Philip G. Altbach là Giáo sư nghiên cứu và là Thành viên xuất sắc, Hans de Wit là Giáo sư danh dự và là Thành viên xuất sắc, và Ayenachew A. Woldegyiorgis là cộng tác viên nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. Email: philip.altbach@bc.edu, dewitj@bc.edu và woldegiy@bc.edu.
Tóm tắt: Ngày càng nhiều những quốc gia nơi khu vực giáo dục đại học tư thục dần trở nên đa dạng hơn và tăng thêm ảnh hưởng. Nhưng không phải luôn luôn như vậy. Trừ một số ngoại lệ đáng chú ý, giáo dục đại học do nhà nước tài trợ và kiểm soát vẫn là một chuẩn mực toàn cầu. Sự cân bằng phù hợp giữa sự tham gia của nhà nước và tư nhân, cả về khía cạnh tài chính và số lượng các trường, có nguồn gốc từ bối cảnh lịch sử phát triển giáo dục đại học ở mỗi quốc gia cụ thể, được định hình bởi nhu cầu và nguồn lực hiện tại của quốc gia đó.
Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay của giáo dục đại học đại chúng, và với hơn 250 triệu sinh viên tại 30 ngàn trường đại học trên toàn thế giới (và với áp lực lớn về tài chính và những áp lực khác), sự tham gia của tư nhân (phi nhà nước) vào giáo dục đại học là phổ biến. Thực tế, ngày càng nhiều những quốc gia có số lượng sinh viên tư thục chiếm ưu thế, và khu vực giáo dục đại học tư thục ngày càng đa dạng và có ảnh hưởng. Nhưng không phải luôn luôn như vậy. Trừ một số ngoại lệ đáng chú ý, giáo dục đại học do nhà nước tài trợ và kiểm soát vẫn là một chuẩn mực toàn cầu.
Sự chuyển đổi từ tài trợ công sang tài trợ tư nhân không tránh khỏi tranh cãi, và ở nhiều quốc gia, cuộc tranh luận vẫn tiếp tục. Là thiểu số đang giảm dần, một số người cho rằng chỉ nhà nước mới đủ sức cung cấp nền giáo dục đại học có chiều sâu và phạm vi rộng, và nghiên cứu nhất thiết phải là trách nhiệm của chính phủ. Nhiều người cho rằng khu vực tư nhân nhất định sẽ phục vụ “mẫu số chung thấp nhất” và chú trọng đến lợi ích của chính mình hơn là lợi ích công. Tuy nhiên, sự cần thiết tài chính đã dẫn đến việc mở rộng đáng kể cả giáo dục đại học tư thục phi lợi nhuận và vì lợi nhuận trên toàn thế giới. Châu Mỹ Latinh, nơi từng bị thống trị bởi các trường đại học công lập, hiện có số lượng sinh viên tư thục chiếm phần lớn. Tương tự, ở nhiều nước châu Á, khu vực tư thục chiếm ưu thế, và ở những nơi như Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và Đài Loan, khu vực tư thục luôn chiếm ưu thế cho đến nay.
Nhằm phản ánh sự gia tăng mạnh mẽ của giáo dục đại học phi-nhà-nước và làm nổi bật những cuộc tranh luận về công-tư, Báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu của UNESCO (UNESCO’s Global Education Monitoring Report – https://cen.unesco.org/gem-report/non-state_actors) – sẽ dành số báo 2021 cho chủ đề này. Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế tại Boston College được yêu cầu đưa ra quan điểm về cuộc tranh luận công-tư này. Như một phần của công việc, chúng tôi đã yêu cầu năm đồng nghiệp đóng góp bài viết về các trường hợp ở quốc gia của họ. Các bài báo trong số này, tập trung vào Argentina, Ai Cập, Đức, Romania và Việt Nam, phản ánh những quan điểm và kinh nghiệm khác nhau, nhưng đều xác nhận rằng cuộc tranh luận này là chung trong những bối cảnh khác nhau.
Là công ích hay tư ích (A Public or Private Good)
Một câu hỏi nổi bật thường được nhắc đến trong các cuộc tranh luận liên quan đến sự tham gia của các tổ chức phi nhà nước vào giáo dục đại học là liệu giáo dục đại học là công ích hay tư ích. Trong khi nhiều người đưa ra những ví dụ minh họa cho cả hai loại, vẫn không ai, theo hiểu biết của chúng tôi, đưa ra được lập luận thuyết phục rằng giáo dục đại học nên được coi là một vấn đề riêng tư trong đó xã hội rộng lớn hơn hoặc nhà nước sẽ không đóng vai trò nào. Trong khi đó, lập luận ngược lại rằng giáo dục đại học nên hoàn toàn thuộc phạm vi công và được nhà nước tài trợ toàn bộ cũng không có sức thuyết phục hơn. Đây là thực tế trên khắp thế giới, cũng như được nhấn mạnh ở những quốc gia đang xem xét vấn đề này.
Các yếu tố nhà nước và phi nhà nước của giáo dục đại học đan xen với nhau. Một khía cạnh phổ biến của thực tế này là khó phân biệt rạch ròi ranh giới các nguồn lực giữa hai khu vực. Các tổ chức công được tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các công ty tư nhân, các quỹ, các nhà từ thiện tài trợ cá nhân, cựu sinh viên, v.v… Họ cũng ngày càng có xu hướng thuê các tổ chức tư nhân bên ngoài thực hiện những hoạt động điều hành và quản trị. Ngược lại, các cơ sở tư thục (phi nhà nước) cũng được hưởng nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau từ nhà nước. Thông thường, các trường tư thục có thể cạnh tranh để nhận những khoản tài trợ và hợp đồng nghiên cứu được tài trợ công. Ở nhiều quốc gia, các trường tư thục được hưởng những lợi ích dưới hình thức miễn thuế và các khoản vay với những điều kiện có lợi (thường chỉ dành cho những tổ chức tư nhân phi lợi nhuận). Trong một số trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như Chile, một số tổ chức tư thục được quyền nhận tài trợ trực tiếp của chính phủ. Các trường tư thục cũng được hưởng lợi gián tiếp từ các nguồn lực công thông qua các chương trình cho vay và hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên.
Điều này nói chung phản ánh thực tế rằng rất khó phân biệt rạch ròi giữa khu vực nhà nước và phi nhà nước trong giáo dục đại học. Điều này được minh họa trong trường hợp của Romania, nơi các trường đại học công lập có hai lựa chọn song song (miễn phí và thu phí), trong khi học phí tại các cơ sở tư thục ít bị hạn chế hơn và thậm chí, trong một số trường hợp, còn thấp hơn học phí của các cơ sở công lập. Tất nhiên, một cảnh báo thường đi kèm với kịch bản như vậy là vấn đề chất lượng. Trong trường hợp các cơ sở giáo dục đại học tư thục đảm nhận vai trò đáp ứng nhu cầu học tập của số đông, họ thường bị chỉ trích vì cung cấp giáo dục chất lượng thấp. Tuy nhiên, như được minh họa trong trường hợp của Argentina và Romania (và nhiều quốc gia khác), chất lượng thấp không chỉ tồn tại trong các cơ sở tư thục. Trong trường hợp không được đầu tư đầy đủ và thiếu cơ chế đảm bảo chất lượng mạnh mẽ, các trường công lập cũng dễ bị tổn thương như vậy.
Sự cân bằng phù hợp giữa những yếu tố nhà nước và phi nhà nước
Những nghiên cứu điển hình minh họa rằng sự cân bằng thích hợp giữa sự tham gia của nhà nước và phi nhà nước, bao gồm cả về kinh phí và số lượng cơ sở, bắt nguồn từ bối cảnh lịch sử phát triển giáo dục đại học trong một quốc gia cụ thể, vì nó được định hình bởi nhu cầu và nguồn lực hiện tại của quốc gia đó. Xu hướng hiện nay là một số trường hàng đầu và trường chuyên biệt do nhà nước tài trợ, có vai trò nghiên cứu và đào tạo hỗ trợ toàn bộ lĩnh vực giáo dục đại học – tồn tại song song với các cơ sở giáo dục đại học tư thục; mặc dù trên toàn thế giới, lĩnh vực nghiên cứu của đại học chủ yếu do các cơ sở công lập chi phối.
Ở những nước như Việt Nam, việc cung cấp giáo dục tư nhân về cơ bản đã ít nhiều mâu thuẫn với hệ tư tưởng của nhà nước. Do đó, sự tham gia vào giáo dục đại học của những nhân tố phi nhà nước đã trải qua một quá trình phát triển dần dần, từ thời kỳ chịu sự hoài nghi rộng rãi đến ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong môi trường học tập sau trung học. Tương tự, ở Argentina, cuộc tranh luận về những nhân tố phi nhà nước trong giáo dục đại học đã phát triển từ sự phản đối trực tiếp sang cuộc thảo luận về vai trò của họ. Ở Ai Cập, nơi giáo dục đại học chủ yếu là công lập, các cơ sở tư thục được coi là đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và quốc tế hóa. Ở Đức, một hệ thống giáo dục đại học công lập thống trị, cuộc tranh luận về tổng thể ít gây chú ý, vì các trường tư thục không bị coi là mối đe dọa cũng như đối thủ cạnh tranh đối với khu vực công.
Nhìn chung, cuộc tranh luận về các yếu tố nhà nước và phi nhà nước trong giáo dục đại học không hướng đến sự độc tôn. Cả hai khu vực đều có những ưu thế và yếu thế; với những đặc điểm và chức năng riêng biệt của mỗi bên, cả hai đều góp phần làm cho toàn bộ hệ thống giáo dục đại học thích ứng với nhu cầu đa dạng của xã hội. Vị thế tương đối của các trường công và tư thay đổi tùy theo bối cảnh, thích nghi với các yêu cầu tổng thể của môi trường.
Môi trường toàn cầu hiện nay, bị ảnh hưởng bởi đại dịch, khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, căng thẳng địa chính trị, v.v…, có ảnh hưởng đến vai trò của giáo dục đại học nói chung và của các yếu tố phi nhà nước trong đó. Các trường công và tư đều sẽ tiếp tục đối mặt với những hạn chế về tài chính sau khi phân bổ lại các nguồn lực công. Chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục đại học, đặc biệt ở những nước thu nhập thấp và trung bình, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, những thách thức lớn hơn như môi trường và sức khỏe cộng đồng, nhiều khả năng sẽ kích thích sự hợp tác sâu hơn giữa các yếu tố nhà nước và phi nhà nước, làm tăng vai trò của các bên trong giáo dục đại học và nghiên cứu.