Đại học tư thục Argentina: Quy định nghiêm ngặt của một khu vực nhỏ nhưng hợp nhất

Dante J. Salto là Giáo sư trợ giảng về giáo dục đại học tại Khoa Lãnh đạo Hành chính, Đại học Wisconsin – Milwaukee, và là Thành viên của Chương trình Nghiên cứu về Giáo dục Đại học Tư thục (PROPHE), Hoa Kỳ. Email: salto@uwm.edu.

Tóm tắt: Sự phản đối quyết liệt đối với các trường đại học tư thục ở Argentina đã khiến khu vực này chỉ có phạm vi nhỏ nhưng mạnh mẽ trong giáo dục đại học. Những cuộc tranh luận cốt lõi về các chủ thể tư nhân trong giáo dục đã chuyển biến từ sự phản đối gay gắt sang thảo luận cụ thể hơn về vai trò cơ bản của họ. Tuy nhiên, khu vực công lớn hơn và có uy tín hơn vẫn nhận được nhiều hỗ trợ của chính phủ về mặt tài chính và chính sách, điều này khiến khu vực tư thục phải dựa chủ yếu vào nguồn thu từ học phí.

Giáo dục đại học của khu vực tư thục ở Argentina gặp phải nhiều trở ngại ở bậc đại học (university) hơn so với bất kỳ bậc nào khác của hệ thống giáo dục. Hệ thống giáo dục đại học nhị phân của Argentina bao gồm 2369 trường đại học (university) và trường phi đại học (nonuniversity), thu nhận gần ba triệu sinh viên. Cứ bốn sinh viên thì có một đăng ký vào khu vực tư thục, nhưng chỉ một trong năm sinh viên đăng ký vào các trường đại học (university) tư thục. Các cơ sở tư thục thường nhỏ hơn so với các cơ sở công lập, trong khi số lượng các trường đại học tư chiếm gần một nửa tổng số. Các cơ sở giáo dục ở bậc phi đại học cung cấp các chương trình đào tạo giáo viên và các chương trình giáo dục kỹ thuật và dạy nghề. Các trường đại học cung cấp nhiều loại bằng cấp từ cử nhân đến sau đại học. Nhìn chung, cung cấp giáo dục đại học tư thục là tâm điểm của các cuộc tranh luận.

Các cuộc tranh luận cốt lõi xung quanh việc cung cấp giáo dục đại học tập trung vào vai trò, chức năng và chất lượng của khu vực tư thục và nhà nước. Những người phản đối sự tham gia của tư nhân nhấn mạnh rằng giáo dục đại học là một lợi ích công. Theo quan điểm này, cung cấp dịch vụ công nên được ưu tiên, trong khi đó cần quản lý chặt chẽ các nhà cung cấp tư nhân và chỉ nên tài trợ tối thiểu cho họ. Ngược lại, những người ủng hộ sự tham gia của tư nhân cho rằng khu vực tư thục thực hiện sứ mệnh công, do đó xứng đáng được nhận tài trợ của chính phủ và hưởng những quy định tương đương. Ngoài ra, họ cũng nhấn mạnh rằng khu vực công đang có những vấn đề về chất lượng và hiệu quả.

Tranh luận về quyền tự do giáo dục

Hệ thống giáo dục đại học của Argentina có từ thời thuộc địa. Thông qua Nhà thờ Công giáo và được sự chấp thuận của Hoàng gia Tây Ban Nha, Dòng Tên đã thành lập tiền thân của trường đại học đầu tiên trên lãnh thổ hiện tại vào năm 1613. Trường Universityidad Nacional de Córdoba, như được biết đến ngày nay, đã hoàn toàn chuyển thành sở hữu công của tỉnh và sau đó của quốc gia, lần lượt vào năm 1820 và 1856. Khu vực công đào tạo bậc đại học vẫn là độc quyền ở Argentina cho đến giữa thế kỷ XX. Chỉ đến năm 1958, hơn một thế kỷ sau khi giành được độc lập, Argentina mới hợp pháp hóa cung cấp giáo dục đại học tư thục.

Tương tự những gì diễn ra ở những nước Mỹ Latinh khác, làn sóng các trường đại học tư thục đầu tiên ở Argentina đáp ứng những yêu cầu lâu đời của Giáo hội Công giáo. Trong giai đoạn các trường đại học tư thục bị cấm, những người ủng hộ hiện trạng lập luận rằng nhà nước nên là nhà cung cấp giáo dục đại học duy nhất. Ở phía đối lập, những người phản đối lệnh cấm cho rằng hiến pháp công nhận quyền cung cấp giáo dục của họ.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã được phép, khu vực tư thục ít được hỗ trợ công

Các lập luận đã vượt ra ngoài quyền cung cấp giáo dục. Việc các trường đại học tư thục ở Argentina được thành lập muộn phản ánh cuộc tranh luận liên quan đến mục đích công của các trường đại học tư thục. Những người ủng hộ khu vực tư thục nhấn mạnh rằng khu vực này thực hiện sứ mệnh công cũng nhiều như phần còn lại của hệ thống. Những người phản đối sự tham gia của tư nhân cho rằng khu vực tư thục không nên được hỗ trợ công vì họ chỉ đóng góp một cách hạn chế cho xã hội. Những tranh luận đó dẫn đến kết quả là các trường đại học tư thục ở Argentina không được nhận tài trợ công trực tiếp hoặc gián tiếp, ngoại trừ cho nghiên cứu. Do đó, khu vực tư thục chủ yếu dựa vào học phí từ sinh viên, trái ngược với khu vực công được tài trợ hoàn toàn bởi chính quyền cấp tỉnh và quốc gia.

Sự tương phản rõ ràng về nguồn tài trợ giữa các trường đại học công lập và tư thục khiến Argentina khác biệt với một số nước láng giềng. Brazil và Chile cấp tài chính công cho cả khu vực tư thục và công lập. Những lựa chọn chính sách khác nhau này có thể là dấu hiệu rằng một số quốc gia cho rằng khu vực tư thục đang thực hiện mục đích công, trong khi tài trợ công ở Argentina chỉ dành cho các trường đại học công lập.

 

Việc đại chúng hóa và đa dạng hóa giáo dục đại học, trong cả khu vực tư thục và công lập, làm tăng mối quan tâm về chất lượng.

 

Có phải nhà nước hay chính phủ đang hoài nghi về giáo dục đại học tư thục?

Việc đại chúng hóa và đa dạng hóa giáo dục đại học, trong cả khu vực tư thục và công lập, làm tăng mối quan tâm về chất lượng. Những người phản đối sự tham gia của các chủ thể tư nhân vào giáo dục đại học đặt ra thêm quy định đối với khu vực tư thục thông qua những cơ chế đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, các chủ thể phi nhà nước chỉ ra rằng những quan ngại về chất lượng không chỉ giới hạn trong khu vực tư thục. Trên thực tế, một số trường đại học tư thục ở Argentina có uy tín khá cao, bất chấp sự thống trị của khu vực công. Tuy nhiên, quy định được thiết lập để giám sát các trường đại học mới phản ánh một số thành kiến ​​chống lại những yếu tố phi nhà nước. Được thành lập vào năm 1995, cơ quan kiểm định đặt ra những rào cản pháp lý bổ sung đối với việc thành lập trường đại học tư thục mới. Các nhà cung cấp tư nhân cần có sự chấp thuận của cơ quan kiểm định trước khi chính thức thành lập, trong khi các trường đại học công lập trải qua quá trình kiểm định sau khi họ được quốc hội thành lập mà không có những bất đồng quan điểm. Mặc dù một số người có thể cho rằng sự khác biệt về quy định này là không công bằng, nhưng trên thực tế, những quy định bổ sung nhằm ngăn cản thành lập các trường đại học tư thục mới này – đã hợp pháp hóa chúng và khiến cho Argentina có rất ít những cơ sở đón đầu nhu cầu, “săn mồi” và chất lượng thấp.

Sự tồn tại của các nhà cung cấp tư nhân trong những điều kiện nghiêm ngặt như vậy (ví dụ quy định chặt chẽ hơn, cạnh tranh miễn học phí) có thể được lý giải rằng họ biết cách cung cấp một cái gì đó khác biệt so với các đồng nghiệp công của họ (ví dụ như quy mô lớp học nhỏ, giờ học linh hoạt, giáo dục từ xa). Điều đáng chú ý là, khu vực công thống trị, có uy tín, miễn học phí, dễ tiếp cận đã tích lũy những thất bại rõ ràng dẫn đến việc họ chuyển từ chỉ tuyển sinh viên thượng lưu và trung lưu sang chấp nhận cả những sinh viên là đối tượng mục tiêu của khu vực tư thục.

Một khu vực nhỏ nhưng hợp nhất

Những lập luận liên quan đến việc những chủ thể phi nhà nước tham gia vào giáo dục đại học ở Argentina đã chuyển từ sự phản đối quyết liệt sang thảo luận cụ thể hơn về vai trò của họ như một bộ phận hợp nhất của hệ thống giáo dục sau trung học. Bất chấp những hạn chế và rào cản mà các tổ chức phi nhà nước ở Argentina phải đối mặt, họ đại diện cho một số lượng lớn các tổ chức và thu nhận một tỷ lệ sinh viên dù nhỏ, nhưng ổn định. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đặt ra một thách thức đáng kể đối với một khu vực phụ thuộc nhiều vào học phí. Tác động của đại dịch, cùng với những quy định nghiêm ngặt hơn và thiếu nguồn tài trợ công, khiến khu vực này khó có thể mở rộng quy mô hơn trong tương lai.