Triển vọng lạc quan sau đại dịch cho các phân hiệu đại học quốc tế

Jana Maria Kleibert là Trưởng nhóm nghiên cứu cấp cơ sở tại Viện Nghiên cứu Xã hội và Không gian Leibniz và Humboldt-Universität zu Berlin, Đức. Email: jana.kleibert@leibniz-irs.de.

Tóm tắt: Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến giáo dục đại học quốc tế. Bài báo này tiết lộ mức độ các phân hiệu đại học quốc tế trên toàn cầu bị đại dịch tác động và cách thức họ điều chỉnh chiến lược để thích nghi. Kết quả cho thấy các phân hiệu đại học quốc tế, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề, vẫn mang lại những cơ hội giảng dạy đa dạng về mặt địa lý, tăng khả năng phục hồi của trường mẹ. Các nhà quản lý cũng bày tỏ sự lạc quan cao độ về tương lai của các phân hiệu quốc tế.

Các học giả và các nhà thực hành giáo dục đại học quốc tế đã tranh luận nhiều về tương lai của các phân hiệu đại học quốc tế (IBC – International Branch Campus). Do tính chất rủi ro cao của các khoản đầu tư tài chính vào cơ sở vật chất của các trường đại học ở nước ngoài, câu hỏi về sự lâu dài hoặc tính bền vững của các phân hiệu quốc tế – như một chiến lược quốc tế hóa – đã nhiều lần được đặt ra. Khi đại dịch COVID-19 khiến các hoạt động giáo dục xuyên quốc gia bị gián đoạn, câu hỏi này có thêm động lực mới. Liệu sau đại dịch sẽ có một làn sóng đóng cửa các phân hiệu quốc tế hay không? Hay chúng sẽ đóng vai trò mới và tăng mức độ ảnh hưởng tới trường mẹ? Cuộc khảo sát của chúng tôi với các nhà quản lý IBC, được tài trợ bởi Hiệp hội Nghiên cứu Khu vực (The Regional Studies Association), cho thấy mức độ lạc quan đáng ngạc nhiên về tương lai.

IBC bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch

Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn hoạt động của các phân hiệu đại học quốc tế trên toàn thế giới. Các IBC bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, bởi vì họ có xu hướng dựa nhiều hơn vào những mối liên kết xuyên biên giới và sự trao đổi sinh viên và giảng viên. Nhóm TRANSEDU tại Viện Nghiên cứu Xã hội và Không gian Leibniz đã thực hiện một cuộc khảo sát toàn cầu với các nhà quản lý phân hiệu quốc tế tại 15 quốc gia. Những mẫu được chọn khảo sát phản ánh rõ ràng vị trí địa lý của các IBC: những khu vực tập trung giáo dục quốc tế của Malaysia, Qatar, Singapore và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đều có ít nhất một đại diện trả lời khảo sát. Tổng cộng 29 nhà quản lý IBC đã hoàn thành cuộc khảo sát trực tuyến, tỷ lệ phản hồi là 14%. Hơn 80% những người được hỏi cho biết rằng phân hiệu của họ bị ảnh hưởng nặng nề hoặc rất nặng nề bởi đại dịch. Những thách thức được đề cập thường xuyên nhất là trường phải đóng cửa, những vấn đề đời sống sinh viên và khó khăn về tài chính. Hầu hết các trường (74%) không nhận được bất kỳ hỗ trợ tài chính nào để giúp họ vượt qua khủng hoảng. Những thách thức khác liên quan đến việc tuân thủ các quy định COVID-19, giảng dạy, nguồn nhân lực và biên chế, và sự sụt giảm số lượng sinh viên nhập học.

Các IBC đã trải qua nhiều thách thức ngay cả trước đại dịch, và việc đóng cửa phân hiệu không phải là hiếm. Những thay đổi về địa chính trị, cũng như những quyết định chiến lược của chính phủ sở tại nhằm giảm bớt ảnh hưởng của các đối tác nước ngoài – đặt ra những thách thức lớn hơn đối với sự tồn tại của IBC. Gần đây, và điều này gây bất ngờ cho hầu hết mọi người, Yale – NUS College, một trường liên kết giữa Đại học Yale và Đại học Quốc gia Singapore, đã thông báo rằng sẽ đóng cửa vào năm 2025 và sẽ được hợp nhất với một chương trình hiện có tại NUS (xem Hoe Yeong Loke, “Sự đóng cửa của Đại học Yale-NUS: Những lý do không rõ ràng, nhưng hàm ý thì rõ,” cũng trong số báo này). Các học giả về giáo dục đại học đã chỉ ra nhiều rủi ro cố hữu của việc phát triển các IBC, liên quan đến sự đầu tư lớn về thời gian, nguồn lực tài chính và có thể dẫn đến tổn thất đáng kể về tài chính, danh tiếng nếu các phân hiệu thất bại. Nhiều IBC đã phải vật lộn về tài chính và trải qua những thách thức đáng kể trong hoạt động hàng ngày của họ. Những cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19 làm tăng thêm những áp lực này và có thể đẩy các IBC vốn đang gặp khó khăn về tài chính đến bờ vực.

Vai trò mới và chiến lược đã điều chỉnh

IBC là một khái niệm không đồng nhất. IBC khác nhau tùy theo bối cảnh của quốc gia mẹ và quốc gia sở tại, đồng thời những lý do và mục đích thành lập cũng khác nhau. Một số IBC có số lượng sinh viên quốc tế cao, trong khi những IBC khác chủ yếu dựa vào việc cung cấp chương trình bằng cấp quốc tế cho sinh viên bản địa.

Điều thú vị là từ khi đại dịch xảy ra, 2/3 các nhà quản lý phân hiệu quốc tế đã thay đổi chiến lược của họ để tuyển nhiều sinh viên trong nước hơn. Chẳng hạn, các IBC tại Malaysia đều chuyển trọng tâm sang thị trường sinh viên Malaysia. Ngoài ra, một số IBC còn tuyển cả sinh viên từ quốc gia của trường mẹ. Hơn 1/4 các nhà quản lý IBC đã sử dụng chiến lược này để tăng số lượng sinh viên của họ. Malaysia đã đưa ra chiến lược biến một khu vực giáo dục xuyên quốc gia thành “trung tâm trung chuyển” dành cho những sinh viên đang chờ đợi trở thành sinh viên quốc tế. Bằng cách này, sinh viên có thể bắt đầu học tập từ trước khi ra nước ngoài.

Mặc dù việc đi lại qua biên giới bị gián đoạn, những trường đại học mẹ có IBC ở những quốc gia có số lượng sinh viên nước ngoài tiềm năng cao vẫn có thể thu học phí từ sinh viên quốc tế. Đối với một số tổ chức mẹ, IBC là cơ hội để đa dạng hóa địa lý, giúp cho hoạt động kinh doanh được liên tục trong thời kỳ đại dịch. Ở mức độ thấp hơn, các nhà quản lý phân hiệu nước ngoài đã tuyển sinh từ những nước láng giềng hoặc trong khu vực, và một số IBC đã nỗ lực tiếp cận những nguồn thu ngoài học phí để đối phó với những hạn chế tài chính liên quan đến đại dịch.

Bốn trong năm người được hỏi nghĩ rằng phân hiệu của họ sẽ tiếp tục hoạt động trong ít nhất 5 năm nữa.

Triển vọng lạc quan

Bất chấp môi trường ngày càng thách thức ở nhiều quốc gia, những nhà quản lý IBC tham gia cuộc khảo sát của chúng tôi có cái nhìn lạc quan về tương lai hậu COVID-19, không lo ngại về bất kỳ làn sóng đóng cửa phân hiệu nào. Bốn trong năm người được hỏi nghĩ rằng phân hiệu của họ sẽ tiếp tục hoạt động trong ít nhất 5 năm nữa; đây là một tỷ lệ lạc quan cao ngay cả đối với thời kỳ trước đại dịch, do đóng cửa là xu hướng khá thường xuyên của các IBC. Chỉ có hai người quản lý tin rằng phân hiệu của họ không có khả năng phục hồi, trong khi 1/3 số người tham gia khảo sát tin rằng IBC của họ bằng cách nào đó sẽ phục hồi được hoạt động và 59% tin rằng phân hiệu của họ có khả năng phục hồi cao. Đại học Nottingham Malaysia thậm chí còn lạc quan hơn thế, đã quyết định mua lại những đối tác liên kết ở Malaysia với giá 23 triệu GBP và như vậy tăng mức đầu tư vào IBC trong thời gian xảy ra đại dịch.

Với bối cảnh thay đổi của giáo dục đại học quốc tế và sự gia tăng của mô hình học tập kết hợp (blended learning), phần lớn những người được hỏi tin rằng các IBC không những có thể tồn tại sau đại dịch mà còn giúp tăng khả năng phục hồi của trường mẹ trong trung và dài hạn bằng cách tạo điều kiện đa dạng hóa địa lý và cơ hội giảng dạy ở nhiều địa điểm.

Điều này tiết lộ những hiểu biết quan trọng về tương lai sau đại dịch của các IBC như một hiện tượng. Trong khi số hóa và học tập trực tuyến được áp dụng rộng rãi và nhanh chóng mở rộng trong thời kỳ đại dịch, những hạn chế của việc học trực tuyến thuần tuý cũng bộc lộ rõ. Sinh viên luôn mong muốn được tương tác trực tiếp, khiến cho mô hình học tập kết hợp trở thành một lĩnh vực có tiềm năng phát triển. Thay vì nhìn thấy sự chấm dứt của các không gian vật lý của trường đại học, rất có thể chúng ta sẽ thấy sự thay đổi trong những yêu cầu đối với không gian học tập trong khuôn viên trường. Các trường đại học có thể chọn cách hiện diện như một mạng lưới những không gian nhỏ hơn nhưng đa dạng về mặt địa lý để hỗ trợ cả học trực tiếp và trực tuyến. Mặc dù có khả năng chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến ​​việc đóng cửa trong tương lai, nhưng kinh nghiệm gần đây vẫn mang lại cho các IBC một động lực mới.