Romania: Phân biệt công tư trong một hệ thống kép

Georgiana Mihut là Giáo sư trợ giảng tại Khoa Nghiên cứu Giáo dục, Đại học Warwick, Vương quốc Anh. Email: georgiana.g.mihut@gmail.com.

Tóm tắt: Các quốc gia có thể đảm bảo để giáo dục đại học vẫn là lợi ích công nếu cung cấp giáo dục chất lượng cao miễn phí hoặc với chi phí thấp cho tất cả sinh viên hoặc cho những sinh viên không đủ điều kiện kinh tế. Người ta thường cho rằng các trường đại học do nhà nước tài trợ mới cung cấp được nền giáo dục có định hướng tốt. Trong thực tế, sự đối lập lợi ích công-tư ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Romania, lộn xộn hơn nhiều.

Tương tự nhiều quốc gia hậu Xô Viết khác, Romania có một hệ thống giáo dục đại học kép (dual-track), trong đó các trường đại học công lập cung cấp cả chương trình đào tạo thu học phí và không thu phí. Trong trường hợp của Romania, học phí tại các trường đại học công lập và tư thục đều thấp. Do đặc điểm kép dual-track của hệ thống giáo dục đại học Romania, các trường đại học công lập có đặc trưng là phân chia thành hệ công và tư. Các trường đại học công lập không được thiết kế theo hướng công bằng; họ chấp nhận thương mại hóa (ví dụ như sử dụng quảng cáo để tuyển sinh, tuyển nhiều sinh viên vào những chương trình có nhu cầu cao nhưng không liên kết trực tiếp đến nhu cầu thị trường lao động và ngày càng tuyển nhiều hơn sinh viên quốc tế trả phí) và tạo thêm các bậc trung gian giữa hệ trả phí và không trả phí. Ngoài ra, do trường đại học công lập và tư thục đều có mức học phí thấp, sinh viên dễ dàng theo học trong các trường tư thục. Trái ngược với những lập luận điển hình từ những người ủng hộ giáo dục tư thục, sự xuất hiện của giáo dục đại học tư thục ở Romania không dẫn đến những đổi mới về sư phạm, quản lý hoặc công nghệ. Nó cũng không dẫn đến những cuộc tranh luận công khai về vai trò của nhà nước trong việc cung cấp giáo dục đại học. Bài báo này thảo luận về một số cách thức mà thực tế của Romania khiến cho những cuộc tranh luận truyền thống về giáo dục đại học công lập và tư thục giảm nhiệt.

Động lực công-tư là đặc trưng của giáo dục đại học do nhà nước tài trợ

Một hệ thống giáo dục đại học công lập tập trung vào chất lượng tốt sẽ đảm bảo cơ hội tiếp cận cho những sinh viên cần điều đó nhất. Tuy nhiên, ở Romania giáo dục đại học do nhà nước tài trợ không đi theo hướng bình đẳng và hòa nhập. Coi trọng thành tích là một đặc tính điển hình của hệ thống kép. Mặc dù một số sinh viên từ các trường trung học nông thôn và sinh viên người Romania được miễn học phí, và một số ít sinh viên nghèo tại các trường đại học công lập được cấp học bổng, phần lớn sinh viên được miễn học phí chủ yếu do thành tích hơn là vì họ cần hỗ trợ. Tiêu chí thành tích cũng chi phối việc phân bổ học bổng và chỗ ở vốn khan hiếm trong những ký túc xá sinh viên được tài trợ công. Các cơ sở giáo dục nhà nước ở Romania được thiết kế để thu hút và hỗ trợ những sinh viên có thành tích học tập cao nhất – thường lại xuất thân từ những tầng lớp nhiều đặc quyền hơn. Giáo dục đại học tư thục bị chỉ trích vì dẫn đến thương mại hóa và tạo ra một hệ thống kép. Vì các trường đại học công lập cũng có động cơ thu hút sinh viên trả phí, họ cũng tham gia vào các hoạt động thương mại hóa và cung cấp các khóa học theo nhu cầu, một phần là cách phản ứng trước sự cạnh tranh từ khu vực tư thục, nhưng cũng do sự cạnh tranh ngay trong khu vực công. Hơn nữa, khi một số sinh viên được miễn học phí còn số khác phải trả học phí, một hệ thống kép được hình thành trong sinh viên tại các trường đại học công lập.

Cả trường nhà nước và phi nhà nước đều có học phí thấp

Mặc dù các trường đại học công lập được thiết kế theo định hướng ưu tiên sinh viên có thành tích, học phí không phải là lý do chính ngăn cản học sinh tiếp cận giáo dục đại học ở Romania, dù trong các cơ sở giáo dục công lập hay tư thục. Học phí tại các trường đại học công lập và tư thục đều thấp. Trong một số trường hợp, học phí tại các trường tư thục còn thấp hơn so với các trường công lập. Tại Ecological University of Bucharest (EUB) – trường đại học tư thục hoạt động lâu nhất của đất nước – học phí cho một năm của chương trình thạc sĩ tâm lý học chưa đến 750 EUR vào năm 2020. Đây là chương trình cử nhân hoặc thạc sĩ có giá cao nhất của EUB. Tại University of Bucharest – một trong những trường đại học công lập lớn nhất và uy tín nhất của đất nước – những sinh viên thạc sĩ tâm lý học phải trả học phí sẽ bị thu hơn 800 EUR cho một năm học. Mức lương tối thiểu hàng tháng chính thức ở nước này là khoảng 460 EUR vào năm 2020.

 

Điểm tương đồng giữa các trường đại học công lập và tư thục là thường sử dụng cùng một đội ngũ nhân lực, trong đó các trường đại học tư thục cung cấp công việc thứ hai cho giảng viên của khu vực công.

 

Giáo dục đại học phi nhà nước: Không tăng chất lượng cũng không đổi mới

Người ta cho rằng sự xuất hiện của giáo dục đại học tư thục có thể dẫn đến đổi mới và tăng chất lượng đào tạo. Điều này đã không xảy ra trong trường hợp của Romania, khi các trường đại học tư thục nổi lên và vẫn chỉ là những tổ chức đón đầu nhu cầu. Vào năm 1990, chưa đến 1% người Romania có bằng cấp đại học. Để cạnh tranh trong thị trường định hướng theo nhu cầu, các trường đại học tư nhân không cần phải đổi mới để thành công. Họ chỉ bắt chước các chương trình, thực hành và cấu trúc của các trường công. Điểm tương đồng giữa các trường đại học công lập và tư thục là thường sử dụng cùng một đội ngũ nhân lực học thuật, trong đó các trường đại học tư thục cung cấp công việc thứ hai cho giảng viên của khu vực công. Khu vực tư thục đạt đỉnh cao ở Romania vào năm 2009 – chiếm 42% tổng số sinh viên – và giảm sút kể từ đó, do sự sụt giảm nhân khẩu cùng với việc nhà nước tài trợ tương đối ổn định cho các trường đại học công lập. Trong năm học 2017–2018, các trường đại học tư chỉ tuyển được 14% tổng số sinh viên bậc cử nhân. Một phần do sự suy giảm này, trong hai thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu giáo dục đại học đã không dành nhiều sự quan tâm cho giáo dục đại học tư thục.

Tiếp cận thấp: Luôn như vậy, nhưng không phải do rào cản chi phí

Mặc dù có đủ nguồn cung cấp sinh viên và học phí thấp, tiếp cận giáo dục đại học vẫn là một thách thức đáng kể ở Romania. Vào năm 2019, chỉ 27% những người trong độ tuổi 30–34 ở nước này đã hoàn thành chương trình giáo dục đại học – tỷ lệ thấp nhất trong Liên minh châu Âu. Những nguyên nhân chính là tỷ lệ bỏ học cao ở bậc tiểu học, tỷ lệ đăng ký thi tú tài (kỳ thi hết cấp 3) thấp, và tỷ lệ đậu đại học tương đối thấp hiện nay. Trong bối cảnh Romania, những đổi mới trong khu vực K-12 sẽ là cần thiết để giáo dục đại học đáp ứng sứ mệnh công của nó.

Điều kiện thị trường đang thay đổi

Ở Romania, những tranh luận công khai về các trường đại học phi nhà nước không phải về bản chất lợi ích công hay lợi ích tư của giáo dục đại học. Như đã nêu ở trên, các trường đại học tư thục nổi lên và vẫn là những tổ chức đón đầu nhu cầu. Đôi khi, họ bị chỉ trích vì lý do chất lượng, nhưng những chỉ trích như vậy cũng đúng với nhiều trường đại học công lập. Các trường đại học tư thục đã bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy đổi mới, phần lớn là do những điều kiện của hệ thống khi họ ra đời. Tuy nhiên, trong nước đã xuất hiện một động lực cấp bách buộc các trường đại học cả công và tư thay đổi. Romania đang là một trong số những quốc gia ở châu Âu có mức sụt giảm dân số cao nhất. Trong năm 2018, các trường đại học chỉ tuyển sinh được tương đương 44% tổng số sinh viên của mức cao điểm tuyển sinh năm 2007. Có lẽ sự sụt giảm nhân khẩu học tiếp tục — thay vì các chính sách tài trợ quốc gia hiện tại — sẽ buộc các trường đại học cả công lập và tư thục phải đổi mới và nâng cao chất lượng để thu hút số lượng sinh viên đang ngày càng ít đi.