Rạn nứt chính sách trong giáo dục sau phổ thông và giáo dục đại học ở Anh Quốc

 

Michael Shattock là Giáo sư mời giảng tại Viện Giáo dục, London College, và là Nghiên cứu viên danh dự tại Đại học Oxford; ông cũng tham gia vào dự án của Trung tâm Giáo dục Đại học Toàn cầu Oxford về các trường Đại học và Khu vực, Vương quốc Anh. Email: m.shattock@ucl.ac.uk.

Tóm tắt: Tương lai của giáo dục sau phổ thông trung học ở Vương quốc Anh đang bị thách thức. Chính phủ dường như chỉ coi vai trò của giáo dục sau phổ thông trung học là hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc cung cấp một nền tảng kỹ năng được cải thiện. Một cách tiếp cận khác sẽ mang lại sự thống nhất trong quản trị và quản lý giáo dục sau phổ thông trung học và đại học để tạo ra một hệ thống giáo dục đại học. Áp dụng cách tiếp cận như vậy sẽ bao hàm sự phân cấp chính sách cho các khu vực, tách khỏi chính quyền trung ương.

Các trường cao đẳng nghề (Further Education College – FEC) hình thành dưới sự quản lý của các cơ quan giáo dục địa phương (Local Education Authority – LEA), và là nền tảng cho việc thành lập các trường kỹ thuật bách khoa (Polytechnic) vào năm 1967, nhưng vào năm 1993, những trường này được hợp nhất, thoát khỏi sự kiểm soát của LEA và có tư cách độc lập. Giáo dục sau trung học phổ thông (Further Education – FE) ở Anh hiện được tài trợ thông qua Cơ quan Giáo dục Nâng cao và Kỹ năng (Further Education and Skills Agency) thuộc Bộ Giáo dục (Department for Education – DfE). Trước đây các trường đại học được tự chủ, nhưng hiện nay chịu sự kiểm soát của Văn phòng Sinh viên (Office for Students), đồng thời có trách nhiệm báo cáo với DfE. Năm 1992, việc quản lý giáo dục đại học (Higher Rducation – HE) được phân cấp và sau đó được trao quyền cho Scotland, Wales, Bắc Ireland, và Anh; FE cũng như vậy.

Do đó, trên thực tế, có hai thị trường đang hoạt động, một thị trường giáo dục sau trung học và một thị trường giáo dục đại học.

Kể từ năm 1993, sự phát triển của các trường cao đẳng nghề về cơ bản phụ thuộc vào thị trường tuyển sinh của họ: Các FEC cung cấp cho học viên từ 16 tuổi các khóa học GCSE A-Level, các khóa học công nghệ và nghề nghiệp, và một loạt những khóa học trong chương trình cử nhân công nghệ (bachelor of technology – BTec); họ tham gia ngày càng nhiều vào những chương trình tiếp cận giáo dục đại học và hợp tác với các trường đại học để đào tạo hai năm nền tảng của những chương trình cấp bằng. Do đó, trên thực tế, có hai thị trường đang hoạt động, một thị trường giáo dục sau trung học và một thị trường giáo dục đại học, thị trường thứ hai được cải thiện rõ rệt bởi sự ra đời của Quy định học phí trọn khóa, vào năm 2012, thay cho tài trợ trực tiếp của chính phủ.

Vào năm 1993, khi khu vực này chính thức được thành lập, có khoảng 450 FEC ở Vương quốc Anh, nhưng con số này đã giảm đáng kể thông qua các vụ sáp nhập trong những năm sau đó; đến năm 2019 còn lại 294, và được phân bổ như sau: England 248, Scotland 26, Wales 14 và Bắc Ireland 6. Trong khi đó, số lượng các trường đại học, chủ yếu thông qua việc nâng cấp các trường cao đẳng trước đây của giáo dục đại học, đã tăng lên đến mức số lượng các trường đại học công lập hiện nay là 163. Trong giai đoạn này, FE ở cả bốn quốc gia nói trên được coi là người bà con nghèo của giáo dục trung học, ít được đầu tư và ít thu hút sự quan tâm về mặt chính trị. Trái lại, các trường đại học, không những được duy trì nhờ tài trợ cho nghiên cứu tăng lên và mức học phí cao (ngoại trừ ở Scotland), còn được tài trợ tương đối tốt và được hưởng sự quan tâm chính trị tối đa (mặc dù cách diễn đạt này có thể không hoàn toàn chính xác). Năm 2020, Wales tuyên bố ý định chuyển sang hệ thống giáo dục đại học, cân nhắc các chính sách hợp nhất FE và HE, để phù hợp hơn với hoàn cảnh kinh tế và địa vật lý của đất nước. Vào năm 2021, Scotland, nơi có 20% HE vẫn được thực hiện ở khu vực FE, đã bắt đầu quá trình tham vấn nhằm đi theo con đường tương tự.

Những thay đổi hiện tại ở Anh

Năm 2019, chính phủ công bố bản Đánh giá Giáo dục cho người từ 18 tuổi (The Post–18 Education Review – Đánh giá Augar); ngoài khuyến nghị giảm học phí GDĐH – điều có khả năng gây bất ổn tài chính cho các trường đại học, Đánh giá Augar còn đề xuất dành một vai trò tích cực hơn cho khu vực FE, cùng với việc rót vốn rất cần thiết cho cơ sở hạ tầng. Chính phủ vẫn chưa phản hồi về những đề xuất liên quan đến FE của Đánh giá nhưng đã công bố hai tài liệu, một là Sách trắng Skills for jobs: Lifelong learning for opportunity and growth (DfE, 2021), và Tài liệu Chính sách Build back better: Our plan for growth (H M Treasury, 2021), nhằm xác định chiến lược công nghiệp của mình; cả hai tài liệu này đều thể hiện rõ quan điểm về tương lai của FE. Tài liệu đầu tuyên bố rằng sứ mệnh cốt lõi của giáo dục sau phổ thông trung học là “tăng hiệu quả, hỗ trợ các ngành tăng trưởng và mang lại cho các cá nhân cơ hội phát triển sự nghiệp của họ” và nhằm mục đích cung cấp “mối liên hệ liền mạch và bền chặt giữa giáo dục sau trung học và nền công nghiệp” – đáng lưu ý là với “giáo dục sau trung học” chứ không phải là với các trường đại học. Người sử dụng lao động “có vai trò trung tâm trong việc thiết kế các chương trình bằng cấp và đào tạo”. Tài liệu thứ hai xác định nền tảng kỹ năng là một trong “ba trụ cột” cần được đầu tư để thực hiện kế hoạch, trong đó các thành phố “sẽ là động cơ thúc đẩy tăng trưởng” và đổi mới. Trụ cột thứ hai sẽ “hỗ trợ và khuyến khích phát triển những ý tưởng sáng tạo và công nghệ sẽ định hình tương lai nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững và an toàn của Vương quốc Anh”, điều này có nghĩa là làm tăng thêm khoảng cách giữa một bên là FE – khu vực chịu trách nhiệm đào tạo những kỹ năng cơ bản và bên kia là HE – khu vực chịu trách nhiệm về đổi mới, và có lẽ là về những ý tưởng sáng tạo.

Tiếp theo, DfE đã tiết lộ ý định giới thiệu một loại văn bằng FE mới là T-level (Technical Qualifications-Level), song song với GCSE A-level, và hợp lý hóa các khóa học nghề, với mục đích loại bỏ “bằng cấp loại hai”. Ý định này đang bị phản đối mạnh mẽ bởi những người đứng đầu các trường cao đẳng và đã được một cựu ngoại trưởng Mỹ mô tả là “hành động phá hoại”. Điều này rõ ràng hàm ý rằng các hạn chế sẽ được áp dụng đối với một số trường HE, có thể là trong các lĩnh vực phi nghề nghiệp, để tạo điều kiện hỗ trợ tài chính cho việc mở rộng FE.

Về cơ bản, những cải cách này cho thấy trước tiên, vai trò trong tương lai của FE sẽ chỉ đơn giản là nguồn cung cấp công nghệ cho ngành công nghệ cao, và thứ hai, là một khu vực tiếp tục hoạt động tách biệt với HE, sự phối hợp chính sách với HE chỉ là tối thiểu. Điều này ngụ ý rằng việc thu hẹp các chức năng của FE, theo ước tính, sẽ loại trừ tới 20% học sinh không thể đáp ứng những yêu cầu đầu vào T-Level về tiếng Anh và môn Toán, và sẽ rút ngắn nghiêm trọng danh mục nghề nghiệp chuyên môn mà các trường cao đẳng hiện đang đào tạo. Điều này cũng hạ thấp đáng kể vai trò của các trường cao đẳng trong việc hỗ trợ mở rộng đối tượng tham gia vào giáo dục đại học bằng cách vươn đến những khu vực đang suy thoái về kinh tế và xã hội.

Chính sách thay thế phát triển những phương pháp tiếp cận đại học (tertiary)  

Thiệt hại đáng kể nhất từ ​​những chính sách mới này là sự thiếu nhất quán giữa hai khu vực của giáo dục sau trung học và không thừa nhận hiệu quả chắc chắn của sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường cao đẳng với cộng đồng của họ. Điều này cho thấy sự cần thiết thống nhất về quản trị và quản lý cả hai khu vực và tiến tới một hệ thống giáo dục đại học (tertiary education system). Trên cơ sở 45% phản hồi từ các FEC, nghiên cứu gần đây của Shattock và Hunt ước tính rằng 89% FEC đã có những thỏa thuận chung hoặc hợp tác trực tiếp với các trường đại học trong các lĩnh vực nâng cao trình độ của sinh viên, thỏa thuận nhượng quyền, thỏa thuận công nhận và các chương trình cấp bằng học việc. Hơn nữa, nhiều trường đại học như Lincoln hoặc Plymouth có quan hệ đối tác với mạng lưới các trường cao đẳng nằm ở những khu vực còn nhiều khó khăn về kinh tế và xã hội, cung cấp những con đường quan trọng để tiếp cận giáo dục đại học và cao hơn.

Trong tình huống mà Vương quốc Anh bị cho là phải chịu sự bất bình đẳng kinh tế lớn hơn so với bất kỳ khu vực nào khác ở châu Âu, và trong khi – theo thống kê của chính phủ – 260 trong số 317 khu vực phường xã ở Anh có một trong 20% khu vực thiếu thốn nhất ở quốc gia này, vai trò cộng tác của FE với HE đóng góp quan trọng vào chương trình nghị sự “nâng tầm” quốc gia. Nhưng để đạt được điều này, chỉ loại bỏ các lỗ hổng trong chính sách của chính quyền trung ương là chưa đủ. Sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu việc ra quyết định được chuyển đến gần những khu vực, nơi mà kiến ​​thức địa phương có thể đóng góp vào đó phần lớn hơn.