Căng thẳng địa chính trị Hoa Kỳ – Trung Quốc tác động đến các trường đại học và khoa học

Xiaojie Li là Nghiên cứu sinh và Jenny J. Lee là Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học tại Đại học Arizona, Hoa Kỳ. Email: xiaojieli@email.arizona.edu và jennylee@arizona.edu. Jenny J. Lee đã tiết lộ về mối liên hệ với Ủy ban 100 cho Đại học Arizona. Xung đột quyền lợi này đang được Đại học Arizona xử lý phù hợp với những chính sách của trường.

Tóm tắt

Dựa trên những phát hiện gần đây từ một cuộc khảo sát quốc gia liên quan đến 2000 giảng viên, nghiên cứu viên sau tiến sĩ  và nghiên cứu sinh sau đại học tại các trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ, bài viết này thảo luận về tác động tiêu cực của căng thẳng địa chính trị Hoa Kỳ – Trung Quốc đối với cộng đồng khoa học, bao gồm nhận thức về công bằng, hợp tác nghiên cứu và sự dịch chuyển của nhà khoa học.

Trong khi sự tiến bộ của tri thức thường đòi hỏi các nhà khoa học dịch chuyển và hợp tác xuyên biên giới, thì căng thẳng địa chính trị đôi khi có thể làm gián đoạn hoặc thậm chí làm ngưng trệ quá trình này đối với nhiều người. Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai quốc gia dẫn đầu về sản xuất nghiên cứu và cộng tác nghiên cứu. Tuy nhiên, xung đột giữa hai quốc gia này đang gia tăng. Ngoài ra, một làn sóng những sự việc và thái độ phản đối người châu Á đã xâm nhập vào giới học thuật Hoa Kỳ. Như nghiên cứu gần đây của chúng tôi cho thấy, sự tham gia hoàn toàn của các nhà khoa học Trung Quốc vào nghiên cứu khoa học ở Hoa Kỳ đang bị đe dọa, và tương lai của sự trao đổi và hợp tác giữa các học giả Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng không chắc chắn.

Căng thẳng địa chính trị Mỹ – Trung

Căng thẳng địa chính trị Hoa Kỳ – Trung Quốc ít nhất một phần là do những quy định và chính sách liên bang của Hoa Kỳ đặc biệt nhắm vào Trung Quốc như một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Vào năm 2018, thị thực của sinh viên Trung Quốc trong một số chuyên ngành công nghệ cao đã bị rút ngắn thời hạn từ 5 năm xuống còn 1 năm. Hai năm sau, Tuyên bố 10043 cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ đối với những sinh viên và học giả Trung Quốc có liên hệ với quân đội. Mặc dù hai quy định nhập cư này hạn chế khả năng dịch chuyển của một số nhà khoa học từ Trung Quốc, nhưng Sáng kiến ​​Trung Quốc của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ được khởi động vào năm 2018 đã có tác động rộng hơn đến cộng đồng khoa học. Sáng kiến ​​Trung Quốc tìm cách bảo vệ an ninh quốc gia và đặc biệt nhắm vào Trung Quốc, mô tả Trung Quốc là một mối đe dọa trí tuệ mà theo Cục Điều tra Liên bang (FBI), cần đến “phản ứng của toàn xã hội”. Nói tóm lại, Sáng kiến Trung Quốc cáo buộc các nhà khoa học gốc Trung Quốc là gián điệp tiềm năng.

Hệ quả của Sáng kiến ​​Trung Quốc

Phối hợp với Ủy ban 100, một tổ chức phi lợi nhuận của những người Mỹ gốc Trung Quốc, chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát quốc gia trong số 1949 giảng viên STEM, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và nghiên cứu sinh tại các trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ để xem xét tác động của Sáng kiến ​​Trung Quốc đối với cộng đồng khoa học. Chúng tôi đã hỏi về nhận thức và kinh nghiệm của họ liên quan đến sự hợp tác với Trung Quốc và về chính Sáng kiến ​​Trung Quốc, cũng như về những kế hoạch trong tương lai. Gần một nửa số mẫu khảo sát (46%) tự nhận mình là người Trung Quốc.

Việc các nhà khoa học người Trung Quốc bị lập hồ sơ vì lý do chủng tộc là đặc biệt đáng lo ngại. 42% các nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ cảm thấy bị chính phủ Hoa Kỳ lập hồ sơ vì lý do chủng tộc, so với con số chỉ 9% các nhà khoa học không phải người Trung Quốc. 51% các nhà khoa học Trung Quốc cảm thấy sợ hãi/ lo lắng khi bị chính phủ Hoa Kỳ điều tra, so với con số 12% các nhà khoa học không phải người Trung Quốc. Ngoài ra, nhiều nhà khoa học Trung Quốc gặp khó khăn trong việc xin tài trợ nghiên cứu ở Hoa Kỳ vì lý do chủng tộc/ quốc tịch/ quốc gia xuất xứ của họ, so với các nhà khoa học không phải người Trung Quốc (38% so với 14%). Cũng như vậy, các nhà khoa học Trung Quốc nhiều khả năng phải trải qua những thách thức chuyên môn (như sự thăng tiến, sự thừa nhận chuyên môn) do chủng tộc/ quốc tịch/ quốc gia xuất xứ của họ nhiều hơn so với những người không phải là người Trung Quốc (38% so với 16%).

Định kiến ​​tiêu cực về Trung Quốc và các nhà khoa học Trung Quốc cũng thể hiện rõ ràng. Mặc dù một số lượng đáng kể những trường hợp Sáng kiến ​​Trung Quốc đã bị loại bỏ, cũng như được minh oan, 75% các nhà khoa học không phải người Trung Quốc tin rằng Hoa Kỳ nên cứng rắn hơn với Trung Quốc để ngăn chặn hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và 44% tin rằng hoạt động gián điệp học thuật và đánh cắp trí tuệ của các nhà khoa học Trung Quốc trong giới học thuật là một vấn đề nghiêm trọng. Mặc dù có ít cơ sở rõ ràng cho những quan điểm như vậy, nhưng những định kiến ​​như vậy đang gây lo ngại, vì chúng không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân các nhà khoa học mà còn cả nền doanh nghiệp khoa học Hoa Kỳ.

Chúng tôi cũng nhận thấy rằng hợp tác nghiên cứu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bị hạn chế do các nhà nghiên cứu nhận thức về những rủi ro nghiên cứu tiềm ẩn và những rắc rối phát sinh. Trong số 43% các nhà khoa học đã thực hiện những nghiên cứu hợp tác quốc tế liên quan đến Trung Quốc trong ba năm qua, 16% đã kết thúc sớm hoặc bất ngờ tạm ngưng hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học ở Trung Quốc. Lý do chính được viện dẫn là họ muốn tạo khoảng cách với các cộng tác viên ở Trung Quốc do Sáng kiến ​​Trung Quốc. Ngoài ra, 28% các nhà khoa học này (đã thực hiện nghiên cứu hợp tác quốc tế liên quan đến Trung Quốc trong ba năm qua) hạn chế giao tiếp với các cộng tác viên ở Trung Quốc, 17% quyết định không tham gia vào các dự án tương lai của Trung Quốc và 16% quyết định không tham gia làm việc với các cộng tác viên tại Trung Quốc trong các dự án tương lai.

Cuối cùng, Hoa Kỳ có thể bị mất nhân tài. 42% các nhà khoa học Trung Quốc không phải là công dân Hoa Kỳ cho biết rằng FBI điều tra và/ hoặc Sáng kiến ​​Trung Quốc đã ảnh hưởng đến kế hoạch ở lại Hoa Kỳ của họ. Những nhà khoa học đã cân nhắc lại dự định của họ ở Hoa Kỳ bao gồm cả những sinh viên tốt nghiệp quốc tế người Trung Quốc đang tìm cách bắt đầu sự nghiệp của mình cũng như những giáo sư thành danh đã sống ở Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ. Nếu căng thẳng địa chính trị Mỹ – Trung tiếp tục, Mỹ có thể bị ảnh hưởng do các nhà khoa học Trung Quốc rời khỏi đất nước.

 

Mặc dù căng thẳng địa chính trị Mỹ – Trung đã khơi nguồn những định kiến ​​về Trung Quốc, nhưng niềm tin của các nhà khoa học vào sự cộng tác – một thành phần cơ bản của nghiên cứu khoa học – vẫn mạnh mẽ.

 

Các nhà khoa học tiếp tục coi trọng sự hợp tác với Trung Quốc

Căng thẳng địa chính trị Mỹ – Trung đã dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực; tuy nhiên, phát hiện của chúng tôi cũng cho thấy rằng các nhà khoa học nhận ra giá trị của sự hợp tác giữa các quốc gia, bao gồm cả sự cộng tác học thuật với Trung Quốc. Những nhà khoa học tham gia cuộc khảo sát của chúng tôi nhấn mạnh rằng các nhà khoa học Trung Quốc đã đóng góp quan trọng vào các chương trình nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực của họ (95%), rằng Hoa Kỳ nên xây dựng sự hợp tác nghiên cứu mạnh mẽ hơn với Trung Quốc (87%), và việc hợp tác với các nhà khoa học Trung Quốc là quan trọng đối với nghiên cứu học thuật của bản thân họ (80%). Ngoài ra, đại đa số các nhà khoa học tin rằng hạn chế cộng tác với Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực đến đội ngũ học thuật (93%), đến các lĩnh vực học thuật (93%) và các dự án nghiên cứu tương ứng của họ (94%). Không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhà khoa học người Trung Quốc và không phải Trung Quốc về những quan điểm này. Mặc dù căng thẳng địa chính trị Mỹ – Trung đã khơi nguồn những định kiến ​​về Trung Quốc, nhưng niềm tin của các nhà khoa học vào sự cộng tác – một thành phần cơ bản của nghiên cứu khoa học – vẫn mạnh mẽ và giá trị này dường như không bị ảnh hưởng bởi địa chính trị hiện tại.

Nhìn chung, cuộc khảo sát của chúng tôi cho thấy rằng mặc dù các nhà khoa học ở Hoa Kỳ đánh giá cao sự hợp tác học thuật giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng căng thẳng địa chính trị giữa hai quốc gia này đã can thiệp vào việc sản xuất tri thức khoa học của họ. Nói cách khác, Sáng kiến ​​Trung Quốc hiện tại và thái độ chống Trung Quốc đã làm giảm giá trị của hợp tác quốc tế (và trong một số trường hợp gây rủi ro cao) đối với nhiều nhà khoa học, mặc dù có chung niềm tin vào tầm quan trọng của nó. Như nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra, việc lập hồ sơ các nhà khoa học Trung Quốc vì lý do chủng tộc, việc rút lui khỏi hợp tác nghiên cứu với Trung Quốc, cũng như việc đánh mất tài năng khoa học chỉ là một số hậu quả có thể xảy ra khi địa chính trị can thiệp vào khoa học hàn lâm.