Oğuz Esen là Giáo sư kinh tế học và Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế İzmir, İzmir, Thổ Nhĩ Kỳ. Email: oguz.esen@ieu.edu.tr.
Tóm tắt: Giáo dục đại học ở Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch COVID-19. Từ tháng 4 năm 2020, hình thức đào tạo từ xa đã thay thế cho đào tạo trực tiếp. Năm 2021, tình hình bất định nói chung ảnh hưởng đến việc lựa chọn ngành học và đăng ký vào đại học của học sinh trung học, đặc biệt là học sinh năm cuối cấp từ những gia đình có thu nhập thấp. Những học sinh này phải hoãn dự định học đại học hoặc chọn theo học hệ đào tạo mở. Nhu cầu tăng lên đối với giáo dục mở, với các chương trình dạy nghề chính quy hai năm và chương trình đại học chính quy trong các trường đại học tư thục.
Trong đợt dịch, số lượng sinh viên nhập học vào các trường đại học ở Thổ Nhĩ Kỳ tăng 242.647 thí sinh so với năm trước. Ở nhiều nước khác trên thế giới, nhu cầu về giáo dục đại học giảm đi vì dịch COVID-19, do đó hiểu được vì sao ở Thổ Nhĩ Kỳ tình hình lại khác là điều quan trọng. Mục đích của bài viết này là đóng góp vào cuộc thảo luận về tác động của dịch bệnh đối với giáo dục đại học, trong đó tập trung vào giáo dục đại học Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong thời gian dịch bệnh, đã diễn ra những cuộc tranh luận gay gắt về mức độ ảnh hưởng đối với nhu cầu giáo dục đại học. Có ý kiến cho rằng sự lo ngại về sức khỏe lẫn khủng hoảng kinh tế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu giáo dục đại học. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, có hai yếu tố đối lập ảnh hưởng đến nhu cầu học đại học. Một mặt, thu nhập gia đình giảm có xu hướng làm giảm bớt nhu cầu; mặt khác, chi phí cho cơ hội học hành gần như bằng không lại làm tăng nhu cầu.
Tuy nhiên lần này tình hình có khác. Khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng và những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh khiến gia tăng sự bất bình đẳng. Đã có dự đoán rằng sự gia tăng bất bình đẳng về thu nhập do đại dịch gây ra sẽ làm giảm nhu cầu giáo dục đại học trong các nhóm thu nhập thấp và tăng trong các nhóm thu nhập cao. Xét tới sự bất bình đẳng nghiêm trọng hiện nay về thu nhập giữa các sinh viên đại học ở Thổ Nhĩ Kỳ, người ta cho rằng dịch bệnh sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng này thông qua sự giảm sút nhu cầu giáo dục đại học.
Ít đơn đăng ký thi tuyển vào đại học hơn
Bước đầu tiên để vào đại học Thổ Nhĩ Kỳ là nộp đơn thi tuyển. Trong hệ thống giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ, đây là cách duy nhất để vào trường đại học. Học sinh của các trường trung học phổ thông và các trường trung học nghề đều có thể đăng ký thi. Các cơ sở giáo dục trung học gồm ba loại hình chủ yếu: trường trung học phổ thông (công lập và tư thục), trường trung học nghề và trường trung học tôn giáo. Theo báo cáo, học sinh thuộc nhóm thu nhập thấp nhập học vào các trường trung học dạy nghề và trường tôn giáo nhiều hơn so với học sinh thuộc nhóm thu nhập trung bình và cao.
Số lượng đăng ký dự thi đại học năm 2020 giảm 91 ngàn người, tương ứng với mức giảm 4%. Điều này đã chấm dứt xu hướng tăng trung bình 4,4% trong 5 năm trước.
Có bốn nhóm đối tượng đăng ký dự thi đại học. Nhóm đầu tiên bao gồm học sinh năm cuối phổ thông và dạy nghề, và nhóm thứ hai, bao gồm những học sinh đã tốt nghiệp nhưng trước đó chưa đậu vào đại học; hai nhóm này chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số những người đăng ký dự thi. Ví dụ năm 2020, hai nhóm này chiếm 75% số người nộp đơn. 25% còn lại bao gồm nhóm thứ ba, là những người trước đó đã tốt nghiệp một trường đại học và nhóm thứ tư, là những sinh viên vẫn đang học trong một trường đại học.
Trước đại dịch, hầu hết thí sinh thuộc nhóm đầu tiên là học sinh năm cuối trung học phổ thông. Điều này đã thay đổi trong năm 2020, số học sinh đã tốt nghiệp những năm trước nhưng “chưa đậu đại học” lớn hơn số lượng học sinh năm cuối phổ thông. Trên thực tế, năm 2020, số lượng thí sinh năm cuối phổ thông thậm chí đã giảm xuống thấp hơn mức của năm 2015. Sự thay đổi xu hướng này là ảnh hưởng đầu tiên của dịch COVID-19.
Số lượng thí sinh đến từ các trường trung học phổ thông bình thường chỉ giảm nhẹ; trong khi đó, số lượng đăng ký đến từ những trường trung học tư thục đào tạo bằng ngoại ngữ tăng đáng kể, lên đến 67%. Số lượng thí sinh đến từ các trường trung học tôn giáo giảm 5%, trong khi số lượng thí sinh từ các trường trung học dạy nghề giảm mạnh hơn, đến 10%.
Nhu cầu tăng đối với giáo dục từ xa, đào tạo nghề và đại học tư thục
Bước thứ hai để vào đại học là nhập học. Năm học 2020–2021 có 1.609.913 sinh viên mới nhập học đại học, 53% theo hệ giáo dục chính quy và 47% theo hệ giáo dục mở. Số lượng nhập học tăng 18% so với năm 2019–2020 và cao hơn nhiều so với mức trung bình 2,7% trong 5 năm trước.
- Giáo dục chính quy so với giáo dục mở: Năm 2020–2021, số sinh viên nhập học đại học tăng 113.338 sinh viên, tức tăng 16% so với năm trước, trong đó 24% (27.112 sinh viên) đăng ký vào giáo dục chính quy, và phần còn lại (76%) đăng ký vào giáo dục mở.
- Giáo dục chính quy, so sánh đại học công lập và tư thục: Đã có thêm 27.112 lượt đăng ký vào hệ đại học chính quy trong năm 2020–2021 và tăng 5,5% vào các chương trình đào tạo trực tiếp. Tỷ lệ nhập học chính quy vào các trường đại học công lập tăng 4%, và vào các trường đại học tư thục tăng 15%. Trong số gia tăng này, có 44% đăng ký vào các trường đại học công, và 46% đăng ký vào các trường đại học tư thục. Đây là tình huống mới lạ và thú vị; một nửa số sinh viên nhập học tăng thêm là vào các trường đại học tư thục, vốn đã trở thành một nguồn chính đáp ứng nhu cầu học đại học tăng lên.
- Chương trình hai năm: Năm 2021, có thêm 23.567 sinh viên nhập học chương trình đào tạo trực tiếp hai năm, tăng 7%. Các chương trình hai năm trực tiếp trong trường đại học công lập và tư thục có tỷ lệ tăng trưởng như nhau, khoảng 7–8%, nhưng các trường đại học công lập chiếm tới 79% tổng số sinh viên.
- Giáo dục từ xa: trong năm học 2020–2021 tổng số sinh viên nhập học tăng 35%. Số lượng nhập học vào các chương trình dạy nghề tăng 31% và vào các chương trình đại học tăng 39%. Đối với giáo dục từ xa, những con số này cho thấy sự khởi đầu của một xu hướng mới, bởi vì năm học 2019–2020, tuyển sinh vào chương trình đào tạo từ xa của các trường dạy nghề chỉ tăng 2%, còn vào chương trình đào tạo đại học giảm 5%.
Kết luận: Xu hướng đăng ký và tỷ lệ đậu đại học
Trong giai đoạn COVID-19, số lượng thí sinh tham dự kỳ thi tuyển đại học giảm. So với năm 2019, trong số bốn nhóm đối tượng đăng ký thi năm 2020, sự sụt giảm lớn nhất là ở nhóm học sinh cuối cấp của các trường trung học chuyên nghiệp và trường tôn giáo. Số lượng học sinh cuối cấp đăng ký thi giảm, nhưng số lượng đăng ký của những học sinh đã tốt nghiệp, nhưng chưa đậu đại học những năm trước – lại tăng lên, lần đầu tiên vượt qua số lượng đăng ký của học sinh cuối cấp. Học sinh cuối cấp của tất cả các loại hình trường học đăng ký thi đều giảm, nhưng mức sụt giảm lớn nhất là ở học sinh trung học chuyên nghiệp. Số lượng đăng ký của học sinh cuối cấp từ các trường trung học phổ thông công lập tăng nhẹ, mức tăng chủ yếu là từ những trường trung học phổ thông tư thục có chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài.
Tỷ lệ học sinh trung học phổ thông đậu vào đại học và học sinh trung học chuyên nghiệp đậu vào chương trình học nghề hai năm bị sụt giảm. Năm 2020, tỷ lệ đậu vào đại học của những thí sinh đã tốt nghiệp phổ thông trung học và trung học chuyên nghiệp nhưng chưa đậu đại học những năm trước – tiếp tục tăng bằng mức tăng của năm trước, trong khi tỷ lệ đậu đại học của những thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông và có sự chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học tăng gần gấp đôi so với tỷ lệ đậu của học sinh cuối cấp trung học phổ thông.
Dịch bệnh ảnh hưởng nhiều nhất đến những học sinh có thu nhập thấp trong năm cuối cấp của họ, những người này hoặc phải hoãn kế hoạch học tiếp lên đại học hoặc chọn con đường giáo dục mở.
Tuy nhiên, tình hình đảo ngược đối với học sinh trung học nghề. Nói cách khác, nếu học sinh trung học chuyên nghiệp, thường từ những gia đình có thu nhập thấp hơn, không thi đậu vào một chương trình nào trong năm cuối trung học của họ, thì cơ hội vào đại học của họ sẽ giảm đi một nửa. Số lượng nhập học vào các chương trình đại học và dạy nghề hai năm đều tăng, nhưng lĩnh vực tăng trưởng chính là giáo dục từ xa. Các trường đại học công lập có số lượng nhập học vào các chương trình dạy nghề hai năm và giáo dục mở tăng lên, nhưng các trường đại học tư thục có tỷ lệ sinh viên nhập học vào các chương trình đại học cao hơn.
Dịch bệnh ảnh hưởng nhiều nhất đến những học sinh có thu nhập thấp trong năm cuối cấp của họ, những người này hoặc phải hoãn kế hoạch học tiếp lên đại học hoặc chọn con đường giáo dục mở. Trong khi đó, nhu cầu học đại học hoặc học nghề hai năm của những học sinh đã tốt nghiệp trung học và trượt đại học những năm trước – lại tăng lên. Các chương trình đại học của các trường đại học tư thục có số lượng đăng ký tăng lên là do học sinh cuối cấp của các trường trung học tư thục. Khi ảnh hưởng của dịch bệnh thấm hơn, ta có thể dự đoán rằng những xu hướng mới nổi này sẽ còn tiếp tục.