Nhiều giáo sư Ả Rập không hứng thú với công việc giảng dạy

Nhiều giáo sư Ả Rập không hứng thú với công việc giảng dạy

Rasha Faek

Rasha Faek là Biên tập viên của Al-Fanar Media. Email: rfaek@alfanarme.dia.org. Bài báo này được xuất bản lần đầu tiên trên Al-Fanar Media.

Tóm tắt: Một nghiên cứu gần đây của Al-Fanar Media cho thấy nhiều giáo sư ở Trung Đông chán nản với điều kiện làm việc tại các trường đại học và với việc không có những tổ chức độc lập bảo vệ quyền lợi của họ.

Các giáo sư đại học ở các nước Ả Rập từ lâu đã phàn nàn về mức lương thấp, nhưng những cuộc khảo sát và nghiên cứu gần đây cũng cho thấy sự bất mãn rộng rãi về những điều kiện công việc khác, chẳng hạn như thiếu những lợi ích cơ bản và thời hạn hợp đồng ngắn khiến sinh kế của họ trở nên bấp bênh. Nhiều người cũng nản lòng vì không có các công đoàn giảng viên độc lập để bảo vệ quyền lợi của họ.

Các cuộc phỏng vấn với 75 giáo sư tại các trường đại học công lập và tư thục ở 11 quốc gia (Algeria, Ai Cập, Jordan, Kuwait, Lebanon, Libya, Palestine, Qatar, Sudan, Tunisia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) cho thấy vì những điều kiện thiếu thốn nói trên — và sự thất bại của chính phủ và các trường đại học trong việc giải quyết chúng — một số giáo sư tỏ ra hối tiếc vì đã chọn công việc giảng dạy. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhân tài di cư khỏi khu vực.

Mặc dù các giáo sư tại các trường đại học tư thục thường có mức lương cao so với đồng nghiệp của họ ở các trường đại học công lập, nhiều người cho biết họ không nhận được những phúc lợi cơ bản như bảo hiểm xã hội hoặc bảo hiểm y tế, và hợp đồng làm việc của họ quy định nhiệm vụ giảng dạy và mức lương, nhưng không có bất kỳ khoản phụ cấp nào khác.

Nhiều giáo sư không có được sự đảm bảo cơ bản về công việc, bởi vì lãnh đạo các trường đại học có thể chấm dứt hợp đồng của họ mà không cần thông báo trước và không phải bồi thường. Hơn nữa, các trường đại học công lập, thường trả lương thấp hơn, gần đây đã bắt đầu ngừng hợp đồng tạm thời với nhiều giáo sư, do nhu cầu khẩn cấp thuê thêm nhiều giảng viên và thiếu kinh phí cần thiết. Kết quả là, nhiều giáo sư ngày nay làm việc với mức lương thấp và không có phúc lợi.

Những tác động tiêu cực

“Việc thiếu các phúc lợi ảnh hưởng tiêu cực đến công việc giảng dạy của chúng tôi, đặc biệt trong điều kiện lớp học quá đông”- Jemil El-Hadjarin, Giáo sư tại Đại học Manouba ở Tunisia, cho biết. “Chúng tôi cảm thấy mình bị đối xử bất công và cố gắng bù đắp điều đó bằng cách làm thêm trong những ngành nghề khác hầu hết thời gian. Một số người trong chúng tôi đang cân nhắc từ bỏ hoàn toàn việc giảng dạy hoặc di cư sang một quốc gia khác”.

Một giáo sư đại học ở Jordan, người đã rời bỏ một trường đại học tư nhân để chuyển sang công việc kinh doanh, đồng ý với El-Hadjarin. “Bố tôi và các chú tôi đều là giáo sư đại học,” anh nói, “nhưng giờ đây tôi hối hận vì đã chọn một nghề không còn địa vị xã hội hay lợi ích công việc như trước đây nữa. Các giáo sư đại học không nhận được bất kỳ lợi ích thực sự nào từ công việc, và họ dễ bị sinh viên bạo hành trong bối cảnh thiếu một tổ chức đứng ra bảo vệ họ” – ông nói.

Tại những nước Ả Rập khác tình hình cũng không khác nhiều. Theo những người được phỏng vấn, phần lớn các hợp đồng lao động tại các trường đại học tư thục áp dụng nguyên tắc “giữ đúng thỏa thuận”, theo đó các trường đại học quy định nhiệm vụ của giảng viên để đổi lấy thù lao vật chất, mà không có bất kỳ phúc lợi bảo hiểm xã hội và sức khỏe, hoặc phụ cấp cho việc đi lại hoặc nghiên cứu.

Tại Kuwait, “cuối cùng thì giáo sư của các trường đại học công lập cũng được bảo vệ bởi những quy định áp dụng cho bất kỳ công chức nhà nước nào”, Ibrahim Al-Hmoud, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Đại học Kuwait cho biết. “Những người làm việc trong các trường đại học tư ít có sự đảm bảo việc làm hơn so với những người làm việc trong các trường đại học công lập”; đây là điều mà hiệp hội giảng viên tin rằng “đòi hỏi xúc tiến việc xây dựng luật cung cấp sự bảo vệ nhiều hơn cho giảng viên”

Thiếu sự đảm bảo việc làm

Những bản sao hợp đồng mà Al-Fanar Media có được tiết lộ rằng hầu hết các trường đại học tư nhân đều ký với giảng viên loại hợp đồng làm việc ngắn hạn, có thể gia hạn thêm chỉ một học kỳ; và nhà trường có toàn quyền chấm dứt hợp đồng bất kỳ lúc nào.

Mazhar El-Shorbagy, Trợ lý giáo sư Triết học tại Đại học Deraya ở Minya, Ai Cập, cho biết: “Tôi nghĩ rằng việc không có hợp đồng dài hạn khiến các giáo sư sống trong trạng thái tâm lý bất an vì họ có thể phải ra đi bất cứ lúc nào”.

Omar Draider, Giáo sư Khoa Kỹ thuật Dầu khí tại Đại học Libya’s Al-Rifaq, ở Tripoli, Libya, đồng ý với El-Shorbagy về tác động tiêu cực của loại hợp đồng phổ biến tại các trường đại học tư. “Dù có mức lương tốt, chúng tôi vẫn có thể bị sa thải bất cứ lúc nào, điều này đe dọa sự ổn định công việc của bất kỳ giáo sư hoặc học giả nào”.

Ở Sudan, các trường đại học tuân theo “cùng một luật áp dụng cho các công ty tư nhân, cho phép họ sa thải bất kỳ nhân viên nào bất kỳ lúc nào”, Khaled Hassan – Trợ lý giáo sư của Khoa Kỹ thuật tại Đại học Garden City, một trường công ở Khartoum – nói. Anh cho biết trường đại học tư nhân, nơi anh làm việc trước đây đã trục xuất các giáo sư và không cho phép họ vào lại các tòa nhà của trường đại học, thậm chí để thu dọn đồ đạc cá nhân của họ trong phòng làm việc.

Trong khi đó, các hợp đồng với các trường đại học công lập có vẻ công bằng hơn, vì các giáo sư thường được thuê theo luật lao động chung áp dụng cho tất cả các công việc trong lĩnh vực công, hoặc luật việc làm của trường đại học, theo đó các giáo sư được nhận bảo hiểm xã hội và đôi khi là bảo hiểm y tế nếu quốc gia có hệ thống bảo hiểm y tế. Hợp đồng đôi khi cũng bao gồm những khoản bồi thường khác và tiền trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng.

Tại nhiều quốc gia Ả Rập không có công đoàn hoặc tổ chức nào khác đại diện cho các giáo sư đại học và bảo vệ quyền của họ.

Công đoàn hỗ trợ kém

Tại nhiều quốc gia Ả Rập không có công đoàn hoặc tổ chức nào khác đại diện cho các giáo sư đại học và bảo vệ quyền của họ. Không quốc gia nào trong nghiên cứu có công đoàn dành cho các giáo sư tại các trường đại học tư nhân. Tại Sudan, các giáo sư đại học đang tìm cách thành lập một liên đoàn chung gồm đại diện của các công đoàn giảng viên tại mỗi trường đại học, với mục đích hợp nhất mọi nỗ lực của họ để trở thành một thực thể có ảnh hưởng hơn. Tuy nhiên, nỗ lực thành lập công đoàn không phải lúc nào cũng thành công. Ví dụ trường hợp của Jordan. Suleiman Al-Olaimat, một Giảng viên tại Đại học Khoa học và Công nghệ Jordan cho biết: “Quyền lợi của người lao động thường được bảo vệ bởi các hiệp hội nghề nghiệp. Đã có một số nỗ lực thành lập một công đoàn các giáo sư đại học, bao gồm cả đại học công lập và tư thục, nhưng thật không may, mọi nỗ lực đều đi vào ngõ cụt”.

Môi trường làm việc kém

Khó khăn của các giáo sư đại học không chỉ giới hạn ở hợp đồng làm việc hoặc thiếu các tổ chức công đoàn. Họ phải đối mặt với nhiều vấn đề khác, chẳng hạn như thiếu cơ hội đào tạo bên ngoài và nội bộ, không có các khoản trợ cấp/bồi thường công việc, giảng viên từ những thành phố hoặc khu vực xa không được cung cấp nhà ở và phương tiện đi lại. Các trường đại học không cung cấp cho các giáo sư máy tính hoặc dịch vụ Internet miễn phí trong khuôn viên trường.

Một số người trả lời phỏng vấn cũng cho biết không có khuyến khích cho nghiên cứu khoa học và lộ trình thăng tiến không hợp lý. “Công việc học thuật đã trở thành gánh nặng đối với các giáo sư đại học”, một giáo sư đại học Algeria nói. “Không có động lực để làm việc. Điều này dẫn đến sự thiếu đam mê và khiến cho dạy học thành một nghề khó khăn”.

Việc không nhận được lợi ích từ công việc không chỉ ảnh hưởng đến các giáo sư mà đến toàn bộ quá trình đào tạo, khi nhiều giáo sư thôi việc và tìm kiếm cơ hội ra nước ngoài, gây thất thoát nguồn nhân lực lớn. Mamdouh Taj, Trợ lý giáo sư tại Khoa Thư viện tại Đại học Hồi giáo Omdurman ở Sudan, cho biết: “Đó là tai họa thảm khốc đối với các trường đại học Sudan, khi ước tính khoảng 13 ngàn giáo sư có trình độ đã di cư đến các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập và châu Âu trong những năm gần đây. […] Sự thiếu quan tâm đến việc cải thiện địa vị của các giáo sư [được] phản ánh trong chất lượng giáo dục đại học thấp hơn, cũng như trong trình độ của sinh viên tốt nghiệp”.