Tương lai của Trung Quốc và tiếng Trung trong giáo dục đại học toàn cầu

 

Tóm tắt

Đã có nhiều tranh luận về sự trỗi dậy của các trường đại học Trung Quốc trên thế giới và tiềm năng của tiếng Trung trở thành ngôn ngữ học thuật toàn cầu. Tôi cho rằng mặc dù những trường đại học tốt nhất của Trung Quốc đạt được thứ hạng cao, vẫn có những vấn đề về cấu trúc và một số rào cản khác không cho phép họ nắm giữ vai trò dẫn dắt toàn cầu. Hơn nữa, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ khoa học chiếm ưu thế mạnh mẽ trên toàn cầu khiến tiếng Trung khó có thể thay thế.   

Tiếng Trung sẽ giữ một vai trò khiêm tốn nhưng đáng chú ý trong tương lai giáo dục đại học toàn cầu. Gần đây đã có một cuộc thảo luận thú vị giữa các học giả phương Tây về chủ đề này. Xem bài “Will English or Mandarin Dominate International HE?” của Hans de Wit đăng trên University World News (ngày 5 tháng 1, 2022), và bài “China and the Geopolitics of Language in Africa” của Rosemary Salomone đăng trên University World News (ngày 11 tháng 12, 2021). Cả hai bài viết đều đề cập đến chủ đề tiếng Trung, và bày tỏ sự hoài nghi về khả năng tiếng Trung thay thế tiếng Anh trong khoa học. Điều này thật thú vị vì chính phủ Trung Quốc không hề có kế hoạch đưa tiếng Trung thành ngôn ngữ hàn lâm khoa học quốc tế. Trên thực tế, Trung Quốc đã phát hành những tạp chí khoa học và học thuật của riêng họ bằng tiếng Anh với mục tiêu lâu dài là nâng cao tính cạnh tranh quốc tế của chúng. Theo Nature, chính phủ Trung Quốc đang chi hơn 200 triệu NDT (29 triệu USD) mỗi năm nhằm nâng cao vị thế của khoảng 280 tạp chí, hầu hết được xuất bản bằng tiếng Anh. Đáng kể nhất, những tài liệu khoa học bằng tiếng Trung được dịch sang tiếng Anh ngày càng chính xác giúp cho hợp tác nghiên cứu ngày càng dễ dàng, hứa hẹn sự tăng tốc của lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo – Lượng tử trong những thập kỷ tới.

Mặc dù tiếng Trung sẽ không sớm thay thế tiếng Anh như ngôn ngữ khoa học toàn cầu, một số trường đại học hàng đầu của Trung Quốc đã vươn lên đẳng cấp thế giới và ngày càng có tầm ảnh hưởng rộng. Khoản đầu tư chưa từng có của Trung Quốc trị giá khoảng 182 tỷ USD vào một số sáng kiến ​​đại học đẳng cấp thế giới trong những thập kỷ gần đây đã mang lại kết quả ấn tượng, nâng cao vị trí của Trung Quốc trong bảng xếp hạng toàn cầu và thu hút các nhà khoa học đẳng cấp thế giới. Trung Quốc có hệ thống học thuật lớn nhất thế giới về số lượng sinh viên. Hệ thống này cũng thu hút (trước COVID-19) 500 ngàn sinh viên quốc tế, hầu hết đến học tiếng Trung, nhưng ngày càng tăng thêm số sinh viên theo học những chương trình dài hạn. Không quốc gia nào sánh nổi với Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng số bằng sáng chế và ấn phẩm khoa học. 7 trong số 200 trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc lọt vào top 100 của Times Higher Education Ranking. Quả thực, tốc độ phát triển như vậy chưa từng có tiền lệ. Nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng tốt, cùng với sự đầu tư đáng kể vào khoa học – công nghệ và vào hệ thống giáo dục đại học của những quốc gia tham gia sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường”, thì ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc sẽ ngày càng mở rộng.

Điều này không hẳn là bằng chứng chắc chắn rằng các trường đại học Trung Quốc sẽ sớm lọt vào top 10 trường đại học toàn cầu. Vẫn còn một số trở ngại đáng kể cần giải quyết. Như Altbach đã chỉ ra trong bài viết “Giáo dục đại học Trung Quốc: ‘Trần kính’ và ‘Chân đất sét” (IHE số #86), nhiều vấn đề rất đáng được xem xét. Bao gồm mức độ quan liêu nặng, mức độ tự chủ đại học thấp, sự can thiệp trực tiếp của hệ thống chính trị vào quản lý nội bộ và đời sống trí thức của đại học, sự hạn chế tiếp cận thông tin, đặc biệt trong các ngành khoa học xã hội – nhân văn. Đây là những trở ngại không thể chấp nhận đối với 10 trường đại học hàng đầu thế giới. Ngoài ra, sự mở rộng chưa từng có của hệ thống giáo dục đại học và sự xuất hiện đột ngột của áp lực “xuất bản hay là chết” dẫn đến tình trạng siêu đạo văn và vi phạm tràn lan quyền sở hữu trí tuệ. Dù sao, vấn đề này vẫn dễ khắc phục hơn những trở ngại nói trên.

Tiến bộ học thuật của Trung Quốc có một số điểm tương đồng với sự gia tăng nhanh chóng các trường đại học Đức trong thế kỷ XIX và đại học Mỹ trong nửa đầu thế kỷ XX. Trong cả hai trường hợp, tiếng Đức và tiếng Anh sau đó đã trở nên có ảnh hưởng trong xuất bản khoa học, nhưng ngôn ngữ bản địa vẫn chiếm ưu thế. Đó là vì các hệ thống học thuật khi đó còn nhỏ và số lượng tạp chí khoa học còn khiêm tốn. Sang thế kỷ XXI, khoảng 71 triệu trong số 79 triệu bài báo (90%) được đăng trên Web of Science là bằng tiếng Anh, chỉ số trích dẫn cũng có tỷ lệ tương tự. Cùng vì lý do đó mà nhu cầu đối với những chương trình đào tạo đại học dài hạn bằng tiếng Anh đã tăng lên nhanh chóng. Những điều này góp phần lý giải cách tiếp cận thực dụng của Trung Quốc – áp dụng quy tắc sử dụng tiếng Anh trong ngôn ngữ học thuật. Dùng tiếng Anh có thể bất tiện, nhưng không phải là trở ngại lớn đối với tiến bộ khoa học của Trung Quốc. Đồng thời, giống như ở mọi cường quốc học thuật khác, ngôn ngữ là cốt lõi của niềm tự hào dân tộc, các nhà lãnh đạo học thuật thừa nhận rằng sự hội nhập quốc tế không nên làm tổn hại đến ngôn ngữ quốc gia.

Thực tế ngôn ngữ

Những con số giúp chúng ta hình dung câu chuyện thực tế. Tiếng Trung có số lượng người bản ngữ lớn nhất trên thế giới – 918 triệu, lớn hơn nhiều so với số người nói tiếng Anh bản ngữ là 379 triệu (tiếng Tây Ban Nha đứng ở vị trí thứ hai với 460 triệu). Tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất với 1,132 tỷ người so với tiếng Trung là 1,117 tỷ. Hơn nữa, tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức ở 55 quốc gia, hầu hết là thuộc địa cũ của Đế quốc Anh. Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến ở 6 cường quốc công nghiệp phát triển. Nó là ngôn ngữ chính thức tại 6 quốc gia châu Á, trong đó ở Singapore tiếng Anh là ngôn ngữ chính. Ngoài ra, các chương trình đào tạo đại học bằng tiếng Anh đã gia tăng đáng kể ở những nước không sử dụng tiếng Anh. Một nghiên cứu gần đây của Studyportals đã ghi nhận 27.874 chương trình dạy bằng tiếng Anh bên ngoài 4 quốc gia nói tiếng Anh chính, với mức tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây.

Tầm nhìn quốc tế của tiếng Trung

Hiện nay, tiếng Trung ít được giảng dạy bên ngoài Trung Quốc, cũng như ít được sử dụng trong xuất bản khoa học hoặc giao tiếp quốc tế. Mặc dù số lượng ấn phẩm được trích dẫn quốc tế của các tác giả Trung Quốc đã tăng lên đáng kể cũng như số bằng sáng chế của Trung Quốc, nhưng khả năng hiện diện quốc tế của chúng bị hạn chế. Trong số 100 trường đại học hàng đầu được Times Higher Education xếp hạng, 64 trường giảng dạy bằng tiếng Anh, 7 trường bằng tiếng Trung và 29 trường sử dụng những ngôn ngữ khác (trong số 29 trường có một số trường sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính – như ETH Zurich và một số đại học Hà Lan). Ngoài ra còn có 5 trường đại học trong top 100 của “Trung Quốc mở rộng” (Hồng Kông và Singapore) sử dụng tiếng Anh. 4 phân hiệu do các trường đại học Trung Quốc tài trợ đều sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy chính.

Chính phủ Trung Quốc đầu tư lớn, ước tính khoảng 10 tỷ USD hàng năm, vào các Viện Khổng Tử (Confucius Institute – CI). Vào năm 2019, có hơn 530 Viện Khổng tử trên 6 lục địa, giảng dạy về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Bộ Giáo dục Trung Quốc ước tính có khoảng 100 triệu người đang học tiếng Trung trên toàn thế giới, nhiều người theo học ở các CI. Tuy nhiên, những bất đồng xảy ra đã dẫn đến việc nhiều CI bị đóng cửa.

 

Tiếng Trung sẽ ngày càng được giảng dạy nhiều hơn trong các trường đại học trên khắp thế giới, tương tự như cách tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha được giảng dạy rộng rãi, nhưng sẽ được chú trọng nhiều hơn do ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc ngày càng tăng.

 

Triển vọng tương lai

Tiếng Trung sẽ ngày càng được giảng dạy nhiều hơn trong các trường đại học trên khắp thế giới, tương tự như cách tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha được giảng dạy rộng rãi, nhưng sẽ được chú trọng nhiều hơn do ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc ngày càng tăng. Là ngôn ngữ của một nền kinh tế lớn và là ngôn ngữ giảng dạy của một hệ thống giáo dục đại học cạnh tranh toàn cầu, tiếng Trung sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng. Tuy nhiên, xuất bản khoa học, hợp tác khoa học và hội thảo học thuật toàn cầu sẽ vẫn chủ yếu bằng tiếng Anh.