COVID-19 và giáo dục đại học tư thục

 

Daniel C. Levy là Giáo sư danh dự của SUNY, Khoa Chính sách Giáo dục và Lãnh đạo, Đại học Albany, Hoa Kỳ. Email: dlevy@albany.edu. Chương trình Nghiên cứu Giáo dục Đại học Tư thục (PROPHE) thường xuyên đóng góp các bài viết cho IHE.

Tóm tắt: Những khác biệt và tương đồng rõ rệt giữa giáo dục đại học tư thục và công lập trong các chính sách và ảnh hưởng của COVID-19-19 đang lộ diện. Giữa những thành phần khác nhau của khu vực tư nhân cũng tương tự như vậy. Mặc dù những cơ sở tư thục mức trung bình có thể phải đối mặt với rủi ro cao vì ảnh hưởng của COVID-19-19, và những cơ sở thu hút đông sinh viên được dự báo là có nguy cơ cao nhất, trong thời kỳ dịch bệnh vẫn có những yếu tố bù đắp, bao gồm cả những lợi thế nhất định liên quan đến chính sách tự chủ và sự linh hoạt của khu vực tư nhân.

Đa số nghiên cứu về COVID-19-19 trong giáo dục đại học chỉ xem xét giáo dục đại học một cách chung chung, nhưng cũng có những nghiên cứu nhận ra và thậm chí còn so sánh những hiện tượng trong giáo dục đại học (ví dụ chính sách của địa phương trong một quốc gia). Giữa giáo dục đại học tư thục và công lập chắc chắn có sự tương phản nổi bật đáng chú ý. Tuy nhiên, giáo dục đại học tư thục (private higher education – PHE) cận biên có thể đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới từ nửa thế kỷ trước đây, hiện nay nổi bật lên trong mọi khu vực toàn cầu và chiếm một phần ba tổng số tuyển sinh toàn cầu.

Bối cảnh

Ở đây, chúng tôi đề cập đến những điểm tương đồng và khác biệt đáng chú ý trong chính sách của giáo dục đại học công lập và tư thục nhằm đối phó với COVID-19-19 và ảnh hưởng của nó, đồng thời cũng so sánh giữa những thành phần khác nhau bên trong PHE. Chúng tôi dựa trên phân tích sơ bộ của 14 quốc gia, và sau đó theo dõi trên toàn cầu. Mặc dù có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia, chúng tôi vẫn nhận ra những hình mẫu toàn cầu, khá nhất quán với những phát hiện chung trong những nghiên cứu cụ thể về PHE, về sự khác biệt giữa công lập và tư thục, và sự khác biệt bên trong PHE.

Chính sách

Câu hỏi ai là người đưa ra chính sách COVID-19-19 minh họa cho sự xuất hiện của những hình mẫu chung. Chính phủ can thiệp sâu và mạnh mẽ hơn đối với khu vực công (so với khu vực tư nhân), và chính phủ có xu hướng đưa ra chính sách khá thống nhất cho toàn bộ khu vực công. Các chủ thể tư nhân có nhiều tiếng nói hơn trong việc hoạch định chính sách COVID-19 trong khu vực tư nhân, và bởi vì các chủ sở hữu là gia đình, doanh nghiệp, nhà thờ … phần lớn chỉ điều hành cơ sở riêng của họ, nên việc hoạch định chính sách COVID-19 trong khu vực tư nhân được phân cấp và khác biệt nhiều hơn, thường ở cấp trường. Việc xem xét kỹ hơn vai trò của chính phủ cũng cho thấy một số hình mẫu kém rõ ràng hơn. Một là, với mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng COVID-19 đối với sức khỏe cộng đồng và kinh tế, chính sách của chính phủ thiên về kiểm soát nhiều hơn đối với cả hai khu vực giáo dục đại học. Trong khu vực công, đại diện giảng viên và sinh viên ít tham gia trực tiếp vào việc hoạch định chính sách (COVID-19) hơn so với những chính sách khác. Đối với khu vực tư nhân, sự kiểm soát cực đoan nhất của chính phủ chỉ đến mức xem các cơ sở đào tạo có đóng cửa hay không. Chắc chắn, những chính thể có bản chất can thiệp sẽ không ngần ngại áp đặt yêu cầu của họ lên chính sách COVID-19 của PHE, ví dụ yêu cầu các cơ sở tư thục phải trả lại các khoản phí nào cho sinh viên khi các lớp học không diễn ra trực tiếp. Trung Quốc nằm trong số những quốc gia cấm thu trước tiền ký túc xá, tiền ăn và buộc các cơ sở tư thục hoàn trả hai khoản thu này theo tỷ lệ đối với kỳ Xuân 2020.

Tuy nhiên, thông thường, các chính phủ không chỉ đạo khu vực tư nhân nhiều như khu vực công, vẫn cho phép các cơ sở tư thục tự đưa ra những quyết định khác dựa trên đánh giá của họ về tài chính, sức khỏe và sự phù hợp, như ở Nhật Bản. Các trường tư thục trên thế giới đôi khi chọn cách vẫn mở cửa hoặc vẫn dạy và học trực tiếp, trong khi các trường công lập đóng cửa hoặc chỉ đào tạo trực tuyến. Trong khi đó, mặc dù sinh viên và gia đình họ trông cậy vào sự cứu trợ từ cả chính phủ và các trường đại học, dĩ nhiên áp lực trong mỗi khu vực là khác nhau, trong khu vực công lập chính phủ chịu nhiều áp lực hơn, còn trong khu vực tư nhân là các cơ sở đào tạo.

Do có sự phân quyền lớn hơn trong quá trình hoạch định chính sách, PHE nhiều lần chứng tỏ linh hoạt hơn trong việc đối phó với COVID-19. Những phản ứng về mặt chính sách của khu vực công bị hạn chế nhiều hơn bởi luật công vụ, quyền công đoàn và bởi quy tắc rằng mọi việc thực hiện ở bất kỳ nơi nào trong khu vực công đều phải được tiêu chuẩn hóa và bình đẳng trong toàn khu vực. Có lẽ đây là điều trái ngược hoàn toàn với các trường tư thục bán tinh hoa (tinh hoa cấp quốc gia, không phải cấp quốc tế), vì đặc trưng của những trường này là có kỹ năng quản lý chuyên nghiệp cùng với quyền quản trị phân cấp; cả hai yếu tố này cho phép họ hành động nhanh chóng, kể cả những hành động khác thường. Tuy nhiên, ngay cả những PHE “thu hút đông sinh viên”, không thuộc loại tinh hoa, cũng nhiều lần cho thấy sự linh hoạt trong phản ứng với COVID-19. Một lần nữa, hình thức quản trị phân cấp tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh học phí và hạn ngạch tuyển sinh phù hợp với nhu cầu của tổ chức, và thực tế nhiều lần đã chứng minh rằng các trường tư thục dễ dàng chuyển sang học trực tuyến hơn so với các trường công lập.

Thực tế là những trường đại học thu hút đông sinh viên có một số lợi thế về tính linh hoạt so với các trường đại học tôn giáo hoặc trường đại học bán tinh hoa: Giảng viên của họ phần lớn là bán thời gian, nên dễ bị loại bỏ hơn, hoặc vĩnh viễn hoặc tạm thời; những chương trình đào tạo tuyển được ít sinh viên cũng tương tự, trong khi các phòng thí nghiệm, khu học xá, và cơ sở hạ tầng thường thưa thớt, như vậy có thể giảm bớt gánh nặng chi phí. Đôi khi, thứ hạng học thuật thấp của các trường tư thục không tinh hoa lại có nghĩa là họ đã có những chương trình đào tạo trực tuyến từ trước khi xảy ra COVID-19, một bước khởi đầu để đối phó với COVID-19. Ngay cả ở Hoa Kỳ, nơi mà sự khác biệt giữa giáo dục đại học công lập và tư thục nói chung ít rõ rệt hơn nhiều so với nơi khác, sự linh hoạt hơn của PHE về cả doanh thu lẫn chi phí cũng rất đáng chú ý.

 

Vì sao những lời tiên tri Cassandra (hoặc đôi khi là niềm hân hoan không thể kiềm chế!) về sự sụp đổ hàng loạt của PHE, hoặc ít nhất là phần không tinh hoa của nó, thường không thành hiện thực?

 

Ảnh hưởng

Vì sao những lời tiên tri Cassandra (hoặc đôi khi là niềm hân hoan không thể kiềm chế!) về sự sụp đổ hàng loạt của PHE, hoặc ít nhất là phần không tinh hoa của nó, thường không thành hiện thực? Tính linh hoạt trong hoạch định chính sách của khu vực tư thục như vừa nêu trên là một lý do. Một lý do khác nữa là nền kinh tế suy thoái có ít việc làm hơn khiến nhiều người lao động đăng ký theo học đại học, trong cả những trường tư thục trực tuyến và không tinh hoa. Mặc dù kinh tế suy thoái làm sụt giảm ngân sách chính phủ dành cho giáo dục đại học, khu vực PHE ít bị cắt giảm hơn nhiều, do PHE ít phụ thuộc vào trợ cấp của chính phủ; nếu ngân sách công tiếp tục bị cắt giảm, điều này có thể làm tổn hại tới chất lượng của đại học công lập và gây ra tình trạng rối loạn đến mức các gia đình sẽ bỏ chạy sang các trường đại học tư thục và đại học tôn giáo.

Trong khi đó, không khó để nhận ra rằng du học quốc tế giảm sút lại tạo ra nguồn sinh viên mới cho các trường tư thục nội địa bán tinh hoa – vẫn được coi là mô hình thu nhỏ của trải nghiệm định hướng Hoa Kỳ hoặc định hướng phương Tây, với vị thế học thuật và xã hội mà những người có đủ khả năng tài chính hướng đến khi đi du học nước ngoài, và họ có thừa khả năng chi trả tại quê nhà (ví dụ như ở Việt Nam). Mặt khác, thực trạng hiện nay của du học quốc tế cũng nhắc nhở chúng ta về mức độ thiệt hại trầm trọng do COVID-19 gây ra đối với cả hai khu vực: các trường đại học tư thục bán tinh hoa và các trường đại học công lập hàng đầu đều bị thiệt hại bởi sự thu hẹp dòng du học sinh từ những nước kém phát triển hơn. Vì thế Nhật Bản nhận thấy việc hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế cũng như sinh viên trong nước – bất kể của trường tư thục hay công lập – là phù hợp. Thực trạng du học nước ngoài cũng cho thấy mức độ ảnh hưởng của COVID-19 đối với từng quốc gia cụ thể; ví dụ, PHE của Pháp đặc biệt phụ thuộc vào sinh viên quốc tế.

Bất chấp những khác biệt, việc phân tích sớm tác động của COVID-19 củng cố một bài học rõ ràng được đúc kết từ những nghiên cứu tích lũy về PHE: Những trường thu hút đông sinh viên dễ bị tổn thương nhất mỗi khi nhu cầu giáo dục đại học nói chung giảm bớt hoặc suy yếu. Đó là những cơ sở đào tạo chỉ cung cấp vị thế và chất lượng học thuật thấp trong khi vẫn dễ dàng thu học phí cao hơn mức phí của các cơ sở công lập. Đánh giá tổng quát về COVID-19 (đúng đối với mọi lĩnh vực) cho thấy tác động tiêu cực trong giáo dục đại học chủ yếu rơi vào nhóm sinh viên có thu nhập thấp, và thể hiện đặc biệt rõ nét trong những trường đông sinh viên ở những quốc gia có thu nhập thấp. Khác biệt lớn nhất và khá phổ biến giữa giáo dục tư thục và công lập là mức học phí, nên không có gì ngạc nhiên khi, trong giai đoạn COVID-19, điều này gây tác động khác biệt rất lớn đối với PHE nói chung và đối với những PHE thu hút đông sinh viên nói riêng, như ở Ấn Độ. Khách hàng thường không vượt qua được những khó khăn tài chính và không thể trả học phí. Và dĩ nhiên, PHE phải gánh chịu thiệt hại khi những gia đình, doanh nghiệp, hoặc nhà thờ là chủ sở hữu của trường bị thiệt hại. Thiệt hại đặc biệt nặng nề khi PHE chỉ được hỗ trợ rất ít từ những chương trình cứu trợ của chính phủ so với giáo dục đại học công lập (mặc dù một số trường tư thục nhận được tiền từ những chương trình giải cứu doanh nghiệp của chính phủ). Trong trường hợp cả hai khu vực được viện trợ khẩn cấp, thì đôi khi khu vực tư nhân sớm bị chấm dứt viện trợ hơn.

Còn quá sớm để biết được những chính sách tiếp theo sẽ là gì hay ảnh hưởng cuối cùng của COVID-19-19 sẽ thế nào. Tuy nhiên, chúng tôi đã nhận diện được những hình mẫu khác biệt quan trọng giữa hai khu vực tư thục và công lập và bên trong khu vực tư thục – những mẫu hình rất đáng được nghiên cứu tiếp.