Bầu hiệu trưởng ở Brazil: Một quy trình chính trị phức tạp

 

Marcelo Knobel là Cựu Hiệu trưởng trường Đại học Estadual de Campinas (Unicamp) và là giáo sư chính thức tại Viện Vật lý Gleb Wataghin, Unicamp, Brazil. Email: knobel@ifi.unicamp. Tuyên bố miễn từ trách nhiệm: tác giả đã hai lần tham gia vào quá trình bầu chọn hiệu trưởng.

Tóm tắt: Bài báo này mô tả quá trình bổ nhiệm chủ tịch (hiệu trưởng) của một trong những trường đại học công lập quan trọng nhất ở Brazil. Mặc dù các cơ sở giáo dục đại học công lập ở Mỹ Latinh có hệ thống bầu chọn khác nhau, nhưng vẫn áp dụng một khuôn mẫu chung. Hệ thống bầu chọn phức tạp trước khi bổ nhiệm chính thức có những khía cạnh tích cực và tiêu cực, và là những lập luận quan trọng trong cuộc thảo luận về cải thiện quản trị – rất cần thiết không chỉ với các trường đại học công lập ở Mỹ Latinh mà còn trên toàn thế giới.

Đại học Campinas (Universidade Estadual de Campinas, được biết đến rộng rãi với tên gọi Unicamp), là một trường đại học đa ngành, được nhà nước tài trợ và được xếp trong số những trường tốt nhất ở Mỹ Latinh. Hệ thống quản trị của Unicamp tương tự như hầu hết các trường đại học công lập ở Brazil, trong đó hiệu trưởng lựa chọn đội ngũ quản trị. Có hội đồng đại học (UC) do hiệu trưởng chủ trì, với sự tham gia của tất cả các giám đốc hành chính, các viện trưởng và trưởng khoa khác nhau, và các đại diện được bầu từ cộng đồng học thuật (sinh viên, nhân viên và giảng viên). Hiện tại, hội đồng này có 76 thành viên, trong đó 70% là giảng viên.

Trong hầu hết các tổ chức giáo dục đại học trên toàn thế giới, hiệu trưởng là chuyên gia được lựa chọn thông qua quá trình tuyển chọn và chịu trách nhiệm thực hiện những chiến lược và hành động được phê duyệt bởi một hội đồng không do hiệu trưởng chủ trì. Ở Brazil, hiệu trưởng thường là một giáo sư, người chủ trì hội đồng đại học, hội đồng này lại quyết định các chính sách của trường đại học, điều này tạo ra sự mơ hồ về cơ cấu tổ chức và quyền lực bị chồng chéo.

Quy trình bầu chọn

Hiệu trưởng trường đại học được thống đốc bang São Paulo bổ nhiệm cho nhiệm kỳ 4 năm, và không được tái bổ nhiệm. Chỉ các giáo sư cơ hữu của trường đại học mới đủ điều kiện để được xem xét bổ nhiệm. Người đắc cử được chọn từ danh sách do UC đệ trình gồm ba ứng cử viên. Danh sách này là kết quả của cuộc bầu chọn với sự tham gia của toàn bộ cộng đồng học thuật. Mỗi trường đại học có thể có hệ thống bầu chọn riêng, theo hình thức phổ thông đầu phiếu hoặc hình thức bầu chọn các đại diện vào cử tri đoàn. Tại Unicamp, mọi thành viên cộng đồng đều có quyền bỏ phiếu bầu hiệu trưởng, nhưng phiếu bầu từ những bộ phận khác nhau có trọng số khác nhau; phiếu bầu của giảng viên có trọng số lớn hơn (phiếu bầu từ giảng viên được tính bằng 3/5, phiếu bầu từ nhân viên bằng 1/5 và phiếu bầu của sinh viên cũng bằng 1/5). Nếu không ứng cử viên nào đạt được hơn 50% số phiếu bầu tính theo trọng số, thì sẽ có vòng bầu chọn thứ hai. UC lập danh sách đệ trình lên thống đốc dựa trên kết quả của cuộc bầu chọn.

Danh sách này là kết quả của cuộc bầu chọn với sự tham gia của toàn bộ cộng đồng học thuật.

Các quyết định bổ nhiệm chính thức của các thống đốc trong trường hợp các trường đại học của tiểu bang, hoặc của tổng thống quốc gia trong trường hợp các trường đại học liên bang -luôn tạo ra sự căng thẳng nhất định. Từ khi đất nước trở lại chế độ dân chủ, thông lệ là cơ quan hành pháp chỉ định người đầu tiên trong danh sách, tôn trọng sự lựa chọn của cộng đồng các trường đại học. Tuy nhiên, kể từ năm 2019, trong số 54 cuộc bầu chọn, tổng thống đương nhiệm Jair Bolsonaro đã bổ nhiệm 20 hiệu trưởng các trường đại học liên bang không theo sự lựa chọn của các trường. Trong hai trường hợp, tổng thống thậm chí bổ nhiệm người không có tên trong danh sách. Mặc dù không có quy định pháp lý bắt buộc bổ nhiệm người trong danh sách do các trường đề cử, việc chấp nhận lựa chọn của cộng đồng học thuật được coi là thể hiện sự tôn trọng quyền tự chủ của các trường đại học, tính dân chủ và hợp pháp của quy trình. Bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo một người không được đa số cộng đồng đại học lựa chọn chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng trong môi trường học thuật. Trong một số trường hợp, dẫn đến hậu quả là những cuộc đình công và xung đột kéo dài có thể cần nhiều năm để hàn gắn.

Do tính chất phức tạp của quá trình bầu chọn, việc chuẩn bị thường bắt đầu từ rất lâu trước ngày bầu chọn. Một ủy ban được thành lập bởi UC để xác định lịch, quy tắc và công tác hậu cần của cuộc bỏ phiếu và quy trình kiểm phiếu (vào năm 2021, toàn bộ quy trình tại Unicamp là hoàn toàn trực tuyến, với khoảng 35 ngàn cử tri). Ngoài ra, trước đó các ứng cử viên đã bắt đầu chiến dịch vận động của mình để trao đổi ý kiến ​​với cộng đồng bằng cách tham gia vào các cuộc thảo luận nhóm, phỏng vấn, tranh luận, giống như một chiến dịch vận động trong một thị trấn nhỏ. Tìm kiếm sự ủng hộ từ những khu vực bầu chọn khác nhau, xác định những mối đe dọa trong tương lai và phát triển những chiến lược thể chế khả thi là những bước cần thiết trong việc chuẩn bị một chương trình nghị sự toàn diện cho nhiệm kỳ sắp tới. Một chiến lược truyền thông được tổ chức tốt cũng rất quan trọng, với sự hiện diện trên mạng xã hội để tiếp cận toàn bộ cộng đồng. Mỗi ứng cử viên đều được những người ủng hộ giúp đỡ trên cơ sở tình nguyện – xây dựng chương trình của ứng viên, sắp xếp lịch trình của các chuyến thăm và đóng góp tài chính khi cần thiết. Nhóm hỗ trợ này cuối cùng sẽ trở thành một phần của nhóm quản trị nếu ứng cử viên của họ thắng cử.

Các ứng cử viên thường đại diện cho các nhóm trong trường đại học với những ưu tiên và mục tiêu khác nhau được xác định rõ, hoặc ít nhất sẽ như vậy, trong suốt chiến dịch. Trong các cuộc trao đổi và tranh luận thường xuất hiện một hỗn hợp khá đa dạng các vấn đề, bao gồm chính sách học thuật và thực tiễn, những vấn đề về cơ sở hạ tầng, bộ máy hành chính, tiền lương, v.v… Những nhóm lợi ích cụ thể khác, bao gồm các đảng phái chính trị, công đoàn, đại diện sinh viên, và một số nhóm khác, cuối cùng sẽ chọn một trong những ứng cử viên mà họ ủng hộ. Đáng buồn thay, những cuộc tấn công cá nhân và tin tức giả mạo ngày càng trở nên phổ biến, do những phần tử xấu ẩn danh lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội và tin nhắn cho các nhóm. Vì chiến dịch tranh cử chỉ diễn ra giữa các ứng cử viên địa phương, họ thường sa đà vào những cuộc tranh luận nông cạn về những vấn đề nội bộ, trong khi thiếu sự kết nối nền tảng với xã hội mà trường đại học có trách nhiệm phục vụ.

Những ưu điểm và hạn chế của hệ thống bầu chọn

Quá trình bầu chọn tổng thể có ưu và nhược điểm. Các ứng cử viên nhất thiết phải là giáo sư cơ hữu tại trường đại học, điều này khiến hạn chế đến mức thấp nhất cơ hội của những ứng viên tiềm năng tốt với những kỹ năng quản trị và trình độ học vấn cần thiết, những người có thể đến từ một trường đại học khác hoặc thậm chí một lĩnh vực khác. Tuy nhiên, để cuối cùng tạo ra sự thay đổi nhằm thu hút những ứng viên có hồ sơ khác nhau, cần phải thay đổi điều kiện, quan trọng nhất là mức lương và thời hạn của nhiệm kỳ. Trên thực tế, không có lương bổ sung cho hiệu trưởng, thay vào đó là một khoản cổ tức bổ sung, trong trường hợp của Unicamp, hiện vào khoảng 1200 USD mỗi tháng. Ngoài ra, thời hạn bốn năm là không đủ để thực hiện những thay đổi hoặc dự án đột phá. Việc hạn chế hiệu trưởng phục vụ tiếp nhiệm kỳ thứ hai gây bất ổn cho các chương trình đại học, vì các chương trình nghị sự có thể thay đổi đáng kể sau mỗi bốn năm. Điều này cản trở việc triển khai những thay đổi chính sách đòi hỏi nhiều năm mới cho thấy rõ hiệu quả, hoặc có thể bị coi là không thích hợp và kết quả là hạn chế cơ hội được bầu của một người kế nhiệm có cùng chí hướng.

Trên thực tế, luôn có khả năng xảy ra những thay đổi chính sách lớn sau mỗi bốn năm. Những bài phát biểu theo chủ nghĩa dân túy có thể đưa ra những lời hứa hẹn nhằm thu hút phiếu bầu từ những nhóm cụ thể trong trường đại học. Nếu được thực hiện, một số cam kết này có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính của trường đại học hoặc chấm dứt những sáng kiến ​​quan trọng.

Giai đoạn chiến dịch vận động cung cấp cho ứng viên hiểu biết sâu hơn về những vấn đề mà những những bộ phận khác nhau trong trường đang phải đối mặt. Sự tham gia của cán bộ nhân viên và sinh viên đảm bảo rằng mọi thành phần đều tích cực tham gia vào quá trình này và có cơ hội bày tỏ mối quan tâm của họ. Các ứng cử viên phải chuẩn bị trước kế hoạch hành động của họ và những cuộc thảo luận này giúp xây dựng kế hoạch mạnh mẽ hơn.

Nhìn chung, hệ thống quản trị trong các trường đại học công lập ở Brazil (và Mỹ Latinh) có rất nhiều không gian để cải tiến, nhưng cũng có những yếu tố giá trị cần được duy trì. Một hệ thống tốt hơn có thể xem xét những thực tiễn đang được áp dụng ở những nơi khác nhằm xác định vai trò của lãnh đạo trường đại học, ví dụ một hội đồng tuyển chọn để tìm kiếm những chuyên gia có năng lực ở bên trong hoặc bên ngoài trường đại học. Hệ thống cũng có thể cho phép sự tham gia rộng rãi hơn của những thành phần khác nhau của xã hội. Điều này sẽ làm suy yếu mô hình gồm những lời hứa, kỳ vọng và “sự đền ơn” sau chiến dịch, mô hình có thể gây tổn hại đến các kế hoạch hành động. Mặt khác, sự tham gia của cả cộng đồng trường đại học vào cuộc bầu chọn, cũng như những cuộc thảo luận sâu sắc diễn ra trong chiến dịch vận động tranh cử là những thực tiễn lành mạnh cần được duy trì trong một hệ thống quản trị cải tiến, điều này cuối cùng sẽ hỗ trợ vai trò của trường đại học như một hoạt động công ích.