Jessica Schueller là Nghiên cứu sinh tại Đại học Miami, Hoa Kỳ, và là cộng sự nghiên cứu tại C-BERT. Email: schueljd@miamioh.edu.
Tóm tắt
Nhiều quốc gia coi việc giữ chân sinh viên quốc tế là nội dung trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế. Một biểu hiện của những nỗ lực này là phát triển những dịch vụ nghề nghiệp nhằm hỗ trợ sinh viên quốc tế theo đuổi sự nghiệp tại nước sở tại. Chúng ta biết rất nhiều ví dụ về sự hội nhập nghề nghiệp của sinh viên quốc tế ở những quốc gia nói tiếng Anh. Bài viết này xem xét bối cảnh của nước Đức, cung cấp một góc nhìn cho những quốc gia không sử dụng tiếng Anh đang quan tâm đến việc thu hút, tuyển dụng, hỗ trợ và giữ chân tài năng quốc tế một cách bền vững.
Nhiều quốc gia đặt ra mục tiêu chính sách là giữ chân sinh viên quốc tế, vì lý do thiếu lao động, thay đổi nhân khẩu học và đổi mới kinh tế. Có rất nhiều ví dụ về việc tích hợp sinh viên quốc tế vào thị trường lao động ở những quốc gia nói tiếng Anh. Trong khi chúng ta biết rất ít về những chính sách và thực tiễn nhằm hòa nhập sinh viên quốc tế tốt nghiệp ở những quốc gia không nói tiếng Anh như Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước có số lượng sinh viên quốc tế đáng kể. Bài báo này xem xét trường hợp của Đức, được cho là một điểm đến truyền thống, nhưng là một trong những quốc gia không nói tiếng Anh có số lượng sinh viên và nghiên cứu sinh cao. Phác họa sơ lược về trường hợp của Đức cung cấp một góc nhìn cho những quốc gia không nói tiếng Anh khác đang quan tâm đến việc thu hút, tuyển dụng, hỗ trợ và giữ chân nhân tài quốc tế một cách bền vững.
Sinh viên quốc tế và việc làm sau tốt nghiệp
Tương tự như những quốc gia không sử dụng tiếng Anh khác, du học Đức đã trở nên hấp dẫn nhờ những chiến dịch tiếp thị của cả trường công và tư thục, số lượng ngày càng tăng của những chương trình dạy bằng tiếng Anh, và một chương trình thị thực làm việc sau tốt nghiệp hào phóng. Những sáng kiến nhằm cải thiện thành tích trong học tập, hội nhập văn hóa xã hội và kỹ năng tiếng Đức của hơn 300 ngàn sinh viên quốc tế ở Đức từ lâu đã là một phần của hệ thống được thiết kế để cải thiện trải nghiệm du học.
Sinh viên quốc tế theo học các trường đại học của Đức chiếm 11,1% tổng số sinh viên, gần gấp đôi so với tỷ lệ sinh viên quốc tế ở Hoa Kỳ. Số lượng sinh viên quốc tế đông đảo tại Đức rất đa dạng về mặt địa lý và tỷ lệ sinh viên Đức ra nước ngoài du học cũng cao. Cả hai khía cạnh này hoàn toàn trái ngược với những nước kinh tế tiên tiến khác. Tuy nhiên, nước Đức cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề khi trở thành quốc gia dẫn đầu thu hút sinh viên quốc tế. Vì tổng số sinh viên quốc tế đã tăng hơn 75% trong thập kỷ qua, những đòi hỏi minh bạch hơn về hiệu quả của các chương trình nghị sự quốc tế hóa cũng tăng lên gấp bội. Đặc biệt, việc Đức hội nhập ngày càng nhiều sinh viên quốc tế vào thị trường lao động thu hút được sự chú ý của nhiều bên liên quan. Sự phát triển chính trị và kinh tế xã hội có ảnh hưởng lớn đến việc thiết lập những dịch vụ nghề nghiệp đặc biệt cho sinh viên quốc tế, những chương trình được tạo ra để định hướng sinh viên tới những gì đang chờ đợi họ khi tốt nghiệp và thuyết phục họ ở lại.
Dịch vụ nghề nghiệp cho sinh viên quốc tế
Hình thành những dịch vụ được thể chế hóa nhằm cung cấp thông tin về công việc và chuẩn bị cho sinh viên quốc tế làm việc tại Đức là một bước phát triển gần đây. Không giống như những sinh viên lựa chọn du học ở những quốc gia nói tiếng Anh, nhiều sinh viên quốc tế ở những quốc gia không nói tiếng Anh không thông thạo ngôn ngữ của quốc gia sở tại khi mới đến. Điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập, hội nhập văn hóa xã hội và triển vọng được tuyển dụng. Ở Đức, một chương trình thị thực làm việc sau tốt nghiệp rộng rãi cho phép sinh viên tốt nghiệp tìm việc làm trong 18 tháng sau khi hoàn thành bằng cấp; và khảo sát chỉ ra rằng khoảng một nửa số sinh viên tốt nghiệp quốc tế tìm được việc làm hiệu quả.
Để giải quyết vấn đề hội nhập thị trường lao động, những chương trình tư vấn nghề nghiệp chuyên biệt tìm cách giúp đỡ sinh viên trong quá trình này. Đây là những dịch vụ đặc biệt đã được chọn lọc nhằm cung cấp cho sinh viên quốc tế thông tin về kỳ vọng của các nhà tuyển dụng Đức, và hỗ trợ họ chuẩn bị chiến lược. Mặc dù không có tên gọi thống nhất cho những dịch vụ nghề nghiệp cung cấp cho sinh viên quốc tế, nhưng một trong những thuật ngữ được sử dụng nhiều hơn là “dịch vụ nghề nghiệp quốc tế” (International Career Service – ICS). Từ viết tắt “ICS” kết hợp từ “văn phòng quốc tế” và “dịch vụ nghề nghiệp” để thể hiện nỗ lực hợp tác giữa hai bộ phận này.
Các ICS thường tập trung vào việc tích hợp sinh viên từ những chương trình thạc sĩ tiếng Anh, chương trình cử nhân tiếng Đức và gần đây là những nhà nghiên cứu đang ở giai đoạn đầu sự nghiệp. Phạm vi dịch vụ có thể bao gồm sự kết hợp huấn luyện, hội thảo, hội nghị, tìm việc làm hoặc thăm công ty. ICS chủ yếu là những chương trình tạm thời do dự án tài trợ. Một số tiểu bang đã hợp tác với các hiệp hội người sử dụng lao động để cung cấp tài trợ cho các ICS; trong những trường hợp khác, các trường đại học đáp ứng nhu cầu của sinh viên hoặc bắt đầu hình thành những ICS cho sinh viên quốc tế. Một số trường đại học có ICS độc lập, trong khi những trường khác cung cấp ICS thông qua sự hợp tác với nhiều văn phòng. Khoảng 20% các cơ sở giáo dục đại học của Đức cung cấp một số hình thức chuẩn bị cho thị trường lao động và huấn luyện cá nhân được thiết kế phù hợp, nhưng mức độ cung cấp ICS khác nhau giữa các cơ sở. Tuy nhiên, việc cung cấp những dịch vụ này không được tiêu chuẩn hóa – đặc tính khác biệt của sinh viên quốc tế trong mỗi cơ sở đòi hỏi những giải pháp cá nhân hóa.
Sự căng thẳng trong thị trường lao động
Một số sáng kiến của chính phủ và các tổ chức ICS tập trung vào việc hỗ trợ những sinh viên quốc tế quan tâm đến khoa học và sự nghiệp nghiên cứu ở Đức. Trong khi đó, giới học thuật Đức đang gặp khó khăn khi cố gắng mở rộng năng lực cho những nhà nghiên cứu mới bắt đầu sự nghiệp nhưng bị giới hạn bởi những hợp đồng ngắn hạn, bấp bênh, khiến họ không có triển vọng lâu dài. Trong khi những sáng kiến tiếp thị tìm cách thu hút nhân tài nước ngoài đến Đức, nhiều nhà nghiên cứu ở nước này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt để thăng tiến hoặc tìm kiếm việc làm ổn định. Phong trào #ichbinhanna chỉ trích hệ thống hợp đồng tạm thời, và cung cấp thông tin bằng tiếng Anh cho những học giả nước ngoài làm việc tại Đức. Sự căng thẳng này cũng tồn tại trong thị trường lao động phi học thuật, nơi tỷ lệ thất nghiệp do đại dịch gây ra đặc biệt cao trong số những sinh viên tốt nghiệp trẻ tuổi và thậm chí gây nhiều rắc rối hơn cho những người có hộ chiếu nước ngoài hoặc có nguồn gốc nhập cư.
Hậu quả của tiếp thị lệch hướng
Thu hút và hỗ trợ nhân tài quốc tế trong một quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt thị trường lao động là một cách tiếp cận cơ bản đúng đắn và phổ biến. Đức đã thúc đẩy sự cam kết rõ ràng về hậu cần, tài chính và nhân sự nhằm cung cấp những dịch vụ nghề nghiệp cho những sinh viên quốc tế muốn ở lại nước này. Tuy nhiên, sự gia tăng của các ICS ở Đức cũng cho thấy cần có hướng tiếp thị phù hợp để kết nối sinh viên quốc tế tương lai với nhu cầu của thị trường lao động Đức. Một mặt, những nỗ lực tiếp thị cả công và tư thường nhằm tuyển sinh viên vào những chương trình dạy bằng tiếng Anh. Mặt khác, các nhà tuyển dụng lại quan tâm nhiều hơn đến những sinh viên tốt nghiệp nói được tiếng Đức. Hệ quả của sự lệch pha này là trong khi hoạt động tiếp thị nhắm đến nhóm đối tượng sinh viên này, nhu cầu lại dành cho nhóm đối tượng khác. Tình trạng này dẫn đến nhu cầu quốc tế hóa những dịch vụ nghề nghiệp nhằm định hướng sinh viên về những gì họ cần làm để tăng triển vọng được tuyển dụng, trong đó quan trọng nhất là học tiếng Đức.
Một khi hiểu rõ rằng những kỹ năng ngôn ngữ là cần thiết để có thể làm việc ở Đức, lợi thế chính của những sinh viên này là họ đã quen thuộc nước Đức và mong muốn bắt đầu sự nghiệp tại đây. Tuy nhiên, tình huống này làm sáng tỏ sự mâu thuẫn ngày càng lớn giữa các bên liên quan của quốc tế hóa – bao gồm cả người sử dụng lao động – và đặt ra câu hỏi về chiến lược quốc tế hóa của Đức. Xét trên toàn bộ đường lối, cần có nhiều quyết định tổng thể hơn về quốc tế hóa. Những sáng kiến tiếp thị trước đây tăng được lượng đăng ký vào những chương trình dạy bằng tiếng Anh. Nhưng nếu sinh viên tốt nghiệp những chương trình này không thuộc những khu vực đang thiếu hụt lao động có tay nghề cao, hoặc họ không học tiếng Đức, các cơ sở giáo dục đại học và sinh viên sẽ phải đối mặt với những hệ quả tiêu cực như sinh viên thất nghiệp, sinh viên không hài lòng và nhà tuyển dụng thất vọng. Tuy nhiên, cách tiếp thị minh bạch hơn về những cơ hội nghề nghiệp sẵn có, về tầm quan trọng cốt yếu của các kỹ năng tiếng Đức, và nguồn tài trợ bền vững cho các ICS có thể phục vụ những mục tiêu đổi mới và phát triển kinh tế lớn hơn của đất nước.
Những trường hợp như của Đức cung cấp thông tin chi tiết về những thách thức và cơ hội mà những quốc gia không nói tiếng Anh phải đối mặt trong việc thu hút và giữ chân nhân tài nước ngoài.
Cuối cùng, nhiều quốc gia chào đón sinh viên quốc tế đang tìm cách hòa nhập họ vào xã hội và thị trường lao động. Các ICS của Đức cung cấp một mô hình đáng chú ý, với nhiều sáng kiến thực tiễn tốt để tạo ra những ý tưởng và nguồn cảm hứng. ICS đóng vai trò trung tâm trong việc kết nối sinh viên quốc tế với các nhà tuyển dụng. Nhưng để các ICS của Đức hỗ trợ đầy đủ cho việc hội nhập của sinh viên vào thị trường lao động trong dài hạn, hoạt động tiếp thị minh bạch của đất nước và tài trợ lâu dài cho các ICS là cần thiết. Mặc dù việc phát triển những chương trình dạy bằng tiếng Anh có thể làm tăng số lượng tuyển sinh quốc tế, tấm bằng tốt nghiệp có thể vẫn chưa đủ để giúp sinh viên có được việc làm. Nếu đặt ra mục đích giữ chân sinh viên quốc tế, điều quan trọng là phải đặt ra những kỳ vọng rõ ràng trong khi thực hiện những chương trình tiếp thị, và sau đó, cung cấp cho sinh viên sự chuẩn bị phù hợp để tham gia vào thị trường lao động.
Những trường hợp như của Đức cung cấp thông tin chi tiết về những thách thức và cơ hội mà những quốc gia không nói tiếng Anh phải đối mặt trong việc thu hút và giữ chân nhân tài nước ngoài. Trong khi quốc tế hóa đã trở thành trọng tâm của những chiến lược kinh tế trong nhiều thập kỷ, phương pháp tiếp cận toàn diện cần bao gồm những cấu trúc bền vững để hội nhập sinh viên quốc tế vào thị trường lao động.