Natalia Ávila Reyes là Trợ lý giáo sư và là Giám đốc nghiên cứu sau đại học tại Khoa Giáo dục của Đại học Pontificia Católica de Chile. Email: naavila@uc.cl.
Tóm tắt
Trong khi nhu cầu sử dụng tiếng Anh trong giáo dục đại học ngày càng tăng trên toàn thế giới, châu Mỹ Latinh lại thiên về sử dụng tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Bồ Đào Nha làm ngôn ngữ giảng dạy đại học. Bài báo này đề cập đến những thách thức mà các chương trình đào tạo tiến sĩ phải đối mặt khi đồng thời khuyến khích sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy, và tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ hợp lệ nhằm thúc đẩy phát triển khoa học trong khu vực.
Tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ tư trên toàn cầu, với gần 500 triệu người bản ngữ, đa số sống ở châu Mỹ Latinh. Trong những năm qua, khu vực này có sự tăng trưởng về số lượng tuyển sinh và phát triển giáo dục đại học, bao gồm cả sự gia tăng các chương trình đào tạo tiến sĩ.
Theo truyền thống, ở châu Mỹ Latinh, ngoại trừ khu vực Caribe, ngôn ngữ giảng dạy trong các trường đại học là ngôn ngữ mẹ đẻ của mỗi quốc gia, là tiếng Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha. Trái ngược với truyền thống này của những trường đại học nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha ở châu Mỹ Latinh, những quốc gia không nói tiếng Anh khác hiện cung cấp những chương trình dạy bằng tiếng Anh hoặc đặt ra yêu cầu kỹ năng tiếng Anh đối với sinh viên tốt nghiệp.
Xu hướng “tiếng Anh hóa” trong các chương trình đào tạo tiến sĩ trên toàn cầu thậm chí còn mạnh hơn. Phần lớn tri thức được tạo ra và truyền đạt bằng tiếng Anh, điều này gợi ý rằng những nhà nghiên cứu mới phải có khả năng vừa hiểu được những kiến thức cập nhật, liên quan tới lĩnh vực của họ, vừa có thể công bố nghiên cứu ở những nơi được cộng đồng học thuật toàn cầu đánh giá cao nhất. Trong đào tạo tiến sĩ, kỹ năng tiếng Anh nay đã trở thành thước đo cơ bản để đánh giá chất lượng và mang lại lợi thế cạnh tranh đặc biệt cho những nghiên cứu sinh tốt nghiệp khi tham gia thị trường việc làm học thuật.
Mặc dù kỹ năng tiếng Anh là một chỉ số khá khách quan về chất lượng đào tạo tiến sĩ, nhưng vẫn có một số căng thẳng xung quanh việc ngôn ngữ này chiếm ưu thế với vai trò là ngôn ngữ cầu nối học thuật. Tôi sẽ đề cập tới hai trong số những căng thẳng này. Thứ nhất là cuộc đấu tranh vì tính hợp lệ của tiếng Tây Ban Nha với tư cách là một ngôn ngữ khoa học. Thứ hai liên quan đến sự bất bình đẳng về địa chính trị và giáo dục nảy sinh khi tiếng Anh được đưa vào sử dụng trong học thuật.
Tiếng Tây Ban Nha học thuật và sự định hướng của kiến thức
Việc coi tiếng Anh là ngôn ngữ khoa học toàn cầu đã trở thành phổ biến, dẫn đến sự áp đặt quy tắc đa ngôn ngữ đối với những học giả và nghiên cứu sinh đến từ những quốc gia không nói tiếng Anh như một điều kiện để tham gia vào những cuộc đàm luận chuyên môn. Tuy nhiên, đa ngôn ngữ không phải là yêu cầu hai chiều: Sự bá chủ của tiếng Anh hiện nay phù hợp với địa chính trị của quá trình sản xuất tri thức vẫn định hướng từ khu vực trung tâm (nói tiếng Anh) ra khu vực ngoại vi (không nói tiếng Anh).
Đồng thời, các trường đại học ở châu Mỹ Latinh đã thực hiện chính sách tăng trưởng và thúc đẩy nghiên cứu, bao gồm những cơ chế tài trợ và trách nhiệm giải trình khác nhau liên quan đến năng suất khoa học. Những tiêu chí kiểm định trường đại học thường bao gồm việc công bố trên những tạp chí có chỉ mục chính thống, được xuất bản chủ yếu bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, các trường đại học và cơ sở đào tạo ở châu Mỹ Latinh đã thúc đẩy việc xuất bản cục bộ trên những tạp chí chất lượng cao, thường do các trường đại học hoặc hiệp hội điều hành theo mô hình phi lợi nhuận. Tính đến tháng 10 năm 2021, cơ sở dữ liệu Scopus có 888 tạp chí Mỹ Latinh, khoảng một nửa trong số đó về khoa học xã hội và nhân văn. Những tạp chí xuất bản bằng tiếng Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha hoặc có mô hình đa ngôn ngữ hoặc song ngữ, gồm cả tiếng Anh, chiếm tỷ lệ cao trong số những tạp chí Mỹ Latinh trong Scopus. Trong tổng số tạp chí Mỹ Latinh được lập chỉ mục trong Scopus, 784 tạp chí là truy cập mở và 574 cũng được lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu SciELO của Global South – một ví dụ điển hình về việc thúc đẩy khoa học ở những nước đang phát triển theo định dạng đa ngôn ngữ. SciELO là một nỗ lực hợp tác lập chỉ mục những tạp chí học thuật từ Argentina, Bolivia, Brazil, Chile, Colombia, Costa Rica, Cuba, Ecuador, Mexico, Paraguay, Peru, Bồ Đào Nha, Nam Phi, Tây Ban Nha, Uruguay, Tây Ấn và Venezuela, với tiêu chuẩn cao về chất lượng khoa học. SciELO cung cấp một lượng lớn nghiên cứu bằng tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, mặc dù theo một nghiên cứu gần đây của Viện Thông tin Khoa học, hiện nay hầu hết các nghiên cứu được viết bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, theo thời gian, những công bố bằng tiếng Tây Ban Nha vẫn giữ được sự ổn định trong khu vực.
Tôi trích dẫn những sáng kiến này như những ví dụ về việc thúc đẩy nghiên cứu bằng tiếng Tây Ban Nha và chống lại định hướng Bắc – Nam của sản xuất tri thức. Những tạp chí này tạo điều kiện cho đông đảo độc giả trong khu vực tiếp cận kiến thức và tham gia khoa học, mà nếu không có chúng họ hoàn toàn không có cơ hội. Nói tóm lại, điều này đã thúc đẩy phát triển khoa học trong khu vực, nơi mà sự nghèo đói và bất bình đẳng lớn về giáo dục vẫn đang chi phối chương trình nghị sự chính trị ở một số quốc gia trong những năm gần đây. Do đó, thay vì phản đối việc áp dụng tiếng Anh, những phản ứng mang tính hợp tác này cung cấp một lựa chọn để thúc đẩy khoa học ở những nước đang phát triển.
Vấn đề công bằng trong giáo dục cũng cần được xem xét khi thực hiện chính sách ngôn ngữ cho giáo dục đại học ở Mỹ Latinh.
Những chênh lệch trong giáo dục
Vấn đề công bằng trong giáo dục cũng cần được xem xét khi thực hiện chính sách ngôn ngữ cho giáo dục đại học ở Mỹ Latinh. Sự chênh lệch chất lượng giáo dục tiếp tục ảnh hưởng đến đông đảo dân số ở hầu hết các quốc gia trong khu vực. Việc dạy tiếng Anh phân bổ không đồng đều từ mẫu giáo tới lớp 12 ở hầu hết các quốc gia và tạo thành một thách thức đáng kể đối với sinh viên và trường đại học trong quá trình học đại học và sau đại học.
Tôi sẽ lấy Chile làm ví dụ. Đất nước này có sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực đào tạo tiến sĩ. 56 trường đại học của Chile hiện cung cấp 280 chương trình tiến sĩ trong các lĩnh vực khác nhau, 230 trong số đó được Cơ quan Quốc gia kiểm định, có nghĩa là những chương trình này đáp ứng tiêu chí chất lượng tối thiểu để các nghiên cứu sinh của họ đủ điều kiện được nhận tài trợ công. Những trường đại học danh tiếng nhất trong nước vẫn đòi hỏi kỹ năng ngoại ngữ, thấp nhất là trình độ đọc hiểu thông thạo, nhưng yêu cầu kỹ năng tiếng Anh B2 theo Khung tham chiếu ngôn ngữ chung của châu Âu (sử dụng ngôn ngữ ở mức “tự tin”) nay đã dần thành chuẩn. Tuy nhiên, ngay cả sinh viên của những trường đại học ưu tú nhất trong nước cũng khó đáp ứng được yêu cầu này.
Hiện tại, một số trường đại học yêu cầu nghiên cứu sinh có chứng chỉ tiếng Anh, hoặc trong một số trường hợp, một ngoại ngữ khác được xác định là phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của chương trình đào tạo. Tính linh hoạt này cho phép, ví dụ như miễn trừ cho những nghiên cứu sinh được đồng hướng dẫn bởi những trường đại học nói tiếng Pháp, Bồ Đào Nha hoặc Đức; nói chung những trường hợp như vậy thường rất ít. Do đó, các khóa học tiếng Anh kết hợp trong chương trình tiến sĩ, vốn đã rất khắt khe, tạo thêm thách thức cho những nghiên cứu sinh, có thể rất tài năng về mặt chuyên môn, nhưng chưa học tiếng Anh trong quá trình học tập trước đây của họ.
Nói chung, các chương trình tiến sĩ ở châu Mỹ Latinh phải đối mặt với thách thức kép là vừa khuyến khích tham gia nghiên cứu sớm, đồng thời, vừa phải cung cấp trình độ ngoại ngữ thông thạo cho phép các nhà nghiên cứu tương lai hoạt động bền vững trong môi trường chủ yếu dùng tiếng Anh. Viết luận án tiến sĩ từ sự tóm lược các bài báo và các yêu cầu xuất bản để tốt nghiệp tạo thành không gian đào tạo cho khía cạnh chất lượng quan trọng này. Tuy nhiên, sự mất cân bằng về giáo dục trong các quốc gia, cũng như sự mất cân bằng trong việc tham gia khoa học toàn cầu, vẫn là rào cản đối với việc sử dụng tiếng Anh.
Tóm lại, chúng ta cần xem xét lại chính sách ngôn ngữ ở cấp độ đào tạo tiến sĩ với quan điểm nhằm cân bằng, trên cơ sở bình đẳng, giữa việc công bố nghiên cứu viết bằng tiếng Tây Ban Nha trên những tạp chí học thuật địa phương có chất lượng và việc tiếp thu tiếng Anh như một công cụ quan trọng để tham gia khoa học toàn cầu. Ý đầu nhằm tăng cường sản xuất và mạng lưới tri thức trong những nước đang phát triển và thách thức định hướng của tri thức. Ý sau cung cấp cho các học giả mới nổi những nguồn lực quan trọng và nên trở thành mục tiêu trọng tâm ngay trong chương trình giảng dạy ở bậc đại học. Cuối cùng, việc tiếp cận sớm với tiếng Anh có thể thúc đẩy sự tham gia bình đẳng của sinh viên Mỹ Latinh trong những chương trình sau đại học của họ và các nhà khoa học Mỹ Latinh trong cộng đồng học thuật của họ ở cấp độ toàn cầu.