viên đều thay đổi theo từng thời kỳ. Trong năm đầu của đại dịch, sinh viên ở những nước như Zimbabwe và Nigeria phản đối việc mở lại các khu học xá mà không có những biện pháp an toàn thích hợp. Trong năm thứ hai, khi Ấn Độ trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào tháng 4 – tháng 5/2021 và các trường đại học chuyển sang giảng dạy trực tuyến, một số cơ sở đã chứng kiến sinh viên phản đối hình thức này và muốn được tiếp tục học trực tiếp; trước đó, điều tương tự cũng diễn ra ở Trung Quốc. Sinh viên y khoa ở Ấn Độ và Pakistan phản đối việc tăng giờ làm việc tại những khu vực bị COVID-19. Ngược lại, ở Iran, sinh viên phản đối việc thi trực tiếp. Một số nghiên cứu cho thấy, nhóm sinh viên bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đại dịch là sinh viên quốc tế và sinh viên có hoàn cảnh kinh tế xã hội thấp. Tại Trung Quốc, sinh viên Bangladesh phản đối việc họ bị hạn chế đi lại; ở Thụy Điển, các cuộc biểu tình nổ ra chống lại những thay đổi trong việc cấp phép cư trú cho sinh viên quốc tế; và những sinh viên Mauritania bị mắc kẹt ở Mauritania biểu tình trước cổng Bộ để yêu cầu được phép quay lại trường đại học ở Ma- rốc và tham dự các kỳ thi ở đó.
Việc mở cửa trở lại các trường đại học trên toàn cầu đã gây ra một sự bất bình khác liên quan đến COVID-19, đó là tiêm chủng bắt buộc. Những cuộc biểu tình chống vắc-xin của sinh viên cũng diễn ra ở khắp các châu lục trong các trường đại học Úc, Nam Phi, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ, nhưng không nhiều.
Đâu là mặt trận mới cho phong trào sinh viên sau đại dịch?
Với sự kết thúc của đại dịch vào năm 2022, những vấn đề toàn cầu đang trở lại trong chương trình nghị sự của phong trào sinh viên toàn cầu. Chắc chắn biến đổi khí hậu đứng đầu danh sách đó. Từ cuối tháng 2/2022, những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh chống lại cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã gia tăng khắp nơi, vượt ra ngoài phạm vi châu Âu. Những thách thức toàn cầu đang nằm trong tầm ngắm hoặc chưa được UWN chú ý đến cũng dần hiện rõ. Một vài bang của Hoa Kỳ đã tiến hành đàn áp những hoạt động đòi công bằng và công lý xã hội của các trường đại học, do cách diễn giải theo hướng bảo thủ về quyền tự do ngôn luận. Ở Pháp diễn ra sự công kích những chương trình giảng dạy xã hội học bị cho là thúc đẩy chủ nghĩa cánh tả. Và ở nhiều quốc gia, từ Vương quốc Anh đến Úc và Brazil, chương trình nghị sự của cánh hữu đang đe dọa tự do học thuật. Những vấn đề này ngày càng thu hút sự chú ý của các nhà hoạt động sinh viên tiến bộ, nên chúng có thể làm bùng phát làn sóng phản đối kịch liệt tương xứng.